Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Di hài Thánh Antôn thu hút đông người tại Bangladesh

Filled under:

Thánh nhân là một trong những nhân vật tôn giáo được yêu mến nhất tại Bangladesh, chiếc lưỡi không hư nát của ngài đang thu hút hàng ngàn khách hành hương
saint-anthony-relic.jpg
Khách hành hương kéo nhau đến kính viếng chiếc lưỡi
vẫn còn nguyên vẹn của Thánh Antôn Padua tại nhà thờ
Công giáo Rất Thánh Mân Côi ở Dhaka hôm 1-2.
Ảnh: ucanews.com
Thánh tích gần 800 năm tuổi của Thánh Antôn Padua đến Bangladesh trong chuyến rước vòng quanh đất nước, khơi lên lòng nhiệt thành nơi hàng ngàn Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, vốn xem thánh nhân người Bồ Đào Nha là ‘á thánh’ vì nhiều phép lạ được cho là do ngài làm.

Hai tu sĩ dòng Phanxicô rước thánh tích từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn ở Padua, Ý, đi vòng quanh 8 giáo phận Công giáo từ ngày 1-9/2.

Vào ngày thứ nhất, họ đặt thánh tích tại nhà thờ Rất Thánh Mân Côi trong thánh lễ tại trung tâm Dhaka. Có khoảng 30.000-35.000 người tham dự thánh lễ, theo linh mục chánh xứ Kamal Corraya.
“Thánh Antôn là thánh nhân được yêu mến nhất tại Bangladesh và chúng tôi nghĩ có rất nhiều người tham dự nhưng tổng số người tham dự đông hơn chúng tôi dự kiến nhiều. Lúc đầu, chúng tôi được cho phép đặt thánh tích cho người dân kính viếng trong một vài giờ nhưng sau đó chúng tôi phải kéo dài thời gian thêm”, cha Corraya phát biểu với ucanews.com.

Rini Chambugong, người Công giáo dân tộc Garo làm việc cho tổ chức phi chính phủ, cho biết nhờ sùng kính Thánh Antôn mà bà được đặc ân lớn lao.

“Từ lúc còn nhỏ tôi đã chứng kiến bố mẹ và những người hàng xóm rủ nhau đi cầu xin Thánh Antôn ban ơn, và bản thân tôi đã được thánh nhân nhậm lời cầu nguyện. Tôi tin rằng nếu chúng ta cầu nguyện xin ngài, ngài sẽ bảo vệ chúng ta tránh khỏi mọi sự dữ”, Chambugong nói.

Muzammel Hossain đầu đội mũ của người Hồi giáo kiên nhẫn đứng đợi bên ngoài cổng nhà thờ. Ông cho biết Thánh Antôn đã giúp ông có con.

“Tôi đã kết hôn 14 năm, nhưng không thể có con. Một người bạn Kitô giáo khuyên tôi cầu nguyện xin Thánh Antôn và chúng tôi đã có con. Hiện nay chúng tôi đã được ban cho một đứa con gái xinh đẹp”, Hossain kể với ucanews.com.

Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc là các chức sắc nhà thờ không cho phép người ngoài Kitô giáo vào bên trong mà lại đề nghị ông đến viếng thánh địa chính ở Panjora gần Dhaka vào ngày 3-2, ngày lễ kính Thánh Antôn hàng năm.

“Tôi dự định đi viếng thánh địa Thánh Antôn cùng với gia đình. Tôi tin rằng Thánh Antôn không chỉ thuộc về người Kitô hữu mà thuộc về tất cả mọi người”, ông nói thêm.

Thánh tích dự kiến sẽ đến thánh địa chính, nơi đặt tượng thánh nhân trong nhà nguyện tại làng Panjora. Thánh địa thu hút hàng chục ngàn khách hành hương vào ngày lễ kính Thánh Antôn mỗi năm, thường được tổ chức vào tháng 2 vì điều kiện thời tiết, mặc dù ngày lễ kính thánh nhân chính thức là ngày 13-6.

Cha Joyanto S. Gomes, chánh xứ nhà thờ Thánh Nicholas Tolentino tại Nagari, nơi trông coi thánh địa, cho biết người dân hết sức sốt sắng.

“Năm nay, ngày càng nhiều người tham dự giờ kinh trong tuần cửu nhật và chúng tôi dự kiến sẽ có rất nhiều người tham dự ngày lễ”, vị linh mục cho biết.

“Một viên chức cấp cao trong Bộ Phong Thánh biết Thánh Antôn rất được yêu mến ở Bangladesh nên đã tổ chức rước thánh tích đến đất nước này để người dân địa phương có thể kết nối với thánh nhân mà họ rất yêu mến và tôn kính”, cha Gomes cho biết thêm.

Thánh Antôn sinh tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 15-8-1195. Ngài chịu chức linh mục và sau đó trở thành tu sĩ dòng Phanxicô. Ngài được nhiều người hoan nghênh vì giảng hay, luôn yêu thương người nghèo và bệnh nhân và thông thạo Kinh Thánh.

Ngài qua đời năm 1231 ở tuổi 35 tại Padua, Ý, vì chứng phù nề mãn tính. Ngài được Vatican tôn phong thánh một năm sau đó và năm 1946 ngài được tôn phong Tiến sĩ Hội Thánh.

30 năm sau khi ngài qua đời, các chức sắc trong Giáo hội khai quật thi thể ngài và đưa vào một vương cung thánh đường thích hợp nhưng phát hiện thấy lưỡi ngài vẫn còn nguyên vẹn mặc dù các phần còn lại của thi thể ngài đã thối rữa.

Các chức sắc xem đây là bằng chứng về ơn rao giảng của Thánh Antôn. Chiếc lưỡi được lấy ra khỏi thi thể, cùng với xương hàm và cẳng tay trái, để dùng làm thánh tích.




Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày quốc tế Truyền Thông lần thứ 51 (2017)

“Đừng sợ, vì Ta ở cùng con” (Is 43:5):
Thông truyền niềm hy vọng và sự tin tưởng trong thời đại chúng ta

Nhờ sự tiến bộ của công nghệ mà việc truy cập các phương tiện truyền thông giúp nhiều người có thể chia sẻ tin tức cho nhau ngay lập tức và làm cho tin tức lan rộng. Những tin tức ấy có thể là tốt hay xấu, thật hay giả. Các Kitô hữu tiên khởi đã so sánh tâm trí con người với những chiếc cối nghiền liên tục, nhưng vấn đề là người chủ chọn nghiền thứ gì trong máy nghiền đó: lúa tốt hay cỏ dại. Tâm trí chúng ta luôn “nghiền”, nhưng tuỳ chúng ta chọn bỏ thứ gì vào trong máy nghiền (x. Thánh John Cassian, Epistle to Leontius).
Tôi muốn gửi thông điệp này đến tất cả những ai, dù trong công việc chuyên môn hay tương quan cá nhân, tựa như chiếc máy nghiền, hằng ngày “nghiền” thông tin với mục đích cung cấp lương thực bổ dưỡng cho những ai họ muốn truyền đạt. Tôi muốn khuyến khích mọi người dấn thân bằng các hình thức truyền thông mang tính xây dựng, để loại trừ thành kiến đối với nhau, và cổ võ văn hóa gặp gỡ, giúp tất cả chúng ta nhìn thế giới xung quang bằng thực tiễn và sự tin tưởng.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải phá đi vòng luẩn quẩn của lo lắng và ngăn chặn vòng xoáy của sợ hãi, gây ra bởi việc mãi chú tâm vào những “tin xấu” (chiến tranh, khủng bố, những vụ bê bối và tất cả những thất bại của con người). Điều này không có nghĩa là bỏ qua một bên những bi kịch đau khổ của con người, cũng không lạc quan ngu ngơ trước sự tồi tệ của cái ác. Ngược lại, tôi mong tất cả chúng ta tìm cách vượt qua cảm giác bất mãn dâng cao và bỏ cuộc, rồi dần dần tạo nên sự vô cảm, sợ hãi hay ý nghĩ rằng cái ác thống lĩnh khắp nơi rồi. Hơn nữa, trong một ngành truyền thông luôn nghĩ rằng tin tốt sẽ không bán được, còn tin xấu về những bi kịch về đau khổ của con người và những bí ẩn của cái ác lại dễ chuyển thành đề tài giải trí, thì luôn có cám dỗ làm cho lương tâm chúng ta trở nên mờ đục hoặc rơi vào bi quan.
Do đó, tôi muốn góp phần vào việc tìm kiếm một cách thức truyền thông cởi mở và sáng tạo, để không bao giờ hăm hở tập chú vào điều xấu, nhưng thay vào đó là tập trung tìm các giải pháp và truyền cảm hứng về một lối tiếp cận tích cực và có trách nhiệm về phía người nhận. Tôi kêu gọi mọi người hãy cung cấp cho con người của thời đại chúng ta những câu chuyện được ghi dấu bằng những “tin tốt”.
Tin tốt / tin mừng
Cuộc sống không đơn giản chỉ là chuỗi các sự kiện liên tiếp, nhưng là một lịch sử, là một câu chuyện đang cần được kể ngang qua việc chọn lựa lăng kính diễn giải, vốn có thể chọn lựa và thu thập những dữ liệu xác đáng nhất. Trong và tự chính nó, thực tại không có một ý nghĩa rõ ràng. Mọi thứ phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn, vào lăng kính chúng ta sử dụng để nhìn. Nếu chúng ta thay đổi lăng kính, thực tại sẽ tự nó hiển lộ ra một vẻ khác. Thế nên, làm thế nào để chúng ta có thể bắt đầu “đọc” thực tại qua lăng kính đúng đắn?
Đối với chúng ta là người Kitô hữu, lăng kính đó chỉ có thể là Tin Mừng, khởi đầu sách Tin Mừng thật tuyệt vời: “Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Với những lời ấy, thánh Máccô mở đầu sách Tin Mừng của ngài, không phải là Tin Mừng về Chúa Giêsu, nhưng đúng hơn Tin Mừng là chính Chúa Giêsu. Thật vậy, đọc các trang Tin Mừng, chúng ta biết rằng tiêu đề tương ứng với nội dung, và trên hết, nội dung ấy chính là con người Chúa Giêsu.
Tin Mừng này – chính Chúa Giêsu – là tin mừng, không phải vì nó không có đau khổ, nhưng đúng hơn, chính đau khổ là một phần của bức tranh lớn hơn. Đau khổ được xem như là thành phần toàn vẹn của tình yêu Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thể hiện tình liên đới của Ngài với mọi hoàn cảnh của con người. Chúa nói với chúng ta rằng, chúng ta không đơn độc, vì chúng ta có một người Cha luôn quan tâm con cái mình. “Đừng sợ, vì Ta ở cùng con” (Is 43,5): đây là những lời đầy an ủi của Thiên Chúa, Đấng dìm mình vào lịch sử của dân Người. Trong Người Con yêu dấu, lời hứa của Thiên Chúa “Ta ở cùng con” – ôm lấy những yếu đuối của chúng ta, thậm chí chết cái chết của chúng ta. Trong Chúa Kitô, ngay cả bóng tối và cái chết cũng trở thành điểm gặp gỡ Ánh Sáng và Sự Sống. Niềm hy vọng được nảy sinh, niềm hy vọng có thể đến được với từng người, ngay tại những giao lộ nơi cuộc sống gặp những cay đắng vì thất bại. Niềm hy vọng không bị thất vọng, bởi lẽ tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta (x. Rm 5:5) và làm nảy sinh sự sống mới, như là cây mọc lên từ một hạt bị vùi xuống đất. Nhìn trong ánh sáng này, mọi bi kịch mới xảy ra trên thế giới cũng có thể trở thành một bối cảnh cho tin mừng, bởi vì tình yêu có thể tìm thấy con đường để tới gần và nâng dậy những tâm hồn cảm thông, những khuôn mặt kiên vững và những bàn tay sẵn sàng xây dựng lại.
Tin tưởng hạt giống Nước Trời
Để giới thiệu với các môn đệ và với đám đông lối nhìn của Tin Mừng, và để cung cấp cho họ một “lăng kính” đúng đắn cần có để nhìn thấy và mang lấy tình yêu dám chết đi và sống lại, Chúa Giêsu đã sử dụng các dụ ngôn. Chúa thường so sánh Nước Trời với hạt giống, hạt giống giải phóng tiềm năng sự sống của nó đúng lúc khi nó rơi xuống đất và chết đi (x. Mc 4:1-34). Việc sử dụng những hình ảnh và ẩn dụ để truyền tải sức mạnh âm thầm của Nước Trời không làm giảm tầm quan trọng và tính cấp thiết của Nước Trời; đúng hơn, đó là một cách thức thương xót để tạo không gian cho người nghe được tự do chấp nhận và đón lấy sức mạnh ấy. Đó cũng là cách hiệu quả nhất để diễn tả phẩm giá khôn lường của mầu nhiệm Vượt Qua, dùng những hình ảnh hơn là những khái niệm, để thông truyền vẻ đẹp nghịch lý của sự sống mới trong Đức Kitô. Trong sức sống ấy, gian khổ và thập giá không cản trở, nhưng đem đến ơn cứu độ của Thiên Chúa; cái yếu chứng tỏ mạnh hơn cái mạnh của loài người; và thất bại chỉ là khúc dạo đầu cho việc kiện toàn tất cả trong tình yêu. Đây chính là cách thức niềm hy vọng trong Nước Thiên Chúa trưởng thành và bén rễ: “Nước Trời giống như một người gieo hạt giống xuống đất, đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên” (Mc 4:26-27).
Nước Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta, giống như một hạt giống có thể dễ dàng bị phớt lờ, nhưng vẫn âm thầm bám rễ. Đối với những ai được Chúa Thánh Thần soi dẫn, thì có thể thấy được những hạt giống ấy đang nẩy mầm. Họ không để cho mình bị cướp mất niềm vui của Nước Trời, vì thấy rằng cỏ dại có vẻ mọc khắp nơi.
Chân trời của Thần Khí
Sức mạnh của chúng ta dựa trên những tin mừng, tin vui mà chính Chúa Giêsu làm cho mắt chúng ta phải ngước nhìn để chiêm ngưỡng Chúa trong phụng vụ ngày lễ Chúa Lên Trời. Dù có thể bây giờ Chúa có vẻ xa chúng ta hơn, nhưng chân trời hy vọng lại mở rộng hết mức. Trong Đức Kitô, Đấng mang bản tính nhân loại lên trời cao, mọi người nam nữ giờ đây có thể tự do “bước vào cung thánh bởi máu Chúa Giêsu. Người mở ra cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,19-20). Nhờ “quyền năng của Chúa Thánh Thần” chúng ta có thể trở thành chứng nhân và những “nhà truyền thông” của nhân loại mới và được cứu chuộc “đến tận cùng trái đất” (Cv 1:78).
Niềm tin vào hạt giống Nước Thiên Chúa và vào mầu nhiệm Phục Sinh cũng định hình nên cách thế mà chúng ta truyền thông. Sự tin tưởng này cho phép chúng ta thực thi công việc của chúng ta – bằng tất cả những cách thế khác nhau mà ngày nay truyền thông hoạt động – với niềm tin rằng: có thể nhận ra và làm nổi bật tin mừng đang chất chứa trong mỗi câu chuyện và nơi gương mặt mỗi người.
Những ai, trong đức tin, phó thác cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì nhận ra cách thế Thiên Chúa hiện diện và lao tác trong mọi giây phút cuộc sống và lịch sử của chúng ta, và kiên nhẫn dẫn đưa đến lịch sử cứu độ. Niềm hy vọng là sợi chỉ dệt nên lịch sử thánh, và thợ dệt không ai khác chính là Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi. Hy vọng là nhân đức khiêm tốn nhất, bởi vì nó ẩn sâu trong những ngõ ngách của cuộc sống; nhưng nó giống như nắm men vùi trong nắm bột. Chúng ta nuôi dưỡng hy vọng bằng cách đọc Tin Mừng với cung cách mới mẻ, được “tái bản” trong nhiều phiên bản nơi cuộc đời của các thánh, những người trở thành những biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới này. Hôm nay cũng thế, Thần Khí tiếp tục gieo vào trong chúng ta khát mong Nước Trời, nhờ tất cả những ai, biết rút tỉa những gợi hứng Tin Mừng trong những sự kiện kịch tính của thời đại chúng ta, tỏa sáng tựa như những chiếc đèn hiệu trong đêm đen của thế giới này, để chiếu sáng dọc con đường và hơn nữa, mở ra những bước đường mới của tin tưởng và hy vọng.
Từ Vatican, ngày 24/1/2017
Giáo hoàng Phanxicô
(UCAN)