Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 11/2/2016

Filled under:


VÁC THẬP GIÁ MỖI NGÀY THEO CHÚA
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Mt 25,40)
Suy niệm: Mùa Chay thánh là thời gian thuận tiện để các Ki-tô hữu chiêm ngắm và cùng bước theo Chúa Ki-tô trên con đường khổ nạn của Ngài. Con đường Chúa đã đi qua không phải là con đường du lịch nghỉ mát mà là con đường chiến đấu thường xuyên và trường kỳ chống lại sự ác và ma quỷ, là kẻ chẳng những gây ra, cầm đầu sự ác mà còn là tên cám dỗ loài người chúng ta nữa. Đi trên con đường khổ nạn của Chúa, mỗi người phải vác lấy cây thập giá của mình, đó chính là từ bỏ “cái tôi” với những thói hư tật xấu của mình, đồng thời chiến đấu chống lại những cám dỗ thử thách mà ai cũng phải gặp trên đường đời của mình.
Bạn có biết bạn cần phải từ bỏ những gì để bước theo Chúa Ki-tô trên con đường khổ giá mà Ngài đã đi không? Sự từ bỏ mà Chúa Ki-tô mời gọi có làm cho bạn khó chịu, đau khổ trong hành trỉnh theo Chúa không? Mùa Chay này là dịp thuận tiện để bạn khám phá và triệt bỏ những thói hư tật xấu đang cản trở bạn sống cuộc sống thân mật với Chúa.
Mời bạn suy nghĩ và chia sẻ: Tại sao, để vác thập giá mình trong đời sống cộng đoàn, rất cần thái độ nhẫn nại và bao dung?
Sống Lời Chúa: Xét mình để thấy rõ nết xấu thâm căn cố đế nhất, nết xấu làm bạn ray rứt nhất và bạn quyết tâm cách mạnh mẽ nhất để nhổ bỏ nó trong Mùa Chay thánh này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đoái nhìn con bằng ánh mắt đầy yêu thương của Chúa để giải thoát con khỏi ách nô lệ của tính hư nết xấu và cho con sẵn sàng mang lấy ách êm ái của Chúa. Amen.
 
LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
Lộ Đức (Lourdes) là một thị trấn nhỏ khoảng 6.000 dân nằm giữa thung lũng Pyrênê, gần suối Gavê. Hôm ấy là ngày 11-02-1858. Trời lạnh lẽo. Vào buổi trưa, Bênađêta, cô gái 14 tuổi vui tươi, thiếu ăn và quê mùa cùng với mấy người bạn đi lượm củi khô ở bờ suối Gavê.
Bỗng một Bà mặc đồ trắng hiện ra với cô, trên một tảng đá bao quát cả hang Massabien. Vừa sợ lại vừa vui, cô lần chuỗi và không dám tới gần theo lời Bà mời.
Chẳng ai muốn tin cô. Bị rắc rối, chính cha mẹ cô không muốn cho cô trở lại hang đá nữa. Nhưng có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó. Cô trở lại hang đá. Các cuộc thị kiến vẫn tiếp diễn. Bà lạ nói truyện và kêu gọi cầu nguyện, rước kiệu và xây dựng một đền thờ tại đây.
Các bậc khôn ngoan chống đối. Dân chúng lại xúc động.
Công an thẩm vấn Bênađêta. Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe doạ. Cô cũng không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn.
Các nữ tu dạy học cũng bất bình.
Nhưng Bênađêta vẫn khiêm tốn lịch sự.
Ngày 25-02, một đoàn người cảm kích theo cô. Sau khi cầu nguyện. Bênađêta đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rồi quỳ xuống. Theo lệnh Bà lạ, cô cúi xuống lấy tay cào đất. Một dòng nước vọt lên. Cứ 24 tiếng đồng hồ là có khoảng 120.000 lít nước chảy ra.
Ông biện lý cho gọi Bênađêta tới. Ông chế diễu, tranh luận và đe doạ cô nữa. Cuối cùng ông kết luận:
- Cô hứa với tôi là sẽ không tới hang đá nữa chứ?
Nhưng Bênađêta bình tĩnh trả lời rõ ràng:
- Thưa ông, cháu không hứa như vậy.
Cha sở lo âu. Ngài cấm các linh mục không được tới hang. Bênađêta tới gặp ngài và nói:
- Bà lạ nói: "Ta muốn gặp người ta rước kiệu tới đây ".
Ngài liền quở trách và gằn từng tiếng:
- Con hãy nói với Bà ấy rằng, đối với cha sở Lộ Đức, phải nói cho rõ rệt. Bà muốn những buổi rước kiệu và một nhà nguyện à? Trước hết Bà phải cho biết tên là gì và làm một phép lạ đã chứ.
Làm xong nhiệm vụ, Bênađêta bình thản ra về.
Đã có những phép lạ nhãn tiền: Một thợ đẽo đá mù loà đã thấy được ánh sáng; một phụ nữ bại tay sáu năm nay bình phục. Báo chí công kích dữ dội và cho rằng đó chỉ là ảo tưởng.
Nhưng dòng nước vẫn chảy thành suối. Dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau tới. Những kẻ hoài nghi phải chùn bước. Một em bé hai tuổi bêïnh hoạn đang hấp hối trước những cặp mắt thất vọng của cha mẹ. Họ nghèo lắùm. Bà hàng xóm đã dọn sẵn cho em một cái quách. Người cha thở dài:
- Nó chết rồi.
Người mẹ chỗi dậy. Không nói một lời, bà ôm đứa bé chạy thẳng ra hang đá, dìm nó vào dòng nước giá lạnh. Dân chúng cho rằng bà đã điên lên vì buồn khổ. Tắm em bé trong 15 phút xong, bà ẵm em về nhà. Sáng hôm sau, em hết bệnh. Ba bác sĩ đã chứng thực truyện lạ này.
Bênađêta vẫn giản dị vui tươi tự nhiên. Hằng ngày cô trở lại hang đá. Ngày 25-03, cô quỳ cầu nguyện và khuôn mặt bỗng trở nên rạng rỡ. Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt:
- Bà nói: "Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai ".
Vài giây sau, lời Đức Trinh Nữ đã truyền từ miệng người này sang người khác. Đám đông cất cao lời cầu khẩn:
"Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ ".
Bênađêta hỏi một chị bạn thân:
- Vô nhiễm thai là gì nhỉ ?
Và cũng không bao giờ cô phát âm chính xác từ ngữ này.
Luôn giữ mình khiêm tốn, Bênađêta đã ẩn mình trong một tu viện. Lúc 03 giờ chiều ngày 16-04-1879, cô từ trần, hưởng dương được 36 tuổi.
Dòng nước ở hang Massabien vẫn chảy. Người ta lũ lượt tuôn đến cầu nguyện và không biết bao nhiêu ơn lành Mẹ đã ban cho các tâm hồn thiết tha cầu khẩn. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cho phép mừng việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức vào ngày 11-02, để ghi nhớ lần Mẹ đã hiện ra với Bênađêta, kể từ ngày 11-02 tới ngày 16-07-1858. Năm 1907, Đức Giáo Hoàng Piô X cho phép toàn thể Giáo hội mừng lễ này. Cùng với Giáo Hội, chúng ta kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và đừng quên chạy đến Mẹ là nguồn suối chảy tràn muôn ơn phúc.