Hỏi: Thưa cha, trong một số dịp mừng, con thấy thỉnh thoảng người ta tặng nhau tấm bằng “Phép lành Tòa Thánh” do Đức Thánh Cha làm phép xem như món quà quý giá. Có người treo tấm bằng đó nơi phòng khách thật trang trọng còn hình Chúa thì lại không thấy treo. Con xin hỏi là Đức Thánh Cha có thực sự làm phép từng tấm bằng hay làm hàng loạt rồi người ta xin hay mua về và điền tên vào? Phép lành của Đức Thánh Cha và của linh mục có giá trị khác nhau không? Cám ơn cha.
Trả lời
Bạn Hồng Trang thân mến,
Chúng ta vẫn thấy nhiều gia đình treo
rất nhiều ảnh tượng như thế, nhất là gia đình bắc di cư khu toàn tòng.
Họ thấy hình nào đẹp hay mua về từ những nơi hành hương đâu đó thì treo
hết cả ra ngoài phòng khách. Chính vì thế các anh em Tin Lành cũng có lý
khi họ nói người Công giáo chỉ biết thờ ngẫu tượng! Chúng ta cũng thông
cảm vì ông bà ta trước kia không có nhiều kiến thức về giáo lý, cũng
như thói quen của người dân thường chạy theo các vị thánh hơn là đến với
Chúa và Mẹ Maria. Vì thế, phòng khách của một số gia đình trở nên như
phòng nhiếp ảnh vậy!
Nói về chứng nhận phép lành của tòa
thánh (có nơi gọi là bằng Phép lành), đó là giấy có chữ ký của Giám mục
phụ trách trong văn phòng xin ơn phúc lành của Đức Giáo Hoàng (dĩ nhiên
với sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng). Phép lành, Benedictio (hay
blessing), là lời cầu xin Chúa chúc lành và ban ơn cho các tín hữu. Mọi
tín hữu đều có thể cầu xin Chúa chúc lành cho bản thân và tha nhân, dựa
trên mầu nhiệm ”các thánh thông công”. Theo lịch sử, việc chúc lành đã
có trong Cựu Ước, với sự chúc lành của Thiên Chúa cho dân ngài, cho đến
thời Tân Ước và dến ngày nay trong Giáo Hội. Nếu mọi tín hữu đều có thể
chúc lành cho nhau, như bên Tây phương, chúng ta thường hay nghe tín hữu
chúc lành cho nhau như “God bless you,” hay “God bless.” Người Việt
chúng ta thì không có thói quen ấy. Còn sự chúc lành của những vị được
Chúa chọn làm mục tử như Đức Giáo Hoàng, giám mục, linh mục càng có sức
mạnh hơn nữa.
Lời chúc lành hay phép lành của Đức Giáo
Hoàng được gọi là Phép lành Tòa Thánh. Linh mục cũng có thể ban phép
lành tòa thánh, nhưng theo quy định của Giáo Luật (ví dụ lễ mở tay linh
mục đầu tiên, cho người hấp hối, nguy tử). Việc ban phép lành của Đức
Giáo Hoàng, giám mục, hay linh mục là như nhau vì đó chỉ là á bí tích.
Muốn có được giấy chứng nhận này, bạn có
thể viết thư thẳng tới Đức Giám mục Oscar Rizzato ở Vatican, kèm theo
giấy chứng nhận hạnh kiểm do cha sở, hoặc cha bề trên dòng nếu là tu sĩ.
Sau đó, ngài sẽ chuyển đến giám mục đặc trách việc xin ơn phúc này của
Đức Giáo Hoàng, và chính ngài sẽ ký, chứ không phải là Đức giáo hoàng
ký. Còn khi bạn đến Rôma hành hương, bạn có thể ghé 1 trong 30 của hàng
bán ảnh tượng để nhờ các tiệm quanh đền thánh Phêrô viết giấy chứng nhận
Phép lành Tòa thánh và đưa vào trong văn phòng ấy của Vatican để xin
chữ ký (của giám mục phụ trách) và sau 10 ngày sẽ được nhận lại. Ngoài
các cửa hàng ấy, còn có các Dòng kín chiêm niệm nữ cũng đảm nhận việc
viết giấy chứng nhận phép lành này.
Giấy chứng nhận phép lành này là sự
chứng tỏ việc ban phép lành của Đức Thánh Cha thật sự thông qua văn
phòng của ngài tại tòa thánh Vatican. Khi bạn mua (trả chi phí cho giấy,
bút, thuê người viết, vẽ… chứ không phải mua giấy chứng nhận này, vì ơn
thánh không thể mua bán) giấy chứng nhận Phép lành tòa thánh, có nghĩa
là bạn cũng đang giúp và đóng góp vào việc từ thiện. Số tiền (khoảng 10
đô Mỹ) một tờ giấy này sẽ chi trả cho những người làm việc trong văn
phòng Vatican, số tiền còn lại sẽ sung vào quỹ cho người nghèo khổ mà
tòa thánh thực hiện.
Việc treo giấy này chỉ cho thấy bạn hãnh
diện khi được Đức Giáo Hoàng ban phép lành mà thôi, chứ không là bảo
chứng ân xá hay toàn xá cho bạn. Thông thường chúng ta đề cao địa vị của
Đức Giáo Hoàng, và cho rằng phép lành ấy là hơn tất cả các phép lành
của giám mục hay linh mục. Thực sự, phép lành được ban ra đều như nhau
(á bí tích, hay phụ tích). Thiên Chúa đã ban cho các linh mục quyền mở
kho tàng của trái tim Ngài và đổ vào đó một cơn mưa hồng ân trên các
linh hồn. Khi linh mục ban phép lành là chính Thiên Chúa ban. Bởi phép
lành của Thiên Chúa qua linh mục (hay Đức Giáo Hoàng, Giám mục), bạn sẽ
nhận được hồng ân yêu mến, sự mạnh của chịu đựng sự đau khổ và sự cứu
giúp cho thân xác và linh hồn. Dĩ nhiên, bạn phải mở lòng và đón nhận
phép lành thì phép lành ấy mới sinh ơn ích cho bạn (sự cộng tác từ hai
phía: một phía ban tặng, phía còn lại mở lòng đón nhận với ý muốn tốt
lành và muốn trở nên tốt hơn).
Mỗi ngày chúng ta vẫn được ban phép lành
qua linh mục chủ tế cuối Thánh Lễ. Ơn ích vẫn tuôn đổ xuống cho loài
người, nhưng ngày nay có lẽ càng ngày ít tín hữu yêu chuộng và đón nhận
phép lành từ tay linh mục. Khi chúng ta chết đi, chúng ta mới hiểu việc
ban phép lành (của Giáo hoàng, Giám mục, và linh mục) tuyệt vời và có
giá trị như thế nào khi ơn Chúa ào ạt đổ xuống.
Lm. Khất Tuệ
Người đi lễ trễ có được rước lễ không?
Giải đáp của Cha Edward McNamara,
Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Giáo sư phụng vụ của Đại học Regina
Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Thời điểm nào trong Thánh lễ được xem là quá trễ, để một người vào nhà thờ lúc ấy không được rước lễ nữa? Những ngày qua, tôi thấy nhiều người vào nhà thờ ngay lúc cha cho giáo hữu Rước lễ, và họ lên Rước lễ luôn. Như vậy là đúng không? - E. M., Port Harcourt, Nigeria
Hỏi: Cha xứ của con đã qui định rằng ai tới nhà thờ sau bài Tin Mừng, thì không được phép Rước lễ trong Thánh lễ ấy. Theo cha xứ, lý do là rằng Chúa Giêsu là "Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Vì vậy, chúng ta phải nhận biết Chúa Giêsu trong Lời trước khi chúng ta nhận ra Chúa trong Hiệp Lễ. Một linh mục khác, là giáo sư phụng vụ, lại có ý kiến khác. Ngài nói rằng các người đến trễ trong Thánh Lễ với một lý do chính đáng (ví dụ, một ách tắc giao thông, chăm sóc con ốm, …) sẽ không bị khước từ Rước Lễ. Xin cha giúp làm sáng tỏ vấn đề này. - B. E., Kuala Lumpur, Malaysia
Đáp: Giống như hầu hết các linh mục, tôi miễn cưỡng để đưa ra một câu trả lời thẳng cho các câu hỏi như thế, bởi vì, trong một cách nào đó, chúng là hoàn cảnh khó xử.
Đúng là trước Công Đồng chung Vatican II, một số sách giáo khoa thần học luân lý đưa ra thời điểm trước phần dâng lễ vật làm ranh giới, trong việc quyết định liệu một người chu toàn luật buộc về tham dự thánh lễ Chúa Nhật hay không. Nhưng sau cuộc cải tổ phụng vụ, với sự nhấn mạnh vào sự thống nhất chung của Thánh lễ, các nhà thần học hiện đại né tránh sự chính xác như thế.
Thánh Lễ bắt đầu với việc rước vào nhà thờ và kết thúc sau phần giải tán sau cùng, và chúng ta tham dự thánh lễ từ đầu tới cuối. Mỗi phần của Thánh Lễ liên quan và bổ sung cho các phần khác trong một hành động duy nhất của sự thờ phượng, mặc dù một số phần, chẳng hạn như việc truyền phép, là cốt yếu, trong khi các phần khác là đơn thuần quan trọng.
Nói rằng có một thời điểm cụ thể, để trước đó hoặc sau đó chúng ta là hoặc “ở ngoài Thánh lễ” hoặc "an toàn trong Thánh lễ", có thể là đưa ra một sứ điệp sai lầm và gợi ý rằng, về lâu dài, một số phần của Thánh Lễ là thực sự không quan trọng. Nó cũng có thể cung cấp cho một số giáo hữu ít nhiệt thành một thước đo cho việc đến tham dự Thánh lễ một cách chậm trễ.
Rất có thể rằng một số tín hữu có thể bắt đầu nhìn thấy việc đọc bài Tin Mừng là thời điểm ranh giới, nên cảm thấy thoải mái khi vào nhà thờ cho kịp bài đọc 2, và như thế bảo đảm rằng Thánh Lễ là "hợp lệ".
Mặc dù tôi không muốn gây nguy hiểm bằng cách nói ra một thời điểm ranh giới chính xác, chắc chắn một người nào đến sau khi Truyền phép là đã không tham dự Thánh lễ ấy, cho nên không rước lễ, và nếu đó là một ngày Chúa Nhật, thì phải tham dự một Thánh lễ khác.
Đến đúng giờ không chỉ là một vấn đề về bổn phận, mà còn là tình yêu và sự tôn trọng đối với Chúa chúng ta, Đấng qui tụ chúng ta để chia sẻ hồng ân của Ngài, và Đấng có ơn ban đề thông chuyển cho chúng ta trong mỗi phần Thánh lễ.
Đó cũng là một dấu hiệu tôn trọng đối với cộng đoàn, mà cùng với họ chúng ta thờ phượng và họ trân trọng sự có mặt của chúng ta, và sự đóng góp của lời nguyện của chúng ta trong mỗi thời khắc. Phụng vụ là cốt yếu sự thờ tự của nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo Hội. Mỗi cộng đoàn được mời gọi đại diện và biểu lộ toàn nhiệm thể, nhưng điều này khó có thể xảy ra nếu cộng đoàn chỉ tạo số lượng nhỏ tản mác sau khi Thánh lễ bắt đầu.
Do đó các người đến trễ lễ phải thành thật tự hỏi, tại sao? Nếu họ đến trễ vì một số lý do chính đáng hoặc sự kiện bất khả kháng, chẳng hạn như ách tắc giao thông do một tai nạn, họ đã hành động theo lương tâm tốt và không có nghĩa vụ phải tham dự một Thánh lễ khác sau đó (mặc dù họ nên tham dự Thánh lễ khác, do họ đã đến quá trễ, nếu có thể được).
Tương tự như vậy đối với nhiều người lớn tuổi, thậm chí việc đi được đến nhà thờ là một cuộc phiêu lưu, và người ta không được làm nặng gánh lương tâm của họ bằng cách tính phút tình giây.
Nếu người nào đến trễ do sơ suất đáng khiển trách, và đặc biệt là nếu họ làm như vậy thường xuyên, họ cần phải nghiêm túc suy nghĩ về thái độ của họ, sửa đổi cách sống của họ, và nếu cần thiết nên đến với Bí Tích Hòa Giải.
Tùy vào cách họ đến trễ như thế nào, họ cần tôn trọng ngày của Chúa bằng cách tham dự một Thánh lễ khác, hoặc, nếu không thể được, ít nhất họ ở lại trong nhà thờ sau Thánh Lễ, và dành một ít thời gian để cầu nguyện và suy niệm về các bài đọc của ngày hôm đó.
Đúng là người ta có thể rước lễ ngoài Thánh Lễ, vì vậy Thánh Lễ không phải là một điều kiện tiên quyết cho việc Rước Lễ. Tuy nhiên, điều này sẽ không biện minh cho việc đến đúng giờ để rước lễ trong Thánh lễ ngày thường, vì tất cả các nghi thức cho việc Rước Lễ ngoài Thánh Lễ bao gồm phần Phụng Vụ Lời Chúa, và người ta phải tham dự toàn bộ nghi thức này.
Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ, Zenit
Giật chuông nhà thờ để làm gì?
Trong bộ giáo luật hiện hành, không
còn thấy nói tới chuông nhà thờ nữa. Như vậy có nghĩa là từ nay có thể
dùng chiêng trống phèn la, chứ không cần phải giật chuông trong các nghi
lễ phụng vụ nữa, phải không?
Trước hết, chúng ta nên ghi nhận là so với bộ luật cũ, thì quả là có khoảng trống lớn trong giáo luật hiện hành về vấn đề chuông. Bộ luật cũ đã dành ra ba điều luật để nói tới chuông nhà thờ (612, 1169, 1185). Cách riêng điều 1169 quy định khá chi tiết về chuông nhà thờ, trong 5 khoản:
$1. Mỗi nhà thờ nên có chuông, để mời gọi các tín hữu đến tham dự phụng vụ và các việc đạo đức.
$2. Các chuông nhà thờ cần được cung hiến hay chúc lành dựa theo các nghi thức ấn định trong các sách phụng vụ.
$3 Việc sử dụng chuông tùy thuộc hoàn toàn vào thẩm quyền của nhà chức trách Hội thánh.
$4. Ngoại trừ những điều kiện do người đã dâng cúng chuông đã đặt ra và đã được Bản quyền châu phê, một khi chuông đã được chúc lành thì không được dùng vào những mục tiêu phàm tục, đừng kể khi có lý do chính đáng và có phép của Bản quyền, hoặc do tục lệ hợp pháp.
Sau cùng khoản 5 nói tới ai có thẩm quyền cung hiến hoặc chúc lành chuông.
Vậy nếu bộ luật hiện hành không còn nói tới chuông nhà thờ nữa, thì hiểu là từ nay Giáo hội để tùy tiện, ai muốn treo chuông hay treo trống cũng được, và cũng chẳng cần phải cung hiến hay chúc lành gì nữa, phải không?
Nói rằng không còn có luật lệ gì về chuông nhà thờ thì không đúng. Chúng ta sẽ để cho các sử gia tìm hiểu lý do tại sao bộ luật mới không còn nói đến chuông nhà thờ nữa. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng trong sách nghi lễ phụng vụ dành cho các Giám mục (Caerimoniale episcoporum) do bộ Phụng tự xuất bản năm 1984 (nghĩa là một năm sau bộ giáo luật), có một chương dành cho việc chúc lành chuông nhà thờ, với nghi thức lấy từ quyển ₡De Benedictionibus‛ được ban hành cùng năm. Điểm đầu tiên cần được ghi nhận là sách phụng vụ không còn nói tới cung hiến hoặc chúc lành (consecratio vel benedictio) chuông như trước, mà chỉ nói tới ‛chúc lành‛ mà thôi. Trong bộ luật cũ, việc cung hiến bao gồm việc xức dầu thánh; còn từ nay thì không còn xức dầu thánh trên chuông nữa, mà chỉ còn rảy nước thánh. Các nghi thức rửa chuông phỏng theo nghi thức rửa tội cũng bị bỏ luôn. Điều thứ hai đáng ghi nhận là việc chúc lành chuông không còn dành cho đức Giám mục như trước (nhất là vì hồi đó còn có chuyện cung hiến), nhưng mà có thể được cử hành bởi cha sở hay linh mục quản đốc thánh đường. Điều thứ ba cần ghi nhận là chuông chỉ cần chúc lành khi được sử dụng sau khi đã có nhà thờ. Còn khi chuông được khánh thánh cùng lúc với nhà thờ mới, thì không cần phải làm lễ chúc lành riêng cho các chuông, bởi vì việc cung hiến và chúc lành nhà thờ bao gồm luôn việc chúc lành các vật dụng phụng tự (như là: chuông, đàn, tượng ảnh, vv). Đó là ba chi tiết quan trọng dưới khía cạnh pháp lý (nghĩa là xét về thẩm quyền và chất liệu). Còn dưới khía cạnh huấn giáo mục vụ, còn có những chi tiết khác mà sách phụng vụ muốn nêu bật trong các bài giảng và lời nguyện, tiên vàn là vai trò của chuông đối với đời sống cộng đoàn. Thường thì chúng ta coi cái chuông như dấu báo hiệu sắp sửa tới giờ lễ rồi. Chuông ra như có vẻ mời mọc thúc giục các tín hữu chuẩn bị đi nhà thờ. Thế nhưng, ngoài cái vai trò giục giã như vậy, ta cũng có thể gán cho nó vai trò quy tụ, triệu tập các tín hữu lại để cùng nhau thờ phượng Chúa.
Nhưng mà có nơi còn giật chuông tử nữa, chứ đâu phải chỉ có giật chuông để báo hiệu sắp tới giờ lễ?
Đúng như vậy, chính vì thế mà vừa rồi tôi có nói tới vai trò của tiếng chuông trong đời sống cộng đoàn. Nó không những chỉ giục giã các tín hữu tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, nhưng nó còn thông báo những biến cố quan trọng của cộng đoàn. Nhiều nơi có thói tục giật chuông để loan báo có một người vừa tạ thế, mà ta gọi là chuông tử. Có nơi giật chuông khi có tin vui, tựa như khi cử hành đám cưới, hay là tiếp đón một thượng khách (thí dụ đức Giám mục giáo phận đến thăm). Và mới đây vài cha sở bên Italia cho giật chuông khi một em bé mới chào đời. Dù sao, thì từ lâu, tục lệ dân gian đã tóm lại 6 vai trò của chuông qua hai câu thơ bằng tiếng La-tinh như sau: Laudo Deum, plebem voco, congrego clerum, defunctos ploro, pestem fugo, festa decoro: tôi ca ngợi Chúa, kêu gọi nhân dân, triệu tập giáo sĩ, thương khóc người chết, đuổi xa dịch tễ, thông báo lễ lạc.
Chắc ai cũng hiểu rõ những chức phận vừa kể. Nhưng sao lại có chuyện xua đuổi dịch tễ?
Tôi không rõ cho lắm. Tuy nhiên, có điều chắc là tại nhiều miền thôn quê, mỗi khi trời bị phủ mây đen nghịt báo sắp có mưa to, thì người ta giật chuông nhà thờ. Để làm gì vậy? Thưa là để tránh cho khỏi sét đánh. Đây không phải là chuyện mê tín dị đoan, nhưng có căn bản khoa học: việc giật chuông sẽ gây ra những làn sóng trên không trung, đánh tan bầu khí nặng nề, tức là môi trường tích tụ tiếng sét. Nói thế không có nghĩa là các tháp nhà thờ không cần cột thu lôi nữa.
Đó là các vai trò cổ truyền của chuông nhà thờ. Nhưng nó đã thuộc vào quá khứ xa xưa rồi, và gắn liền với văn minh Âu Tây. Ngày nay đã đến lúc, chúng ta phải trở về với văn hóa dân tộc. Vì thế, thay vì giật chuông, tại sao mình không dùng trống chiêng?
Chuyện thay thế chuông nhà thờ bằng trống chiêng thì không thuộc thẩm quyền của tôi. Thực ra thì kể cả trong bộ giáo luật cũ cũng không có việc bắt buộc mỗi nhà thờ phải có chuông: nhà lập pháp chỉ nói là ₡nên có‛ (convenit). Nên biết là các sử gia đều đồng ý rằng việc sử dụng chuông vào việc phụng tự không hề gắn liền với Kitô giáo. Thực vậy, các tài liệu lịch sử cho thấy là các chùa bên Trung quốc đã sử dụng chuông từ xa xưa, hàng chục thế kỷ trước công nguyên. Còn về phía Kitô giáo, thì mãi tới thế kỷ V-VI mới thấy nói tới, và trở thành thông dụng từ thế kỷ VII. Dù sao, dù không sành điệu về âm nhạc, người ta có thể nhận thấy có sự khác biệt giữa tiếng chuông chùa với tiếng chuông nhà thờ. Chuông chùa có vẻ trầm hơn, và đánh từ từ từng tiếng một; còn chuông nhà thờ thì thanh hơn, và thường đánh liên hồi. Và nói chung thì các nhà thờ càng sang thì không những người ta gắn chuông to mà lại còn liệu cho thật nhiều chuông nữa. Xét về chuông to, thì giải quán quân được dành cho các ngôi nhà thờ tại Mơscơva, với những quả chuông nặng 65 tấn. Còn xét về bộ, thì có nơi làm thành giàn 14-15 chiếc, với những cung độ của nó, có thể đánh thành bài hát. Thực ra, thì một số chức năng của chuông nhà thờ nay đã bị lấn át rồi, trong số đó, phải nói tới chức năng báo giờ. Lúc đầu, trong các đan viện, người ta giật chuông để báo cho các tu sĩ giờ giấc khi thức dậy, đọc kinh, làm việc, vv. Sau đó, các giáo xứ cũng giật chuông không những để báo hiệu cho các tín hữu đi nhà thờ mà để cho biết giờ nữa; một cách cụ thể là ba lần một ngày khi xướng kinh Truyền tin. Ngày nay, hầu hết các tu sĩ và tín hữu đã có đồng hồ đeo tay, nên họ không còn ngóng chuông nhà thờ nữa. Dù vậy, chúng ta cũng thấy có những hãng đồng hồ đã tạo ra cung điệu chuông nhà thờ để báo các giờ hay khắc.
Mặt khác, cũng có những nhà thờ cho quay đĩa chuông thay vì giật chuông thật; vì vậy mà chuông nhà thờ lại càng mất giá trị phải không?
Ta không nên buộc tội cho những giáo xứ đã đánh chuông giả bằng máy ampli là đã phá giá chuông thật. Có lẽ bởi vì họ quá nghèo, không đủ tiền sắm chuông đấy thôi. Thực ra thì trong lịch sử, các quả chuông lớn đã bị cạnh tranh bởi các đồng nghiệp khác, đó là các chuông nhỏ.
Các chuông nhỏ mà các chú giúp lễ vẫn lắc phải không?
Đúng như vậy. Tuy nhiên, nên lưu ý là không phải phụng vụ đã tạo ra các chuông đó đâu. Lúc đầu, nó chỉ là dụng cụ để lôi kéo sự chú ý, đã được dân Rôma sử dụng từ lâu. Tôi còn nhớ trước đây ở Việt Nam, mấy em bé đi bán kem cũng lắc cái chuông như vậy, đó là chưa nói tới các cái chuông buộc vào cổ bò hay cổ trâu. Người ta du nhập vào phụng vụ để kêu gọi nhắc nhở các tín hữu hãy chú ý vì sắp có chuyện quan trọng.
Nhưng mà càng ngày người ta càng ít xài tới chuông bé ấy trong Thánh lễ, tại sao vậy?
Lý do dễ hiểu. Trước đây, Thánh lễ được cử hành bằng tiếng La-tinh. Các tín hữu theo dõi mà không hiểu gì và cũng không thấy gì, bởi vì họ thường đứng xa bàn thờ. Bởi đó, cần có chú giúp lễ quỳ gần bàn thờ lắc chuông báo hiệu, nhất là vào hồi linh mục sắp đọc lời chúc tụng trên bánh và rượu. Nên biết là vào thời Trung cổ, tại các đan viện và giáo xứ, người ta giật chuông lớn khi linh mục dâng Mình và Máu Thánh Chúa, ngõ hầu không những các người hiện diện tại chỗ mà thậm chí các người làm việc ngoài đồng cũng có thể kết hiệp thờ lạy Chúa. Một cách tương tự như vậy, người ta cũng giật chuông khi ban phép lành Mình Thánh Chúa. Dần dần, người ta thay chuông lớn bằng chuông nhỏ. Thế nhưng sau công đồng Vaticanô II, nhiều nơi thấy chuông nhỏ không còn cần thiết nữa từ khi phụng vụ được cử hành bằng tiếng bản quốc, và mọi người có thể theo dõi dễ dàng các nghi lễ diễn ra trên bàn thờ. Như chị đã biết, trước đây, bàn thờ được cất ở cuối nhà thờ và chủ tế thì quay lưng ra bổn đạo, nên chỉ có chú bé giúp lễ đứng gần đó mới biết có chuyện gì xảy ra và lắc chuông cho cộng đoàn biết. Bây giờ thì cộng đoàn không cần tới tiếng báo hiệu của chú giúp lễ nữa bởi vì họ thấy hết các hành vi của linh mục rồi.
Giuse Phan Tấn Thành, op.