Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 21-11-2019

Filled under:

Lời Chúa: Mt 12, 46-50

SUY NIỆM 1

Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh

1. Cuộc đời có định hướng và hướng về Thiên Chúa của Đức Maria
Theo truyền thống của Giáo Hội, khi còn thanh xuân, Đức Ma-ri-a đã có ý hướng dâng trọn cả cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa đặc biệt trong bậc sống độc thân và đồng trinh. Nghĩa là Mẹ muốn dâng trọn cả hồn và xác cho Thiên Chúa, để hoàn toàn tự do hầu tuân hành thánh ý Chúa một cách trọn vẹn. Mẹ muốn trở nên dụng cụ ngoan ngùy trong tay Thiên Chúa, để Ngài muốn sử dụng mình thế nào tùy ý Ngài. Như thế Mẹ Ma-ri-a đã chọn Thiên Chúa làm lẽ sống, làm chủ cuộc đời mình, dâng trọn tình yêu và trái tim cho Ngài. Chính trong ý hướng đó, Thiên Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

2. Cuộc đời người Ki-tô hữu cũng cần được định hướng và hướng về Thiên Chúa
Một người ra khỏi nhà mà không định hướng mình đi đâu, thì sẽ chẳng đi đến đâu. Một con thuyền không có định hướng sẽ bị sóng gió đưa đẩy và cuối cùng có thể bị nước cuốn chìm. Cũng vậy, muốn nên thánh hay muốn trở nên một Ki-tô hữu đúng nghĩa, người Ki-tô hữu cũng cần định hướng rõ rệt cuộc đời mình. Người Ki-tô hữu đích thực phải là người thuộc về Đức Ki-tô, hay thuộc về Thiên Chúa, nói khác đi, phải là người của Đức Ki-tô hay của Thiên Chúa. Vì thế, họ cần xác định điều đó một lần dứt khoát cho cả cuộc đời mình. Nghĩa là họ cần dâng lại trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa hay Đức Ki-tô, để từ đó về sau, họ thuộc trọn về Chúa, và chỉ làm những gì Chúa muốn. Một cuộc đời như thế chắc chắn sẽ hạnh phúc, không chỉ đời sau mà ngay cuộc đời này, bất chấp hoàn cảnh bên ngoài dễ dàng hay khó khăn.
3. Người Ki-tô hữu là người thực thi thánh ý Thiên Chúa
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã xác định người thân của mình là người thế nào: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? (…) Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Nói cách khác, đó cũng là định nghĩa chính xác nhất của người Ki-tô hữu, của người môn đệ Đức Giêsu. Đức Giêsu không hề định nghĩa người thân của mình, môn đệ của mình, người theo mình, hay người Ki-tô hữu là người đã được rửa tội, hay được ghi danh là người Công giáo, hay có tên trong danh sách thành viên một xứ đạo. Theo Ngài, người Ki-tô hữu đích thực là người biết quan tâm thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu không quan tâm đến việc thi hành ý muốn của Ngài, thì dù ta có mang danh là Ki-tô hữu, ta cũng chỉ là thứ Ki-tô hữu “hữu danh vô thực” mà thôi.
4. Hãy dâng mình cho Thiên Chúa từ tuổi thanh xuân
Nếu có ai tặng cho bạn một bông hồng thật đẹp nhưng đã đến lúc héo tàn, bạn sẽ không muốn nhận, hoặc nhận mà không vui. Bạn sẽ có cảm tưởng: người tặng bạn bông hồng ấy coi thường bạn lắm. Cũng vậy, nếu bạn dành tuổi thanh xuân để hưởng thụ cuộc đời, và chỉ dành cho Thiên Chúa phần còn lại của cuộc đời là tuổi già, thì bạn đã đối xử với Thiên Chúa chẳng khác gì người tặng bạn bông hồng đã héo tàn!
Nhân ngày Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ, bạn cũng hãy bắt chước Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa, để toàn cuộc đời bạn chỉ lo thi hành thánh ý Thiên Chúa mà thôi. Đó là cách bạn làm cho cuộc đời bạn nên tốt đẹp cả đời này lẫn đời sau.

JNK



Suy niệm 2

Vào ngày 15 tháng 4 năm 2019, ngay trước 18 giờ 40 phút chiều, một đám cháy đã bùng phát trên mái nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp, gây thiệt hại rất nặng cho nhà thờ. Sự kiện nhà thờ Đức Bà Paris tạo nên một sự tiếc nuối và mất mát rất lớn cho nền văn hóa của nước Pháp và thế giới. 

Tin Mừng hôm nay diễn tả cho chúng ta thấy tâm trạng bồi hồi xúc động của Chúa Giêsu khi nhìn thành thánh Giêrusalem, một thành thánh đồ sộ và tráng lệ, một thành thánh biểu tượng cho sức sống của một dân tộc, rồi đến một ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. 

Thực ra, việc Chúa Giêsu khóc thương thành thánh Giêrusalem, không chú tâm lắm đến công trình kiến trúc vĩ đại, mà ẩn sâu về sự thiêng liêng, sống động và đích thực của đền thánh hiện diện trong lòng một dân tộc: đó chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu mang đến sự bình an và ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, chính họ đã từ chối, đã tìm cách để triệt hạ Chúa Giêsu.

Kinh nghiệm này cho chúng ta nhận ra bài học quan trọng: Chúng ta đang sống trong bối cảnh của một xã hội hiện đại, một xã hội hưởng thụ, một xã hội duy vật chất. Nhiều khi tất cả những nhu cầu này đẩy đưa chúng ta xa rời ân sủng và sự bình an của Thiên Chúa. Chúng ta dễ dàng chạy theo những hào nhoáng bên ngoài, những thú vui của tiền tài vật chất mà quên đi giá trị thiêng liêng hiện diện nơi tâm hồn của chúng ta. Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài để xây dựng nên đền thờ thiêng liêng đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.

Chúng ta nguyện xin Thiên Chúa, qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria, giúp chúng ta luôn biết hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa như chính Mẹ đã dâng mình cho Thiên Chúa.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường