Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Suy niệm CN II MC C-Lm. Antôn Hà Văn Minh

Filled under:

LỜI CHÚA ; Lc 9, 28- 36

Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! "Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

SUY NIỆM
 
Sau những ngày nghỉ tết, các trang mạng đã đưa tin về những cái chết do tai nạn, đanh nhau Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, toàn quốc xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông, làm chết 300 người, bị thương 380 người. Còn các bệnh viện cho biết trong ba ngày tết có đến  2.000 ca cấp cứu do đánh nhau. Đọc thấy những con số trên sao mà nặng lòng. Mạng sống con người ngày hôm nay bị coi rẻ thế sao. Còn đâu là hình ảnh một thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài, một hình ảnh tuyệt mỹ mà hôm nay Đức Kitô đã tỏ cho biết qua cuộc biến hình của Người trên núi Tabor?

Thánh Luca qua những dòng chữ ngắn ngủi đã trình bày về vẻ đẹp của con người trong viễn tượng cánh chung: Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà, Thánh sử Matthêu nói rõ hơn: Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Dung mạo Người đổi khác với dung mạo của con người đang mang kiếp lữ hành, một dung mạo mà thánh sử Matthêu trình bày rõ nét hơn: Dung nhan Người chói lọi như mặt trời. Điều đó nói lên thân phận của con người, nó không ra hư vô như bao thụ tạo khác, nhưng được Thiên Chúa thần hóa để trỏ nên giống Ngài và được gọi là con Thiên Chúa. Như vậy, cuộc hiển dung của Chúa Giêsu nhằm hướng con ngưới tới niềm hy vọng về một cuộc sống mới, cuộc sống sẽ được biến đổi nhờ sự phục sinh của Chúa sau này. Niềm hy vọng này được thắp lên để con người không thất vọng khi đối diện với bao nỗi khổ đau của kiếp sống lầm than, không nản chí sờn lòng vì số phận hay chết của mình.
 
Cuộc biến hình được Chúa biểu tỏ trên núi để nói trước rằng thân xác con người sẽ biến đổi khi chính thân xác của Chúa chịu đóng đinh trên Thập Giá được dựng lên trên núi. Thân xác sẽ trở nên chói lòa như mặt trời nếu thân xác đó chấp nhận loại bỏ cái bóng tối đang chế ngự nơi mình, bóng tôi của kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam, bóng tối xô đẩy đến bạo lực, thiếu bao dung để rồi gây ra bao nhiêu nỗi mất mát đau thương cho người khác. Loại trừ bóng tối bằng chính việc chấp nhận đóng đinh thân xác mình vào Thập Giá Chúa Kitô, đóng đinh bằng mhững mũi đinh của hy sinh, của từ bỏ tham sân si, để quảng đại tha thứ và bao dung.
 
Vâng, thân xác con người được hình thành từ tình yêu bao la của Thiên Chúa, được Ngài mặc cho một phẩm giá cao vời,  phẩm giá làm con của Thiên Chúa, được dệt lên bởi lý chí và ý chí, đó là quà tặng chỉ dành riêng cho con người, vì vậy, các hành vi của con người phải toát ra vẻ đẹp của phẩm giá này, thánh Luca đã trình bày vẻ đẹp đó qua việc biến đổi y phục của Chúa trở nên trắng tinh chói loà, đó chính vẻ đẹp của phẩm giá con người được biểu tỏ qua y phục của Đức Kitô. Nhưng thật trớ trêu, người thời đại hôm nay không còn muốn giữ vẻ đẹp của phẩm giá đó, họ đang biến đổi nó qua những trang phục nhố nhăng và còn tệ hơn nữa, họ mặc cho thân xác những bộ cánh không biết gọi đó là gì, bởi vì chỉ có hai phần vải và phần còn lại là thịt. Ngoài ra, phẩm giá mang tính thần hóa nơi con ngừoi đang bị tục hóa bởi danh vọng và tiền bạc.
 
Không khí sau tết ở Việt Nam là người người đua nhau đến Chùa, đến các chốn thần thiêng không phải để tỏ lòng thành kính, nhưng là nhằm hối lộ thần thánh bằng những đồng tiền lẻ để mong được thăng quan tiến chức, làm ăn phát tài tiền vô bạc tỉ. Tất cả chỉ vì lòng tham và người ta đã đánh mất đi phẩm giá tuyệt vời của con người mà Thiên Chúa đã mặc cho.
 
Lạy Chúa, xin cám ơn Chúa đã cho chúng con được làm người, và nhất là được làm người con của Chúa. Nơi chúng con Chúa đã mặc cho một vẻ đẹp thần thánh qua các bí tích. Xin  cho chúng con luôn nỗ lực giữ gìn phẩm giá này, đừng để cho tinh thần thế tục làm mất đi vẻ sáng ngời mà Chúa đã ban tặng cho chúng con. Amen 



Xem thêm: 

Chúa hiển dungR. Veritas

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong Phụng Vụ Chúa Nhật thứ hai mùa Chay này, Giáo Hội cho chúng ta chia sẻ phần nào tâm tư của Chúa Giêsu và ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê, là những người đã được Chúa Giêsu kêu gọi đầu tiên và cũng là những người được Chúa Giêsu đem theo vào vườn Giệtsêmani để cầu nguyện trước khi Người bước vào cuộc Thương Khó. Với tâm hồn tinh tế và ưu ái, Chúa Giêsu biết rõ tâm tính của các học trò mình, Người biết họ vốn là những ngư phủ chất phác, nhiệt tình nhưng khá bộp chộp. Họ hăng say đi theo Người, hết lòng cộng tác vào sứ mệnh của Người, nhưng cũng từng có những phản ứng nóng nảy, bộc phát. Trong các câu chuyện kể của Tin Mừng, chúng ta thấy không ít lần Simon Phêrô nhanh nhẩu thay mặt các đồng bạn trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, cho dù các lời ấy có thể làm Thầy mình buồn lòng. Thậm chí, trong một lần cản ngăn Chúa Giêsu về việc Người sẽ tự nguyện lên Giêrusalem để chịu khổ hình, và Phêrô lúc đó đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời như sau: “Satan, lui lại đàng sau Thầy, con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”. Còn hai ông Gioan và Giacôbê thì cũng bộp chộp không kém, vì tính tình nóng nảy, hai ông đã được Chúa Giêsu đặt biệt hiệu là con của thiên lôi, hai ông đã bị Chúa Giêsu khiển trách vì đã muốn cho lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Samari không chịu tiếp đón Người. Vì biết rõ tâm tính của các ông, nên sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó của mình, Chúa Giêsu đã đem riêng các ông theo Người lên núi cầu nguyện và cho các ông chứng kiến vinh quang của Người. Ngay cả trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc hôm nay, ba ông vẫn còn nguyên vẹn tính chất phác của mình, nên khi Chúa Giêsu chuyên tâm cầu nguyện thì các ông lại vô tư nằm ngủ, và Chúa Giêsu vẫn để cho các ông ngủ say. Khi các ông bừng tỉnh thì một khung cảnh huy hoàng đã bao trùm lấy các ông, các ông được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong vẻ vinh quang sáng lạn của Người, có ông Môisen và ông Êlia xuất hiện để làm chứng rằng Người là Đấng Thiên Sai mà Kinh Thánh đã loan báo. Quá kinh ngạc vì cảnh tượng huy hoàng trước mắt, Phêrô đã nói như trong cơn mê sảng, kế đó ông lại được đám mây biểu hiện sự có mặt của Thiên Chúa bao trùm và được nghe tiếng Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu của Ngài.

Khi nghe đoạn kể lại Chúa Giêsu tỏ mình vinh hiển trên đây, chúng ta thấy mình cùng ngây ngất, choáng ngợp trước cảnh tượng thánh thiêng huy hoàng ấy, chúng ta khâm phục các môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê, vì các ông đã được chiêm ngắm vinh quang của Chúa Giêsu. Nhìn lại mình, chúng ta thấy đời sống đức tin của chúng ta sao mà nhạt nhẽo. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã Phục Sinh vinh hiển, nhưng dường như Người ở tận trên thiên cung xa vời. Còn chúng ta thì cứ loay hoay mãi với những chuyện đời thường nơi chốn trần gian này. Tâm trạng của chúng ta cứ buồn buồn sao ấy. Thật ra, chúng ta không chỉ mãi quẩn quanh với những thăng trầm thế sự mà thôi. Hiện giờ, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến mỗi người chúng ta, như Người đã từng quan tâm đến các môn đệ như Phêrô, Gioan và Giacôbê ngày xưa. Người biết rõ tâm tính của mỗi người chúng ta với những ưu điểm và khuyết điểm của từng cá nhân, bằng những cách thế khác nhau. Qua những sự kiện và những dấu chỉ khác nhau, Người cũng cho chúng ta chia sẻ những giây phút vinh quang, hoan lạc của Người, để tỏ lộ cho chúng ta đại cuộc cứu độ của Người và giúp chúng ta vững bước trên đường sống đạo. Nếu chúng ta không nhận ra những lúc Người tỏ mình như thế, có thể vì chúng ta chưa đủ nhạy bén trong đời sống đức tin, hoặc vì chúng ta không nghĩ rằng mình được Chúa Giêsu ưu ái quan tâm đến thế.

Quả thật, Chúa Kitô Phục Sinh vẫn thường xuyên đến với mỗi người chúng ta dù không rực rỡ ánh hào quang như lúc tỏ lộ cho ba môn đệ ngày xưa, nhưng vẫn đủ để tạo ra những dấu ấn có sức củng cố đức tin của chúng ta. Đại thi hào Tagore đã viết về điều này trong tác phẩm Lời Dâng như sau: “Anh không nghe thấy ư? Bước chân Người thầm lặng. Người tới, tới và luôn luôn thường tới. Người tới, tới và luôn luôn thường tới. Hàng giờ, hàng đêm, hàng ngày, hàng thời đại, anh ơi”.


Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống đời thường của con, Chúa dùng muôn vàn phương cách để tỏ lộ cho con vinh quang của Ngài, nhưng nhiều lúc con chẳng nhận ra. Xin Chúa ban cho con đôi mắt biết rộng mở, đôi tai biết lắng nghe và tâm hồn biết thinh lặng để nhận ra Chúa. Xin cho con biết lưu giữ những kỷ niệm về những lần con gặp Chúa để mỗi khi gặp cơn sóng gió trong đời, con hồi tưởng lại những kỷ niệm tuyệt vời ấy mà vững tâm sống đạo.