Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 20/2/2016

Filled under:


THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA 
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. ” (Mt 5,48)
Suy niệm: “Lòng thương xót thì không gượng ép, tựa như mưa từ trời nhẹ rơi xuống đất. Lòng thương xót ấy đem lại phúc lành cho người thực hiện lẫn người được thực hiện” (W. Shakespeare). Khi yêu thương kẻ thù, lòng ta không còn cay đắng, nhưng được thanh thản, an bình, và kẻ thù của ta cũng được nhẹ nhỏm, an vui như vậy. Lòng yêu thương kẻ thù ấy được diễn tả bằng những việc làm cụ thể như cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, chào hỏi kẻ ghét mình. Yêu thương kẻ thù không phải là chuyện của cảm xúc, nhưng là của ý chí, của quyết tâm vượt qua khuynh hướng bản năng tự nhiên. Tại sao Chúa đòi ta lại phải yêu thương kẻ thù? Thưa, vì lòng thương xót ấy làm ta nên giống Thiên Chúa, Đấng luôn khoan dung với người lành kẻ dữ.
Mời Bạn: “Tôi luôn nhận thấy rằng lòng thương xót đem lại nhiều hoa trái hơn là sự công bằng nghiêm ngặt” (Tổng thống A. Lincoln). Cư xử dựa trên lẽ công bằng chặt chẽ, lý lẽ đúng-sai có thể làm bạn yên tâm, uy quyền của bạn được bảo đảm. Thế nhưng, cư xử dựa trên lòng thương xót lại đem nhiều thiện ích cho người anh em hơn. Bạn chọn cư xử theo cung cách nào trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi tập tha thứ cho những người tôi ghét bằng cách chào hỏi, nói chuyện với họ, nhất là với người chung một mái nhà.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa tha thứ cho người ngược đãi mình bằng cách cầu nguyện cho họ trên thập giá. Xin cho con, nhờ noi gương Chúa, cũng biết sẵn lòng tha thứ cho kẻ thù, để có thể trở nên con cái Cha trên trời. Amen.

THÁNH ÊUKÊRIÔ GIÁM MỤC HIỂN TU

"Thế gian qua đi như chiếc bóng" (1 Cor. 7,31). "Trước mặt Chúa, sự khôn ngoan của thế gian chỉ là sự điên rồ không hơn không kém" (1 Cor. 3,9). Đó là những lời thơ thánh Phaolô đã làm say mê tâm hồn chàng thanh niên tuấn tú Êukêriô. Chàng hâm mộ suy ngắm và tìm đọc Sách Thánh, không những trong chuỗi ngày học tập, mà ngay hồi còn bé ở nhà với mẹ. Và chàng chuyên chú hơn, khi đã thành nhân, cho đến lúc bỏ xác về trời hưởng chiều suy ngắm vĩnh viễn.
Thánh Êukêriô ra đời vào hậu bán thế kỷ VII, trong một gia đình sung túc. Mẹ ngài là một hiền mẫu, nêu cao nhiều nhân đức, nhất là cách giáo dục con cái. Bà đã được diễm phúc lãnh nhận lời sứ thần tiên báo về con trẻ trong thai. Vui mừng nhưng kín đáo, bà nghĩ sẽ gi dấu niềm vui ấy, cho tới ngày nghe Đức Giám mục Aubertô thành Antunê nhắc lại lời tiên báo ấy khi ban phép xức trán cho con trẻ, bà mới chịu thốt ra theo hai dòng lệ. Bà khóc vì "hạnh phúc và triều thiên Chúa dành cho con bà sau này". Vì thế bà tận tình giáo dục con, và sẵn sàng ban phép khi thấy Êukêriô tỏ ý xin sống đời chiêm niệm trong cảnh tịch liêu.
Bỏ gia đình, chàng Êukêriô đến gõ cửa tu viện Giumiê (Jumiège) miền Nomangđia xin nhập dòng và thụ huấn đường trọn lành. Bảy năm sống trong dòng, thánh nhân nêu cao nhiều gương sáng về mọi nhân đức, nhất là lòng khiêm tốn và đức vâng lời.
Khi ấy cậu ngài là Giám mục Suavari, thành Ôlêmăng qua đời. Hàng giáo phẩm và toàn giáo dân đồng thanh chọn cha Êukêriô lên kế vị. Không trì hoãn, họ đến vận động với ông đô trưởng Sác Mácten (Charles Martel) nhờ ông chuyển đạt nguyện vọng của họ lên Hoàng đế. Đồng thời họ đến Nomăng xin cha bề trên truyền lệnh, để họ được đón cha Êukêriô về Ôlêmăng.
Vâng lời là khiêm tốn, sau những giờ cầu nguyện, cha Êukêriô biết chắc không thể từ chối lời dậy của Chúa qua bề trên và tín hữu, liền xin được gặp anh em trong dòng. Với hai khóe mắt đầy lệ ngài nói với anh em: "Các bạn thân ái, các bạn đành tâm để con chiên nhỏ trong đoàn các bạn phải sa lưới thế gian đang bủa ra kia hay sao? Có phải vì yêu thế gian và mồi bả của nó mà tôi gieo mình vào nanh vuốt của thế gian để mất triều thiên tôi hằng mong muốn không? Xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi nhiều, tôi trông vào lời cầu nguyện của các bạn!" Cảm động, buồn vui lẫn lộn hiện lên nét mặt mọi người! Họ buồn vì phải vắng xa một người bạn gương mẫu. Họ vui vì hãnh diện có người bạn được Chúa gọi lên chức Giám mục. Nhưng cũng như thánh nhân, họ vâng theo ý Chúa, và âu yếm tiễn chân người bạn bằng những lời chúc chân thực tự con tim phát ra qua lời ca réo rắt…
Được toại nguyện, dân thành Ôlêmăng nô nức đi đón vị chúa chiên. Ôlêmăng lại một phen phô mình trong bầu khí tưng bừng của ngày hội. Trên đường phố lũ lượt các đoàn thể với những bộ đồng phục đủ mầu. Các nẻo đường la liệt những cổng chào tráng lệ. Những cơn gió lành của ngày đẹp từ đâu thổi lại làm tung bay những giây cờ mầu trông rất vui mắt. Chỉ nhìn qua du khách cũng nhận được niềm vui đang ào ạt dâng lên trong lòng người tín hữu Ôlêmăng. Nhưng hỏi còn ai thông cảm tế nhị hơn vị chúa chiên của họ? Trước cảnh vô cùng náo nhiệt ấy, thánh Êukêriô phải khóc lên vì sung sướng, nhất là vì đức khiêm nhường cố hữu…
Nhận chức Giám mục, thánh nhân đem toàn lực phục vụ con chiên và mở màn là những cuộc kinh lược các xứ, các họ. Nhân dịp này, ngài rao giảng Phúc âm, giảng bằng lời Chúa, nhưng hơn cả là bằng đời sống thánh thiện. Ai nấy đều có thể lại gần vì ngài sống đơn sơ thân mật, và thông cảm với mọi người không phân biệt giai cấp và thứ tuổi. Dù bận nhiều công việc hoạt động bên ngoài, Đức Giám mục không quên lãng đời sống nội tâm, việc xem sách thiêng liêng và suy ngẫm Thánh kinh… Vì thế chỉ mấy năm làm Giám mục, tiếng nhân đức của ngài đã vang lan khắp miền kể cả những giáo phận xa xôi…
Nhưng đường của người công chính không phải là đường rắc hoa và trải nhung lụa. Đường của họ là đường gồ gề khúc khuỷu, đường đất đỏ nhiều chông gai, đường thánh giá của Thầy chí thánh. Những người công chính, sẵn sàng đem mạng sống bảo vệ sự công chính bằng cách bài trừ mọi tà thuyết, mọi tham ô… Đức tính căn bản ấy nổi bật trong đời sống thánh Êukêriô. Có nhiều người phen bì những hoạt động và thành công của thánh nhân. Họ muốn bôi nhọ đức tính nhiệt thành việc truyền giáo của ngài bằng cách nịnh hót với ông đô trưởng rằng: Đức giám mục hết sức hoạt động chống lại những ai đã lạm quyền, cướp bóc tài sản Giáo hội cách trái phép… "Có tật giật mình", ông đô trưởng vì vừa lấy một số tài sản của Giáo đoàn thưởng công những người đã giúp ông thắng quân Hồi giáo, liền cho rằng Đức Giám mục nhằm triệt hạ mình. Sẵn tính ghen lại kiêu ngạo, ông đô trưởng Carôlô Mácten đồng tâm với quân thù phao vu cho Đức Giám mục là kẻ thù của quốc gia. Chúng lập tức đón bắt Đức Giám mục cùng với cả hai vị thân sinh ngài đưa lên Paris, rồi xin vua đầy các ngài sang Côlônia 735.
Nhờ sự thu xếp của Chúa Quan phòng, thánh Giám mục vừa đặt chân tới Côlônia, đã được hàng giáo phẩm và các tín hữu đón tiếp nồng hậu. Ngài sống và làm việc ở đây không khác gì như ở giáo phận nhà. Thấy thế, Mácten bực mình, ông xin lãnh chúa Rôbêtô đầy ngài đi chỗ khác cực khổ hơn cốt ý ngăn cản mọi hoạt động của ngài. Nhưng ông Rôbêtô, vì biết câu truyện và từng nghe tiếng nhân đức của thánh Giám mục, nhất định không nghe theo lời yêu cầu của Mácten. Hơn thế, ông kính trọng và cung phụng ngài mọi cách để ngài tự do vào tu trong dòng thánh Trôngđa. Nhờ thế, đối với Đức Giám mục sáu năm đi đầy là chuỗi ngày kết hợp chặt chẽ hơn với tình yêu Thiên Chúa, là giai đoạn sống chiêm niệm thần bí nhất xứng, đáng được Chúa gọi về thiên quốc nhận phần thưởng vĩnh cửu.
Xác ngài được mai táng trong nhà thờ thánh Trôngđa, nơi đây Chúa làm nhiều phép lạ để chữa người mù què, bất toại và quỷ ám, những con người đau khổ đã thành tâm đến cầu nguyện nơi mộ ngài. Năm 880, gặp thời Giáo hội Nômangđi bị bách hại, người ta lấy xác thánh nhân đem đi giấu và quãng năm 1200 người ta mới cải táng về nhà thờ thành Ôlêmăng. Tuy không phải ngã gục dưới lưỡi kiếm của lý hình, nhưng thánh Êukêriô được Giáo hội tôn kính như vị thánh tử đạo và mừng lễ vào ngày 20-02 hằng năm.
Thánh Claude De La Combière (1641- 1682)
Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 2-2015
Thứ Sáu, ngay 20 thang 2 nam 2015
Mùa Chay Năm lẻ
Thánh Claude de la Combière (1641- 1682)

Thánh Claude sinh năm 1641 gần Lyons, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức, giầu có. Ngài theo học trường của các cha dòng Tên về âm thanh và nghệ thuật.

Sau đó Claude vào trường đệ tử dòng Tên ở Avignon, là nơi ngài học xong triết học và bắt đầu dạy về nhân văn. Trong thời gian ngài dạy học ở Avignon là khi đạo quân của Louis XIV chiếm đóng, dù đó là nơi đức giáo hoàng cư ngụ. Khi hòa bình trở lại, thành phố Avignon cử mừng lễ Thánh Phanxicô Sales; mặc dù chưa được thụ phong linh mục, Claude là một trong những người được yêu cầu giảng thuyết. Ðể hoàn tất chương trình thần học ngài được gửi sang Balê là trung tâm văn hóa của nước Pháp, ở đó ngài được chọn làm thầy giáo tư cho các con của một bộ trưởng Pháp, là ông Colbert. Nhưng trong một bài viết, ông Colbert có những lời châm biếm tôn giáo mà Cha Claude không tán thành với ông bộ trưởng, do đó ngài bị gửi trả về Avignon và được bổ nhiệm việc thuyết giảng ở một nhà thờ thuộc trường đại học.

Trong các bài giảng, ngài thường tố cáo những sai lầm của lạc thuyết Jansen (1) mà ngài thấy đầy dẫy ở Balê. Cha Claude bài trừ tà thuyết bằng cách giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong một cuộc tĩnh tâm ngài thề tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Hai tháng sau khi thề hứa, ngài được bổ nhiệm làm bề trên cho một trụ sở nhỏ của dòng Tên ở Paray. Chính ở đây mà ngài gặp Sơ Margaret Mary Alacoque (2), và là cha giải tội cho sơ và nhấn mạnh đến việc sùng kính Thánh Tâm Chúa.

Sau đó Cha Claude được sai đến nước Anh với công việc giải tội cho Nữ Công Tước của York. Ngài rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động, và đã đưa nhiều người Tin Lành trở lại đạo. Trong thời gian ở đây, những chống đối người Công Giáo ngày càng gia tăng. Có tiếng đồn cho rằng người Công Giáo âm mưu giết vua để tái lập đạo Công Giáo tại Anh. Cha Claude bị bắt và bị cầm tù về tội tham dự vào âm mưu này trước khi thành công trong việc hoán cải nhà vua. Chính nhờ vua Louis XIV can thiệp mà Cha Claude không bị xử tử.

Cha Claude bị trục xuất, nhưng thời gian tù đầy đã ảnh hưởng tệ hại đến sức khỏe của ngài. Theo lời khuyên của Sơ Margaret Mary, ngài trở về Paray và từ trần tại đây năm 1682. Một ngày sau khi ngài chết, Sơ Margaret Mary được thị kiến siêu nhiên, đảm bảo rằng Cha Claude La Colombiere không cần được cầu nguyện, vì ngài đã ở trên thiên đàng.

Cha Claude được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 31 tháng Năm 1992.

(1) Cornelius Jansen - Giám Mục của Yprés - chủ trương rằng bản tính loài người quá hư hỏng vì tội nguyên tổ nên không có khả năng chống lại sự cám dỗ, không xứng đáng được rước lễ thường xuyên và Jansen chống lại sự thờ kính nhân tính của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc sùng kính Thánh Tâm.

(2) Thánh Margaret Mary Alacoque là người đã được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần và sứ điệp đặc biệt là sùng kính Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ được Chúa Giêsu gọi là "Người môn đệ yêu dấu của Thánh Tâm Ta ."
___
20 Tháng Hai, Chân Phước Jacinta and Francisco Marto
(1910-1920; 1908-1919)

Trong quãng thời gian từ 13 tháng Năm đến 13 tháng Mười 1917, ba trẻ chăn chiên người Bồ Ðào Nha ở Aljustrel đã được thấy Ðức Bà hiện ra ở Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách thủ đô Lisbon 110 dặm về phía bắc. Vào lúc đó, Âu Châu đang can dự vào một cuộc chiến đẫm máu. Chính Bồ Ðào Nha, sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1910, cũng đang trong sự rối loạn chính trị; sau đó không lâu nhà cầm quyền giải tán các tổ chức tôn giáo.

Từ trái sang phải: Jacinta Marto, Lucia dos Santos, Francisco Marto

Trong lần hiện ra đầu tiên, Ðức Maria yêu cầu các trẻ trở lại nơi này vào ngày mười ba mỗi tháng trong sáu tháng kế tiếp. Ngài cũng yêu cầu các trẻ học hành để biết đọc biết viết, và lần chuỗi mai khôi "để thế giới được hòa bình và chấm dứt chiến tranh ." Các trẻ cũng được khuyên hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi và xin cho nước Nga được hoán cải, mà lúc bấy giờ Nga Hoàng Nicholas II vừa mới bị lật đổ và sau đó không lâu nước Nga rơi vào sự thống trị của chế độ cộng sản. Vào lần thị kiến sau cùng, 13-10-1917, có đến 90,000 người tụ tập tại Cova da Iria.

Chưa đầy hai năm sau, Francisco từ trần vì bệnh cúm ở ngay quê nhà. Em được chôn cất trong nghĩa trang giáo xứ và sau đó được cải táng về vương cung thánh đường Fatima vào năm 1952. Jacinta cũng chết vì bệnh cúm ở Lisbon sau khi dâng hiến sự đau khổ của mình để hoán cải người tội lỗi, để xin bình an cho thế giới và cho Ðức Thánh Cha. Cô được cải táng về vương cung thánh đường Fatima năm 1951. Người bà con với hai em là Lucia dos Santos, đã trở thành một nữ tu dòng Camêlô và hiện còn sống khi Jacinta và Francisco được phong chân phước vào năm 2000. Hàng năm, có đến 20 triệu người đến viếng đền Ðức Mẹ Fatima ở Bồ Ðào Nha.
Lời Bàn

Giáo Hội luôn luôn rất thận trọng khi phải chứng thực các việc hiện ra, nhưng Giáo Hội đã chứng kiến kết quả tốt đẹp của sứ điệp Ðức Bà Fatima khi người ta thay đổi đời sống. Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Maria và lần chuỗi mai khôi--tất cả những điều này đã củng cố Tin Mừng mà Ðức Giêsu rao giảng.
Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời của Jacinta nói với Francisco ngay trước khi em từ trần,"Anh cho em gửi lời chào Chúa và Ðức Mẹ, và nói với các Ngài rằng em sẵn sàng chịu đựng mọi sự mà các Ngài muốn để hoán cải kẻ tội lỗi ."

Trích từ NguoiTinHuu.com