Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

LỜI HAY Ý ĐẸP TRONG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC CHA ĐÔMINICÔ MARIA HỒ NGỌC CẨN

Filled under:

1.          Khi ta nói rằng: “Tính hư nết xấu ” thì có ý chỉ về những tính nết như vậy. Nhưng người ta không biết đó là tính tự nhiên đã có hay là bởi mình tập mà quen nên gọi một tiếng chung là tính nết. Nếu tính nết không tiện, không tốt, thì phải đổi tính sửa nết. Nếu mình có tính buồn thì đổi lại tính vui. Nếu mình có nết biếng lười thì sửa lại cho sốt sắng chăm chỉ. Đổi tính sửa nết là như vậy. ( I, 176)
NẾT XẤU Ở NƠI TRÍ KHÔN  
Tính kiêu ngạo
2.         Là tính quỷ quái nhất, cùng là đầu mọi sự dữ. Phải cầm khí giới sẵn và phòng thủ luôn. (I, 199)
3.          Kiêu ngạo cho mình hơn kẻ khác, có tài hơn kẻ khác, có trí tuệ hơn kẻ khác, có khôn ngoan hơn. (I, 199)
4.          Kẻ kiêu ngạo có khi lại ngờ mình nhân đức hơn kẻ khác, sốt sắng, siêng năng đọc kinh cầu nguyện hơn kẻ khác, biết hãm mình hơn kẻ khác, khéo nói về đàng nhân đức hơn kẻ khác. Ấy là nó mượn các mặt nhân đức cho được kiêu ngạo. (I, 200)
5.          Kiêu ngạo làm cho ta nghĩ mình hơn kẻ khác, tất nhiên nó cũng đưa ta đến nơi khinh dể kẻ khác. (I, 200)
6.          Khí giới đuổi tính kiêu ngạo là: Hằng nhớ mình là hèn hạ, là giống không không. Vì vốn mình là không hẳn, không xác, không hồn, cái gì cũng không, bởi Chúa dựng nên mới có. Tự mình chẳng có đí gì, chỉ có tội và tính hư nết xấu thôi. (I, 201)
7.          Hãy nhớ lời Chúa dạy: Dù đã làm xong việc mình phải làm cũng xưng mình là đầy tớ vô dụng. (I, 201)
Tính nhẹ dạ
8.          Tính nhẹ dạ là tính trẻ con: vội làm, vội nói, dễ quên, dễ bỏ. (I, 201)
9.          Tính nhẹ dạ cũng gọi là tính hay thay đổi, hay gọi cho nặng hơn và đúng hơn nữa là thiếu sự suy nghĩ. (I, 202)
10.      Cho được sửa tính này thì phải sẵn lòng nghe sửa bảo. Phải năng dốc lòng, chớ hề khi nào mở lời nói, hay tra tay làm việc gì mà không cầm trí suy nghĩ một chốc. (I, 202)
11.          Tính hoảng hốt cũng là tính rất hại, cũng bởi tính kiêu ngạo mà ra. Hễ lâm phải điều gì trái ý, như khi bị quở trách hay là nghe ai bình phẩm gì, liền hoảng hốt, ăn không ngon, nằm không ngủ, cứ để trí đến việc kia mãi. (I, 203)
TÍNH HƯ BỞI TÂM TÌNH MÀ RA
Tính thờ ơ                                                                                    
12.      Tính thờ ơ là ai mặc ai, mình như lòng chai dạ đá. Thấy người được vui, mình cũng chẳng vui gì. Thấy người mắc buồn mình cũng chẳng buồn chi. (I, 203)
13.       Ở nhà Dòng năng tập đức yêu thương, thì tính thờ ơ càng ngày càng bớt. (I, 203)
Tính xung khắc
14.      Tính xung khắc nghịch đức yêu thương, nên nó làm hại và khó ở nơi chung với nhiều người. (I, 203)
15.      Tính xung khắc thì hay xung đột, hễ gặp gì trái ý liền xung, gặp ai không hợp liền khắc. Ai tỏ ý kiến gì không hợp ý, nó liền phi bác. Bởi đó nó hay nói lý sự, hay cãi cọ. Vì thế sinh ra mất lòng nhau, tích lòng thù vặt nhau. (I, 203)
16.      Để chừa tính xung khắc, thì phải tin bề trên bảo mình có tính ấy, và khi gặp ai chẳng vừa ý cũng cứ tỏ mặt tươi cười, truyện trò vui vẻ. Khi lâm phải điều gì xúc ý, nghe điều gì khó chịu thì phải ắng lặng làm thinh, để hy sinh cho Chúa. (I, 204)
Tính cả buồn
17.     Tính cả buồn là ôn dịch cho lòng sốt sắng, sinh dịp cho nhiều điều sai lỗi. Nó làm cho linh hồn dần dần chẳng còn muốn nghe ai. (I, 204)
18.      Tính cả buồn là luôn luôn ưu sầu buồn bã, không những bề ngoài nhăn mặt chau mày, không chút vẻ gì vui, đứng đâu ngồi đâu xem ra như có điều gì tư lự. (I, 204)
19.      Ở nhà Dòng là nơi làm tôi Chúa vui vẻ, không việc gì mà tỏ mặt ưu sầu. ( I, 205 )
Tính yêu riêng
20.      Tính yêu riêng là yêu riêng kẻ khác. Khi nào sự yêu riêng ấy là chẳng lành, thì hãy bỏ đi ngay. (I, 206)

NẾT XẤU Ở NƠI THÂN XÁC        
21.     Bề ngoài nơi thân xác cũng như bề trong: trong trí, trong lòng, con người không thiếu gì nết xấu phải sửa.
Thí dụ: ăn nói thô kệch, cung giọng quê mùa, bộ tịch yểu điệu, ăn mặc bẩn thỉu, thiếu sự nết na, ăn uống không lịch sự, truyện trò thiếu phép tắc. Vậy cho được chừa những nết ấy thì:
§               Cần phải biết nó
§               Phải dễ bảo
§               Phải kiên tâm bền chí (I, 207)
Tính quạu cọ
22.      Người có tính ấy không hay thông công với ai, thường hay khó mặt. Giờ nghỉ thì làm thinh ắng lặng, giờ làm việc thì mặt nặng như cối xay. Trong mọi việc, khắp mọi nơi, đều tỏ lộ không bằng lòng. (I, 209)
Tính thế gian
23.      Là người “xác tuy đã bỏ thế gian, song le lòng trí còn đang theo đời”.
Vậy tính khí thế gian là :
§             Thích ưa nhắc lại cuộc đời mình.
§             Thích nghe, thích nói những tin tức, công việc ngoài đời.
§            Là người để trí về sự chau ăn chuốt mặc, tìm sự vẻ vang nơi khăn áo, lo làm sao cho áo dòng, khăn lúp được sạch sẽ, đẹp đẽ hơn kẻ khác. (I, 210 - 211)
Tính kỳ cục
24.     Người kỳ cục là người ăn ở khác thường, làm việc khác thường, nói phô truyện trò cư xử với người ta cũng khác thường. (I, 212)
25.     Cho được sửa tính kỳ cục, cần phải sẵn lòng nghe bề trên, chị em sửa cho. (I, 212)
Tính hay nhạo
26.      Hay nhạo là tính hay nói chọc, hay là tả bộ tịch ai để nhạo cười, để làm cho người ấy phải thẹn. Tính ấy nhiều khi bởi ơ hờ, nhẹ dạ. Tính này nghịch với đức yêu thương, không hợp với nết ở nhà dòng. Tính ấy nhiều khi gốc bởi tính kiêu ngạo cậy mình mà ra: nghĩ mình là hay là giỏi. (I, 212)
Tính hay hạch sách
27.      Hay hạch sách là hay bắt nét việc kẻ khác. Hễ gặp gì không đẹp mắt vừa lòng, liền phàn nàn năn nỉ. (I, 213)
28.      Tính hạch sách, nếu không sửa trị cho kíp, thì nó sẽ lan ra như ôn dịch. Nghĩa là nó làm cho kẻ khác bắt chước, hùa theo mà xì xèo việc người kia kẻ nọ. (I, 213)
Tính hay kéo bè
29.      Tính hay kéo bè là một tính nghịch cùng bậc nhà dòng, là nơi phải đoàn kết, phải hợp nhất hơn đâu hết. Song nó hay bén ngầm vào nhà dòng không ai ngờ; mà nó kết được thành phe, thành cánh. (I, 214)
MẤY TÍNH KHÍ KHÔNG HỢP BẬC TU TRÌ
30.      Những người giả hình, nịnh hót, nhị tâm, gian giảo, đa nghi, ăn không nói có, xảo quyệt, bội tín, quanh co... ấy là những người không xứng ở bậc nhà dòng. (I, 328)
31.      Tồi tàn, bủn xỉn, đê hèn, miễn là có lợi thì thôi, chả cần gì thể diện. Như thế làm nhơ danh nhà dòng. (I, 328 )
32.     Những người bất phục hay lấy mình làm chúa, lòng cứng cỏi bất trị đến nỗi không thể sửa dạy khuyên răn được, thì không thể làm người nhà dòng hẳn hoi được. (I. 329)
33.          Đừng có xét nét, chê bai việc làm kẻ khác. (I, 336)
34.      Chớ hề bao giờ cả dám chê bai, chỉ trích, phê bình những ý kiến, những lời răn bảo, quở trách, hay là việc làm, lời nói của bề trên, dù bề trong, dù bề ngoài cũng không. (I, 336)
35.      Đừng chữa mình bao giờ, ngoại trừ bề trên ban phép nói sự thật cho rõ. (I, 336)
36.     Đừng bàn chuyện phù phiếm giả trá thế gian, cũng đừng cãi lẽ vô ích. (I, 356)
37.      Tính bốp tốp tỏ ra bề ngoài là muốn lo nhiều việc trong một trật. Hóa ra việc nào cũng nhỡ. Lại việc nào cũng muốn chóng xong, hóa ra “dục tốc bất đạt”. (I, 361)
38.      Tính tọc mạch muốn biết muốn nghe, muốn xem hết mọi sự, muốn đọc các thứ sách, muốn xem hết các thứ báo. Mình tọc mạch muốn biết, đã biết lại muốn thông ra, cho nên đã không giữ tai, giữ mắt, tới miệng lưỡi cũng không hay giữ. (I, 362)
39.      Tính nhát hèn là khi gặp sự khó liền sờn lòng rủn chí, ra như không muốn ráng sức nữa. Không điều gì hại đàng nhân đức cho bằng tính nhát hèn. (I, 362)
40.      Tính kiêu ngạo là mạch mọi sự khốn khó, là căn nguyên mọi sự sai lỗi. Nó làm hư hết mọi việc lành, làm cho ta nên nô lệ ma quỷ, mở lối cho ta sa ngã cách nhuốc nha làm ô danh Chúa. (I, 458)
41.      Cái điều làm thiệt hại chức vụ của một bà bề trên hơn cả là sự người ta nhận thấy rằng bà không kín dạ, hay nhắc lại những điều người ta tín nhiệm thưa với bà, hoặc thấy bà hay giữ lòng hờn giận về những lầm lỗi mà người ta đã ân hận vì đã làm mất lòng bà. (I, 581)
42.     Điều làm cho chị em xa lánh bề trên và hay vấp phạm nhất, là sự nói hành và chế nhạo. (I, 581)
43.     Tự phụ không hẳn là kiêu ngạo, cũng không phải là tự ái hay tự trọng. Tự phụ là một điểm thô bỉ trong cả ba tính đó, làm cho người ta ghét, mặc dầu chỉ mới tự phụ trong lòng cũng thế. (I, 626)
44.      Tính tự phụ làm cho người ta quá tin ở năng lực mình, và vì thế sinh ra một nết xấu đáng ghét nhất là chấp nê. (I, 627)
45.     Người ta bắt đầu tiết kiệm, vì sự tiết kiệm là cần cho một người coi sóc của cải, rồi bận rộn, rồi quyến luyến, bần tiện, sau cùng hà tiện. (I, 632)
46.      Tính hà tiện sinh nhiều kết quả không hay cho nhà dòng, mượn cớ ăn ở khó khăn, hãm mình; tính hà tiện làm cho những nữ tu làm lụng vất vả, ăn ở đạo đức mà phải chịu nhiều điều thiếu thốn, làm cho chị em không giữ được kỷ luật nhiệm nhặt, vì phải quan phòng cho tương lai, tự túc những nhu cầu, phải phiền đến cha mẹ. Và những vị đó làm chị em không thể thuận tiện thi hành đức vâng lời, đức khó khăn, làm cho chị em phàn nàn kêu trách bề trên, không còn trọng kính và yêu mến được nữa. Một tu viện mà phải đau khổ về áo mặc cơm ăn, là một tu viện đang đi đến sự lộn xộn. (I, 634)
47.     Một tính làm ngăn trở công việc bề trên nhất là tính hay sốt giận, thiếu nhẫn nại. Hay sốt giận không phải là cứng cỏi. Một bà bề trên có thể là hay sốt giận mà cũng rất mềm mại, đôi khi lại quá nhu nhược vì muốn cho người ta quên điều bà sốt mắng, bà lại quá chiều chuộng, quá dễ dãi trong việc xin chuẩn chước luật nhà. (I, 639)
48.      Khuyết điểm trong trí:
-  Lo lắng                        
-  Tò mò
-  Đa nghi (không tin cậy)
-  Hay nghi ngờ
-  Tự phụ
-  Không đúng mực
-  Hay chế nhạo
-  Nịnh hót
-  Khó dậy
-  Hăng hái
-  Hay giận
-  Quỷ quyệt. (I, 657)
49.      Khuyết điểm trong lòng
-  Xấu bụng cứng cỏi
-  Giả hình ươn ái
-  Không biết thương người
-  Không có tình cảm
-  Ích kỷ hay oán hờn
-  Khó chinh phục
-  Không đơn sơ. (I, 657 - 658)