Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 25/2/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 10: 13-16)
 
13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
 

SUY NIỆM 1

 
Chúa Giê-su rất thương mến trẻ em, dù cho quan niệm người cùng thời với Chúa khinh miệt trẻ em, hay có lúc các môn đệ khó chịu khi thấy cha mẹ các em mang các em đến với Chúa để được Chúa chúc lành.

Phải nói tình thương của Chúa dành cho trẻ em là bài học quý giá về cách giáo dục con cái. Giáo dục con cái sẽ trở nên hiệu quả, trước hết cha mẹ hãy để con cái đến với Chúa. Vì mái trường của Thầy Giê-su là mái trường đào tạo con người được đạt đến sự trưởng thành toan vẹn về đạo đức, nhân bản và đức tin. Những ai vui thích và kiên trì học trong mai trường của Thầy Giê-su, những người đó sẽ ảnh hưởng và gần như đạt đến sự trọn hảo như Chúa Giê-su trong đời sống đạo, trong suy nghĩ, lời nói và việc làm.

Xin cho những người làm cha làm mẹ, luôn biết thúc đẩy con cái của mình tìm đến mai trường tuyệt vời có tên là Giê-su để học tập theo gương của Người. Amen.

GKGĐ Giáo Phân Phú Cường
 
 
 

SUY NIỆM 2

  1. Đức Giêsu và trẻ em
Như chúng ta đều biết, Đức Giê-su có thái độ ưu ái đặc biệt đối với trẻ em. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe chứng tỏ điều này; và ngay trước đó, khi các môn đệ tranh cãi với nhau về vấn đề ai là người lớn nhất, Ngài nói:
Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
(Mc 9, 35-37).
Tại sao vậy? Như tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng, yêu thích trẻ em, là một khuynh hướng rất tự nhiên. Ai trong chúng ta cũng thích trẻ em, và Đức Giê-su cũng vậy. Có lẽ vì chúng ta nhận ra nơi trẻ em có cái gì đó vừa nguyên tuyền, vì còn được bao bọc, và vừa kì diệu, vì em bé không thể chỉ là tác phẩm của cha mẹ, nhưng còn là và nhất là của Thiên Chúa nữa. Vì thế, khi em bé sinh ra “mẹ tròn con vuông”, cha mẹ và cả họ hàng đều tạ ơn Chúa, vì em bé còn là quà tặng của Thiên Chúa, còn là con Thiên Chúa nữa.
  1. Trẻ em và Nước Trời
Có một điều chúng ta nên học hỏi, đó là người Tây Phương thường để các em bé hồn nhiên trong Nhà Thờ, và đón tiếp chúng cách thích hợp, chứ không theo khuôn khổ, luật lệ và nghi thức của người lớn. Tuy nhiên, sự kiện Đức Giê-su ưu ái các em bé, còn có một lí do khác nữa:
Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.
(c. 14)
Đức Giê-su đến để loan báo Nước Trời, và khuôn mẫu của Nước Trời, chính là trẻ em: “Nước Trời là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”; và trong Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu, Người còn nói mạnh hơn: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào NT” (Mt 18, 3).

  1. “Giống như trẻ em”?
Chúng ta thường hiểu “trở nên giống như trẻ em”, là phải hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng. Nhưng rất tiếc là không thể được, vì ở tuổi của chúng ta, đó sẽ là “hồn nhiên và ngây thơ cụ”; hơn nữa, chúng ta  mang “thương tích” đầy mình, làm sao mà trong trắng như trẻ em được. Vì thế, chúng ta phải hiểu lời của Đức Giê-su ở mức độ đơn sơ hơn, nhưng không kém phần sâu xa.
  1. Trở nên như em bé là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì em bé không thể sống một mình. Sâu sa hơn, em bé không thể đón nhận sự sống từ chính mình, nhưng từ những người khác, nhất là từ những thân yêu.
  2. Trở nên như em bé, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành. Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi :
Phúc thay những người hiền lành, vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp
(Mt 5, 4)
Và lời Thánh Vịnh:
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
(Tv 8, 3)
  1. Trở nên « em bé » là ơn gọi trở nên con của Thiên Chúa cha, là luôn sống như con của Thiên Chúa Cha, giống như Đức Giê-su, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì. Vì khi gặp một em bé, chúng ta luôn hỏi: “con ai vậy?” Vì thế, “trẻ em” có nghĩa là “người con”, là con của ai đó.
*  *  *
Chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”, vì thế chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi sống tương quan Cha-Con với Thiên Chúa, dù chúng ta ở tuổi nào, dù chúng ta có chức tước gì (Ông, Bà, Cha, Dì, Sơ, Thầy…) hay bị rơi vào trong tình cảnh nào. Khuôn mẫu của chúng ta, là chính Đức Giê-su, Con Thiên Chúa; Ngài luôn luôn sống và sống đến cùng tương quan Cha-Con với Thiên Chúa. Và nếu tất cả chúng ta đều là con Thiên Chúa, “nhờ, trong và với” Đức Kitô, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau, dù trong cách xưng hô, chúng ta gọi nhau như thế nào đi nữa. Đó chính là Nước Trời.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc