Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 9/11/2019

Filled under:

LỜI CHÚA: Ga 2, 13-22

Suy Niệm 1

Cung Hiến Thánh Đường Latêranô.
Trong những thế kỷ đầu, Hội thánh luôn bị bách hại nên không xây dựng được ngôi Thánh đường nào. Các cuộc lễ và cầu nguyện đều tổ chức trong các nhà tư hoặc trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh tử đạo.
Mãi đến năm 324, Đức Giáo Hoàng Synvếttrô mới cung hiến cung điện Latêranô làm Đại Thánh Đường dâng kính Chúa Cứu Thế. Cung điện này do hoàng đế Côngtăntin nhường cho ngài làm nơi cư ngụ. Và ngài đã trú ngụ tại đây cho đến thế kỷ 14 mới dời về Vaticăn. Đây là ngôi Thánh Đường cổ kính nhất, được gọi là “Mẹ và Đầu của tất cả mọi Thánh đường trên thế giới”.
Thánh Đường Latêranô được gọi là mẹ tất cả các Thánh Đường vì là Thánh Đường đầu tiên được chính quyền công nhận trong đế quốc Lamã, và cũng vì đây là Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Đức Giáo Hoàng.
Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản có Giếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Côngtăntin được Đức Giáo Hoàng Synvếttrô rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Rôma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa Kitô.
Để kỷ niệm ngày cung hiến Đại Thánh Đường này, Hội thánh tổ chức mừng lễ hôm nay. Ngày lễ này đáng chúng ta mừng kính, vì nó nhắc mọi người nhớ thánh đường là nhà cầu nguyện, là nhà của Thiên Chúa, là nơi Thánh và đáng kính sợ, là hình ảnh Giêrusalem trên trời và là cửa Thiên đàng. Tất cả các đồ dùng nơi đây đều được thánh hiến: giếng rửa tội là nơi chúng ta được tái sinh làm con Chúa, tòa cáo giải là nơi chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, tòa giảng giúp chúng ta nghe Lời Chúa, bàn thờ nơi dâng hiến Chiên Thiên Chúa là Đấng xóa bỏ tội lỗi thế gian, nhà tạm là nơi Vua muôn vua ẩn mình… Kể cả những viên gạch xây dựng đền thờ cũng nhắc chúng ta nhớ tâm hồn mỗi người là những viên đá sống động của ngôi thánh đường thiêng liêng, như lời thánh Xêdariô nói: “Anh em rất thân mến, hôm nay nhờ ơn Chúa, chúng ta hân hoan cử hành ngày giáp năm của đền thờ này. Nhưng chính chúng ta phải là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Dĩ nhiên Kitô hữu có lý để lấy lòng tin mà tôn kính ngày trọng đại của Mẹ Hội thánh, vì họ biết nhờ Mẹ Hội thánh họ đã được tái sinh một cách thiêng liêng. Bởi vì khi sinh ra lần thứ nhất, chúng ta đã là đối tượng cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn nhờ cuộc tái sinh, chúng ta đã được trở nên đối tượng của lòng Người thương xót. Quả thế, lần sinh ra thứ nhất đưa tới sự chết, còn cuộc tái sinh gọi ta về sự sống thật…”
“Vì vậy anh em rất thân mến, nếu chúng ta muốn hân hoan cử hành ngày kỷ niệm cung hiến Đền thờ, chúng ta không được dùng những việc xấu xa phá đổ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Nói thế là để mọi người hiểu rằng: Mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ đó thế nào, thì ta cũng phải sửa soạn tâm hồn ta như thế”.
“Bạn muốn thấy Thánh đường sạch sẽ ư? Đừng làm linh hồn bạn nhơ nhớp vì dơ bẩn tội lỗi. Bạn muốn thấy Thánh đường trong sáng ư? Thì Thiên Chúa cũng muốn bạn đừng để tâm hồn tối tăm, nhưng hãy làm như lời Chúa nói, để ánh sáng việc lành chiếu sáng trong tâm hồn chúng ta, và Đấng ngự trên trời sẽ được hiển vinh. Bạn muốn vào nhà thờ thế nào, thì Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn bạn như thế, đúng như lời Người đã hứa: và Ta sẽ ở với chúng và đi lại với chúng”
+ Ghi nhớ
Hằng ngày tôi lo gìn giữ linh hồn sạch tội, trong sáng, để xứng đáng nên đền thờ Chúa ngự.
+ Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những viên đá sống động để xây nên một ngôi đền thánh, nơi Chúa ngự muôn đời.
Xin cho Hội thánh là dân Chúa ngày càng thêm đông và dồi dào ân sủng, để trở nên thành thánh Giêrusalem trên trời.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.


Suy niệm 2

Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, ắt hẳn nhiều người sẽ cảm thấy phấn khích với hành động mạnh mẽ và dứt khoát của Người. Ắt chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu khi ai đó biến đền thờ thành nơi buôn bán. Tuy nhiên, việc làm đó của Chúa Giêsu đã đụng chạm đến nhiều người, trực tiếp ảnh hưởng đến cái lợi của những người buôn bán, và họ đã phản ứng gay gắt với Chúa. Họ đặt vấn đề: ông lấy quyền gì mà đuổi chúng tôi. Khi đặt câu hỏi này với Chúa, họ nghĩ họ được phép buôn bán ở đây, hoặc là cách nào đó, dù là mua chuộc, hay chia chác lợi nhuận, họ có phép làm chuyện đó. 
Chúng ta thử nghĩ xem, nhiều người cũng chất vấn chúng ta như thế, ông lấy quyền gì mà nói đến chúng tôi:

Thấy xã hội tham ô, hối lộ, chúng ta lên án, động đến nhóm lợi ích, họ nói rằng ông lấy quyền gì mà nói.

Thấy xã hội bất công, người nghèo bị ăn chặn, chúng ta lên tiếng, họ nói ông lấy quyền gì mà làm như thế, lo mà giảng Lời Chúa đi, rảnh hơi, lo chuyện bao đồng.

Thấy môi trường ô nhiễm, chúng ta lên án xả thải, lên án phá hoại môi trường, chúng ta chung tay bảo vệ môi trường sống của mình, họ nói ông lấy quyền gì mà nói, chúng tôi mới có quyền, thậm chí chúng kết án ngược lại chúng ta.

Thấy những cơ cấu nhập nhằng, ảnh hưởng đến sự vận hành chung, thiếu tính minh bạch, chúng ta lên tiếng, họ nói chúng ta là kẻ chia rẽ, không cùng nhìn về một hướng.

 Thấy những tệ nạn, xì ke, ma tuý, đập đá, mãi dâm, mại thánh, ồn ào trong nhà thờ, nghe điện thoại khi lễ, mất trật tự, làm việc thiếu phương pháp, chúng ta chấn chỉnh, rồi cũng sẽ có người nói với chúng ta, việc đó có người khác lo…

Còn nhiều cái để chúng ta cùng nhau suy nghĩ theo motíp này lắm.

Chúng ta hãy đặt mình trong tâm thế của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, Chúa có quyền và không cần ai cho Người cái quyền đó. Sống cho lẽ phải, sống cho sự thật, sống cho các giá trị Tin Mừng, cũng không cần ai phải cho quyền đó với chúng ta, mà chúng ta chỉ có một mệnh lệnh: hãy làm theo những gì Chúa dạy chúng ta. Dù thế nào, chúng ta vẫn phải làm, giống như Chúa chấp nhận giá máu, chấp nhận hy sinh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng đền thờ chúng con thật thánh thiện, tốt lành. Xin giúp chúng con luôn biết bảo vệ những giá trị Tin Mừng khi phải đối diện với xã hội tục hoá hôm nay. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường