Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 31/8/2017

Filled under:

TỰA NHƯ NGƯỜI TÔI TỚ TỐT
“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44)
Suy niệm: Bất ngờ là tình huống ta e ngại, ngán sợ nhất trong cuộc sống hằng ngày, đơn giản vì ta trở tay không kịp. Do đó, không lạ gì có những trung tâm dự báo thời tiết, cảnh báo sóng thần, núi lửa, động đất, để con người chuẩn bị sẵn sàng. Thế nhưng, đứng trước cái chết bất ngờ, thì không trung tâm hay máy điện toán nào có thể dự đoán trước được. Đức Giê-su dạy ta thái độ khôn ngoan là tỉnh thức. Tỉnh thức là biết rằng ta không sống mãi ở trần gian này, rằng điểm đến cuối cùng của đời ta là ở đâu. Tỉnh thức là chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách tốt đẹp, nghiêm chỉnh. Tỉnh thức là sử dụng năng lực Chúa ban để phục vụ con người cách quảng đại.
Mời Bạn: Ngược với thái độ tỉnh thức sẵn sàng của người tôi tớ tốt là cung cách của người tôi tớ xấu: vui chơi hơn là lo chu toàn nhiệm vụ, lạm dụng quyền lực đánh đập tôi trai tớ gái, nhậu nhẹt với bọn say sưa. Tất cả chỉ vì nghĩ rằng chủ về trễ: chủ vắng nhà, gà mọc đuôi tôm. Bạn nhận thấy mình giống loại người tôi tớ nào? Tỉnh thức sẵn sàng với việc làm tròn nhiệm vụ của một người trong gia đình, hội viên đoàn thể, giáo dân trong giáo xứ… có phải là lối sống đạo của bạn không?
Sống Lời Chúa: Tôi điều chỉnh lại cái nhìn về bổn phận: xác tín bổn phận hằng ngày của mình dù bình thường nhỏ bé đến đâu, nhưng lại là công việc quý giá, vĩ đại trước mặt Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con thái độ tỉnh thức sẵn sàng vì giờ Chúa đến đưa con về với Chúa thì hoàn toàn bất ngờ. Xin giúp con luôn nỗ lực chu toàn nhiệm vụ mỗi ngày. Amen.



Tôi Tớ Thiên Chúa: Cha Martin Valencia
(1470 - 1534)

Khi Martin chào đời thì Mỹ Châu chưa được khám phá. Khi ngài từ trần là khi Giáo Hội Công Giáo nỗ lực rao giảng phúc âm ở lục địa ấy.

Sinh trưởng ở một ngôi làng nhỏ bé ở Leon, Juan Martin de Boil gia nhập dòng Phanxicô ở Mayorga thuộc tỉnh Santiago, Tây Ban Nha. Sau khi chịu chức, ngài được bổ nhiệm về quê cũ. Vào năm 1517, khi Martin Luther nổi tiếng ở Đức, Cha Martin de Boil làm bề trên Tỉnh Dòng St. Gabrien.

Trong thời gian đệ tử, Martin thường bắt chước Thánh Phanxicô, thay đổi đời sống theo gương Đức Kitô. Nhưng ngài không nhận ra ước vọng truyền giáo đã nhen nhúm ngay từ thuở ban đầu mãi cho đến khi ngài 54 tuổi.

Vào năm 1524, theo lời yêu cầu của Hoàng Đế Charles V, Cha Martin dẫn 11 tu sĩ sang Mễ Tây Cơ, là nơi họ được gọi là "12 Tông Đồ của Mễ Tây Cơ." Tất cả các tu sĩ tiên khởi ở Mễ Tây Cơ đều rất nghèo và rất hãm mình. Thay mặt cho các người địa phương, các tu sĩ lên tiếng phản đối sự bất công của người thực dân Tây Ban Nha.

Bất kể sức khoẻ yếu kém, Cha Martin cũng đi đây đi đó khắp nơi và rao giảng đức tin cho bất cứ ai ngài gặp. Ngài từ trần trong một chuyến đi truyền giáo.

Lời Bàn
Qua bao năm, việc loan truyền Tin Mừng về Đức Giêsu được coi là một công việc hầu như dành cho linh mục và tu sĩ. Nếu quả thật công việc truyền giáo là "căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội" như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, thì công việc này cũng hệ tại phần nào nơi mọi phần tử của Giáo Hội. Nhiệm vụ của Cha Martin de Valencia đã hoàn tất, còn của chúng ta thì chưa.

Lời Trích
"Mục đích đặc biệt của hoạt động truyền giáo là rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội nơi các dân tộc và các tổ chức mà giáo hội chưa bén rễ. Các giáo hội bản xứ trên toàn thế giới phải lớn mạnh từ hạt giống Lời Chúa, các giáo hội nào được tổ chức đầy đủ thì sẽ làm chủ sức mạnh và sự trưởng thành của chính giáo hội ấy" (Công Đồng Vatican II, Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, #6)

Ốc Ðảo Hòa Bình

Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là "Ốc đảo hòa bình".
Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau.
Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78 tuổi.
Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau.
Ðể bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau.
Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: "Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều".
Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữẫ.
Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tốõ. Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra.
Tình yêu là điều có thể có giữa con người.
Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?...