Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 22-11-2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 19, 45-48
Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

Suy Niệm 1

Ðền thờ của Chúa
Chúng ta thường thấy Chúa Giêsu là người ôn hòa và tế nhị. Ngài luôn có thái độ khiêm tốn và kính trọng trong cách đối xử với mọi người. Nhưng trong đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Ngài đã không hành động như thường lệ nữa, Ngài đã nổi giận và xua đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ. Riêng trong Phúc Âm theo thánh Máccô và thánh Mátthêu còn diễn tả một cách chi tiết hơn hình ảnh Chúa Giêsu lật đổ quầy bàn đổi tiền và xô ngã ghế của những người buôn bán trong đền thờ và la mắng họ: "Ðã có lời chép rằng: nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp". Khi hành động như thế, Chúa Giêsu đã có ý sửa chữa những thói hư tật xấu của những kẻ gian manh lạm dụng người khác để làm giàu cho chính mình như những kẻ đổi chác tiền bạc trong đền thờ chẳng hạn. Họ làm giàu bằng cách bóc lột những người lương thiện phải trả tiền nhiều hơn so với giá phải chăng. Khi hành động bất lương như thế họ cũng đã xúc phạm luôn cả Thiên Chúa nữa.
Lời khiển trách của Chúa nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện, nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người, vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người. Họ lắng nghe Lời Chúa với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người. Lời Chúa mang đến cho người nghe sự bình an và hân hoan sâu xa trong tâm hồn chúng ta như bài thánh vịnh hôm nay:
"Tuân theo thánh ý Chúa,
Con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể
Con sẽ ngẫm suy huấn lệnh Chúa truyền
Ðưa mắt nhìn theo đường lối Chúa
Con vui thú với thánh chỉ Ngài
Chẳng quên lời Người phán dạy."
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đền thờ đem lại cho nhà Chúa một sự sống động và sức mạnh thiêng liêng. Thiên Chúa đã ngự xuống giữa trần gian, Người không xa cách hay mơ hồ nhưng gần gũi với con người. Nhà Chúa không phải chỉ là một công trình kiến trúc vô tri vô giác, nhưng là nơi mà Thần Khí của Chúa ngự trị tuy vô hình nhưng có khả năng truyền đạt sức sống, tình yêu và hy vọng cho những tâm hồn khao khát tìm đến với Người. Ðền thờ của Chúa không phải chỉ ở Giêrusalem mà thôi nhưng còn là xã hội con người hay ở mỗi cá nhân, theo đó phải được giải thoát khỏi mọi sự xấu xa để có thể phụng thờ Chúa bằng một tâm hồn trong sạch và thánh thiện hơn. Chúa Giêsu uốn nắn và sửa đổi chúng ta trong tình yêu thương của Người để đưa chúng ta từ con đường sai trái đến chân lý và sự toàn thiện. Người răn dạy chúng ta vì mục đích tốt lành để chúng ta cùng thông phần vào sự thánh thiện của Người.
Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con biết thờ lạy Người với tình yêu mến và lòng biết ơn về những hồng ân mà Người đã rộng lòng ban phát cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và thực hành thánh ý của Chúa bằng với lòng tin và sự vâng phục.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm 2

Sống trong thế giới văn minh hiện đại, người ta đi tìm những nơi nghỉ ngơi du lịch và các trung tâm thương mại giải trí hơn là đến các nơi thờ phượng. Ở các nước văn minh, nhiều nhà thờ không còn người đến tham dự thánh lễ. Họ đã chuyển những nơi đó thành các di tích lịch sử hay văn hoá để kinh doanh du lịch. 

Hôm nay, Chúa Giêsu vào đền thờ thanh tẩy việc buôn bán và đổi chác tiền bạc. Người khẳng định “nhà Ta là nhà cầu nguyện” (Lc 19, 46). Chúng ta có dịp nhìn lại đời sống cầu nguyện của mình trong sinh hoạt hằng ngày, đồng thời, cũng nhìn vào đền thờ tâm hồn: đã xứng đáng để Chúa Thánh Thần ngự trị?

Chúng ta biết, theo các tôn giáo nói chung, đền thờ là nơi thánh, là chốn thần linh hiện diện và là nơi con người có thể giao tiếp với thế giới thần linh. Trong Do Thái giáo, đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. 

Hôm nay, chúng ta thấy một Đức Giêsu không như những ngày khác, Người đã phải nổi giận khi thấy nhà Cha trở thành nơi buôn bán, đổi trác, ồn ào, ô uế, v.v. không còn thực sự là nơi cầu nguyện, nơi dân Chúa tụ họp để lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu có lý do và có quyền để lập lại trật tự cho nơi thánh này. Theo thánh Phaolô, chúng ta cũng là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 3, 16; 6,19). Chúa Giêsu cũng muốn ngự trị nơi mỗi tâm hồn chúng ta. Vậy, Người sẽ tỏ thái độ nào nếu thấy tâm hồn chúng ta - những đền thờ của Nguời - bị nhơ bẩn bởi những bám víu vật chất và mọi thứ rác rưởi, ồn ào của thế gian đổ vào hằng ngày?

Chúng ta đang sống trong một xã hội cũng đầy giả dối, ồn ào và đua tranh, các cha mẹ có dám bắt chước Chúa Giêsu nói với con cái: nhà chúng ta là nhà cầu nguyện; hay con cái nói với cha mẹ, nhà chúng ta là nhà cầu nguyện. Thật không phải dễ, nhưng nếu cha mẹ gác lại những câu chuyện làm ăn, những cuộc vui chơi bên ngoài, những hàng hoá online, khuyến mại, v.v. và dành mươi phút cuối ngày cùng nhau cầu nguyện thì chắc chắn Chúa sẽ ở giữa gia đình (x. Mt 18, 20). 

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ngự giữa gia đình và trong mỗi tâm hồn chúng con, xin thanh tẩy những tội lỗi, bất trung của chúng con mỗi ngày để chúng con bớt bất xứng hơn mà đón Chúa ngự trị trong gia đình và trong mỗi người chúng con.  Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường