Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Chúa Giêsu Có Chết Hay Không ?

Filled under:

Đôi khi người ta nói rằng Chúa Giêsu không thể là Thiên Chúa vì Ngài đã chết, mà Thiên Chúa thì bất tử. Điều họ không hiểu là Chúa Giêsu có hai bản tính: Thiên tính và nhân tính. Về lý thuyết, chúng ta gọi đó là sự kết hợp thực thể (hypostatic union). Giáo hội dạy rằng Đức Kitô có hai bản tính riêng biệt, thần tính và nhân tính.
Chúa Giêsu có chết không? Không, Thiên Chúa không thể chết. Kinh thánh cho biết rằng Thiên Chúa bất biến (Tv 90:2, Mlk 3:6), nghĩa là Ngài không hề thay đổi. Nếu Ngài chết, đó là thay đổi. Thần tính của Chúa bất biết, vậy Ngài không thể chết. Vả lại, sự chết là chức năng sinh học mà sinh vật nào đó không còn sống. Nhưng Thiên Chúa không có tính sinh học. Ngài khác hẳn chúng ta. Về lý thuyết, chúng ta nói rằng Ngài “hoàn toàn khác”. Nghĩa là Ngài khác hẳn đối với phàm nhân chúng ta. Vì chúng ta chết, nhưng THIÊN CHÚA KHÔNG CHẾT.
Cũng vậy, ý tưởng về cái chết có ẩn ý về sự không tồn tại. Đây là vấn đề khác khi suy nghĩ về vấn đề Thiên Chúa chết. Theo Kitô giáo, Thiên Chúa hiện hữu vĩnh hằng – lại ngụ ý sự thay đổi về bản chất của Ngài, một tình trạng không thể có. Do đó, THIÊN CHÚA KHÔNG THỂ CHẾT.
Đôi khi người ta nói rằng Chúa Giêsu không thể là Thiên Chúa vì Ngài đã bị người Do Thái giết chết trên Thập giá. Điều họ không hiểu là Chúa Giêsu có hai bản tình: Thiên Chúa và con người. Về lý thuyết, chúng ta gọi đó là sự kết hợp thực thể hoặc bản thể. Giáo hoàng dạy rằng nơi Đức Kitô có hai bản tính riêng biệt, thần tính và nhân tính. Nhân tính chết trên Thập giá, chứ không phải là thần tính. Nhưng vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, thế nên chúng ta nói rằng Chúa Giêsu chết trên Thập giá.
Như vậy, THIÊN CHÚA KHÔNG CHẾT; nhưng nơi Đức Kitô, ĐẤNG LÀM NGƯỜI CÓ THẦN TÍNH, chúng ta hiểu đó là cái chết về sinh học, chứ không là cái chết về thần tính của Thiên Chúa bất tử.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Y-Jesus.org)

Tiêu Chuẩn Nên Thánh
Nói đến “tiêu chuẩn nên thánh” thì xem chừng “đao to, búa lớn” quá. Ai đưa ra “tiêu chuẩn” đó thì đúng là dân “nổ” như “đánh bom”, chí ít cũng tương tự “ném lựu đạn”. Nói theo lối khôi hài bình dân thì người đó sinh ra ở Thành Tuy Hạ (kho bom lớn nhất miền Nam Việt Nam trước 1975 tại Nhơn Trạch, Đồng Nai), và sống ở Kho Long Bình (kho bom lớn thứ nhì miền Nam Việt Nam trước 1975 tại Biên Hòa, Đồng Nai). Thế nhưng không phải vậy, vì đó là điều mà ai cũng phải làm, không hề “chảnh” chút nào đâu!
Nhưng thực ra chẳng ai biết rõ tiêu chuẩn nên thánh là thế nào, với điều kiện gì. Tại sao? Vì tất cả chúng ta chưa ai có cơ hội “chết thử” hoặc đi “du lịch Nước Trời”. Do đó, chẳng ai có kinh nghiệm gì ráo trọi. Chúng ta cùng tìm hiểu xem thế nào!
Chúa Giêsu đã bảo chúng ta PHẢI HOÀN THIỆN (Mt 5:48) – tức là Ngài không chỉ MUỐN mà còn BẮT BUỘC chúng ta PHẢI LÀM THÁNH (Lv 11:44; Lv 19:2; Lv 20:7). Và Ngài không chỉ muốn chúng ta LÀM THÁNH SAU KHI CHẾT (kiếp sau, tương lai), vì như vậy chỉ là “chuyện nhỏ”, làm thánh khi sinh thời mới là “chuyện lớn”. Rõ ràng Chúa Giêsu thực sự muốn chúng ta LÀM THÁNH SỐNG (kiếp này, hiện tại). Thích thì thích thật đấy, nhưng nghe nói vậy thì có lẽ ai cũng cảm thấy “rét” lắm. RÉT thật đấy. “Căng” lắm chứ chẳng đùa đâu!
Kiếp phàm nhân yếu đuối nên rất nhiêu khê. Vì không dễ “nên hoàn thiện” nên mới phải “cố gắng hoàn thiện” (2 Cr 13:11). Chính Thánh Phaolô đã thú nhận: “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Pl 3:12). Theo tiêu chuẩn tuyên thánh của Giáo hội lữ hành: Có MỘT phép lạ. Cái mà chúng ta gọi là “phép lạ” đó thì thực sự KHÔNG LÀ PHÉP LẠ. Tại sao? Vì chúng ta chẳng làm được gì gọi là “sự lạ”. Chỉ có Chúa mới làm được. Cái mà chúng ta gọi là “phép lạ” của ai đó để tuyên thánh (trước đây gọi là “phong thánh”) chính là Chúa “làm dùm” rồi cho ai đó được hưởng công trạng.
Tôi chợt nhớ một linh mục “gần gũi” với tôi nhiều năm. Khi ngài còn sinh thời, những lúc nói chuyện về tôn giáo, ngài thường nói: “Chúng ta chưa là thánh mà DÁM phong thánh cho người khác”. Nghe có vẻ “sốc” lắm, nhưng nếu NGHIÊM TÚC mà XÉT thì ĐÚNG đấy! Còn nữa, trên thế gian luôn mặc nhiên có một thánh sống dù không hề có nghi thức tuyên thánh: Đức thánh cha (Đức giáo hoàng).
Để chuẩn bị cho chúng ta nên thánh, Chúa Giêsu cho chúng ta biết niềm hạnh phúc của người biết thực hành Thập Giới (Xh 20:3-17; Đnl 5:12-21) và Bát Phúc (Mt 5:3-10). Rồi Ngài dạy chúng ta phải trở thành Muối (Mt 5:13; Mc 9:50; Lc 14:34-35), là Ánh sáng (Mt 5:14-16) giữa đời thường, và là men trong bột (Mt 13:33; Lc 13:20-21) – tức là phải sống “khác người”, thậm chí là phải sống “ngược đời”. Tuy nhiên, đừng bao giờ là men Pha-ri-sêu, men Sa-đốc và men Hê-rô-đê (Mt 16:6; Mc 8:15; Lc 12:1).
Cuộc sống không bao giờ hết đau khổ, bởi vì ngày nào cũng có cái khổ của ngày đó (Mt 6:34), thế nên Chúa Giêsu mới bảo phải cố gắng “vác thập giá mà theo Ngài” (Mt 10:38; Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23; Lc 14:27). Vác thập giá đến cuối đường trần để có thể làm thánh. Muốn làm thánh thì phải sống công chính, không thì “kẹt” lắm. Về đức công chính, Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Sống như vậy là sống “khác người” và “ngược đời”.
Thật khó xác định “tiêu chuẩn nên thánh” vì rất rộng. Tuy nhiên, nếu dựa vào những gì Chúa Giêsu “bật mí”, chúng ta có thể biết được các “tiêu chuẩn nên thánh”, có thể tóm gọn trong hai câu nói của Chúa Giêsu:
1.    Câu thứ nhất RẤT QUEN: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
Muốn hoàn thiện thì tất nhiên phải yêu thương nhau (Ga 13:34-35; Ga 15:12; Ga 15:17), yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13:10), mà yêu thương thì rất đa dạng như Thánh Phaolô liệt kê trong 2 Cr 13:1-9. Yêu thương như vậy mới là “cấp thấp”. Yêu thương “cấp cao” là đối xử tốt với kẻ thù: Không chỉ là “không được trả thù” (Mt 5:39-41; Lc 6:29-30) mà còn phải “yêu kẻ thù” (Mt 5:44; Lc 6:27; Lc 6:35). Chính động thái “yêu kẻ thù” mới là tiêu chí hàng đầu để hoàn thiện, tức là nên thánh. Nếu chỉ yêu thương người nào thích mình, quý mến mình, về phe mình,... thế thì chưa hoàn thiện, chẳng có gì đáng nói, vì như vậy chẳng đáng công chi và chẳng có gì lạ thường, chính người thu thuế cũng làm như vậy (Mt 5:46) và người ngoại cũng làm như thế (Mt 5:47).
Thánh Stêphanô, vị phó tế tử đạo tiên khởi của Giáo hội, đã xin tha thứ cho những người sát hại mình. Thánh GH Gioan Phaolô II đã đích thân đến tận nhà tù để tha thứ cho “kẻ thù” đã ám sát ngài tại quảng trường Thánh Phêrô năm ngày 13-5-1981, đó là Mehmet Ali Ağca (người Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ). Tha thứ như vậy đúng là thánh nhân, vì thật là giống Đức Giêsu Kitô.
2.    Câu thứ nhì KHÔNG LẠ, cũng vẫn QUEN: Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19:21).
Đó là chuyện về một thanh niên giàu có đã giữ trọn các lề luật, anh ta muốn theo Chúa Giêsu nên đến hỏi về điều kiện, Ngài khuyên anh ta “bỏ của chạy lấy người”, nhưng anh ta gãi đầu và “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19:16-22; Mc 10,17-22; Lc 18:18-23). Đồng tiền liền khúc ruột. Tài sản có hai dạng: Vật chất và tinh thần. Tài sản vật chất thì rõ ràng và dễ hiểu; tài sản tinh thần là tính tình, tính cách, tâm tính,... Thật là khó từ bỏ lắm!
Có chuyện thật này: Chương trình ca nhạc “Mùa Hè Rực Rỡ” (năm 2013) của trung tâm Asia có tôn vinh Thượng tọa Thích Nguyên Thảo. Thượng tọa này đã lập chùa Hoa Nghiêm tại Vancouver (Canada) và vài chùa ở các nơi khác. Chính ông đã phát mãi chùa Hoa Nghiêm để làm từ thiện: Giúp các nạn nhân trong các vụ thiên tai. Cách làm này rất thiết thực, vì không thể thuyết pháp và khuyên người ta làm điều thiện mà không thực hành cụ thể.
Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta phải hành động cụ thể: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7:9-10). Ngài nói thẳng thắn: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Dạng ảo tưởng mà Chúa Giêsu cảnh báo như thế có lẽ vẫn phổ biến trong đời sống tâm linh của chúng ta!
Một hệ lụy tất yếu: “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7:18). Trong kiếp sống lữ hành trần gian, không dễ “vượt qua chính mình” như Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi mưu ma chước quỷ (x. Mt 4:1-11). Vì thế mà phải cố gắng không ngừng, lơ là trong tích tắc là “chết” ngay. Khó khăn và vất vả thật đấy!
Khi phe này nói về phe kia, người ta thường xác định: “Không hòa hợp, không hòa giải”. Nếu “không hòa hợp” thì có thể tạm chấp nhận, nhưng nếu “không hòa giải” thì không thể được, vì như vậy thì không thể hoàn thiện, vì không hợp ý Chúa, nghĩa là sai luật Chúa. Nếu cứ khăng khăng “không hòa hợp, không hòa giải” thì không thể hoàn thiện, không thể nên thánh!
Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được? Ngay trong nỗi đau đớn cùng cực của cả tinh thần lẫn thể lý, xem chừng như tuyệt vọng, đến nỗi Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34). Chúa Giêsu vẫn yêu thương chính những kẻ thù đã sát hại Ngài, cho là họ lầm: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Ước gì mọi người đều đủ can đảm sống “khác người” và “ngược đời”, khả dĩ tiến nhanh và tiến mạnh trên đường nhân đức để hoàn thiện, để nên thánh, để làm thánh ngay trên thế gian này!
Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội (Lc 18:13), xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng và đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ (Tv 51:12), xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung (Tv 51:19). Con vô cùng yếu kém đủ thứ, xin Ngài thêm đức tin cho con (Lc 17:5), xin dạy bảo con về đường lối của Ngài và xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài (Tv 25:4-5). Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU