Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân: Tình yêu và những hiểu lầm

Filled under:

Khi đạt đến một độ tuổi nhất định, con người bắt đầu có cảm giác yêu. Đó là một sự cuốn hút, lôi kéo toàn bộ tâm trí và con người của ta hướng về một đối tượng khác. Có nhiều loại tình yêu tồn tại trên đời này, nhưng tình yêu nam nữ là mạnh mẽ nhất, đến độ “người ta phải lìa bỏ tất cả để gắn bó với người mình yêu.” Tình yêu làm cho người ta trở nên trọn vẹn, bổ khuyết cho những nỗi “trống vắng hiện sinh” trong mình. Có được tình yêu này, cũng giống như tìm thấy “một nửa” của cuộc đời. Tình yêu này vốn dĩ rất tuyệt đẹp. Nó đã đi vào trong các áng văn thơ, âm nhạc, cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật. Khi tình yêu xuất hiện, các hình thức nghệ thuật trở nên thu hút hơn, lôi cuốn hơn và đẹp hơn.
Yêu và được yêu là một nhu cầu căn bản của con người. Không ai có thể cấm người khác yêu. Bản thân mình cũng không thể làm chủ cảm xúc của mình, muốn mình yêu người này hay yêu người kia, ghét người này hay thương người nọ. Và khi được người yêu mình trao gửi trở lại một tình yêu, ta như trở thành người hạnh phúc nhất trên hành tinh này. Thế nhưng, con người – đặc biệt là giới trẻ ngày nay – đôi khi có chút hiểu lầm liên quan đến nó. Khi hiểu sai về tình yêu, người ta trở thành kẻ mù quáng, có những hành vi sai trái và dần dần đánh mất đi chính mình. Hoặc có khi, do có cách hiểu sai về tình yêu, người ta không biết cách làm cho nó triển nở để làm thăng hoa cuộc sống của cả mình và người khác.
Người ta thường lẫn lộn tình yêu với cảm xúc. Cảm xúc là một phần của tình yêu, nhưng nó không phải là tình yêu. Khi yêu, người ta có những cảm giác nhớ, thương, giận, mong, tủi, ghen… Nhưng tất cả những điều này chỉ là cảm xúc phát ra từ con người mình chứ chưa hẳn là tình yêu. Các bạn trẻ thường hay thần tượng một ai đó, có thể là ca sĩ, diễn viên, một người có những tài năng hay đức hạnh mà mình cảm thấy ngưỡng mộ. Ở độ tuổi mới lớn, bạn trẻ cũng có thể thấy “thích thích” một người khác phái ở lớp học hay ở chung khu phố, xóm làng… Những cảm xúc khi thần tượng hay thích thích này cũng có nét gần gần như khi yêu. Tuy nhiên, phải hết sức cẩn thận, đừng lầm lẫn tình yêu với cảm xúc. Thật không dễ để phân biệt hai phạm trù này. Có thế nói: cảm xúc là cái toả ra bên ngoài với những nét đẹp và quyến rũ cuốn hút ta, còn tình yêu là cái cốt lõi bên trong. Tình yêu không chỉ là nhớ là thương, nó còn bao gồm cả trách nhiệm và một thái độ muốn trao ban tất cả để cùng người kia đắp xây một tổ ấm. Nó sẽ được lộ rõ hoặc được tôi luyện khi trải qua những khó khăn, phong ba, thử thách của cuộc sống và thời gian. Vượt qua trăm ngàn bể dâu, khi không còn cảm thấy lâng lâng của cảm xúc vây cuốn, mà người ta vẫn thấy không thể sống mà thiếu nhau, đó gọi là tình yêu!
Giới trẻ ngày nay du nhập một thái độ gọi là yêu chơi. Xét về bản chất, nếu đã yêu thật lòng thì chẳng thể nào gọi là chơi. Còn nếu chỉ là chơi, thì đó không phải là yêu, theo đúng nghĩa của nó. Do hiểu lầm tình yêu chỉ là cảm xúc, và mình có thể gán ghép tình yêu vào mình và vào người khác, nên các bạn trẻ cứ nghiễm nhiên “tìm người ghép cặp” với nhau và gọi đó là tình yêu. Ở độ tuổi mới lớn, ai cũng muốn mình có người yêu. Khi có người yêu, người ta cảm thấy có chút hãnh diện về bản thân mình. Có người yêu để ngày lễ tết đi chơi, nhắn tin hẹn hò, đi ăn uống như người khác. Có bạn còn tự hào về bản thân khi “thay người yêu như thay áo”. Càng có nhiều người yêu, họ nghĩ rằng mình càng có giá. Rồi do bị ảnh hưởng bởi những thước phim lãnh mạn, họ cũng có giây phút chia tay, nhớ nhung, đau khổ… Dĩ nhiên, cũng có những tình yêu thật sự nảy sinh ở giai đoạn này, và nếu hai bạn trẻ biết cách trân quý và gìn giữ nó thì rất tuyệt. Nhưng phần lớn các bạn khác chỉ hùa theo trào lưu của xã hội. “Bắt cặp” yêu đương hết người này đến người khác chỉ vì không muốn mất mặt với bạn bè, hay chỉ để tập sống như người lớn. Tệ hơn nữa, họ không nghĩ đến trách nhiệm với bản thân mình và với gia đình, xã hội, nên đã buông mình theo những cám dỗ của tính dục.
Đến đây, ta lại thấy có một sai lầm khác đang rất thịnh hành trong giới trẻ, chính là: lầm lẫn tình dục với tình yêu. Cả tình dục lẫn tình yêu đều là những tặng phẩm quý báu Tạo Hoá ban cho con người. Cũng giống như trong tương quan với cảm xúc, tình yêu cũng có yếu tố tính dục, nhưng chúng không phải là một. Khi yêu, người ta có xu hướng trao ban chính mình cho người khác mà hình thức cao nhất liên quan đến thể lý chính là việc quan hệ tình dục. Nhưng cả điều này cũng phải được đặt trong khuôn khổ của nó, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng phải quan hệ tình dục với nhau để chứng tỏ tình yêu và niềm tin dành cho nhau. Đây là một lối nghĩ hết sức sai lầm. Các bạn nữ thường cả tin, dễ nghe theo những lời ngon ngọt, rốt cuộc phải gánh lấy hậu quả không tốt cho bản thân, cũng chỉ vì sự lầm lẫn tai hại này. Khi xã hội chuẩn nhận tình yêu giữa hai người, họ cũng chuẩn nhận luôn tình dục giữa họ vì nó là yếu tố tất yếu đi kèm theo tình yêu. Vì thế, điều cần lưu ý là đừng bao giờ đồng hoá tình dục với tình yêu, và đừng bao giờ dùng tình dục như một yếu tố để kiểm chứng tình yêu.
Khi yêu, người ta thường có xu hướng muốn chiếm giữ người mình yêu cho riêng mình. Tình yêu luôn có sự ích kỷ trong đó. Nó không thích bị san sẻ, chia đôi. Cảm giác ghen mà ta có khi yêu chính là một biểu hiện của “sự ích kỷ” này của tình yêu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mình chiếm giữ tình yêu, vây hãm người yêu và cố gắng nắm giữ tình yêu trong bàn tay mình bằng mọi giá. Tình yêu là một không gian mở. Nó giúp hai người cùng thăng tiến, chứ không biến ai thành nô lệ của ai. Tình yêu có được bằng sự chân thành, chứ không bằng thủ đoạn. Tình yêu muốn có sự tự nguyện chứ không thích bị gượng ép. Chính vì thế, đừng bao giờ quyết tâm giành lấy tình yêu bằng những tính toán. Còn khi đã có được nó rồi thì đừng bóp nghẹt nó bằng sự ích kỷ của mình. Người yêu là người thuộc về mình, nhưng người đó còn sống trong xã hội nữa. Đừng bắt người đó phải cắt đứt mọi tương quan, đừng kiểm soát người đó như thể tù nhân của mình. Càng cố chiếm giữ tình yêu, tình yêu sẽ càng trở nên ngột ngạt và chết đi.
Cuối cùng, cũng nên biết rằng tình yêu không phải là cái đã có thì còn mãi. Bản chất của tình yêu là bất diệt, nhưng nó cần được vun trồng, xây đắp, nâng niu. Một chút lôi cuốn ban đầu có thể là mầm mống của tình yêu, nhưng để tình yêu đó thật sự đâm rễ, lớn lên thành cây và sinh hoa trái, cả hai cần phải chăm bón cho nó. Đó có thể là sự quan tâm, hỏi han, hâm nóng kỷ niệm, hy sinh cho nhau, tạo niềm vui cho nhau… Có ai đó đã ví von rằng con đường lâu ngày không đi sẽ có cỏ dại mọc lên, hai người lâu ngày không trò chuyện sẽ trở nên xa lạ lúc nào không biết. Sự tiếp xúc, gặp gỡ, đụng chạm… tuy đơn sơ, giản dị nhưng là yếu tố không thể thiếu để vun đắp tình yêu. Đừng bao giờ ỷ lại vào khả năng chinh phục của mình, cho rằng người kia sẽ không thể sống thiếu mình, để rồi tỏ ra lạnh lùng, kiêu căng. Mọi sự sẽ qua đi, theo thời gian, tất cả đều có thể thay đổi. Tình yêu là cái tuy hiện tại có đó, nhưng chưa chắc còn vào ngày mai.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Chất Người Hiện Sinh Trong Cát Bụi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…
Mỗi khi nghe lại bài hát Cát Bụi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001), tôi lại tự vấn rằng điều gì khiến cho một người nhạc sĩ tài hoa này lại chọn chủ đề cái chết trong dòng nhạc của ông, một chủ đề bình sinh không mấy ai mặn mà cho lắm. Phải chăng, đời ông đã từng đối diện với ranh giới chênh vênh giữa sự sống và cái chết?[1] Phải chăng, ông đã từng kinh qua một thời khói lửa chiến tranh?[2] Hay phải chăng, đấy chợt trở thành tiếng gọi tự đáy lòng của một người nghệ sĩ? Nơi Cát bụi, tôi thấy được chất người hiện sinh mạnh mẽ.
Ia. 
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi 
Để một mai vươn hình hài lớn dậy 
Ôi cát bụi tuyệt vời 
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Ib.Mặt trời nào soi sáng tim tôi 
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi 
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui
IIa.Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi 
Để một mai tôi về làm cát bụi 
Ôi cát bụi mệt nhoài 
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi
IIb.Cụm rừng nào lá xác xơ cây 
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy 
Ôi cát bụi phận này 
Vết mực nào xóa bỏ không hay…
III.Bao nhiêu năm làm kiếp con người 
Chợt một chiều tóc trắng như vôi 
Lá úa trên cao rụng đầy 
Cho trăm năm vào chết một ngày
Con người – một hữu thể cá biệt chỉ tròn đầy nơi khát vọng sống tự do có trách nhiệm (Iab)
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Có một tiếng gọi trong thinh lặng, tiếng gọi chợt đến trong khắc khoải của cõi lòng: “Tôi là ai?” Phải chăng tôi là hạt bụi? Đó không phải là hạt bụi nói chung, nhưng là một hạt bụi cụ thể  hạt bụi nào. Trên hành trình đi tìm căn tính cho riêng mình, Trịnh Công Sơn một lần nữa đã hỏi chính câu hỏi của những triết gia xưa về bản chất của con người, nhưng khác biệt ở chỗ ông không hỏi “Con người là ai?” nhưng là “Tôi là ai?” Từ Plato, Aristotle cho đến Kant, Hegel, người ta dường như thường tập trung vào cái gì đó là chung chia nơi con người, đặt con người vào vị trí đối thể khách quan để quan sát, nhìn nhận và qua đó định hình bản chất cho nó. Ví như, Aristotle đã xem “con người như những động vật có lý trí”[3] vì ông cho rằng “lý trí là cái tôi đích thực của mỗi người, bởi lẽ nó là phần tuyệt đỉnh và trổi vượt hơn cả”[4]. Trịnh Công Sơn phần nào cũng giống như thế, với con người là hạt bụi, khi ông nhận thấy từ kinh nghiệm quan sát thực tế rằng con người dù là ai đi chăng nữa cũng chỉ là bụi tro khi chết đi. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với ông là: Trong muôn vàn hạt bụi, hạt bụi nào là hạt bụi làm nên cuộc sống của tôi mà không phải của một ai khác? Vậy, câu hỏi đặt ra là hạt bụi có trước hay cuộc sống của tôi có trước, cái nào định hình cái còn lại? Đó là câu hỏi của các triết gia bản thể luận (essentialists)[5], những người coi bản thể (hạt bụi) có trước hiện sinh (kiếp thân tôi). Tuy nhiên, với Trịnh Công Sơn – một người chịu ảnh hưởng bởi các nhà hiện sinh (existentialists)[6], thì cách tôi sống như thế nào sẽ quy định tính chất nào nơi bản chất cát bụi của tôi. Tôi, với tư cách là một con người, không hẳn là một hữu thể bị đóng khung trong bản chất được tiền định sẵn cho mình; vì nếu như thế, tôi chẳng khác nào như những vật dụng được một người thợ thủ công tạo ra[7] hay như một chú rối được đặt để trên tay người múa rối. Nếu đúng là vậy, thì Trịnh Công Sơn chẳng có lý do gì để phải thốt lên rằng: Ôi cát bụi tuyệt vời. Cát bụi có tuyệt vời chính là ở chỗ một mai vươn hình hài lớn dậy vì được mặt trời soi một kiếp rong chơi. Đó không hẳn là cát bụi xơ cứng (being) trơ lì theo năm tháng nhưng là một cát bụi huyền nhiệm trong sự lớn lên, biến chuyển (becoming) không ngừng theo thời gian; bởi lẽ tuy mang nơi mình thân phận mong manh của kiếp người nhưng hình ảnh cát bụi lại nói lên tính nhẹ nhàng tự tại, không gò bó tù túng của một kiếp rong chơi. Nó có tự do để đón lấy những ánh mặt trời cho riêng nó!
Mặt trời nào soi sáng tim tôi. Đó hẳn phải là mặt trời của những lý tưởng, của những khát khao đam mê và tình yêu nồng cháy hằng chiếu toả trên cuộc đời tôi. Tôi hiển nhiên không thể nào tránh né được những ánh mặt trời như thế, đúng như lời Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ; nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn cứ muốn yêu”Vì thế, dẫu cho tình yêu, đam mê đó có biến cuộc đời tôi ra thế nào đi nữa, thậm chí có xay mòn thành đá cuội, hay có lúc xuyến xao, bồi hồi, nuối tiếc mà úp mặt bùi ngùi, hay có những lúc dài dẳng đợi trông với những hy vọng nhỏ nhoi của cái cảnh từng ngày qua mỏi ngóng tin vui, nhưng đó thực sự là tôi với những nốt thăng trầm của cuộc sống, một cái tôi được phơi bày ra trước hiện sinh. Tôi đón lấy đời với tất cả bầu nhiệt huyết của mình; và như thế, đời tôi được đánh đồng với “tự do, mà theo Jean-Paul Sartre (1905-1980), là chấp thuận lựa chọn và phải gánh vác trách nhiệm đối với sự lựa chọn đó”[8]. Có thể nói, với Trịnh Công Sơn, con người như một hữu thể cá biệt[9] chỉ tròn đầy[10] nơi khát vọng[11] sống tự do có trách nhiệm.
Con người – một hữu thể quy tử trong nỗi hoài hương[12] (IIab)
Con người có thực sự sống trong tự do có trách nhiệm? Martin Heidegger (1889-1976) đã từng nêu vấn đề này như sau: Con người (Dasein), một khi bị quăng ném vào thế giới, đã “đánh mất chính mình trong cái người ta (the they) rồi”. Những gì mà nó lựa chọn không hẳn là lựa chọn của riêng nó nhưng là lựa chọn đã bị chi phối bởi cái người ta, nghĩa là nó không còn tự do và khả năng tự chịu trách nhiệm cho những chọn lựa của mình. Điều này quả đúng nếu như nơi Dasein chỉ có cái người ta không thôi. Tuy nhiên, may thay nơi Dasein còn có một “tiếng gọi” mà cụ thể đối với Trịnh Công Sơn là: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Tiếng gọi này mời nó đảm nhận lấy vận mệnh của chính mình vốn là “cái hữu quy tử” – một hữu thể giới hạn bởi thời gian “hướng đến [tận cùng] là cái chết” – Để một mai tôi về làm cát bụi. Nơi cái chết – điều duy nhất mà “tự bản thân mỗi Dasein phải đảm nhận lấy khi đến thời đến buổi”, nó thấy được nó trong chính nó mà không phải trong cái người ta[13]. “Sự tiền dự (anticipation) vào trong cái chết” ngang qua tiếng gọi thôi thúc Daseintrở về với bản chất đích thực của mình từ sự vong thân trong thế giới giả tạo của cái người ta, từ sự kiệt quệ sau bao năm tháng phải đeo bám lấy cái không phải là mình, để rồi khiến Trịnh Công Sơn phải nhận ra cái ngu xuẩn của những chọn lựa trước đây của mình trong tiếng thở than: Ôi cát bụi mệt nhoài. Tuy “không mang một thông điệp nào cả ngoài sự thinh lặng (reticence)”, nhưng một tiếng gọi tự cõi lòng như thế cũng đủ để làm đứt đoạn những tiếng xô bồ vồn vã của cái cuộc sống người ta này: Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.
Chính nhờ những đứt đoạn theo kiểu của từ vực sâu nghe lời mời đã dậy mà Trịnh Công Sơn đã có những khoảng khắc gẫm suy về thân phận chóng qua của đời người: Cụm rừng nào lá xác xơ cây. Như thế, khi hiện hữu trong thế giới này, Daseinvừa là “hữu thể được gọi (the called)” – là cái tôi bị đắm chìm trong cái người ta, nhưng vừa là “hữu thể gọi mời (the caller)” – là cái tôi trong nỗi hoài hương tìm về cội nguồn của chính mình nơi cái chết. Thật vậy, Dasein nhận ra mình quả là “mang nợ (guilt)” với chính mình, nó thốt lên trong khắc khoải: Ôi cát bụi phận này, vì nó hiện hữu một cách thiếu hụt trong cái người ta: Vết mực nào xóa bỏ không hay – cái vết mực “bản chân (authentic)” ngày nào của nó đã dần bị xoá bỏ lúc nào mà nó không hay biết. Do đó, Dasein cảm thấy có trách nhiệm với mình, xét như bản chất tự sâu thẳm của cõi lòng, một trách nhiệm trở về cội nguồn, về với chính nó. Như vậy, dù có bị chi phối bởi cái người ta nhưng nơi Dasein vẫn có một tiếng gọi thôi thúc trở về nguồn. Vì thế, nó vẫn có tự do chọn là “hiện hữu bản chân” hay vẫn ở lại trong “cái phi chân (inauthentic)” của người ta; và vì là lựa chọn của chính nó nên nó phải có trách nhiệm gánh lấy hệ quả của sự hiện hữu bản chân hay phi chân của mình. Tiếng gọi hoài hương tìm về chính mình nơi cái chết giúp con người trở về với chiều sâu của tâm hồn để chọn cho mình một lối sống sao cho đáng phận này – một chọn lựa có trách nhiệm với tôi trong tương quan với đời.
Con người – hữu thể phi lý giữa sự sống và cái chết (III)
Dẫu có một tiếng gọi hoài hương tìm về chính mình nơi cái chết, nhưng là để chọn cho mình một lối sống sao cho đáng phận này, chứ không phải là để kết thúc cuộc đời. Đó là cái phi lý nơi con người – một hữu thể luôn sống giằn co giữa sự sống và cái chết, một sự giằn co mà Trịnh Công Sơn đã từng chia sẻ: “Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở nhỏ cho đến sau này vẫn luôn là cái chết. Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó, là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi.” Trịnh Công Sơn đã sống đúng tinh thần Sisyphe[14]. Đó là một người hùng phi lý trong thần thoại Hy Lạp, bởi vì “những đam mê cùng những nỗi thống khổ mà ông phải chịu. Ông […] căm ghét cái chết và đam mê cuộc sống [hiện sinh]. Chính những điều đó đã khiến ông phải chịu một án phạt không lời nào để tả, hình phạt mà trọn vẹn cuộc tồn sinh của ông bị đem dùng mà chẳng nhằm để đạt đến điều gì [phi lý].”[15] Trịnh Công Sơn đã nhận ra cái phi lý (l’absurde) của cuộc đời: một mặt tôi được mời gọi mang lấy nỗi khát khao sống tinh thần bản chân tự cõi lòng, sống trong sự trải mình ra với tất cả hiện sinh của cuộc đời, với bao nhiêu năm làm kiếp con người; nhưng để rồi chợt một chiều tóc trắng như vôi, chấm dứt cái cuộc đời mà tôi đang hằng ngày ấp ủ cưu mang. Cái chết chợt đến trong một buổi xế chiều của cuộc đời, và hiện hữu của con người dù sống thế nào đi nữa giờ đây còn đâu ngoài mái tóc trắng hay nắm vôi tàn được rắc trên mộ đá. Con người đã phải đến lúc chấp nhận bản chất của nó như một hữu thể hướng về cái chết, cũng phải chịu thua mức độ biến chuyển cay nghiệt và hủy hoại ghê gớm của thời gian – lá úa trên cao rụng đầy, đón lấy một thực tế đầy phũ phàng và phi lý – sống cho trăm năm để rồi chỉ vào chết một ngày. Con người quá lắm cũng sống được bách niên, nhưng cuộc tồn sinh của con người lại kết thúc không đầy một khắc!
Có những khoảng khắc rất đẹp trong cuộc đời con người, đó là khi được những tia nắng mặt trời sáng soi. Cũng là con người ấy, có những khoảng khắc thao thức với tiếng gọi của một cõi thẳm sâu trong tôi, và nhận thấy mình không còn là mình. Lại có những khoảng khắc con người phải đối diện với cái phi lý của đời hiện sinh – giữa sự sống và cái chết để rồi chấp nhận nó như nó là. Đó là đời người hiện sinh. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn tự hỏi lòng mình rằng điều gì thôi thúc khiến tôi dám đánh cược với số phận cho trăm năm vào chết một ngày nếu không là một niềm tin nào đó, một niềm tin đã dưỡng nuôi và nâng đỡ Trịnh Công Sơn sống một trong vô vàn cái phi lý của phận người: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng, tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy rằng tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.”
Joseph Nguyễn Quốc Tuấn