Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Muối Cho Đời Và Ánh Sáng Thế Gian --- Chú Giải Của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

Filled under:

CÂU HỎI GỢI Ý
1. Có lẽ các câu này là lời đả kích đường lối bí truyền hoặc việc xa lánh thái quá thế gian (do ảnh hường của nhóm Essêni). Các khuynh hướng ấy có phải là những cám dỗ thường xuyên của Kitô giáo không? Ngày nay chúng đội hình thức nào?
2. Đâu là tầm quan trọng của muối trong thế giới cổ xưa.. phải chăng nó có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt? Một công dụng đặc biệt?
3. Vì sao một thành phải được ưu tiên tọa lạc trên ngọn núi?
4. Đâu là ý nghĩa của chữ “ánh sáng các con “ trong thành ngữ “ánh sáng các con phải chói lọi trước mặt mọi người?
5. Các câu này có tạo nên mối liên hệ giữa người Kitô hữu và trách vụ truyền giáo của họ không? Mối liên hệ nào?
6. Người Kitô hữu là muối cho đời theo nghĩa nào? (Xem Lv 2, 13).
7. Làm sao dung hòa các câu 14- 16 với Mt 6, 1-18?
***
1. Trong thế giới cổ xưa, muối và ánh sáng được xem như là hai thực tại chẳng ai có thể bỏ qua: không gì ích lợi hơn muối và mặt trời (Pline trưởng lão, Htst. nst. 31, 102). Cả hai cũng thường được nhắc đến trong Cựu ước.Muối là một sản phẩm cần thiết bậc nhất của dân Bedouin (Ả Rập phiêu cư) (Hc 39, 26); nó tiêu hủy những cái gì xấu (2V 2, 19- 21; Đnl 29, 22; Tl 9, 45; Gr 17, 6; Xp 2, 9; G 39, 6) Nó nên thực phẩm (G 6, 6; Cl 4, 6) và, vì là thứ gia vị chủ yếu của mọi bữa ăn và mọi hy tế (Xh 30, 35; Lv 2, 13; Ed 43, 24), nên muối trở thành biểu hiệu của sự hiếu khách, của minh ước và giao ước Lv 2, 3; Đnl 28, 69; Ed 4, 14). Sau hết nó là biểu tượng của sự khôn ngoan (xem Phụng vụ Bí tích rửa tội - liên hệ với Ed 16,4) mà thỉnh thoảng nó được nối kết với, trong lời giảng huấn của các giáo sĩ; bấy giờ nó chỉ sự khôn ngoan hoàn hảo mà người hiền triết sẽ thủ đắc trong thời thiên sai.
2. Ánh sáng cũng năng được sử dụng như là một biểu tượng trong Thánh kinh, nơi nó thường chỉ sự mặc khải cứu độ của Thiên Chúa. Trong Isaia Đệ nhị, người Tôi tớ Giavê được công bố là” ánh sáng muôn dân (49, 6); Israel cũng phải là ánh sáng cho dân ngoại (42, 6). Trong sách các giáo sĩ, tước hiệu, “ánh sáng thế gian” được gán cho Thiên Chúa, cho Ađam, cho Israel, cho lề luật, cho Đền thờ và cho Giêrusalem. Trong Tân ước người ta xác quyết Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian” (Lc 2, 32; Ga 8, 12; 12, 35). Và theo gương Người, các môn đồ phải trở nên ánh sáng của nhân loại (P 12, 15; so sánh với Ep 5, 8-14).
Kiểu nói trực tiếp trong Mt “Các con là muối ... là ánh sáng, được giải thích qua sự kiện dụ ngôn đi tiếp theo Tám mối phúc thật. Nếu các môn đồ biết từ bỏ của cải, biết sống hiền lành khiêm nhượng, nhân ái từ bi, can đảm trong thử thách, kiên quyết theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo, thì bấy giờ người ta mới có thể nói thực với họ: “Các vị là muối cho đời và là ánh sáng cho thế gian”. Phần tiếp của Diễn từ sẽ cụ thể cho thấy cách thức của người môn đồ tự tỏ mình là muối, là ánh sáng.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Các con là”: Thành ngữ có lẽ mượn ở Xh 19, 6: “Các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế và là một dân thánh cho Ta”. Giavê đã nói với dân Ngài đã chọn giữa muôn dân. Chúa Giêsu ở đây nói với môn đồ Người đã chọn giữa loài người. Như Giavê đã xác định ơn gọi của tuyển dân, Chúa Giêsu cũng minh định sứ mệnh của các môn đồ Người.
“Muối cho đời “: “Đời”, ám chỉ loài người, là một từ ngữ quen thuộc với Cựu ước. Ở đây “đời” song song với “thế gian” của câu 14. Người môn đồ chẳng phải là muối của đất, vì không bao giờ muối được dùng như phân bón, nhưng là muối cho đời cho thế gian. Ở đây Mt nhấn mạnh cốt để nói rằng “muối” không chỉ cần thiết cho bản thân người môn đồ, như là một phẩm chất nội tại, song còn cần thiết để chu toàn sứ mệnh của mình đối với nhân loại. Do đó phẩm chất cấu thành môn đồ không thể tách rời khỏi chức vụ truyền giáo của kẻ ấy. Đây là một nét nói lên chiều hướng phổ quát và truyền giáo mà Mt thích dùng.
“Nếu muối ra lạt”: Có thể giải thích hai cách:
1.         Hình ảnh dựa vào thứ muối dơ bẩn lấy ở phía Tây-Nam Biển Chết thời Chúa Giêsu (trên bờ dốc Djebel-ousdeum). Loại muối màu xanh lạt này, có pha trộn thạch cao và vôi, dễ biến thành bùn vô đụng dưới tác dụng của ẩm ướt. Ta vần có thể gọi nó là muối, nhưng thực ra không phải là muối nữa.
2.         Đúng hơn, có lẽ Chúa Giêsu đã muốn gợi lên một hình ảnh không thể có, để làm ta lưu tâm hơn đến tính cách nghịch lý của một môn đồ đã đánh mất cái tạo nên chính bản chất môn đồ.
“Thì lấy gì muối nó lại”: Phàm kẻ phải trở nên nguyên nhân hoàn thiện cho bao người khác thì không thể nhận lãnh từ họ cái mà y phải trao hiến cho họ. Nếu y đánh mất nhân đức, người khác không thệ hoàn lại cho y.
“Nó không còn ích gì”: Muối nhạt chẳng lợi ích gì nữa, ngay cả làm phân bón. Người môn đồ cũng vậy. Đánh mất sự cao quý của mình, kế đó trở nên đối tượng khinh khi, như thế mảng trong mình một sự thối nát đặc biệt; tình yêu ngày trước của y đi dần tới chỗ tiêu tán. Câu “Chỉ có việc đổ ra ngoài cho người ta dẫm đạp đi thôi “ gợi lên cảnh đường sá vương vãi rác rền cặn bã ở phương Đông ngay xứ. Đây là hình ảnh nói lên việc kết án người môn đồ đã mất tinh thần của ơn gọi mình.
“Ánh sáng của thế gian”: ánh sáng của thế gian có nghĩa là cho thế gian, chứ không phải thuộc về thế gian hay là bản chất của thế gian. “Một thành tọa lạc trên núi”: đây là hình ảnh của một xứ mà các thị trấn thôn làng thường được xây trên các cao điểm (để có vị thế chiến lược đề phòng mọi cuộc tấn công từ bên ngoài vào). Điều đó đặc biệt đúng đối với Giêrusalem, thành mà ta có thể thấy từ rất xa. Trong trường hợp này, tuyệt đối không thể che dấu thành được. “Ánh sáng của các con”: Lời Thiên Chúa được Chúa Kitô đem đến thì sống trong môn đồ và đơm hoa kết trái trong cách ăn nết ở của họ. Ánh sáng, chính là Chúa Kitô, Đấng đóng ấn người trên các môn đồ. Đức tin chân thành và ngay thật của họ phải tỏ hiện ra trong các việc họ làm. Các hành động này phải có một phẩm chất, một tính cách hoàn thiện thế nào đó khả dĩ khơi dậy được, lời những kẻ chứng kiến, lời ngợi ca Thiên Chúa.
“Ngõ hầu họ thấy việc lành các con làm”: Làm sao dung hòa câu này với 6, 1-18 (nhất là các câu 1-2. 5. 16)? Thưa động lực khác nhau trong hai bản văn: ở đây động lực là vinh quang Chúa Cha trên trời; còn trong 6, 1- 8 động lực là sự tìm kiếm lời khen ngợi bản thân để thỏa mãn lòng khoe khoang tự phụ (x. 6, 2-5: “hầu được vinh vang nơi người đời ... hầu được bày ra cho người ta thấy.. .”). Cách hành động cũng khác nhau: ở đây, người môn đồ phải tỏ ra như là Kitô hữu: trong 6, 1-18 Chúa Giêsu kết án việc phô trương nhắm mục đích làm người ta chú ý.
KẾT LUẬN
Môn đồ Chúa Kitô nhất thiết phải ảnh hưởng trên nhân loại. Nếu chấp nhận hạnh phúc theo quan điểm của Chúa Kitô, thứ hạnh phúc của Bát phúc, thì người môn đồ mới có thể tỏa chiếu trong thế gian và ướp mặn môi trường sống của mình.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Người Kitô hữu toan thất vọng trước kết quả nghèo nàn của nỗ lực mình, phải can đảm lên bằng cách nhớ rằng mình thực sự quan trọng đối với thế giới hôm nay, mặc dầu bề ngoài có vẻ trái ngược, nhớ trong mình là muối và ánh sáng của trần gian. Nhân loại sẽ mất hết ý nghĩa nếu không có sự hiện diện là hành động của người Kitô hữu trong thế giới.
2. Người Kitô hữu toan nhụt chí và bằng lòng với một cuộc sống tầm thường, cũng phải nhớ lại rằng, vì là muối và ánh sáng của vũ trụ, mình không thể chấp nhận đào ngũ hay buông thả mà không phản lại với bản tính sâu xa và lý do hiện hữu của mình.
3. Chính việc can đảm thực hiện Bát phúc giúp người môn đồ Chúa ki tô trở nên muối và ánh sáng của vũ trụ. Còn tất cả mọi đường lối hoạt động khác chỉ đưa đến sự lạt lẽo vô vị hay tăm tối u minh.
4. Lương dân sẽ trở lại trong mức độ thấy chung quanh họ có nhiều Kitô hữu xác tín sống không phô trương cũng chẳng khiếp nhược cuộc sống môn đồ Chúa Kitô trong nếp sinh hoạt đều đặn khiêm tốn thường ngày. Đó là “chứng tá của Kitô hữu, là hành động truyền giáo duy nhất có hiệu quả trong một thế giới tin vào việc làm nhiều hơn vào lời nói.