Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 13/2/2016

Filled under:


ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG 
Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. (Lc 5, 27-28)
Suy niệm: Người Do thái coi những nhân viên thuế vụ là người gian dối, thậm chí là phản quốc vì họ cộng tác với người Rô-ma và sách nhiễu đồng bào. Nhiều chỗ trong Phúc Âm cho thấy họ bị liệt vào hạng người bị loại trừ khỏi xã hội, đồng sàng với hạng ‘gái điếm’ và ‘ngoại giáo’ (Mt 9,10; 11,19; 18,17; 21,31). Ai giao du với họ cũng bị coi là ‘dơ bẩn’. Thế nhưng, Chúa Giê-su không ngại tiếp xúc với họ. Thậm chí Chúa còn kêu gọi ông Lê-vi, một quan chức ngành thuế, và chọn ông làm tông đồ của Ngài. Chưa hết Ngài còn đến dùng bữa tại nhà ông cùng với nhiều đồng bạn của ông Lê-vi. Quả thực “cái nhìn đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát Lê-vi khỏi ách nô lệ bạc tiền” và biến đổi ông thành tông đồ Mát-thêu của Đức Ki-tô.
Mời Bạn: Trái ngược với Đức Ki-tô, chúng ta lại thường giam hãm người khác trong ngục tù của cái nhìn thành kiến. Chính bạn cũng hãy đặt mình trước cái nhìn yêu thương của Chúa và nhìn người khác bằng cái nhìn của Chúa. Đó là cái nhìn bao dung, tha thứ, biết khám phá ưu điểm của người khác và tin tưởng điều tốt đẹp nơi họ và trợ giúp họ thể hiện điều tốt đẹp đó.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày xét mình: Tôi đang có thành kiến với ai? Nguyên do tại sao? Tôi sẽ sửa chữa thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ để con biết nhìn người khác với ánh mắt đầy yêu thương của Chúa. Xin Chúa cho con nhận ra được những điều tốt đẹp nơi tha nhân. Amen.

THÁNH GIOĐANÔ
HIỂN TU
Vào năm 1190 tại biệt thự Pátbe (Padberg) thuộc miền Sắc (Saxe) nước Đức, Giođanô chào đời, đem lại một niềm vui không ít cho gia đình bá tước Êbơtin (Eberstein). Là con nhà gia thế, nhưng khác hẳn với những thiếu niên cùng tuổi, cùng hoàn cảnh, Giođanô không lộ vẻ gì là kiêu kỳ, khó bảo. Trái lại nhiều đức hạnh, đặc biệt nhất là lòng thương kẻ khó, đã sớm nẩy mầm trong tâm hồn cậu thiếu niên khôi ngô ấy. Cậu tự ra cho mình một luật là mỗi ngày phải làm phúc cho người nghèo khổ thứ nhất cậu gặp. Trải qua những năm niên thiếu, trưởng thành tới khi già nua tuổi tác, Giođanô vẫn một lòng trung thành tuân giữ luật đó không một ngày nào sao lãng.
Lên 20 tuổi, Giođanô được gửi đến Paris để theo đòi bút nghiên. Với cái tuổi xuân xanh mơn mởn và bồng bột ấy, phàm những bậc phụ huynh đứng đắn ai lại không lo ngại cho con đường đạo hạnh của con cái, nhất là khi lại phải gửi con ở một nơi xa cách muôn trùng nghìn dặm, như trường hợp của Giođanô. Dầu vậy người thư sinh ấy không phụ lòng tin tưởng của cha mẹ chút nào. Những xa hoa quyến rũ của thị thành, cũng như những bận rộn vất vả của đời sinh viên, không hề làm Giođanô bỏ mất những thói quen lành thánh đã tập được khi còn sống dưới mái nhà thân yêu.
Người ta phải cảm phục khi thấy rằng tuy bận đèn sách, nhưng Giođanô vẫn để dành một phần lớn thời giờ vào việc đọc kinh, cầu nguyện. Tối nào cũng như tối nào, trong khi các bạn sinh viên tụ tập tán gẫu hay lang thang trên vỉa hè để dán mắt vào những tủ kính, hoặc đứng ngây trước những quầy hàng… thì Giođanô trái lại thường chăm chỉ đến nhà thờ Đức Mẹ để dự trọn giờ kinh mai. Một tối kia, Giođanô vội vã ra đi vì sợ trễ giờ, bất ngờ giữa đường lại gặp một người lạ mặt xin làm phúc. Vì không sẵn có tiền mang theo, Giođanô đành cởi giây lưng của mình cho người khách lạ ấy. Tới nhà thờ, Giođanô phải kinh ngạc biết bao khi ngước nhìn ảnh chuộc tội trên bàn thờ thấy chính Chúa Giêsu thắt chiếc giây lưng mà mình vừa "kỷ niệm" cho người nghèo khó.
Trong việc học hành thi cử, người sinh viên đạo đức ấy càng gặt được nhiều thành tích vẻ vang, làm rạng danh cho nòi giống. Năm 1219, Giođanô đậu bằng tiến sĩ thần học, và chịu chức phó phụ tế. Trong khi đang suy nghĩ để tìm biết thánh ý Chúa đối với tương lai của mình, Giođanô may mắn lại được gặp thánh Đaminh lúc đó mới ở Tây Ban Nha sang và định tạm ở Paris mấy ngày để uỷ lạo các anh em trong nhà dòng thánh Giacôbê đang gặp bước gian truân, sầu khổ. Trong thời gian lưu lại tại Paris, thánh nhân đã tổ chức nhiều buổi diễn thuyết cho công chúng. Lời giảng của thánh nhân gây một tiếng vang lớn kích động dân chúng. Người ta nô nức đến nghe. Trong một bầu khí hào hứng và nô nức, Giođanô cùng nhập bọn với các sinh viên đại học tới gặp thánh Đaminh, để cởi mở tất cả những nỗi niềm của mình cho người của Chúa. Cuộc sơ kiến hẳn đã gieo vào tâm trí Giođanô nhiều ấn tượng đẹp đẽ và sâu xa. Theo lời khuyên của thánh Đaminh, Giođanô chịu chức phụ tế, rồi tiếp tục học thêm, đồng thời không quên dấn bước hơn trên đường tu đức.
Ít lâu sau thầy Rêginađô tới giảng ở Paris. Lúc này Giođanô chí đã quyết nhập dòng các anh em đi giảng. Nhưng trước đó, thầy còn muốn làm thế nào rủ được Henricô Colônia theo mình. Henricô Côlônia vừa là người đồng hương, là bạn học mà còn là bạn tâm giao của Giođanô. Thế là đôi bạn tâm đồng ý hiệp và định mùa chay năm tới sẽ nhập dòng.
Trong thời gian đó hai người lại kiếm thêm được một đồng chí nữa là thầy Lêô. Ngày lễ tro khai mạc mùa chay năm 1220 cũng là ngày đánh dấu bước đường mới của ba người. Sáng hôm ấy người ta thấy ba thanh niên hân hoan tiến vào tu viện thánh Giacôbê. Họ vào nhà thờ đúng lúc ca đoàn đang hát phân khúc Immutemur habitu (chúng ta hãy thay áo).
Một sự tình cờ hữu ý: lời ca lúc này đã diễn tả một cách tuyệt diệu tâm trạng và hành động mà ba người sắp thực hiện.
Hai tháng sau, thánh Đaminh triệu tập đại hội nhà dòng lần thứ nhất. Giođanô là một trong bốn thầy thuộc nhà dòng thánh Giacôbê được cử đến tham dự đại hội nghị. Thánh nhân được giao phó nhiệm vụ dậy Kinh thánh cho các anh em ở Paris. Với tài lợi khẩu và kiến thức về Kinh thánh sẵn có, Giođanô đã làm cho thiùnh giả say mê với những trang Phúc âm thánh Luca. Năm sau lại có đại hội nghị lần thứ hai, mặc dầu Giođanô không có mặt trong hội nghị này, thánh Đaminh cũng đề cử ngài làm bề trên tỉnh dòng Lombađia. Thật là một việc hy hữu chứng tỏ uy thế và tín nhiệm của Giođanô, vì ngài mới chỉ có ở nhà dòng được một năm mà đã sớm được cất nhắc để tham gia vào guồng máy hành chính như vậy. Khi thánh Đaminh qua đời, địa vị của ngài còn được nâng lên cao hơn nữa: các cha trong dòng đều tán thành bỏ phiếu bầu Giođanô làm bề trên cả dòng anh em đi giảng, để ngài hướng dẫn dòng mới trong bước đường sơ khai và thành lập một đoàn quân gồm toàn những chiến sĩ đầy nhiệt huyết với công cuộc tông đồ. Với nhiệm vụ mới đó, thánh nhân cũng không thiếu những đức tính của một bậc thầy như đời sống nhiệm nhặt và liêm khiết như thiên thần, đức xả kỷ thẳng thắn kèm theo với những lời nói dịu dàng và lịch thiệp. Những đức tính và cử chỉ đó đã giúp ngài thành công rất nhiều trên đường đời.
Ngài đã khéo biết lợi dụng để tuyển lựa các phần tử có ơn thiên triệu nhập dòng. Nhiều giáo sư và sinh viên đại học Paris và Bôlônia đã xin gia nhập đoàn quân giảng đạo của ngài. Ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, ngài đã mặc áo dòng cho 20 sinh viên. Thánh nhân đã thiết lập 240 tu viện nam nữ được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Giáo Hoàng Hônôrinô III và Grêgôriô IX. Vì thế ngài phải làm việc rất nhiều để huấn luyện các nam nữ tu sĩ và kiện toàn luật dòng thánh Đaminh.
Tuy ở địa vị cao nhưng ngài rất yêu chuộng sự túng thiếu nghèo hèn. Trong những lần đi kinh lý các nơi, ngài không nề hà trú chân ở bất cứ nơi nào; mỗi khi bị khước từ không cho trọ, thánh nhân thường tạ ơn Chúa và nghĩ rằng đó là đặc ân Chúa ban. Một ngày kia cha quản lý nhà dòng xin từ chức, thánh nhân ôn tồn nói với cha: "Người làm quản lý thường có thêm bốn tình này: tính cẩu thả, dễ bực mình, hoạt động và có nhiều công lao. Tôi hoàn toàn giữ lại cho cha hai điều sau, và trút bỏ cho cha hai tính cách trên, nghĩa là tôi không bao giờ nghĩ rằng cha có hai tính xấu đó". Ngài một niềm cư xử hiền hoà với anh em, thương mến người bệnh tật và dùng hết mọi quyền lực để giúp đỡ mọi người.
Với đức khôn ngoan kèm theo với một tính khí hiền hoà, thánh nhân đã khéo làm cho tình hình bớt căng thẳng và đem lại một bầu khí an hoà giữa các tu sĩ dòng Đaminh và Hoàng đế Fêđêric II. Dầu vậy khi phải tỏ ra can đảm cứng rắn ngài cũng không ngại đương đầu với công việc. Lần kia thánh nhân không chút e ngại đến thẳng với Hoàng đế Fêđêríc II để cảnh cáo cách ăn ở xấu của nhà vua và yêu cầu vua chấm dứt tình trạng bất hảo kẻo bôi nhọ thanh danh người công giáo. Với tài ngoại giao thánh nhân còn giao thiệp rộng rãi với các vương hầu lãnh chúa và gây được ảnh hưởng truyền giáo không nhỏ đối với dân trong vùng.
Thời gian qua càng mang lại cho thánh nhân nhiều công nghiệp và nhân đức. Cho đến năm 1236, thánh nhân khởi hành một chuyến đi kinh lý các dòng ở Đất thánh và hành hương những địa điểm đáng kính của Giáo hội. Khi ngài bước chân ra đi, cả nhà ai nấy đều nơm nớp lo sợ và buồn rầu, vì sức khỏe của ngài quá mỏng manh. Ngài tới Đất thánh bằng an; nhưng rủi thay trên đường về, tầu lại gặp cơn giông tố và bị đánh chìm gần bờ biển Syria đối diện với tu viện Ptôlêmai. Đa số các hành khách đều bị vùi dập dưới làn sóng phũ phàng. Thánh nhân và hai bạn đồng hành chẳng may cũng bị bỏ mạng trong tai nạn này ngày 13 tháng 02 năm 1237. Hai tu sĩ ở Ptôlêmai vội báo tin cho cha Bề trên tu viện thánh Giacôbê ở Paris biết. Trong lời báo tin hai thầy còn thêm: "Nhưng Chúa đã thương ban một phép lạ để an ủi bầy con côi cút. Vì rằng những hành khách sống sót và tất cả những ai dự cuộc mai táng thi thể thánh nhân đều quả quyết rằng trong thời gian xác thánh nhân còn nằm trên bãi biển, đêm nào cũng thấy có một vầng sáng từ thi thể thánh nhân toả ra sáng rực". Người ta mai táng xác thánh nhân trong nhà thờ tu viện ở Ptôlêmai.
Còn rất nhiều phép lạ khác chứng minh cuộc đời vinh quang của thánh nhân: Một ngày kia, chính thánh nhân đã hiện ra với trinh nữ Lugađa trong một vầng hào quang rực rỡ như để tỏ bầy cho nữ tu đó biết sự vinh quang của mình.
Trong vòng năm thế kỷ, Giáo hội đã tặng cho ngài huy hiệu chân phước và nhiều tác giả đã ghi tiểu sử đấng chân phước vào "Tử đạo thư". Năm 1826, Đức Giáo Hoàng Lêô XII đã chính thức ban phép cho các tu viện của dòng Đaminh được muôn đời mừng lễ kính đấng chân phước Giođanộ