Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Xin cho con đừng quá nghèo, cũng đừng quá giàu mà chỉ đủ dùng cho từng ngày con sống!

Filled under:

Tôi đã từng là một cô sinh viên luôn tràn đầy sức sống, nụ cười không khi nào ngớt trên môi. Ra trường, tôi bước ra và luôn xoay sở tìm cách để đứng vững trước những vần xoay của cuộc sống. Những cám dỗ về tiền bạc, danh vọng, những ảo tưởng của trần gian lần lượt tìm đến với tôi. Từ một người siêng năng làm việc nhà Chúa, tôi chỉ cắm đầu vào kiếm tiền không kể ngày đêm. Có nhiều ngày, tôi bắt đầu làm việc từ 7h15 sáng tới hơn 10h đêm, sau khi kết thúc ca thì lại làm thêm cuối ngày. Về tới nhà hơn 22h thân xác rã rời, chỉ kịp tắm qua loa rồi lên giường kết thúc một ngày trong sự mệt mỏi và kiệt sức. Ngày qua ngày sau hơn 1 năm như thế, tôi chợt tự hỏi: Mình kiếm nhiều tiền như vậy để làm gì? Hôm nay mình bán sức khỏe để có tiền vậy sau này mình có thể lấy tiền ấy đi mua lại sức khỏe được không? “Giữa dòng đời con chọn CHÚA hay chọn TIỀN BẠC. Con có khác gì Judas khi đem bán Chúa, bán bản thân con, bán tài sản Chúa trao lấy hơn 10 triệu một tháng không?”
Trong lòng biết bao suy nghĩ tôi quyết định đi Linh Thao Khóa Phát Diệm. Con lê thân xác mệt mỏi rã rời, thần trí hao mòn đền Phát Diệm để tìm gặp Chúa, tìm một chốn con có thể nghỉ ngơi bồi dưỡng lại sức. Chúa để con nghỉ ngơi, Ngài dẫn con đi một hành trình, cùng trải nghiệm về cuộc sống của Ngài và nhìn về cuộc sống hiện tại của con. Khi con nghe Chúa hỏi con có yêu mến Ta không? Con có muốn bước theo Ta không? Và nếu con muốn bước theo Ta con sẽ nên giống Ta, đơn sơ và nghèo khó, con có làm được như vậy không? Khi người đời đòi hỏi con phải làm gần như tất cả các ngày trong tuần, con chợt nghĩ: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa Quyền Năng, Ngài dựng nên mọi sự to lớn chỉ bằng 1 Lời Phán, nhưng sau 6 ngày làm việc tới ngày thứ bảy Ngài vẫn “phải nghỉ ngơi”? Sức con người thì có hạn. Họ đã vất vả làm việc 5 ngày liên tục, 5 ngày hoàn toàn dành cho công việc. Con người cần 1 ngày để dành cho gia đình, bạn bè, người thương yêu và 1 ngày để thờ phượng Thiên Chúa. Hay chỉ đơn giản là họ cần được ngắm nhìn cuộc sống xinh đẹp ngay trước mắt mà trong những giờ hối hả họ không thể thực hiện được điều đó! Họ không có giờ để ngắm nhìn những kì quan Chúa tạo dựng và ban tặng cho con người.
Người đời khinh chê tôi vì họ đã tạo điều kiện cho tôi được làm thêm giờ để kiếm nhiều tiền hơn nhưng tôi lại từ chối, vậy là tôi khờ, tôi không biết đường sống, tôi sẽ nghèo. Theo bạn hiểu thế nào là người nghèo? Người nghèo là người trong tay họ không có tiền, không có nhà, không có bữa ăn ngon…….chăng? Tôi xin gửi bạn 1 câu hỏi nhỏ theo bạn thì một nắm vàng và một nắm đất thì cái nào qúy hơn? Tất nhiên là vàng phải có giá trị hơn, nhưng bạn sẽ chọn thế nào khi bạn là Một Hạt Giống (để được gieo, nảy mầm và để sinh hoa trái)? Do đó, thứ  mà “những người nghèo” tìm không phải là tiền tài danh vọng nhưng là sự bình an, tình yêu và nhân nghĩa thì liệu họ có phải là những người nghèo? Đúng là họ cần một công việc để nuôi sống bản thân nhưng việc nuôi sống tâm hồn và sức khỏe cũng không kém quan trọng. Chiếc giường đắt giá nhất không phải là chiếc giường nạm kim cương mà chính là chiếc giường bệnh.
Người đời cũng thường có những lời nguỵ biện như: “Bạn phải làm việc hết tốc lực khi bạn còn trẻ mới mong đến già được nghỉ ngơi?” Tôi chợt nghĩ và thương cảm cô hàng xóm, cả một thời trẻ vất vả, kiêm khem, cơm ngon không dám ăn, quần áo tử tế không dám mặc. Đến lúc cô chuẩn bị được hưởng an nhàn thì gặp cơn nguy bách, ăn năn chưa dọn ngày giờ đã qua. Có ai biết được ngày mai hay ngày kia mình sẽ chết đi! Chúa gọi đến tên ai thì chỉ còn cách ra đi mà không thể nán lại dù 1 hay 2 phút. Khi vua Napoleon chết ông đã dặn quần thần 3 điều: hãy để những thầy thuốc giỏi nhất khiêng quan tài Vua, để nói với thế gian rằng “những thầy thuốc giỏi nhất chưa chắc đã cứu được bạn”; hãy rải tiền từ chỗ Vua nằm tới nghĩa trang để nói rằng ông là Vua giàu có tột đỉnh nhân gian nhưng khi ra đi thì tiền bạc dù nhiều cũng chẳng thể mang đi được, chỉ còn lại bàn tay trắng ra đi. Chi bằng bạn hãy sống và dâng hiến trọn vẹn từng ngày như thể đây là ngày cuối cùng bạn được sống. Mỗi sáng thức giấc con đều cầu nguyện ” Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương ban cho con thêm một ngày mới, con có thể tỉnh dậy, mở mắt và nhìn mọi thứ xung quanh …”
Xin cho con biết sống khó nghèo, không coi tiền bạc là cùng đích cuộc sống của con, xin đừng để tiền bạc mối lái cuộc đời con, rồi dẫn con đến hỏa ngục. Nếu lời lãi cả thế gian mà con mất Chúa, mất Đức Tin, mất đi chính bản thân mình thì đâu có nghĩa lý gì. 
-Quyết tâm sau Linh Thao:
+ Cắt giảm giờ dạy thêm
+ Tập sống khó nghèo
+ Trau dồi đời sống nhân bản
+ Dành giờ cho người khác, yêu thương họ nhiều hơn
(Tác giả: NTA)


Bài xem thêm.

Bạn cảm thấy nhàm chán với Thánh Lễ? Một phương pháp bảy bước để dễ dàng đến với Thánh Lễ hơn

Một trong số những điệp khúc phổ biến nhất mà tôi nghe được từ phía người trẻ là “Thánh Lễ thật nhàm chán. Các bài giảng quá tẻ nhạt. Tôi không biết tại sao mình lại phải dự lễ hết Chúa nhật này tới Chúa nhật khác.” […] Tuy nhiên, hầu hết người trẻ mà tôi biết thì họ thực sự khao khát tham dự Thánh Lễ một cách ý nghĩa hơn. Dẫu biết rằng Thánh Lễ thật phong phú và ý nghĩa nhưng họ vẫn cảm thấy khó chú ý và tập trung. Vì vậy, tôi được mời gọi để đưa ra một vài bước thực hành mà một người có thể thực hiện hầu nhận được sức hút hơn từ Thánh Lễ.
7 bước thực hành giúp bạn cảm thấy Thánh Lễ có ý nghĩa hơn:
  1. Đến dự lễ đúng giờ
Đến nhà thờ sớm ít nhất 10 phút trước Thánh Lễ tạo nên một sự khác biệt to lớn. Điều này mang lại cho tâm trí bạn khoảng thời gian để chậm lại trước sự vồn vã của những hoạt động mà bạn vừa bước ra. Tất cả những mối bận tâm thường gây chia trí nhiều, và vì những bài đọc (phụng vụ Lời Chúa) diễn ra gần lúc khởi đầu, bạn bị gắn với những điều vừa bị ngắt quãng nên ít tập trung hơn. Hãy dành khoảng thời gian ngắn trước Thánh Lễ, quỳ gối và thân thưa với Chúa những điều xuất phát từ trong tâm hồn của bạn; dâng cho ngài mọi niềm vui và cả những thách đố mà bạn đang phải đối mặt, khi ấy bạn sẽ cảm nghiệm Thiên Chúa nói với bạn trong suốt Thánh Lễ.1.
  1. Hãy nhớ rằng Mẹ Giáo Hội cần bạn
Có bạn trẻ nói rằng, họ cảm thấy mình tham dự vào Thánh Lễ tích cực hơn khi đóng vai trò nào đó trong Thánh Lễ. Có nhiều sự chọn lựa sẵn có: ca đoàn, đọc sách, dẫn lễ, tiếp đón, những công việc phục vụ bàn thờ hay trang trí nhà thờ. Khi trở thành thành viên trong một trong số những nhóm ấy, bạn sẽ chú tâm vào những gì đang diễn ra trong Thánh Lễ hơn. Bên cạnh đó, việc tham dự vào các nhóm trên sẽ có nhiều hiệu quả tích cực trong đời sống cá nhân của bạn.
  1. Tìm chỗ ngồi tốt nhất
Tránh tìm một chỗ ngồi nơi những dãy ghế cuối nhà thờ, ở phía sau, nhất là khi ở phía trên còn nhiều chỗ trống. Có người nói rằng, những chỗ ngồi phía trước nhận lãnh nhiều ân sủng hơn! Việc ngồi lên trên sẽ giúp bạn tránh được những mối gây xao nhãng. Tại sao mọi người lại ao ước ngồi ở dãy ghế đằng trước trong các buổi hòa nhạc hay trong một trò chơi, trong khi chỉ muốn chọn chỗ cuối trong nhà thờ?Quan trọng hơn, hãy cáo lỗi với những đồng bạn của mình và ngồi tác biệt trong suốt Thánh Lễ, nhất là khi bạn bè của bạn có xu hướng trở thành một nguồn gây chia trí. Bạn có thể luôn trả lời họ sau đó mà. Lúc đầu, họ có thể trêu chọc bạn, nhưng cuối cùng họ sẽ tôn trọng bạn thôi. Hãy cầu nguyện cho bạn bè của bạn!
  1. Hãy thể hiện giọng hát của bạn
Cầm cuốn sách thánh ca lên và hát. Hiểu từng lời bạn đang hát. Đừng quá bận tâm nếu bạn không có tài năng về ca hát, gần như mọi người đều thế cả. Những người đó thường ở trong ca đoàn đấy. Bạn có thể tưởng tượng mình sẽ chán ngấy thế nào khi đi tới một buổi hòa nhạc mà không biết bất kỳ bài hát nào trong đó? Đúng vậy! Hãy tham dự vào những nghi thức, ngay cả lúc đầu bạn không hiểu nhiều về nghi thức ấy, hãy đi một con đường dài. Đừng mong chờ những kết quả đến nhanh.
  1. Đăng một dòng trạng thái
Các bài giảng thật buồn tẻ!” Tôi đã từng nghe lời than như thế. Điều đó có khi xảy ra, nhưng không phải mọi lần đều như vậy; trên thực tế, những bài giảng luôn luôn thú vị và các linh mục chắc hẳn đặt vào trong đó rất nhiều nỗ lực để chuẩn bị. Nếu bạn chán ngấy trong khi nghe những bài giảng ở trường học hay đại học hoặc khi xem tin tức buổi tối hay lướt facebook, nếu mọi thứ đều như thế thì vấn đề là ở phía bạn! Hãy đưa ra cho chính mình một bài tập thực hành. Hãy lắng nghe một bài giảng và cố gắng nắm bắt điểm cốt yếu bài giảng đó trong 140 từ hay ít hơn. Tiếp theo, hãy đăng tóm kết ấy lên dòng trạng thái (tweet) của bạn sau Thánh Lễ. Hẳn sẽ khó khăn hơn bạn tưởng.
  1. Hãy so sánh 167 với 1
Hãy nhớ rằng, Thánh Lễ là việc tạ ơn Chúa và nếu là người đến nhà thờ ngày Chúa nhật thì bạn đang trao dâng Chúa sự chú tâm trọn vẹn trong một giờ hay ít hơn. Nhưng, 167 giờ còn lại mỗi tuần, Thiên Chúa trao ban cho bạn như một món quà và không rời bước trên con đường của bạn. Hãy tự tra vấn chính mình xem có biết bao ơn lành bạn đã nhận được từ Thiên Chúa. Vậy, việc chúng ta dành một giờ mỗi tuần cho việc thờ phượng Đấng Tạo Hóa với tất cả tâm hồn của mình lại chẳng là điều phải đạo và chính đáng sao?
  1. Con số 7 hoàn hảo – Đức Maria
Bước sau cùng hướng về Đức Maria, Nữ vương Thiên đàng và Mẹ của chúng ta. Hãy xin Mẹ bầu cử cho bạn trong suốt Thánh Lễ. Cầu nguyện cùng Mẹ để Mẹ hướng dẫn và gia tăng sức mạnh. Mẹ đã luôn ở bên Chúa và Mẹ cũng sẽ ở bên chúng ta. Không người nào hiểu bạn hơn Đức Maria đâu.
Theo 7 bước này, bạn sẽ dần tìm thấy vẻ đẹp của Thánh Lễ mở ra trước mắt bạn. Cũng như với bất cứ hoạt động nào khác, điều này cũng cần thời gian. Đừng mong chờ phải đạt được chỉ trong Chúa Nhật đầu tiên. Tất cả những nếm cảm lớn lao tăng dần theo thời gian và cùng với sự kiên trì. Bạn không thể tạo nên một bản nhạc hay ngay trong ngày đầu tiên được. Cũng không thể dựng xây Rome chỉ trong một ngày đâu.
                                                                Tác giả: Linh mục Joshan Rodrigues