Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

SUY NIỆM CHÚA NHẬT NGÀY 10-11-2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 20, 27-38

Suy niệm 1.

Thiên Chúa của kẻ sống
Con người sẽ sống lại, đó là một niềm tin đã có nơi phần đông người Do Thái. Thực vậy, anh em Macabê đã thưa lên với vị vua đang tính giết hại họ như sau: Vua chỉ cất được mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi là những kẻ đã chết vì lề luật của Ngài, được sống lại trong cuộc sống đời đời. Vào thời Chúa Giêsu, người biệt phái cũng tin như vậy.
Tuy nhiên cũng có một số người thuộc phái Saducêô, gồm những nhà quý tộc hoặc tầng lớp cao trong hàng tư tế, lại không tin có sự thưởng phạt đời sau, không tin có sự sống lại. Đối với họ việc con người sống lại chỉ là chuyện khôi hài.
Đoạn Tin Mừng cho thấy họ đã tìm cách tranh luận với Chúa Giêsu về vấn đề này vì biết rằng Chúa Giêsu rao giảng sự sống lại. Để chống lại niềm tin tưởng ấy, họ đã đưa ra một thí dụ tiêu biểu từng được sử dụng trong các cuộc tranh cãi để học quê đối phương. Câu chuyện được đưa ra hẳn không phải là một sự thật cho bằng một giả thuyết: Một người phụ nữ có tới bảy đời chồng hợp pháp, và cuối cùng thì người phụ nữ ấy cũng chết. Nếu như có sự sống lại, thì người phụ nữ ấy sẽ là vợ của ai đây? Chúa Giêsu đã trả lời: Nếu Thiên Chúa đã làm bạn với các tổ phụ như Abraham, Isaac và Giacóp, thì không phải chỉ là làm bạn trong chốc lát mà là đời đời. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là Thiên Chúa của kẻ sống.
Thực ra ở đây Chúa Giêsu không tả rõ sự sống lại như thế nào, điều Ngài muốn khẳng định đó là Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Và trong suốt cuộc đời, qua những lời giảng dạy nhất là qua thái độ cư xử, Ngài muốn cho người ta hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng ban sự sống, là Đấng làm cho sống. Và ngay cả những kẻ tội lỗi, Ngài cũng không muốn họ phải hư đi, trái lại, Ngài muốn họ hối cải để được sống và sống một cách dồi dào. Những phép lạ chữa lành bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại có thể được coi là dấu chỉ về một Thiên Chúa yêu chuộng sự sống. Và khi Chúa Giêsu đón nhận cái chết trên thập giá, thì cũng chính là lúc Ngài chiến thắng sự chết để cho sự sống được lên ngôi.
Là kẻ sống thực ra không phải là chuyện dễ. Bởi vì có những kẻ hiện còn đang thở, đang ăn, đang sống nhưng thực ra họ đã chết, bởi lẽ họ đã không thể có một phản ứng gì mới mẻ. Những kẻ sống rập theo chữ viết, rập theo những điều đã quy định từ ngàn xưa đến độ không còn thấy những gì xảy ra trước mắt. Như thầy Lêvi vì mải mê tuân giữ một nghi tiết của lề luật, nên đã làm như thể không có người bị cướp đánh trọng thương và vất bên lề đường, hay nói cách khác đã không có được một phản ứng thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Những kẻ ấy không còn là những người sống.

Còn chúng ta thì sao. Là những người còn đang sống, chúng ta có biết phản ứng và thích nghi với hoàn cảnh hay là chúng ta cũng chỉ là một thây ma đã chết từ lâu?


Suy niệm 2

Vấn đề có sự sống lại hay không, ngày nay vẫn còn là vấn đề thời sự. Từ thời xa xưa, các triết gia đã cố gắng minh giải cho chúng ta về cuộc sống tối hậu, những phạm trù lớn lao. Đời sống tôn giáo vận dụng triết lý này để xây dựng nên một hệ thống giáo lý để giải thích cách hợp lý về những điều tối hậu này, trong đó có vấn đề sự sống của con người sau cái chết. Một thế giới khác, một không gian khác mở ra, nơi đó sự sống sau cái chết tồn tại.

Đề tài sự sống lại liên quan tới đức tin của chúng ta và nó gắn liền với niềm tin vào Thiên Chúa. Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa sáng tạo nên con người; Thiên Chúa muốn chúng ta sống hạnh phúc; Thiên Chúa ban cho con người sự sống, Ngài thổi hơi ban thần khí cho con người. Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống.

Trong thế giới khoa học thực nghiệm ngày nay, tuy người ta thu gọn thế giới vào những điều mắt thấy tai nghe, những gì có thể kiểm chứng, nhưng không vì thế mà niềm tin tôn giáo căn bản về sự sống lại này lại trở nên kém thời sự. Con người chúng ta đều khao khát sống và muốn sống cho có ý nghĩa. Chính điều này tạo nên sự khác biệt giữa người có niềm tin vào sự sống lại và những người không tin. Người tin thì cố gắng sống thiện lành, sống cho có ích để được sự sống viên mãn với Thiên Chúa của họ.

Người không có niềm tin, những thực hành đạo đức dừng lại ở quy chuẩn xã hội. Người có niềm tin, dĩ nhiên cũng sống các quy chuẩn ấy như một chuẩn mực, nhưng họ còn thực hành những việc làm ấy như một thói quen, là những nhân đức, nó dần trở thành một mệnh lệnh tối thượng, rằng tôi phải sống tốt, sống thiện và không thể không thực hành nó.

Xã hội ngày hôm nay bị tương đối hoá, nhiều học thuyết muốn đồng hoá tôn giáo với với những lý thuyết đạo đức thuần tuý và giản lược những mệnh lệnh tối thượng ấy như chỉ là những chọn lựa.

Chân lý đức tin Công Giáo được tuyên tín trong kinh Tin Kính. Bản định tín ấy dạy cho ta biết: xác loài người ngày sau sống lại. Chính niềm tin vĩnh hằng ấy sẽ định hướng cho những điều mà chúng ta chọn lựa hôm nay. Bạn sống và thực hành những mệnh lệnh thánh thiện của Thiên Chúa, bạn sẽ sống lại trong ngày sau hết.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng quên rằng, những gì chúng con sống hôm nay là bằng chứng cho sự sống lại mai sau. Amen. 


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường