Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Đường Thánh Giá

Filled under:

Đường Thánh Giá (La ngữ: Via Crucis, Via Dolorosa; Anh ngữ: Way of The Cross, Way of Sorrows, Way of Suffer, Way of Grief) là một trong các nơi thánh.
Đó là con đường mà Chúa Giêsu đã phải vác Thập Giá từ nơi Ngài bị kết án tử tới nơi Ngài bị xử tử bằng cách đóng đinh vào Thập Giá. Đó là nơi hành hương trong thành phố Giêrusalem cổ, và là con đường nổi tiếng từ thời sơ khai của Kitô giáo. Người ta muốn theo bước chân của Chúa Giêsu từ giữa thế kỷ IV. Đường Thánh Giá gồm 14 chặng: chín chặng dọc theo con đường và năm chặng ở trong Nhà Thờ Mộ (Holy Sepulchre).
Những người đầu tiên theo Chúa Giêsu đã đi theo Đường Thánh Giá và trở nên truyền thống thể hiện lòng sùng kính Chúa Giêsu qua đau khổ và cái chết của Ngài. Đường Thập Giá theo La ngữ là Via Dolorosa, nghĩa là “Đường Đau Khổ”.

Sau hàng trăm năm, Đường Thánh Giá trở nên hoạt động chính đối với khách hành hương tới Giêrusalem. Họ thăm Thánh Địa và Giêrusalem để kính viếng nơi Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trước khi bị đóng đinh vào Thập Giá. Các du khách có thể đi Đường Thánh Giá từ xa để theo chân Chúa Giêsu, nhiều người nói đây là cách trải nghiệm khiêm nhường nhất.
Đường là Đàng, Việt ngữ gọi là Đàng Thánh Giá. Kitô giáo phát triển theo thời gian, các Kitô hữu không thể tới Thánh Địa đã làm Đàng Thánh Giá bằng đá, bằng gỗ, bằng kim loại, hoặc hình ảnh để kính nhớ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu tại Giêrusalem xưa. Các nhà thờ Công giáo đều có 14 chặng Đàng Thánh Giá.
1. Chúa Giêsu bị xét xử và bị kết án tử.
2. Chúa Giêsu vác Thánh Giá.
3. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất.
4. Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ.
5. Ông Simon Xyrênê vác Thập Giá đỡ cho Chúa Giêsu.
6. Bà Veronica lau mặt cho Chúa Giêsu.
7. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.
8. Chúa Giêsu an ủi phụ nữ thành Giêrusalem.
9. Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.
10. Chúa Giêsu bị lột áo.
11. Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá.
12. Chúa Giêsu trút hơi thở trên Thập Giá.
13. Tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá.
14. Mai táng Chúa Giêsu trong mộ đá.
Mặc dù ngày nay thành cổ Giêrusalem nhìn khác thời Chúa Giêsu, nhưng Đàng Thánh Giá và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu vẫn là nơi quan trọng đối với Kitô giáo. Đi Đàng Thánh Giá là cách suy niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Qua đó, chúng ta có thể thêm lòng yêu mến Ngài, cố gắng khiêm nhường để hoàn thiện như Ngài muốn.
Thiết tưởng, rất cần ghi nhớ lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các phụ nữ thành Giêrusalem: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28). Và hôm nay, Ngài cũng đang nói với chúng ta như vậy!
Nhưng cuối cùng, Chúa Giêsu đã phục sinh. Alleluia! Sự thật minh nhiên, lịch sử không thể chối cãi. Đó là niềm hy vọng tuyệt đối của chúng ta, không hề hão huyền. Thật vậy, Thánh Phaolô đã minh định: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15:13).

TRẦM THIÊN THU

Hai Động Thái


“Lời Chúa là lời chân thật” (Tv 12:7) và “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105). Đó là điều tất nhiên, vì chúng ta vẫn tâm niệm: “Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ” (Tv 119:11). Có khi Lời Chúa làm cho chúng ta thực sự phấn khởi và vui mừng, nhưng có khi Lời Chúa lại làm cho chúng ta đau điếng và phải… giật mình!
Trong trình thuật Lc 18:9-14 cho biết Đức Giêsu kể dụ ngôn về hai động thái trái ngược nhau: Kiêu ngạoKhiêm nhường. Giữa hai động thái này chỉ có một làn ranh mong mang! Trong cuộc sống thường nhật chúng ta vẫn thấy có những người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác, thậm chí chính chúng ta cũng đã từng hơn một lần nhìn người khác bằng “nửa con mắt” như vậy!
Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18:11-12).
Người Pharisêu “đứng thẳng” và tự nhận mình “không như tên thu thuế kia”. Đó là hai động thái đầy vẻ kiêu ngạo và ảo tưởng. Không chỉ vậy, ông ta còn “khoe mẽ” là “ăn chay mỗi tuần hai lần” và “dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”.
Đạo đức và thánh thiện quá! Thảo nào ông ta không “vênh vang” sao được, vì ông ta vừa tỏ ra đạo đức vừa tỏ ra hào phóng với Chúa bằng chính tiền bạc của ông ta. Chắc là ông ta cũng thường xuyên “đi làm từ thiện” lắm! Loại người này được người ta gọi là “ông kia, bà nọ”, được “chú ý”, được “tâng bốc”, được “đưa đón”, được “ăn trên, ngồi trước”,…
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Ngày xưa, người thu thuế “bị” coi là “phường tội lỗi” – vì thường “bóp chẹt” dân. Thế nên loại người này bị gọi là “thằng”, là “nó”, khá lắm cũng chỉ là “anh”.
Hẳn là người thu thuế biết “thân phận” mình nên khi anh ta vào nhà thờ chỉ “đứng ở góc cuối” và “không dám ngước mặt nhìn ai”, vừa đấm ngực vừa lâm râm cầu xin ơn tha thứ cho mình. Anh ta biết người ta luôn nhìn mình bằng ánh-mắt-mang-hình-viên-đạn, thế nên anh ta đành nín thinh và không dám nói nửa lời.
Chúa Giêsu bảo: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (người Phariêu) thì không” (Lc 18:14a). Và Ngài xác định: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18:14b). Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức. Kinh “Cải Tội Bảy Mối” đã đặt “khiêm nhường” vào “mối” thứ nhất: “Khiêm nhường chớ kiêu ngạo”. Nói đến đức-khiêm-nhường là có “đụng chạm” tới tính-kiêu-ngạo.
Sau giây phút cầu nguyện trước mặt Chúa, người-tự-nhận-tội-lỗi kia đã lãnh nhận được Lòng Chúa Thương Xót, còn người-tự-nhận-công-chính lại không nhận được Ơn Chúa. Chính Chúa Giêsu xác định: “Chẳng có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Lc 18:19). Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta (không trừ ai) đều là tội nhân khốn nạn. Đó là sự thật trăm phần trăm. Đừng ảo tưởng mà kiêu ngạo!
Ở Lc 19:1-10, chúng ta cũng biết được chuyện ông Da-kêu. Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để chờ xem Đức Giêsu đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay Tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19:5). Chúa Giêsu tự nhận trách nhiệm “phải ở lại” nhà ông Da-kêu. Chắc hẳn Chúa vào nhà ông không phải vì ông là người-giàu-nứt-đố-đổ-vách hoặc lắm-của-nhiều-tiền, mà chỉ vì ông là người-tội-lỗi, Chúa muốn “giải thoát” ông-mập-lùn ấy.
Nghe Chúa Giêsu nói vậy, ông khoái chí nên vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Ngài. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (Lc 19:7). Ở đây chúng ta cũng thấy rõ hai động thái: Kiêu ngạoKhiêm nhường.