Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 22- 2-2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mat-thêu (Mt 16: 13-19)
 
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? "16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."

SUY NIỆM 1
 
Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ ngày Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh của Giáo Hội Chúa. Thánh nhân sẽ thay mặt Chúa chăm sóc, cai quản Giáo Hội mà Chúa mới thiết lập: “Con là Phêrô, nghĩa là Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời: dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc; dưới đất con tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi”.

Giáo Hội lập lễ này để mừng ngày thánh Phêrô đến Rôma, sau 7 năm ngự tòa ở Antiôkia. Ơn Chúa thật nhiệm mầu: Sau khi vị thủ lãnh của Giáo Hội dời giáo đô về Rôma, nơi đây là nơi ngoại giáo, chẳng những dần dà thành phố đa thần này đón nhận Tin Mừng Chúa Kitô, mà từ đó, trở thành trung tâm điểm của toàn Giáo Hội. Ngai tòa của các vua chúa ngoại giáo, trở thành Tông tòa của vị lãnh đạo Giáo Hội. Chính tại nơi đã từng là miền đất của dân ngoại, vị Tông đồ cả, giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội, và các giáo hoàng qua mỗi thời đại, thi hành chức vụ thánh hóa, giáo huấn và cai quản đoàn dân Chúa trên khắp hoàn cầu.

Hiện nay, tại Rôma, trong đại thánh đường thánh Phêrô, Giáo Hội còn giữ được ngai tòa (tiếng Latinh là Cathedra) của vị giáo hoàng tiên khởi. Tức là, theo truyền thống cho biết, ngai tòa này thánh Phêrô đã từng sử dụng. Nó là biểu hiện cho quyền bính của đức giáo hoàng như là Thầy dạy, là Thượng Tế và mục tử của Hội Thánh.

Sau này, chính thánh giáo hoàng Lêô Cả xác quyết: “Trong tất cả thiên hạ, chỉ một mình thánh Phêrô được chọn để đứng đầu các dân tộc được kêu gọi, để hướng dẫn các tông đồ và giáo phụ, dù trong dân Chúa có nhiều linh mục và mục tử, chính thánh Phêrô điều hành tất cả. Đang khi Chúa Kitô cai trị mọi người với tư cách là thủ lãnh. Chúa đã ban cho ngài danh dự cao cả và kỳ diệu, được dự phần vào quyền năng của Chúa. Và nếu Chúa muốn ban cho các vị thủ lãnh khác ơn gì chung với ngài, thì bao giờ Chúa cũng dùng ngài để ban cho họ tất cả những gì Chúa không từ khước ban cho những người khác”.

Mừng kính lễ này, chúng ta cám ơn Chúa vì Chúa đã thương cho chúng ta nhìn biết Chúa, gia nhập Giáo Hội của Chúa, là bí tích của ơn cứu rỗi đưa ta về với Chúa, sống trong sự sống của Chúa.

Chúng ta không quên cầu xin cho mình, cho mọi thần phần dân Chúa, luôn trung thành bền đỗ tin theo Chúa, tuân phục Đức Giáo hoàng là đại diện hữu hình của Chúa trên trần gian. Chúng ta cầu nguyện cho các giáo phái đã tách lìa Giáo Hội, được hiệp nhất trong một đàn chiên và một chủ chăn, như ý Chúa muốn.

Lạy Chúa, xin gìn giữ Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội của Chúa, để nhờ sự dẫn dắt mà Chúa trao cho Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội của Chúa ngày thêm phong phú về đời sống đức tin và sự khôn ngoan, để vượt thắng mọi kẻ thù của linh hồn, có thể làm chúng con xa Chúa. Chúng con nguyện xin cho chúng con luôn kiên cường mạnh mẽ, vượt thắng mọi thử thách, hầu xứng danh Kitô hữu, kẻ được Chúa đổ máu cứu chuộc.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


 SUY NIỆM 2
Đức Giêsu và các môn đệ đến miền Cêsarê Philiphê, là miền dân ngoại ở phía bắc Galilê, xa khỏi vùng mà Đức Giêsu thường xuyên lui tới để giảng dạy, để sống với nhau những giây phút thật riêng tư, để đặt ra cho nhau những câu hỏi thâm sâu, liên quan đến ngôi vị và có giá trị suốt cả đời. Thật vậy, dọc đường, Đức Giê-su hỏi các môn đệ hai câu hỏi liên quan đến chính căn tính của mình : câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? » chuẩn bị cho câu hỏi thứ hai : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? ».
Thánh Phê-rô và các tông đồ chắc chắn đã nghe câu hỏi này của Đức Ki-tô, và các ngài đã trả lời cách đích thân, không chỉ bằng lời tuyên xưng, nhưng bằng cả cuộc đời đi theo và trở nên một Người cho đến cùng, nghĩa là trong mầu nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh.

  1. « Người ta nói Thầy là ai ? »
Đúng là, để trả lời đích thân cho Chúa và đi vào tương quan thiết thân với Ngài, chúng ta phải vượt qua những gì « người ta » nói về Ngài, và cũng đúng là những gì người ta nói về Ngài vẫn chưa là điều Ngài thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với con người. Nhưng, để giúp các môn đệ và giúp chúng ta hôm nay hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm Nhập Thể và nhất là về cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ, những gì người ta nói về Ngài có một ý nghĩa thực sự quan trọng.
Thật vậy, các môn đệ trả lời : « Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ ». Như thế, Chúa Giê-su ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của ngôn sứ Gioan, một chút của ngôn sứ Elia, một chút của ngôn sứ Giêrêmia ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời « nhảy xuống » cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế, chắc hẳn Ngài sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.
Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của ngôn sứ Gioan. Theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ Đau Khổ là hình ảnh biểu tượng của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ nơi chính cuộc đời của mình.
Thánh Phê-rô đã không hiểu ra điều này, mặc dù đã tuyên xưng đúng căn tính của Chúa (x. Mt 16, 21-23). Bởi vì, điều khó vừa khó hiểu và vừa khó chấp nhận, đó là con đường Ngài chọn để bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa cho các môn đệ, cho loài người, cho từng người trong chúng ta. Chính vì thế, bao lâu mầu nhiệm Vượt Qua chưa được hoàn tất, Ngài « cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô » (c. 20).

  1. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »
Sau câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? », Ngài hỏi các môn đệ : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để lắng nghe câu hỏi này của Đức Giê-su, vì đây là câu hỏi không thể tránh né được, nhằm đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong hành trình đi theo Thầy Giê-su của các môn đệ, và vì đó cũng là câu hỏi Đức Giê-su hỏi đích thân mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, trong đời sống gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, có một lúc nào đó, và có thể là lúc này, Ngài cũng đích thân hỏi chúng ta : « Còn con, con nói Thầy là ai ? ».
Với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Bởi lẽ, đó là nói lại điều người khác nói về Chúa, đó là những thông tin. Đức Giêsu đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng một mình thánh Phêrô trả lời, bởi lẽ câu hỏi này đòi hỏi mỗi người phải trả lời đích thân. Và sau khi người môn đệ tuyên bố Đức Giê-su là ai đối với mình, Ngài sẽ dẫn các ông đi xa hơn và sâu hơn vào cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ và qua đó, Ngài bày tỏ ngôi vị thần linh và tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa :
Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”
(c. 21)
Giống như hai người trẻ, sau một thời gian tìm hiểu, và nhất là đón nhận những ân huệ của nhau (quà tặng, thời gian, sự hiện diện và nhất là tình yêu), nhưng sẽ đến một lúc nào đó phải dừng lại, tìm một nơi thanh vắng, cách xa với môi trường sống quen thuộc, để tĩnh tâm, cầu nguyễn và suy nghĩ về việc có nên trao ban cho nhau lòng tin hay không, nghĩa là đặt cuộc đời của mình vào tay người kia, và cùng nhau suy nghĩ về một lựa chọn dứt khoát : có nên thuộc về nhau suốt đời hay không ? Mỗi người được mời gọi đưa ra quyết định : người kia là ai đối với mình suốt đời ?
Và cũng giống như người phụ nữ Samari (x. Ga 4), trong hành trình làm người, hành trình sống đức tin và nhất là hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, gia đình hay dâng hiến, chúng ta đã nhận ra ân huệ Thiên Chúa, nhất là lòng thương xót và ơn chữa lành Thiên Chúa ban cho chúng ta nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh, giờ đây Người mời gọi chúng ta đi xa hơn và sâu hơn vào tương quan thuộc về với Đức Ki-tô : Ngài là ai đối với tôi ? Và tôi là ai đối với Ngài ? Và để cho câu trả lời của chúng ta có giá trị Giao Ước vĩnh viễn, chúng ta được mời gọi dành nhiều thời gian để tìm hiểu Đức Ki-tô, để « chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập Giá và phục sinh. Và cũng như Đức Giê-su đã làm với các môn đệ, Người cũng kiên nhẫn dành nhiều thời gian để bày tỏ ngôi vị đích thật của Ngài cho chúng ta.
Cũng vậy, trong hành trình đi theo Chúa trong một ơn gọi, mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không chỉ theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không chỉ nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý hay truyền thống), nhưng còn đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một.
Vậy sau bằng đó năm đi theo Chúa, với tư cách là Ki-tô hữu trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, mỗi người chúng ta đã nghe Chúa đặt câu hỏi này cho mình chưa : « còn con, con nói Thầy là ai ? » Nếu có, chúng ta đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay chúng ta chỉ nghe và trả lời giống như người ta nói về Chúa mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người trưởng thành ?
Dĩ nhiên là chúng ta có thể trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô? Và tôi sẽ đi theo Ngài và dấn thân như thế nào để sống câu trả lời của tôi ?

  1. Mối phúc và sứ mạng
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đây là lời tuyên xưng đức tin, qua đó thánh Phê-rô đại diện cho tất cả những người tin thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, nhìn nhận căn tính thần linh của con người Đức Giê-su Nazareth. Lời tuyên xưng đức tin này không có nguồn gốc con người, như Đức Giê-su xác nhận : « Không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy », nhưng đến từ mặc khải của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự trên trời. Và niềm tin nơi Đức Ki-tô là một mối phúc : « Này anh Simon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc », phúc của thánh Phê-rô đã tuyên xưng niềm tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhờ mặc khải của Thiên Chúa, và phúc của chúng ta hôm nay, vì cũng tuyên xưng và sống cùng một niềm tin.
Xin cho chúng ta cảm nhận được mối phúc này mỗi ngày và suốt đời trong niềm vui, vì niềm tin chúng ta đặt để nơi Đức Ki-tô : đức tin của chúng ta thiết yếu không phải là một hệ thống tư tưởng hay nguyên tắc luân lí, nhưng là ngôi vị sống động và thần linh, là Đấng Cứu Độ, mang lại cho chúng ta tình yêu, lòng bao dung, ý nghĩa, đường đi, sự hiểu biết, sức sống và chính sự sống.
Nhưng thế nào là một mặc khải của Thiên Chúa về Đức Ki-tô ? Chắc chắn đó không phải là một sự nhận biết bất chợt và một lần là xong ; như chính Đức Ki-tô nói với thánh Phê-rô : « Điều Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu » (Ga 13, 7). Đặt mối phúc của thánh Phê-rô trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của thánh nhân, chúng ta nhận ra rằng, mặc khải về căn tính thần linh của Đức Ki-tô đến từ chính kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô, đi theo, ở lại, lắng nghe, hiểu biết, để cho Người rửa chân, trao ban và yêu thương đến cùng, mỗi ngày và suốt đời. Kinh nghiệm đức tin của thánh Phao-lô Tông Đồ giúp chúng ta nhận ra điều này :
Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.
(Pl 3, 7-9)
Đó là lời của thánh Phao-lô, nhưng thánh phê-rô cũng có cùng một kinh nghiệm sâu đậm về hiểu biết và lòng mến đến cùng dành cho Đức Ki-tô (x. Ga 21, 1-20). Chúa tin tưởng trao ban cho thánh Phê-rô, vừa với tư cách là “Đá Tảng” và vừa với tư cách là đại diện các tông đồ và các thừa tác viên (x. Ga 20, 23) một quyền rất lớn, đó là quyền tháo cởi hay cầm buộc. Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tin tưởng trọn vẹn mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho con người mòng dòn ở dưới đất. Nhưng trong lịch sử, đã có lúc Giáo Hội mê quyền cầm giữ hơn quyền tha tội, đã tách biệt quyền bính với sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô. Không gắn bó với Đức Ki-tô, không hiểu Ngài cách sâu xa, nhất là mầu nhiệm Thập Giá , không nhớ lại kinh nghiệm được thương xót, không để cho Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta rất dễ sử dụng quyền bính Chúa ban không phải để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, nhưng để lên án loại trừ và giết chết, theo năng động của Sự Dữ.
Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phê-rô, nhưng đá tảng Phê-rô lại được nâng đỡ bởi LÒNG THƯƠNG XÓT của Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc