Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Phút cảm nhận tin mừng ngày 30/9/2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận tin mừng ngày 30/9/2020
“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62).
Ngày xưa, có anh chàng đẹp trai, được cha mẹ mua cho chiếc áo mới, hàng ngày anh mặc chiếc áo ấy và đi khoe hết mọi người trong làng. Mới đầu dân làng còn khen, nhưng sau họ bỏ đi hết, không muốn nói chuyện với người thanh niên ấy bởi chiếc áo không được giặt nên phát mùi hôi. Người ta khuyên anh nên thay áo khác, nhưng anh không muốn từ bỏ cái đã cũ để mặc cái mới hơn.
Có ba trường hợp muốn đi theo Đức Giêsu, thì cả ba đều không có thái độ dứt khoát.
Người thứ nhất do không chịu được khó khăn vất vả, nay đây mai đó, ăn uống thất thường, ngủ nghỉ tạm bợ.
Người thứ hai do nặng nề tình cảm gia đình, xa cha mẹ, xa anh chị em. Sợ cha mẹ già không ai chăm sóc, khi chết không ai chôn cất...
Người thứ ba còn luyến tiếc những ngày thơ mộng bên gia đình. Hoài niệm nhưng hình ảnh cũ mà không nghĩ gì về tương lai.
Tin Mừng hôm nay tường thuật những người xin đi theo Đức Giêsu, Ngài cũng mời gọi họ phải từ bỏ tất cả, kể cả những cái gắn liền với cuộc sống của họ như công việc hay tình cảm: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần ngươi hãy theo Ta... ai tra tay cầm cày mà còn ngoảnh lại nhìn đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (x. Lc 9, 59-62).
Cảm nhận tin mừng: Khi chịu phép rửa, chúng con đã hứa từ bỏ những gì làm xa cách Chúa. Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa cho trọn. Chấp nhận sự bấp bênh do người khácgây nên.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin cho chúng con biết sẵn sàng từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, nếu điều này làm cho chúng con xa Chúa. Xin cho chúng con bước theo Chúa mỗi ngày. Amen.

Ngày 30/09

Thánh Giêrôme (345 - 420)

 

Hầu hết các thánh được nhớ đến là vì một vài nhân đức trổi vượt hay sự sùng kính đặc biệt của các đấng, nhưng Thánh Giêrôme được nhớ đến là vì tính nóng nẩy! Thật sự người rất nóng tính và có tài viết cay độc. Tình yêu của người dành cho Thiên Chúa và Ðức Kitô Giêsu thật mãnh liệt, nên bất cứ ai dạy bảo điều gì sai trái người đều coi là kẻ thù của Thiên Chúa và chân lý, và Thánh Giêrôme theo đuổi người ấy đến cùng với lối viết táo bạo và đôi khi châm biếm.

 

Trên tất cả người là một học giả Kinh Thánh, dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh. Người cũng viết những bài chú giải là nguồn cảm hứng về kinh thánh cho chúng ta ngày nay. Người là một sinh viên nhiều tham vọng, một học giả thông suốt, một văn sĩ phi thường và là cố vấn cho các tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustine nói về người, “Ðiều mà Thánh Giêrôme không biết, thì thần chết cũng không biết.”

 

Thánh Giêrôme đặc biệt nổi tiếng trong việc chuyển dịch Kinh Thánh mà cuốn người dịch được gọi là Vulgate. Ðó không phải là bộ Kinh Thánh tuyệt hảo nhưng Giáo Hội công nhận đó là một kho tàng. Như các học giả ngày nay nhận xét, “Không ai trước thời Thánh Giêrôme hay cùng thời với người và rất ít hậu sinh sau đó hàng thế kỷ cũng không đủ khả năng để thực hiện công trình đó.” Công Ðồng Triđentinô đã tu sửa bản Vulgate và công bố đó là văn bản chính thức được dùng trong Giáo Hội.

 

Ðể thực hiện công trình đó, Thánh Giêrôme đã phải chuẩn bị rất kỹ. Người là bậc thầy về tiếng La Tinh, Hy Lạp, Hebrew và Canđê. Học vấn của người bắt đầu từ nơi sinh trưởng, ở Stridon thuộc Dalmatia (Nam Tư cũ). Sau giai đoạn giáo dục sơ khởi, người đến Rôma, là trung tâm học thuật thời ấy, và đến Trier, nước Ðức, là nơi quy tụ các học giả. Mỗi nơi người sống một vài năm, để theo học với những bậc thầy tài giỏi.

 

Sau phần chuẩn bị kiến thức người tung hoành ở Palestine cốt để ghi nhận những nơi đã in dấu Ðức Kitô với lòng sùng kính dạt dào. Người cũng là một nhà thần bí, đã sống trong sa mạc Chalcis 5 năm để hy sinh cầu nguyện, hãm mình và nghiên cứu. Sau cùng người dừng chân ở Bêlem, là nơi người sống trong một cái hang mà người tin rằng Ðức Kitô đã sinh hạ ở đấy. Vào ngày 30 tháng Chín năm 420 Thánh Giêrôme từ trần ở Bêlem. Thi hài của người hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.

 

Lời Bàn

Thánh Giêrôme là một người thẳng tính, cương quyết. Người có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, thánh nhân là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Người mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrôme đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, “người cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ tuyên thánh cho người” (Ðời Sống Thánh Nhân của Butler).

 

Lời Trích

“Ở nơi xa xôi nhất của sa mạc hoang vu đầy đá sỏi, như thiêu đốt dưới cái nóng hực lửa của mặt trời đã khiến các tu sĩ cư ngụ nơi đây cũng phải khiếp sợ, tôi thấy mình như ở giữa những say mê và đàn đúm ở Rôma. Trong sự đầy ải và tù ngục mà tôi tự ý xử phạt mình vì sợ hỏa ngục, nhiều khi tôi thấy mình ở giữa đám thiếu nữ Rôma như tôi đã từng sống với họ: Trong cái cơ thể lạnh ngắt và trong da thịt nứt nẻ của tôi, dường như tôi đã chết trước khi thực sự chết, lại khao khát được sống. Cô đơn trước kẻ thù này, linh hồn tôi phủ phục dưới chân Ðức Giêsu, lấy nước mắt rửa chân Người, và tôi chế ngự xác thịt với những tuần lễ ăn chay. Tôi không xấu hổ để thố lộ những sự cám dỗ, nhưng tôi đau buồn vì trước đây tôi không được như bây giờ” (trích thư Thánh Giêrôme gửi Thánh Eustochium).


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:42

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/9/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/9/2020.
LỄ CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MI-CA-EN, GÁP-RI-EN, RA-PHA-EN. (Lễ kính).
“Các anh sẽ thấy các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51).
1. MICHAEL (quen gọi là Micae) nghĩa là “Người Giống Thiên Chúa” hoặc “Giống Như Thiên Chúa”.
2. RAPHAEL nghĩa là “Sức Mạnh Chữa Lành của Thiên Chúa” hoặc “Thiên Chúa Chữa Lành”.
3. GABRIEL nghĩa là “Sức Mạnh của Thiên Chúa” hoặc “Thiên Chúa là Sức Mạnh của Tôi”.
Mừng kính các Tổng lãnh Thiên thần là để nhớ đến các ngài trong chương trình của Thiên Chúa. Như Đức Giêsu đã nói: “Các ngươi sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51).
Cảm nhận tin mừng: Ngày nay chúng con có thể ít nghe nói đến các vị Thiên thần là tại, bởi, vì chúng con không quan tâm đến các ngài. Khi thoát khỏi nguy hiểm, chúng con cho là may mắn, nhưng kỳ thực các ngài đã ra tay che chở. Khi đau ốm buồn bã, các ngài tăng thêm cho sức mạnh ... Chúng con cần nhờ đến các ngài luôn mãi.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Các Thiên Thần là các Sứ gỉa được Chúa sai đến cùng đồng hành trợ giúp chúng con trong mọi hoàn cảnh đời sống. Qua lời chỉ dẫn của các ngài, xin cho chúng con luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa. Amen.


29 Tháng Chín
Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael

 

Các Thiên Thần là những thiên sứ của Chúa xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh, nhưng chỉ có thiên thần Micae, Gabriel và Raphael được nhắc đến tên mà thôi.

 

Thiên thần Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien như là "đại hoàng tử" để bảo vệ dân Israel khỏi những kẻ thù tấn công. Trong sách Khải Huyền, Thiên thần Micae dẫn đoàn quân của Chúa đến chiến thắng sau cùng trên quyền lực của ma quỷ. Lòng sùng kính thiên thần Micae đã có từ cổ xưa nhất, thịnh hành ở phương Ðông vào thế kỷ thứ 4. Giáo hội phương Tây bắt đầu lễ kính quan thầy thiên thần Micae và các thiên thần vào thế kỷ thứ 5.

 

Thiên thần Gabriel cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien, để công bố xứ mệnh của thiên thần Micae trong chương trình của Thiên Chúa. Sự xuất hiện nổi bật nhất của Thiên thần Gabriel là cuộc diện đàn với thiếu nữ Dothái tên là Maria (tức Ðức Mẹ Maria), Người vâng phục cưu mang Chúa Cứu Thế.

 

Những hoạt động của Thiên thần Raphael được thu gọn trong Cựu Ước của sách Tôbít. Thiên thần Raphael hiện ra để hướng dẫn con trai của Tôbít là Tôbia qua những đoạn trường mạo hiểm ly kỳ đưa đến kết thúc ba niềm vui, đó là: Tobia thành hôn với Sara, Tobia được chữa khỏi bệnh mù, và phục hồi gia sản của gia đình.

 

Lễ kính nhớ thiên thần Gabriel là ngày 24 tháng 3, thiên thần Raphael ngày 24 tháng 10 đã được ghi vào lịch Rôma vào năm 1921. Năm 1970, lịch được sửa đổi nhập chung hai ngày lễ kính này với ngày lễ kính thiên thần Micae.

 

Lời Bàn

 

Mỗi tổng lãnh thiên thần có những sứ mệnh khác nhau trong Thánh Kinh: thiên thần Micae bảo vệ, thiên thần Gabriel loan báo, thiên thần Raphael hướng dẫn. Ngày xưa người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được là do các việc làm của thần linh để tỏ lối cho cái nhìn của thế giới khoa học về một cảm nhận của nguyên nhân và ảnh hưởng khác. Tuy thế, những người có niềm tin vẫn kinh nghiệm về sự bảo vệ, liên lạc và hướng dẫn của Thiên Chúa trong những cách không diễn tả được. Chúng ta không thể coi nhẹ các thiên thần.

 


Trích NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:12

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 27/9/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 27/9/2020.
“Người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi’.” (Mt 21,28-29).
Một người bạn tâm sự: "Ngày còn nhỏ, tôi đã có lần sử sự với cha mẹ tôi như người con thứ nhất trong tin mừng hôm nay. Tôi cảm thấy vui khi làm việc, để cha mẹ đỡ vất vả".
Hai người con, hai thái độ khác nhau.
Người con thứ nhất, có thái độ chống đối cha mẹ là không làm theo ý cha mẹ dạy. Nhưng sau đó hối hận vì đã làm cha mẹ buồn, mà hăng hái đi làm.
Người con thứ hai có thái độ vâng lời cha mẹ cách nhiệt tình, nhưng rồi sự nhiệt tình ấy bằng con số không, nghĩa là anh ta hứa mà không làm.
Nước Thiên Chúa dành cho những người có niềm tin. Tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Niềm tin ấy phải được thể hiện bằng việc làm. Thánh Giacobe nói: “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết” (Gc 2,26). Tuyên xưng ngoài miệng không đủ, nhưng còn phải chứng minh bằng việc làm nữa.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con là loài thụ tạo yếu đuối, nhỏ bé luôn có những lỗi lầm. Chúng con cần biết nhận lỗi và sửa lỗi, tựa như người con cả đã từng từ chối lời mời gọi của cha mẹ, nhưng anh ta đã hối hận và sửa sai.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa đã dùng Bí tích Thánh Thể mà nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi lời Chúa, cho dù chúng con có thua thiệt mọi sự ở đời này nhưng chúng con sẽ có một gia tài vô cùng to lớn trên quê trời. Amen.


27 Tháng Chín
Thánh Vinh-sơn Phao-lô
(1580?-1660)

 

Cảnh một người hầu hấp hối xưng tội trên giường bệnh như đã mở mắt Vinh-sơn để nhìn thấy nhu cầu tâm linh của vùng quê nước Pháp thời bấy giờ. Ðó là giây phút quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ nông trại nhỏ ở Gascony, nước Pháp, mà bấy giờ, việc đi tu làm linh mục không có gì lớn lao hơn là có được một cuộc sống tiện nghi.

 

Chính nữ Bá Tước de Gondi (có người đầy tớ được Vinh-sơn giúp đỡ) đã thúc giục chồng bà cung cấp tiền bạc và hỗ trợ một nhóm truyền giáo có khả năng và hăng say muốn hoạt động cho người nghèo, người hầu và tá điền. Lúc đầu Cha Vinh-sơn quá khiêm tốn nên không nhận làm người lãnh đạo cho nhóm này, nhưng sau một thời gian hoạt động cho các tù nhân khổ sai ở Balê, ngài trở nên nhà lãnh đạo thực sự của tổ chức mà bây giờ được gọi là Hội Thừa Sai, hay tu sĩ Dòng Thánh Vinh-sơn. Các linh mục này, với lời thề khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và bền vững, tận tụy làm việc cho dân chúng ở các thành phố nhỏ hay làng mạc.

 

Sau này Cha Vinh-sơn tổ chức các nhóm bác ái để trợ giúp tinh thần cũng như thể chất của những người nghèo trong mỗi xứ đạo. Từ sinh hoạt này, với sự trợ giúp của Thánh Louis de Marillac, xuất phát tổ chức Nữ Tử Bác Ái, "mà tu viện là bệnh xá, nhà nguyện là nhà thờ của giáo xứ và khuôn viên là đường phố." Ngài huy động các bà giầu có ở Balê để quyên góp tài chánh cho chương trình truyền giáo, xây bệnh viện, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và chuộc lại khoảng 1,200 người nô lệ da đen. Ngài hăng hái tổ chức tĩnh tâm cho giới tu sĩ khi sự sao nhãng, lộng hành và ngu dốt lan tràn trong giới này. Ngài là người tiên phong trong việc huấn luyện tu sĩ và thúc đẩy sự thiết lập các chủng viện.

 

Ðáng để ý nhất, Vinh-sơn là một người hay cáu kỉnh -- ngay cả bạn hữu của ngài cũng công nhận điều ấy. Ngài cho biết, nếu không có ơn Chúa ngài sẽ "rất khó khăn và lạnh lùng, cộc cằn và gắt gỏng." Nhưng ngài trở nên một người dịu dàng và dễ mến, rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.

 

Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã đặt ngài làm quan thầy của mọi tổ chức bác ái. Nổi bật nhất trong các tổ chức này, dĩ nhiên, là Dòng Thánh Vinh-sơn, được thành lập năm 1833 bởi Chân Phước Frederic Ozanam, là người rất ái mộ Thánh Vinh-sơn.

 

Lời Bàn

 

Giáo Hội là của mọi con cái Thiên Chúa, dù giầu hay nghèo, nông dân hay trí thức, thượng lưu hay bình dân. Nhưng hiển nhiên điều Giáo Hội lưu tâm nhất là những người cần sự giúp đỡ -- đó là những người trở nên cô thế bởi bệnh tật, nghèo đói, ngu dốt và sự tàn ác. Thánh Vinh-sơn Phao-lô rất thích hợp là quan thầy cho mọi Kitô Hữu ngày nay, khi người đói ngày càng nhiều, và lối sống xa hoa của người giầu ngày càng đối chọi với tình trạng sa sút về thể chất và tâm linh của con cái Thiên Chúa.

 

Lời Trích

 

"Hãy cố gắng vui lòng chấp nhận sống với những điều kiện khiến bạn bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí mình khỏi những điều làm bạn phiền hà, Thiên Chúa sẽ lo lắng mọi sự. Khi bạn vội vàng lựa chọn bạn sẽ làm buồn lòng Thiên Chúa, vì Người thấy bạn không tôn kính Người đầy đủ với sự tin tưởng thánh thiêng. Hãy tin tưởng vào Người, tôi nài xin bạn, và bạn sẽ được no đầy những gì mà tâm hồn bạn khao khát" (Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thư Từ).

 


Trích NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:06

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Những sinh vật kỳ lạ tại Việt Nam

Filled under:

 

Những sinh vật kỳ lạ tại Việt Nam


1. Bọ lá siêu ngụy trang

Bọ lá
Trong ảnh là một con bọ lá do David Hegner chụp tại Việt Nam năm 2012.

Kích thước khoảng 5–10 cm là một họ các côn trùng giống bản sao tuyệt vời lá cây mà nó sống trên đó kể cả gân lá. Trứng của chúng lại giống như hạt cây này. Bọ lá có mặt khắp Nam Á đến Đông Nam Á và Australia.

2. Rùa lá ngực đen

Rùa lá ngực đen

Rùa lá ngực đen Việt Nam được dân mạng để ý vì nó là một trong những loài rùa nhỏ nhất trên thế giới. Một con rùa đực trưởng thành thường chỉ đạt chiều dài từ 7 đến 11 cm và trọng lượng 90 đến 125 gram đối và rùa cái thì nặng hơn một chút từ 150-190 gram. Rùa lá ngực đen còn được tìm thấy ở Lào, Trung Quốc và Việt Nam, tuy vậy tên tiếng Anh của nó là Vietnamese leaf turtle.

3. Ve sầu vòi voi

Ve sầu vòi voi
Một chú ve sầu vòi voi được chụp tại Đồng Nai

Ve sầu vòi voi cánh vàng Pyrops caldelaria được coi là một trong những kiệt tác của tự nhiên.
Ve sầu vòi voi thường xuất hiện khi có những cơn mưa đầu mùa lúc trời tối tại các cánh rừng thường xanh. Đây là loài côn trùng có khả năng bật nhảy rất nhanh nên rất khó bắt cũng như khó có cơ hội chụp hình được khoảnh khắc nó bắt đầu xoè đôi cánh lung linh sắc màu vụt bay. Loài ve sầu vòi voi cánh vàng sống nhiều ở khu vực Đồng Nai, Bình Phước.

4. Cheo cheo, động vật móng guốc nhỏ như chuột

Cheo cheo
Cheo cheo lưng bạc sau 30 năm vắng bóng

Khi nói về động vật móng guốc ta thường nghĩ tới những con vật to lớn như trâu bò, hươu nai hay ít ra cũng hơi to to như con dê. Thế nhưng ít người biết về loài móng guốc nhỏ nhất thế giới sống tại Việt Nam, loài cheo cheo, cái tên tiếng Anh cũng cho biết kích thước khiêm tốn của nó: mouse deer (nai-chuột). Nổi tiếng nhất tại Việt Nam là cheo cheo lưng bạc và cheo cheo Nam Dương.

Cheo cheo Nam Dương là loài móng guốc nhỏ nhất thế giới, kích thước không lớn hơn một con mèo nhà, chiều dài thân trung bình khoảng hơn 40 cm, trọng lượng đạt từ 0,7 – 2 kg. Khuôn mặt cheo cheo nhỏ khá giống con chuột, bốn chân gầy nhẳng như que củi.

Còn cheo cheo lưng bạc trước đây được cho là đã tuyệt chủng, cho đến tháng 11 năm 2019, một nhóm khoa học gia đã chụp được ảnh (bằng bẫy camera) cheo cheo lưng bạc trong một khu rừng ở Việt Nam, lần đầu tiên sau 30 năm vắng bóng.

5. Ếch cây sần Bắc Bộ, một cục đá mọc rêu

Ếch cây sần Bắc Bộ

Loài ếch này sống trong các khu rừng ẩm ướt đất thấp nhiệt đới, đầm nước ngọt tại miền bắc Việt Nam và miền nam TQ.

Tên gọi ếch cây sần xuất phát từ đặc điểm da sần, có đốm như rêu của chúng (tên tiếng Anh - Vietnamese Mossy Frog có nghĩa là ếch rêu Việt Nam). Lớp da sần sùi màu xanh này giúp nó trở thành bậc thầy ngụy trang, vừa giúp trốn kẻ thù vừa thuận tiện bắt mồi.

6. Loài bướm đêm kỳ dị

Bướm đêm kỳ dị

Một sinh vật kỳ dị giống như Pokemon xuất hiện tại Gia Lai đã từng gây kinh ngạc cộng đồng mạng. Cuối cùng nó được xác định là loài bướm Creatonotos gangis thuộc phân họ bướm đêm Arctiinae.

7. Voọc mũi hếch Bắc Bộ với khuôn mặt vui vẻ... hơi quạo

Cà đác hay còn được biết đến với tên gọi Voọc mũi hếch Bắc Bộ. Loài động vật linh trưởng này có khuôn mặt khá hài hước với mũi và môi có màu hồng cùng một vùng chuyển màu xanh đặc biệt quanh mắt. Chúng thường được tìm thấy ở độ cao 200 đến 1.200m trong những khu rừng ở Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh.

8. Rùa đầu to... bất thường

Rùa đầu to
Rùa đầu to từng được xuất hiện trên tem bưu chính năm 1988

Rùa đầu to thuộc họ Platysternidae, chúng sống ở các khe suối trong rừng, nơi có nhiều đá tảng, nước sâu, trong và có dòng chảy chậm. Ban ngày rùa ẩn dưới các tảng đá hoặc phơi nắng trên bờ suối, chúng đi tìm mồi lúc sẩm tối hoặc ban đêm. Thức ăn chủ yếu là cá nhỏ, thân mềm, cua, giun đất và những động vật không xương sống khác.

9. Bọ ngựa cánh xanh điểm mặt cười

Loài côn trùng sặc sỡ này giống như một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên, không những thế cánh của nó còn được tạo hóa "vẽ" thêm hình mặt cười smiley vô cùng đáng yêu.
Bọ ngựa cánh xanh khá hiếm, tại Việt Nam chỉ gặp ở các khu rừng thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo, Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Bạch Mã.

10. Thằn lằn chân ngắn, có chân chỉ để làm cảnh

Thằn lằn chân ngắn

Thằn lằn chân ngắn thuộc họ Lacertidae, phân bố tại Việt Nam và Đông nam Á. Chúng có kích thước khá nhỏ với chiều dài chỉ 15cm. Các chi mặc dù thu nhỏ nhưng vẫn có đủ 5 ngón. Đôi chân của loài thằn lằn này mọc ra chỉ để làm cảnh vì hầu như nó không đủ mạnh để nâng đỡ cơ thể chúng.

11. Thằn lằn bay Đông Dương

Thằn lằn bay Đông Dương thuộc họ Agamidae, sống tại Campuchia và miền nam Việt Nam. Chiều dài thân khoảng 10cm, thằn lằn bay là một loài sống trên cây và ít khi xuống đất. Người ta biết rất ít về chế độ ăn uống và hành vi của nó.

12. Bồ câu Nicoba mượn áo của công chăng?

Bồ câu Nicoba

Loài bồ câu Nicoba sặc sỡ như chim công này được tìm thấy tại các hòn đảo nhỏ và những vùng bờ biển tại quần đảo Nicobar (Ấn Độ) tới quần đảo Mã Lai và một số đảo Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, bồ câu Nicoba chỉ được tìm thấy ở Côn Đảo.

13. Cá thòi lòi, loài cá biết chạy nhảy

Cá thòi lòi

Cá thòi lòi là một loài cá thuộc họ Gobiidae, chúng sinh sống khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển ở vùng nhiệt đới. Cá thòi lòi có khả năng di chuyển trên mặt bùn khá nhanh, gần như chạy nhảy. Với hệ thống hô hấp bằng phổi cá thòi lòi có thể thở trên cạn, khi xuống nước thì dùng mang.

Loài cá này phổ biến khắp các cửa sông tại ĐBSCL.

Posted By Đỗ Lộc Sơn14:32

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 25/9/2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 25/9/2020
“Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”. (Lc 9,22).
Trong bài tin mừng hôm qua, Hêrôđê đã rất thắc mắc về Đức Giêsu và tự hỏi: “Ông này là ai”. Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn biết dân chúng biết gì về mình, nên hỏi các môn đệ. Nhân đây, Ngài hỏi các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?". Simon Phêrô nhanh miệng thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa".
Chắc chắn hôm nay Ngài cũng đang đặt câu hỏi đó với mỗi người, anh và tôi sẽ trả lời với Ngài như thế nào?.
Lời tuyên xưng của thánh Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" đã trả lời thay cho tất cả những ai từng đọc Lời Chúa. Không có câu trả lời nào chính xác hơn, bởi vì lời ấy không phải do tính xác thịt loài người, nhưng do Thánh Thần Thiên Chúa nói trong ông.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con nhận biết rằng: Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng giàu lòng xót thương.
Nhưng sự nhân lành và tình thương ấy chỉ được tỏ hiện khi chúng con được Chúa ban ơn, được chữa lành bệnh tật, gặp nhiều may lành… Còn khi gặp đau khổ hoạn nạn, đối diện với nguy biến, thử thách nặng nề, như trong cơn đại dịch Covid-19, chúng con lại cho rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. khi tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, chúng con phải sống đúng với những Lời Chúa dạy. Vì chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thực. Xin cho cuộc sống của chúng con luôn hướng về Chúa trong tâm tình yêu mến, tín thác. Amen.

25 Tháng Chín
Thánh Elzear và Chân Phước Delphina
(1286-1323) (1283-1358)

 

Đây là cặp vợ chồng duy nhất của dòng Phanxicô được chính thức phong chân phước và phong thánh.

 

Ông Elzear xuất thân từ một gia đình quý tộc ở phía nam nước Pháp. Sau khi lấy bà Delphina thì ông mới biết vợ mình thề giữ đồng trinh trọn đời; chính đêm tân hôn ông cũng đã thề như vậy. Vào lúc đó ông Elzear, là Bá Tước của Ariano, và là cố vấn cho Công Tước Charles của Calabria ở phía nam nước Ý. Elzear cai quản lãnh thổ của mình trong vương quốc Naples và ở phía nam nước Pháp với sự công bằng.

 

Hai ông bà Elzear và Delphina gia nhập dòng Ba Phanxicô và tận hiến trong công việc bác ái cho người nghèo. Hàng ngày, có đến mười hai người cùng ăn với họ. Có một bức tượng Thánh Elzear diễn tả ngài đang chữa người cùi.

 

Lòng đạo đức của họ đã ảnh hưởng tất cả mọi gia nhân trong nhà. Hàng ngày họ đều tham dự Thánh Lễ, đi xưng tội hàng tuần và sẵn sàng tha thứ cho người khác.

 

Sau khi ông Elzear chết, bà Delphina tiếp tục công việc bác ái trong hơn 35 năm nữa. Ðặc biệt bà có công trong việc nâng cao trình độ luân lý của triều đình vua Sicily.

 

Hai ông bà Elzear và Delphina được mai táng ở Apt, nước Pháp. Ông được phong thánh năm 1369, và bà được phong chân phước năm 1694.

 

Lời Bàn

 

Giống như Thánh Phanxicô, hai ông bà Elzear và Delphina nhận biết nguồn gốc của các tạo vật. Do đó, họ không nhẫn tâm thống trị bất cứ tạo vật nào nhưng dùng tạo vật như một phương tiện để cảm tạ Thiên Chúa.

Dù hiếm muộn, hôn nhân của họ là một hy sinh cho người nghèo và người đau yếu ở chung quanh họ.

 

Lời Trích

 

Thánh Bonaventura viết: "Thánh Phanxicô tìm mọi cơ hội để yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự. Ngài vui thích với mọi công trình của bàn tay Thiên Chúa, và từ cái nhìn hân hoan ở trần thế tâm trí ngài vươn cao đến nguồn ban sự sống và là cùng đích của mọi tạo vật. Trong bất cứ gì đẹp đẽ, ngài đều nhìn thấy Ðấng Toàn Mỹ, và ngài đi theo Tình Yêu của ngài ở bất cứ đâu mà chân dung ấy được lưu vết nơi các tạo vật; qua tạo vật ngài làm thành một cái thang để có thể trèo lên cao và âu yếm Ðấng là nguồn khao khát của mọi loài" (Legenda Major, IX, 1).

 


Trích NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:35

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/9/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/9/2020.
Vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người (Lc 9,9).
Người xưa có nói: "Đánh được người thì mặt đỏ như vang, không đánh được người thì mặt vàng như nghệ". Câu này có ý dạy cho con cháu biết; dù thắng hay thua, ta cũng cảm thấy lo lắng cho việc mình làm.
Vua Hêrôđê khi ra lệnh giết chết Gioan, ông tưởng đâu đã yên thân, tội mình gây ra coi như đã ổn thỏa. Giờ đây, có Đấng đi rao giảng Nước Trời, giảng dạy những lời đầy khôn ngoan, làm nhà vua lo lắng lắm. Ông quyết đi tìm gặp Đức Giêsu để xem; "Người là ai"?.
Như bóng tối sợ ánh sáng thế nào thì vua Hêrôđê lo lắng về tội mình như vậy.
Phải chi nhà vua nghe lời Gioan khuyên bảo, thì giờ đây nhà vua cứ ung dung mà trị vì đất nước. Hê-rô-đê không được yên ổn, chém đầu một người vô tội và thánh thiện, ông sẽ bị công lý, lương tâm trừng phạt.
Cảm nhận tin mừng. Ngày nay chúng con vẫn luôn tự hỏi: " Đức Giêsu, Ngài là ai?". Chúng con đón rước Chúa trong tâm trạng lo lắng hay vui tươi? Chúng con tìm đến Chúa để được chữa trị phần hồn, phần xác.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa luôn giang rộng đôi tay để chờ đón chúng con trở về. Xin xóa mọi lo lắng buồn phiền, để chúng con vui bước trên đường trở về nhà Chúa. Amen.

24 Tháng Chín
Thánh Pacifio ở San Severino
(1653 -- 1721)

 

Pacifico sinh trưởng trong một gia đình đặc biệt ở San Severino trong vùng Ancona thuộc miền trung nước Ý. Sau khi gia nhập dòng Tiểu Ðệ, ngài được thụ phong linh mục. Ngài dạy triết học trong hai năm và sau đó bắt đầu sứ vụ rao giảng một cách thành công.

 

Pacifico là một người khổ hạnh. Ngài ăn chay trường, sống bằng bánh mì và nước hoặc xúp. "Áo nhặm" của ngài được làm bằng sắt. Sự khó nghèo và vâng phục là hai đức tính mà các anh em tu sĩ nhớ đến ngài nhiều nhất.

 

Vào năm 35 tuổi, Pacifico bị bệnh nặng khiến ngài bị điếc, bị mù và bị què. Ngài dâng sự đau khổ này để cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại, và ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân đến với ngài. Pacifico cũng là bề trên tu viện San Severino. Ngài được phong thánh năm 1839.

 

Lời Bàn

 

Thánh Pacifico sống sát với những lời của Thánh Phanxicô. Lời ngài rao giảng và cuộc sống có liên hệ với sự hy sinh hãm mình đền tội.

 

Thánh Phanxicô khuyến khích các tu sĩ rao giảng Lời Chúa mà không phô trương ầm ĩ hoặc vì tư lợi. Và vì thế, lời của họ mới thực sự là lời của Chúa và hướng đến phúc lợi của người nghe. Ðời sống của Thánh Pacifico đã thể hiện lời ngài rao giảng, và người nghe nhận ra sức mạnh trong lời của ngài.

 

Lời Trích

 

"Ngoài ra, tôi khuyên bảo và nhắc nhở các tu sĩ rằng trong sự rao giảng, lời nói của họ phải được nghiên cứu và minh bạch. Họ phải nhắm đến ích lợi và sự thăng tiến tâm linh của người nghe, nói một cách ngắn gọn về tính tốt cũng như tính xấu, sự trừng phạt và sự vinh quang, vì chính Chúa chúng ta cũng nói ngắn gọn khi ở trần thế" (Thánh Phanxicô, Quy Luật 1223, Ch. 9).

 


Trích NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:23

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 20/9/2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 20/9/2020
“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.” (Mt 20,4).
Công việc trước đây, người lao động được trả lương theo tháng, theo tuần và bây giờ là theo giờ, trả lương như thế người lao động phải làm tích cực hơn.
Người làm vườn nho từ sáng sớm hay giữa trưa và người làm một buổi chiều, đều được ông chủ trả một đồng theo như thỏa thuận. Ông nghĩ: "Những người đến sau không phải họ lười biếng, nhưng họ không tìm được việc, để cho công bằng họ cũng được trả một đồng".
Giải thích dụ ngôn: " Người làm vườn nho vào giờ thứ nhất, ngay từ tảng sáng, đó là những người biệt phái, người theo đạo gốc. Còn những người đến sau là dân ngoại, tân tòng. Họ được trả công bằng nhau là hạnh phúc Nước Trời.
Có người đi theo Chúa từ ngày đầu, nhưng sau đó do thay dạ đổi lòng hay vì lòng ghen tương với những người đến sau mà so đo, tính toán hơn thiệt với Thiên Chúa.
Thiên Chúa mời gọi mọi người hãy đến với Ngài. Không ai là người phải đứng ngoài khoanh tay chờ đợi.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con được Chúa yêu thương chọn gọi từ lúc được sinh ra. Đúng ra chúng con phải tích cực tham gia vào công việc rao truyền Nước Chúa. Nhưng chúng con ỷ lại, ghen ghét những người đến sau khi họ làm tốt công việc được giao.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa nhân từ và công bằng với hết mọi người. Còn chúng con, chúng con cứ so sánh hoàn cảnh của mình với người anh em để rồi ghen tị, mặc cảm, tức giận...?
xin cho chúng con biết khiêm tốn và yêu mến Chúa và anh em, Luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với bổn phận của mình. Amen.


20 Tháng Chín
Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn

 

Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành.

 

 Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.

 

Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.

 

 Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.

 

Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.

 

Lời Bàn

 

Chúng ta bàng hoàng khi thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Ðại Hàn hoàn toàn là một Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống còn khi không có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động và đáp ứng của Thiên Chúa đối với đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng chỉ khi nào sẵn có một điều gì đó để được gia tăng.

 

Lời Trích

 

"Giáo Hội Ðại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến" (ÐGH Gioan Phaolô II, bài giảng trong lễ phong thánh).

 


Trích NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:28