Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 25/2/2016

Filled under:


BIẾT NGHE – TIN, VÀ BIẾT YÊU
“Mô-sê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc 16,31)
Suy niệm: Có hai điều đặc biệt trong dụ ngôn này: 1/ Người nghèo có tên La-da-rô (nghĩa là 'Thiên Chúa giúp'), lần đầu tiên một nhân vật trong dụ ngôn có tên rõ ràng; 2/ Số phận hạnh phúc hay trầm luân của con người sau khi chết. Tuy không giải thích tại sao anh La-da-rô được hạnh phúc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng dụ ngôn cho ta hiểu rằng việc hưởng thụ của cải vật chất cách ích kỷ dẫn người nhà giàu tới chỗ dửng dưng, vô cảm với người nghèo, cản trở lòng tin vào Thiên Chúa. Ông nhà giàu không bị phạt vì giàu có, mà vì ông đã làm ngơ trước tình cảnh khốn cùng của La-da-rô. Tình trạng giàu nghèo đời này không quyết định số phận ta ở đời sau, nhưng hệ tại ở thái độ và cách thế đón nhận, sẻ chia.
Mời bạn: Đức tin của bạn được củng cố, phát huy ngày qua ngày nhờ một trí óc và con tim biết vâng nghe theo Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội và gương các thánh. Nhờ đó, bạn dễ dàng thanh thoát 'những thú vui thế gian,' sức hấp dẫn của tiện nghi, hưởng thụ, mà quan tâm hơn đến tình yêu đối với tha nhân, nhất là với ai đang cần sự trợ giúp cụ thể, vật chất cũng như tinh thần. 
Sống Lời Chúa: Bên cạnh bạn có “anh La-da-rô” nghèo khổ nào không? Bạn hãy có một nghĩa cử chia sẻ bằng vật chất, tinh thần trong tình liên đới  của kinh “Thương người có mười bốn mối.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con, ai cũng nghèo về một mặt nào đó, ai cũng cần đến người khác… Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh, can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.  
(Rabbouni)

THÁNH TARASIÔ
TỔNG GIÁM MỤC CONTANTINÔPÔLI
(+ 806)
Tarasiô sinh tại Contantinôpôli trong một gia đình quý phái. Được thừa hưởng nơi tổ tiên và nhất là ở bà mẹ một  vốn đạo đức khá phong phú, Tarasiô tiến rất nhanh trên đường trọn lành. Về chức vị phần đời ngài lần lượt lãnh nhận chức chấp chánh quan, rồi làm đổng lý văn phòng tại hoàng cung. Sống giữa triều đình xa hoa, lộng lẫy, giữa những vinh dự và chiều chuộng, ngài vẫn giữ lòng khiêm tốn đặc biệt. Không ham mê danh vọng trần thế. Ngài quý trọng mọi người như nhau, kẻ giầu sang cũng như người nghèo hèn.
Năm 784, lạc giáo bài ảnh tượng bành trướng rất mạnh trong toàn địa hạt Contantinôpôli. Đức Giám mục Phaolô cảm thấy bất lực trong việc hãn ngữ làm sóng lạc giáo, ngài quyết định bỏ tòa Giám mục rút lui vào tu viện để được yên tĩnh phụng sự Chúa. Nghe tin đó, Hoàng đế Contantinôpôli cùng với hoàng hậu Irêna cấp tốc tới tu viện để xin Đức Giáo chủ cho biết lý do từ chức. Đức tổng giám mục cho hết lý do là vì ngài cảm thấy mình bất lực trong công cuộc diệt trừ bọn lạc giáo. Hiện giờ lạc giáo lan tràn khắp địa hạt ngài, ngài không muốn chăn giắt đoàn chiên lạc giáo. Cuối cùng ngài đề nghị chọn vị đổng lý văn phòng của Hoàng đế lên chức Tổng Giám mục thành Contantinôpôli thay ngài.
Chấp thuận lời đề nghị của Đức giám mục Phaolô, Hoàng đế cho triệu vời quan Tarasiô tới cho biết ý kiến của Đức tổng giám mục Phaolô muốn chọn ngài làm Giám mục thành Contantinôpôli. Để khích lệ Tarasiô nhân dịp này, Hoàng đế công khai tuyên bố sẵn sàng bênh vực Giáo hội công giáo. Trước lời thỉnh cầu và khích lệ của nhà vua, Tarasiô chỉ còn biết vâng nghe và nguyện đem hết tâm trí và tài lực để bênh vực Giáo hội đang bị bọn lạc giáo nhiễu loạn, với điều kiện Hoàng đế và dân chúng phải tuân giữ tất cả những gì sáu Công đồng chung của Giáo hội đã chuẩn nhận. Đồng thời ngài yêu cầu triệu tập một công đồng chung để luận phi lạc giáo bài ảnh. Tất cả mọi yêu sách của ngài đều được thỏa mãn, ngài được tấn phong Tổng Giám mục Contantinôpôli ngày 25-12-784.
Người ta có thể thấy nơi Đức Tổng giám mục Tarasiô một đời sống tông đồ gương mẫu. Ngài rất tận tụy với công cuộc truyền giáo, lo cải tổ hàng giáo sĩ, và đặc biệt để ý giúp đỡ những người nghèo túng. Ngài coi công việc giúp đỡ người nghèo khó là phận vụ của Tổng Giám mục. Từ ngày ngài lên chức Giám mục, ngài rất chăm chú tập luyện tất cả các nhân đức và cố gắng trở nên hoàn thiện hơn. Trong các nhân đức của ngài, nổi nhất là đức bác ái. Đối với ngài, đức bác ái là trung tâm điểm của mọi nhân đức và trổi vượt hơn các nhân đức khác. Hằng ngày ngài mời nhiều người nghèo khó tới ăn cùng bàn với ngài và chính ngài đích thân giúp bàn trong khi họ dùng bữa. Ngài ban phát quần áo cho những người rách rưới, giúp họ những gì cần thiết cho cuộc sống. Ngài năng thăm viếng các bệnh nhân, nhất là những người mù què, câm điếc, bất toại trong các bệnh viện hay tại tư gia. Ngài để hết tâm lực vào việc dậy dỗ con chiên, nhất là anh em binh lính là những người bị nhiễm phải nọc độc của bè rối bài ảnh hơn ai hết. Ngài khuyến khích họ tuân giữ các tín điều do sáu công đồng chung đã chuẩn nhận. Vì theo ý ngài, đó là một phương thế chính đáng cho những ai muốn sống trong đoàn chiên Chúa và tránh khỏi miệng sói rừng.
Nhưng để có một đoàn tinh binh can trường, thông thái, được huấn luyện chu đáo, có thể bảo vệ đức tin công giáo cách hữu hiệu và để chống bọn lạc giáo hiện còn đang tiếp tục hoạt động, Đức Tổng giám mục Tarasiô thiết lập một tu viện gần thành Bốtpho (Bosphore). Không bao lâu ngài đã huấn luyện được một lớp tu sĩ thông thái, thánh thiện, can đảm. Các vị là những trụ cột nâng đỡ, bảo vệ đức tin công giáo. Sau đó, ngài bắt đầu thực hiện lời cam kết của Hoàng đế triệu tập một công đồng chung để đưa lại hoà bình cho Giáo hội và phản đối phe lạc giáo. Sau một năm họp công đồng chung, hoàng đề Contantinô và hoàng thái hậu Irêna gửi một thông điệp cho Đức Giáo Hoàng Ađrianôââ tường trình về việc tuyển chọn Tarasiô lên chức Tổng Giám mục, và những kết quả công đồng đã thu lượm được. Trong dịp này Hoàng đế long trọng tuyên xưng đức tin do sáu công đồng chung của Giáo hội đã chuẩn nhạân. Đức Giáo Hoàng viết thư phúc đáp Hoàng đế, chuẩn nhận việc tôn kính các ảnh tượng, công nhận việc Hoàng đế đã lựa chọn Tarasiô lên chức Tổng Giám mục, đồng thời ngài cũng khuyến khích Hoàng đế nên thẳng tay tiêu diệt lạc giáo bài ảnh tượng. Đức Giáo Hoàng cũng viết một thư cho Đức Giám mục Tarasiô trách ngài đã lên chức vị Tổng Giám mục mà không do ngài chọn, nhưng Đức Giáo Hoàng xác nhận việc truyền chức Giám mục có hiệu lực và ngài hoàn toàn chuẩn nhận.
Sau công đồng chung, Đức tổng Giám mục Tarasiô trở về giáo phận. Nhờ gương sáng và những lời khuyên răn khéo léo, ngài đã lôi cuốn được nhiều người lạc giáo trở về với Chúa. Ngài bắt tay vào việc cải tổ hàng giáo sĩ, bãi bỏ những lạm dụng quyền chức, kết án những giáo sĩ phạm tội buôn bán của thánh.
Đức Tổng giám mục Tarasiô rất nghiêm khắc đối với những người gian ác, bất lương, nhưng ngài đầy lòng mến thương, hoà nhã với những người đau khổ, tật bêïnh. Người ta kể lại rằng trong triều có một thẩm phán bị tố cáo là đã hà lạm công quỹ. Hoàng đế truyền bắt giam ông và tra tấn dữ dằn để ông thú tội. Không chịu được những đòn tra tấn ác nghiệt, ông tìm cách trốn thoát. Ông chạy trốn vào nhà thờ nấp ở trên góc bàn thờ. Quân lính biết ông trốn trong nhà thờ, nhưng không dám lùng bắt sợ làm xôn xao nơi thờ phượng. Họ bao vây quanh nhà thờ đợi tối khi ông không chịu được đói khát tức khắc ông phải ra. Đức Tổng giám mục Tarasiô ra tay cứu vớt con người xấu số ấy. Ngài kín đáo đem lương thực đến cho ông ăn để có thể sống được. Quân lính khám phá ra chính Đức Tổng Giám mục đã tiếp tế lương thực cho nạn nhân. Họ xô vào nhà thờ, thấy Đức Tổng Giám mục đang âu yếm ôm tội nhân. Mấy người xông tới giằng phạm nhân khỏi tay Đức Giám mục. Trước sức mạnh vũ phu, ngài đành buông phạm nhân ra và dùng tới thứ khí giới thiêng liêng là ra vạ tuyệt thông tất cả những người đã cả gan lăng mạ ngài. Sáu đó, bằng một cách tích cực hơn, ngài truyền tra xét lại những lời dân chúng đã tố cáo thì thấy rằng ông quan đó vô tội. Ngoài đức bác ái trổi vượt, Đức Giám mục Tarasiô còn là một vị giám mục có đức tính cương quyết khác thường, không chịu khuất phục trước bất cứ một bạo lực nào. Thời đó Hoàng thái hậu Irêna giao quyền trị nước cho con trai là Hoàng đế Contantinô.
Hoàng đế trẻ tuổi rất tốt, nhưng có điều không hay là đã ngộ nhận về quyền hạn của mình. Hoàng đế cho rằng đã là Hoàng đế thì muốn làm gì thì làm. Quyền của Hoàng đế vượt trên tất cả và không bị hạn chế bởi một quyền lực nào hết. Hoàng đế muốn ly dị hoàng hậu Maria để cưới bà quý phái Thêôđôtê, người mà Hoàng đế quá say mê trước sắc đẹp nghiêng thành. Để được danh chính ngôn thuận, Hoàng đế buộc tội cho hoàng hậu là muốn dùng thuốc độc đầu độc Hoàng đế. Đồng thời Hoàng đế đến với Đức Giám mục Tarasiô xin ngài chuẩn nhận. Hoàng đế cứ đinh ninh rằng mọi sự sẽ xuôi xắn như ý mình muốn, ai ngờ ông vua đã vỡ mộng. Đức Tổng Giám mục Tarasiô cương quyết không chấp nhận việc ly dị này, vì đây là một hành động trái ngược với Thiên Chúa đã được chính Chúa Kitô xác nhận trong Phúc âm.
Không đếm xỉa chi tới sự bất đồng ý kiến của Tổng Giám mục, Hoàng đế Contantinô mời linh mục Giuse làm phép cưới cho Hoàng đế và đội triều thiên cho hoàng hậu mới. Đứng trước hành động quá táo bạo của Hoàng đế, Đức Tổng giám mục phải một phen do dự không biết giải quyết ra sao, một đàng sợ Hoàng đế sẽ ra tay bắt đạo và ủng hộ bọn lạc giáo chống đối Giáo hội, một đàng lương tâm Giám mục không cho phép ngài chuẩn nhận hành động vô liêm sỉ đó. Cuối cùng ngài buộc lòng phải áp dụng giải pháp cứng rắn. Hoàng đế rất căm giận khi thấy Đức Tổng giám mục vẫn giữ vững lập trường cũ. Hoàng đế đem lòng thù ghét Đức Tổng giám mục bằng cách tìm cách hãm hại ngài và đoàn chiên của ngài. Tệ hơn nữa, Hoàng đế nâng đỡ bọn lạc giáo phá hại Giáo hội. Nhưng tất cả những nghịch cảnh đó không làm nao núng con tim sắt đá của ngài. Ngài vui vẻ chịu đựng tất cả.
Sau hơn 22 năm cai trị giáo đoàn Côntantinôpôli, tuổi đã cao, sức đã yếu vì chức vụ quá nặng nề, Đức Tổng giám mục Tarasiô ngã bệnh nặng. Trong cơn bệnh mê man, ngài phải chiến đấu một trận chiến ác liệt với ma quỷ. Chúng bầy ra trước mắt ngài những hình ảnh xấu xa. Chúng gán cho ngài nhiều trọng tội mà chính ngài là thủ phạm. Ngài không hề nao núng trước cơn cám dỗ quá dữ dằn. Ngài can đảm chống trả cơn cám dỗ, bác bỏ tất cả những lý lẽ bọn quỷ đưa ra và minh xác cho chúng biết là ngài vô tội. Tất cả những ai tới giúp ngài đều nghe rõ hết những gì ma quỷ đã nói với ngài.
Sau cơn cám dỗ mãnh liệt, Đức Tổng giám mục Tarasiô trút hơi thở cuối cùng giữa sự luyến tiếc của toàn dân. Hôm đó nhằm ngày 25-02-806. Nghe tin Đức Tổng giám mục tạ thế, Hoàng đế Contantinô buồn phiền hơn ai hết. Người ta phải bỡ ngỡ, khi thấy Hoàng đế ôm xác Đức Tổng Giám mục khóc nức nở. Các tu sĩ, người nghèo khó, cô nhi quả phụ, các tù binh đều đau đớn chịu tang người cha chung, vị đại ân nhân của họ. Xác ngài được an táng tại nhà thờ tu viện Bốtpho.
Từ đó Thiên Chúa làm rất nhiều phép lạ trên mộ ngài. Lần kia, một thiếu phụ bị bệnh băng huyết rất nặng. Các lương y đều ngã lòng. Tuy nhiên, bà ta vẫn tin tưởng ở quyền lực Thiên Chúa. Bà tin tưởng: nếu như bà tới mồ thánh Tarasiô kêu xin, chắc chắn bà sẽ được khỏi bệnh. Nhưng phiền một nỗi, nơi đây là nơi thánh không cho phép phụ nữ được tự tiện lui tới. Bà tìm hết cách để có thể vào được chỗ chôn xác thánh nhân. Cuối cùng bà đành phải cải trang làm đàn ông, mới vào lọt. Tới mộ thánh nhân, bà quỳ gối khẩn khoản xin thánh nhân chữa bệnh cho bà. Lòng tin tưởng quá mạnh khiến bà lấy một chút dầu đèn chầu thắp trước mộ thánh nhân mà uống. Lập tức bà được khỏi bệnh.
Cũng có một người đàn ông bị đau mắt rất nặng. Ông tới mộ thánh nhân kêu xin thánh nhân. Ông lấy dầu đèn chầu thắp trước mộ bôi vào mắt. Ngay lúc đó bệnh đau mắt biến mất. Ngoài ra còn rất nhiều người què quặt, mù loà, quỷ ám và nhiều chứng bệnh bất trị khác đã được thánh nhân chữa khỏi.
Những phép lạ đó, chứng tỏ quyền thế của vị thánh Giám mục nơi "Đấng đã làm vinh danh cho chính mình khi ban vinh hiển cho các thánh". Khi sinh thời, thánh nhân đã chỉ lo tìm vinh quang Thiên Chúa và mưu ích cho Giáo hội, thì giờ đây là lúc Chúa ban vinh hiển cho tôi trung của Người và Giáo hội, người mẹ hiền từ sẽ nâng con cái mình lên đài danh dự.