Thi sĩ Sully Prudhomme, người Pháp đã có lần tưởng tượng ra một giấc mơ như sau:
Ông
mơ thấy một nhà nông bảo ông hãy cầm cày lấy đất, trồng lấy lúa, gặt
lấy thóc, làm lấy gạo mà ăn. Ông mơ thấy người thợ dệt bảo ông hãy đánh
lấy chỉ, dệt lấy áo mà mặc. Ông mơ thấy người thợ nề bảo ông hòa lấy
vữa, xây lấy nhà mà ở. Còn gì nữa? Ông đã thấy mọi người bỏ ông, xa lánh
ông, để ông trơ trọi với cảnh vật. Ông kinh hãi. Ông kêu cầu, khẩn hứa
nhưng chỉ thấy mãnh thú xuất hiện trên đường.
Có
lẽ không có bao nhiêu người đã mơ giấc mơ nói trên. Nhưng chắc chắn
nhiều người chỉ nghĩ đến mình, tưởng rằng một mình có thể sống giữa vũ
trụ, không cần đến ai, không cần ai giúp đỡ.
Không
ai là một hòn đảo. Chúng ta đều bị ràng buộc với mọi người, chúng ta
đổi công việc của chúng ta với công việc của người khác, chúng ta phụng
sự người vì người đã phụng sự chúng ta.
Nhưng
chúng ta không chỉ sống trong tình liên đới về mặt vật chất. Con người
còn liên đới nhau về mặt hạnh phúc và đau khổ. Không ai hạnh phúc một
mình và không ai một mình có thể chịu nổi sự đau khổ. Nhờ người, ta mới
vui và nhờ người, ta mới trút bớt những cơ cực của ta. Thế giới này quá
nặng khiến một người có thể mang nổi và sự khổ cực của vũ trụ quá lớn
cho một trái tim.
Trinh Nữ Vương
Hiện nay, tại một số ít quốc gia
trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ hoàng
và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng,
chứ không có thực quyền
Giữa
trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và
trong đời sống xã hội, những câu kinh: “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm
cho chúng con được sống, được vui, được cậy…” lượt dịch bài bình ca bất
hủ bằng tiếng La Tinh: “Salve Regina…” vẫn còn được bao cửa miệng và tâm
hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con
cái đối với mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.
Trong
tông huấn mang tựa đề: “Lòmg sùng kính Ðức Mẹ Maria”, Ðức cố Giáo Hoàng
Phaolô VI đã định nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng
kính hôm nay đại khái như sau: “Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác
lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và
hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu
rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội
lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta
chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là
người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền”.
Lời
giải thích của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu
đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là
liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu
rỗi của Ngài.
Theo dòng
trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của
Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái
Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai
vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng,
để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân
loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội
loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh
ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của
Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong
Nước Trời.
Radio Veritas