Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 17/8/2017

Filled under:

THA THỨ
“…hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,35)
Suy niệm: Ta dễ đồng cảm với cơn phẫn nộ của ông chủ đối với tên đầy tớ mắc nợ ông mười ngàn yến vàng, bởi vì trong khi y được tha bổng món nợ kếch xù đó, y lại không chịu tha cho người bạn mắc nợ y chỉ có một trăm quan tiền. Y lãnh hậu quả xứng đáng, là phải trả toàn bộ món nợ “cho đến đồng xu cuối cùng.” Chúa Giê-su thật tài tình khi diễn tả sự cách biệt lớn lao giữa hai món nợ. Cùng một lối so sánh đó, nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã dịch kinh Lạy Cha như sau: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con.” Quả thật, tội chúng ta xúc phạm đến Chúa thì nhiều và nặng nề hơn là lỗi anh em xúc phạm đến ta.
Mời Bạn: Thật dễ hiểu nếu bạn đồng cảm với cơn giận của ông chủ. Thế nhưng, thật khó hiểu và khó chấp nhận, khi bạn, tựa như người đầy tớ kia, chỉ biết xin ơn tha tội (vốn rất nhiều) từ Chúa, mà không biết tha thứ cho anh em xúc phạm đến ta (vốn rất ít). Người ta thường nói “Sự bất quá tam” hay “Quá tam ba bận” (tha không quá ba lần). Còn Chúa dạy rằng “Không phải tha bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy.” Phải chăng Chúa đòi hỏi bạn quá nhiều? Hay so với số lần bạn được Chúa tha thứ, thì con số đó hãy còn là quá ít?
Chia sẻ: Bạn có tin rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn biết tha thứ cho nguời khác không?
Sống Lời Chúa: Mau mắn và vui vẻ tha thứ cho kẻ xúc phạm mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con noi gương thánh Kôn-bê và các thánh tử đạo Việt Nam, biết “cam lòng chịu chết mà không oán hận”, biết tha thứ khi anh em xúc phạm đến con, “vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ.” Amen.


Chân Phước Joan Delanoue
(1666-1736)
Goan Delanoue sinh năm 1666 và là con út trong gia đình mười hai người con. Gia đình ngài có một cơ sở thương mại nhỏ. Khi người mẹ goá bụa từ trần, bà đã để lại cơ sở cho Joan trông coi. Ngài không phải là một cô gái có tâm địa xấu xa, nhưng Joan chỉ nghĩ đến cách làm tiền. Và cũng chỉ vì thích làm tiền, ngài đã phạm nhiều lỗi lầm. Trước đây, ngài là một người ngoan đạo nhưng bây giờ tâm hồn ngài không có chút bác ái. Mẹ ngài thường rộng lượng với người ăn xin. Nhưng Joan, thường chỉ mua thực phẩm khi đến giờ ăn. Vì như vậy, ngài mới có thể nói với những người đến ăn xin rằng: "Tôi không có gì để cho cả."

Với lối sống đó, Joan không có hạnh phúc. Sau cùng, khi ngài hai mươi bảy tuổi, một linh mục thánh thiện đã giúp ngài khởi đầu cuộc sống đức tin một cách chân thành và hăng say. Dần dà, ngài thấy rằng cơ sở thương mại của ngài là để cho đi, chứ không phải để tích trữ. Joan bắt đầu chăm sóc các gia đình nghèo cũng như các trẻ mồ côi. Sau cùng, ngài phải đóng cửa tiệm để có thời giờ chăm sóc họ. Dân chúng gọi căn nhà đầy trẻ mồ côi của ngài là, "Nhà Đấng Quan Phòng." Sau này, ngài thuyết phục các phụ nữ khác đến giúp đỡ. Cuối cùng, họ trở thành các Nư õ Tu của Thánh Anna của Đấng Quan Phòng ở Saumur, nước Pháp.

Sơ Joan sống một cuộc đời rất hy sinh. Ngài thi hành nhiều việc đền tội nặng nhọc. Thánh Grignon de Montfort đến gặp sơ Joan. Lúc đầu thánh nhân nghĩ rằng sự kiêu ngạo đã khiến sơ Joan quá khó khăn với chính mình. Nhưng sau đó, thánh nhân nhận ra rằng tâm hồn sơ Joan thực sự ngập tràn tình yêu Thiên Chúa. Thánh nhân nói: "Hãy tiếp tục con đường mà con đã khởi sự. Thần Khí Chúa luôn ở với con. Hãy nghe theo tiếng Người và đừng sợ."

Sơ Joan từ trần ngày 17 tháng Tám 1736 lúc bảy mươi tuổi. Dân chúng ở Saumur nói rằng, "Bà chủ tiệm buôn nhỏ bé đó đã giúp đỡ người nghèo ở Saumur còn nhiều hơn tất cả các hội viên thành phố gọp lại. Thật là một phụ nữ phi thường! Thật là một người thánh thiện!"

Vào năm 1947, Sơ Joan được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chân phước, cùng năm với Thánh Grignon de Montfort khi thánh nhân được tuyên phong hiển thánh.

Tiếng Thì Thầm Của Sa Mạc

Một nhà thám hiểm nọ lạc mất giữa sa mạc. Ði từ dụm cát này đến cồn cát nọ, nhìn hết hướng này sang hướng kia, nơi đâu ông cũng thấy toàn là cát với cát. Lê gót trong tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông vấp ngã và nằm vùi bên gốc cây. Ông không còn đủ sức để đứng lên, ông không còn đủ sức để chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào.
Như sống lại từ cõi chết, ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối.
Cuộc sống có quá nhiều bận rộn và ồn ào khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Có những ồn ào của những bận tâm thái quá cho danh vọng, cho tiền của, cho tương lai.
Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng phút giây của cuộc sống. Có thinh lặng, chúng ta mới nhận ra được tiếng Ngài qua những khóc than của không biết bao nhiêu người bất hạnh xung quanh. Có thinh lặng, chúng ta mới nghe được lời an ủi, đỡ nâng của Ngài giữa gánh nặng chồng chất của cuộc sống...