Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24-11-2019 – Chúa Kitô vua

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24-11-2019 – Chúa Kitô vua
Phía trên đầu Người, có bản viết: “Đây là vua người Do thái.” (Lc 23,38).
Đọc báo, trong phần giới thiệu đọc được tin: Đây là vua dế, kia là vua tôm, đây là vua đồ cổ và còn nhiều vua khác… Như vậy vua là chủ, là người làm ra và sở hữu những thứ mà người khác không có. Là người có uy tín (già làng).v.v…
Đức Giêsu được tác giả Gioan tường thuật lại trong đoạn Tin Mừng như sau: ( Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình Ga 6,1-15). Theo tác giả Luca, mãi đến khi tiến vào Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn, Đức Giêsu mới để cho dân chúng tung hô Ngài là vua Ít-ra-en ( Lc 19,39). khi đứng trước Phi-la-tô, Đức Giêsu thật sự tuyên bố: “Tôi là Vua” (Ga 19,37).
Đức Giê-su không nhận mình là vua bởi Ngài không phải là vua trần tục, để chiếm lĩnh vật chất cao sang. Với Ngài; làm vua là để chiếm lấy yêu thương, tha thứ. Vua yêu thương, vua tha thứ. Bởi thế, Ngài xứng đáng được gọi là: Vua trên các vua.
Đức Giêsu trên đồi Canvê, giữa hai người trộm cướp, một người đã nhận ra Ngài, nhận ra vua yêu thương đang trong cơn hấp hối, người ấy xin vua tha thứ cho những lầm lỗi đã phạm. Đức Giêsu trong lúc đớn đau đến cùng cực, cũng đã lấy tất cả yêu thương mà tha thứ, chấp nhận ngay lời cầu xin ấy.
Chúng con là những tội nhân, chúng con chẳng đáng được hưởng ơn tha thứ của Chúa. Chúng con dám xin Chúa, vì với tất cả niềm tin, cậy trông vào lòng thương xót của Chúa qua cuộc khổ nạn và qua Bí Tích Thánh Thể, Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng con.
Lạy Chúa. xin thêm sức mạnh cho chúng con để can đảm thú nhận tội lỗi và xin tha thứ, xin Vua Giêsu cai trị và hướng dẫn cuộc đời chúng con đi đúng định hướng của Chúa Cha. Amen.


Thánh Anrê Dũng Lạc và các Bạn tử đạo Việt Nam

Ngày hôm nay, chúng ta mừng kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, những bậc tiền bối của chúng ta, đã nhận lãnh cái chết để minh chứng Ðức Kitô và đã lấy máu đào để viết nên trang sử oai hùng của Giáo Hội Việt Nam.
Ngược giòng thời gian, Giáo Hội Việt Nam đã được khai sinh khi vị thừa sai đầu tiên đặt chân đến vào đầu thế kỷ XVI. Từ đó ánh sáng Phúc Âm được thắp lên trên quê hương tăm tối này. Nhưng chẳng bao lâu, giông bão phủ kín, và cơn bách hại tàn khóc xảy đến dưới chiêu bài chính trị và thời cuộc lúc bấy giờ. Sau 3 thế kỷ, không biết bao nhiêu người đã bị chiếm đoạt tài sản, bị lưu đày, hay lẩn lút sống trong rừng sâu nước độc, cắn răng chịu đựng khổ đau để giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa.
Hơn nữa, trên 130.000 đấng, thuộc mọi thành phần, đã được diễm phúc tử đạo, hiên ngang tuyên xưng đức tin. Trong số đó, 117 vị đã được các Ðức Giáo Hoàng Lêu XIII, Piô X, Piô XII tôn phong Chân Phước; và ngày 19-6-1988 đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Hiển Thánh.
Chúng ta có thể chia ra như sau: đời Trịnh Doanh 2 vị, đời Trịnh Sâm 2 vị, đời Cảnh Thịnh 2 vị, đời Minh Mạng 57 vị, đời Thiệu Trị 3 vị và đời Tự Ðức 51 vị; gồm 8 Giám Mục, 50 Linh Mục, 16 Thầy Giảng, 1 Chủng sinh và 42 Giáo dân.
Cuộc tàn sát dã man tưởng chừng như muốn dập tắt ngọn lửa còn quá yếu ớt đó, nhưng máu tử đạo là hạt giống nẩy sinh các tín hữu. Vì thế, Giáo Hội Việt Nam đã lớn lên và trưởng thành trên nền tảng kiên vững đó. Nhìn lại dĩ vãng, chúng ta lấy làm hãnh diện vì cha ông chúng ta đã “can trường không kém các chiến sĩ ngày xưa trong thế kỷ khai nguyên của Hội Thánh”. Tuy nhiên, chúng ta hãy cố gắng noi gương các Ngài, biết can đảm chiếu sáng đức tin cho những người khác bằng một đời sống gương mẫu, đầy tình bác ái và sẵn sàng vác thập giá hằng ngày.
Ðó cũng là một cách tử đạo anh dũng để minh chứng tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa.