Từ
bỏ một điều gì đó mà ta ham thích chẳng dễ chút nào! Từ bỏ cái mà ta có
được sau những tháng ngày chật vật tạo nên, thì lại càng không thể! Từ
bỏ một thói quen đã ăn sâu trong lòng, thì dường như nằm ngoài tâm trí!
Từ bỏ chính con người của ta, thì tưởng chừng như quá xa vời! Chúa có
đòi hỏi quá cao để ta được trở nên môn đệ của Ngài không? Chúa có biết
những mưu cầu cần thiết cho cuộc sống trần gian của ta không? Tại sao
Ngài muốn ta phải từ bỏ tận căn?
Sở
thích của con người ngày nay được xem như một giá trị để đánh giá chính
đối tượng ấy. Có người rất thích sưu tầm thời trang, như một cách thể
hiện đẳng cấp của mình; cũng có người suốt ngày chỉ mày mò, săn lùng
những sản phẩm công nghệ cao, và chạy theo xu hướng phát triển mạnh mẽ
của xã hội. Người thì đam mê thể thao với những dụng cụ tân tiến nhất,
nhằm chứng tỏ những thế mạnh của bản thân; kẻ thì dốc hết tâm trí cho
việc đầu tư tài chính trên nhiều lãnh vực để đạt được mục tiêu làm giàu.
Tất cả những sở thích ấy tạo nên sự phong phú trong đời sống cộng đồng.
và chẳng có lý do gì khiến ta phải dừng lại những sở thích ấy. Vậy mà
đôi khi Chúa lại muốn! Quả là một sự đòi hỏi rất khắt khe dành cho những
ai thật sự muốn được trở nên môn đệ của Ngài!
Một
thói quen tốt lành làm cho ta được nhìn nhận như một người tốt lành.
Một hành động cao thượng làm cho ta được kể là người cao thượng. Thế
nên, ta thường có thói quen tốt lành hay hành động cao thượng để chứng
tỏ: ta là như thế! Từ bỏ một thói quen tốt lành đồng nghĩa với việc từ
bỏ một sự nhìn nhận, và từ bỏ một hành động cao thượng chẳng khác gì từ
bỏ một sự vinh danh cá nhân mình. Có bất ổn không khi phải từ bỏ những
gì tốt đẹp nhất mà ta xây dựng để làm nên chính con người của mình?
Người
môn đệ mà Thiên Chúa mong muốn không phải là người phải sống xa vời với
những thực tại xã hội. Thật hay biết bao khi sự phát triển của xã hội
có sự đóng góp to lớn của những người môn đệ chân chính! Những đóng góp
ấy đã làm cho xã hội đẹp hơn và tốt hơn; cái đẹp được thể hiện nơi cộng
đồng chính là những thành quả lao động mà con người đã cố công, để có
được những vật chất thể hiện ra bên ngoài; và cái tốt được khẳng định
trong đời sống nơi những nhu cầu chính đáng được thỏa mãn và trợ giúp
cho nhau. Thế nên, chẳng có gì là xấu khi ta cố công làm việc và theo
đuổi sở thích của bản thân! Vậy mà, đôi lúc Chúa muốn ta phải dừng lại.
Ngài có lý do và lý do đó thật là chính đáng! Nghiêng mình trước những
bộ cánh đẹp đẽ bên ngoài, hay trầm trồ khen ngợi trước những sản phẩm
hiện đại; đắc thắng với những thành tích thể thao đạt được, hoặc tự mãn
với khả năng làm giàu của bản thân… tất cả đều là những giá trị hư vô,
bởi nó chẳng tô điểm gì thêm cho tâm hồn mình. Cái đẹp của tâm hồn không
thể nào được trang hoàng bằng những thứ ấy; trái lại, chính những thứ
ấy đôi lúc lại làm cho tâm hồn xấu đi. Liệu ta có tránh được sự ganh tỵ
khi thấy người khác lụa là gấm vóc hơn mình không? Có thoát được những
khoản thời gian dài vô tận chìm đắm trong công nghệ, để ngày càng xa
Chúa không? Liệu ta có dừng lại được sự cố gắng chứng tỏ khả năng của
bản thân trong mọi lãnh vực thể thao không? Sở thích làm giàu có biến ta
trở thành nô lệ của tiền bạc và danh vọng không? … Sở thích sẽ nuôi sở
thích và sở thích càng lớn thì việc xa Chúa là điều càng dễ dàng xảy ra!
Người
môn đệ mà Thiên Chúa mong muốn cũng không phải là người phải sống khép
kín, không dám thể hiện những nghĩa cử cao đẹp của mình. Một việc tốt
lành nào đó ta làm ắt hẳn Ngài sẽ rất vui! Tuy nhiên, có những việc tốt
lành trở nên như một thói quen thường ngày, ta thực hiện chúng như một
điều kiện không thể dứt bỏ; vì nếu dứt bỏ thì bị cái cảm giác “không
phải là ta” đè nặng tâm trí. Vô tình, ta xây dựng cho mình một hình ảnh
thật tốt đẹp trong mắt mọi người, và không bao giờ ta muốn làm phai mờ
hình ảnh ấy. Một ngày nào đó, Chúa cất tiếng mời ta hãy từ bỏ con người
cũ của mình, ôi sao mà khó quá! Ta đã xây cho nó một lâu đài quá kiên cố
đến độ muốn dứt bỏ phải trải qua biết bao công đoạn. Khởi đi từ sự nhìn
lại xem ta xây lâu đài đó vì lý do gì, có làm cho Chúa được tỏ hiện nơi
mọi người không? Khi phát hiện ra ta chỉ làm nổi bật chính mình, thì ta
có dám can đảm để phá bỏ nó đi hay không? Công đoạn khó nhất có lẽ là
sự bất chấp những hiểu lầm của người khác về việc thay đổi chính ta, để
được trở nên như Chúa mong muốn. Người khác thấy ta không còn thói quen
đó hằng ngày nữa, nhưng một khi ta đã thực hiện việc ấy thì nó không còn
là thói quen nữa, nhưng là một sự ao ước thôi thúc từ bên trong tâm hồn
ta muốn dành cho Chúa.
Từ
bỏ thật là khó! Nhưng khi đã từ bỏ rồi, ta mới thấy hạnh phúc làm sao!
Hạnh phúc vì ta nhận ra tâm hồn mình đã thật sự được tự do, hạnh phúc vì
trở thành môn đệ đích thực của Chúa cách tự do và nhất là để cho Chúa
được tự do dùng ta như khí cụ hữu dụng trong tay Ngài.
Lạy
Chúa! Xin cho con được quyết tâm từ bỏ những điều Chúa không ưa thích,
để con được tự do làm những điều Chúa yêu thích. Xin cho con được trở
nên môn đệ của Ngài không phải vì những chứng thực của người đời, nhưng
vì được Chúa gọi con là “bạn hữu của Thầy”!
Therese Trần Thị Kim Tho