Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

-Suy Niệm Phúc Âm CN XVII TN C

Filled under:

XVII.  THƯỜNG NIÊN C  (Lc 11,1-13)

1. Bài Đọc
            “Có lần (1) Chúa Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ thưa Người rằng: ‘Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan Tẩy Giả (2) đã dạy môn đệ của ông’. Người bảo ông: ‘Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha (3), xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy, xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ’.
            “Người còn nói với các ông: ‘Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy và nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: Cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được’? Thầy nói cho anh em biết: Dầu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện.
            “Thế nên, Thầy bảo anh em: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Chúa Thánh Thần cho những kẻ tin Người”./- 

2. Chú Thích
            (1) Có lần: Sau khi Chúa Giêsu ở Bêtania nói chuyện với Martha vàMaria, Thầy trò lại lên đường truyền giáo, Người thường cầu nguyện riêng, và môn đệ xin Người dạy họ cầu nguyện.
            (2) Gioan Tẩy Giả: Người có sứ mạng làm phép Rửa. Nguyên chữ Tây Phương phiên âm chữ Hy Lạp, có nghĩa là ‘người rửa’. Tiếng Việt Nam Công Giáo đã phiên âm chữ La Tinh là Baotixita; anh em Tin Lành đã phiên âm chữ Pháp là Baptit, gần đây Công Giáo Việt Nam lại có từ ‘Tẩy Giả’, nhưng chính Thánh Gioan hay phép Rửa của ông chỉ kích thích sám hối, không tẩy trừ gì cả.
            (3) Lạy Cha: Kinh Lạy Cha. MỘT là một bản dịch Kinh Lạy Cha theo Thánh LucaLạy Cha, xin cho danh Cha thánh hóa, triều đại Cha thống trị. Xin Cha cho chúng con hôm nay có bánh hằng ngày, và tha tội chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con, lại đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
            HAI là so sánh Kinh Lạy Cha theo nguyên văn hai bản Phúc Âm ThánhMattheu và Thánh Luca:
                        Mattheu (Mt 6,9-13)                   Luca (Lc 11,2-4)
                                                            .
Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên       Lạy Cha xin làm cho danh
 trời. Xin cho danh Cha vinh hiển,      thánh Cha vinh hiển, triều
 triều đại Cha mau đến, ý Cha thực     đại Cha mau đến.
 hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay            Xin Cha cho chúng con  
   có lương thực hằng ngày.                       ngày nào có lương thực
                                                           ngày ấy.
Xin tha tội cho chúng con như           Xin Cha tha tội chúng con
  chúng con cũng tha kẻ có nợ với            vì chính chúng con cũng
  chúng con,                                              tha mọi kẻ mắc lỗi với
                                                         chúng con,
Xin đừng để chúng con sa chước       Xin đừng để chúng con sa 
  cám dỗ, nhưng cứu chúng con     chước cám dỗ.
  cho khỏi sự dữ.                
            Ngay nguyên văn đã có hai bản khác nhau, do một người nghe trực tiếp và một người nghe gián tiếp. Đến bản dịch, lại có nhiều bản rất khác nhau, không những nước này với nước khác, nhưng trong một nước với nhau, còn tùy theo nhóm và tùy theo thời. Theo luật chung, xưa nay, có hai cách dịch: MỘT làgiữ đúng từng chữ và trật tự của tác giả. HAI là giữ cho đúng ý của tác giả. Nhưng cách nào cũng phải tôn trọng ý tưởng của tác giả và tinh thần của dịch văn. Nói riêng về KINH, có hai lập trường: THỨ NHẤT là giữ đúng từng chữ của tác giả, nhất là lời của Thiên Chúa, bất chấp người đọc và người nghe có hiểu hay không, có hợp với văn hóa và tâm lý của họ không, có khi cũng không ngại đưa ra những từ trừu tượng triết học. THỨ HAI là dùng từ theo không gian và thời gian, văn hóa và tâm lý của người nghe và người đọc, làm thế nào cho họ hiểu đúng ý của tác giả, nhất là ý của Thiên Chúa, không trái với giáo lý và luân lý, giúp cho người đọc kinh và người nghe kinh thêm lòng nhiệt thành, chứ không phải như cơ khí.
            BA là một vài chi tiết: Danh Cha thánh hóa: Dịch theo nguyên văn, không phải dịch Kinh, có nghĩa xin cho mọi người biết và kính danh Cha. Triều đại Cha thống trị: Có nghĩa ai nấy đều nhận quyền Cha. Bánh hằng ngày: Ơn phúc hằng ngày, cả cơ thể và linh hồn. Kẻ có nợ chúng con: Có lỗi với chúng con. Tinh thần tốt: Trong nguyên văn, không viết hoa có thể dịch là ‘Tinh thần’. Vì có chữ ‘tốt’ và nói chung về mọi ơn Thiên Chúa ban cho kẻ kêu xin, hoặc về cơ thể, hoặc về linh hồn, không biết có nên dịch là ‘Chúa Thánh Thần’ như nhiều bản dịch Tây Phương chăng?
            BỐN là KINH LẠY CHA đề nghị: Lạy Cha trên trời, chúng con xin cho mọi người tôn kính danh Cha, công nhận quyền Cha, vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha hôm nay cho chúng con ơn phúc hằng ngày, tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin Cha đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi điều đau đớn gian nan. Amen.

3. Suy Niệm
            (1) Theo lời thỉnh cầu của môn đệ, Chúa Giêsu đã dạy một kinh vắn tắt, gọn gàng mà đầy đủ ý nghĩa sâu xa. Trước phải nhận và gọi Thiên Chúa là Cha, Cha nhân từ, Cha thân mật, Cha thương yêu vô cùng. Sau là có bẩy điều phải cầu xin. Ba điều về Thiên Chúa: Xin cho thiên hạ, ai ai cũng tôn kính thờ phụng Thiên Chúa, nhận biết quyền năng và tuân giữ luật pháp của Thiên Chúa, cùng thi hành theo thánh ý của Thiên Chúa. Bốn điều xin cho mình: Về phần linh hồn thiêng liêng và thân thể vật chất, ngày nào cũng có đủ những thứ nhu cầu, ngày nào đủ cho ngày ấy, như Chúa Giêsu đã phán: Đừng quá lo lắng đến ngày tương lai. Xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình, cũng như chính mình tha thứ những kẻ đã làm mất lòng mình. Tuy là lời cầu xin, nhưng không khác gì chính mình đặt điều kiện cho Thiên Chúa và cho mình: Nếu mình không tha thứ kẻ khác, thì Thiên Chúa cũng không tha thứ cho mình. Lại xin Thiên Chúa giữ cho mình khỏi hai điều nguy hiểm: MỘT là khỏi theo chước cám dỗ, HAI là khỏi điều tai hại, cho mình khỏi sa ngã phạm tội, và khỏi có điều gì thiệt hại đến mình. Như thế là cả linh hồn, cả thân thể, cả tinh thần, cả vật chất, chỉ trong mấy câu vắn tắt, mà xin đầy đủ ý nghĩa cần thiết, để gây nên hạnh phúc dưới đất và trên trời. Không phải mỗi người cầu nguyện riêng, dù đọc một mình, cũng cầu nguyện cho người khác, không những cầu nguyện cho người thân yêu quen biết, bạn hữu của mình, nói chung là phải cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau, bất kỳ kẻ khác là ai, dù là người tội lỗi hay là kẻ đã làm đau lòng mình.

            (2) Chúa Giêsu lại còn dùng những ví dụ cụ thể để dạy rõ về các điều kiện: MỘT là Nội Tâm: Cầu nguyện là liên lạc, chuyện trò, kết hợp với Thiên Chúa, để đón nhận ơn Thiên Chúa, nên điều kiện tiên yếu là phần nội tâm phải đẹp lòng Thiên Chúa. Trước là phải có tín ngưỡng, hy vọng và kính mến, phải thương yêu tha thứ kẻ khác, phải có tinh thần khiêm tốn. Sau là không có điều gì tội lỗi. Có nhớ điều kiện này, mới hiểu ai cần gì thì xin, đã có tin đạo thì có cầu xin, hữu bệnh vái tứ phương, tại sao Thiên Chúa và những người giảng đạo còn phải tha thiết gắn bó khuyên bảo nhiều lần. Chẳng qua vì có nhiều người muốn được như ý mình, nhưng không bỏ điều tội lỗi, nên cần nhắc đến việc cầu xin, để họ nhớ điều kiện đến với Thiên Chúa và làm đẹp lòng Thiên Chúa. Như cha mẹ thương con nhắc nhủ con phải xin mình, để nó đến với mình và đừng làm trái ý mình. HAI là Kiên Tâm: Không được vội vàng nản chí. Biết đâu việc này hay việc khác, theo luật định của Thiên Chúa, phải cầu nguyện tối thiểu bao lâu, để thay đổi con người có khả năng lãnh nhận. Có người chỉ cầu nguyện vắn vỏi là thiếu điều kiện, không có hiệu quả; khác nào như người muốn có nước, nhưng chưa đi đến giếng hay đến sông đã dừng lại. BA là Thành Tâm: Lòng phải thành thật, xin điều hợp lý, mình tưởng là ích lợi cho mình, trực tiếp về tinh thần, gián tiếp về vật chất, nghĩa là ích lợi vật chất để sinh ích cho tinh thần, chứ không phải chỉ vì vật chất. BỐN là Thiên Chí: Có ý muốn việc tốt lành, chứ không phải vì ý ác độc. Không xin điều gì thiệt hại cho một người nào. NĂM là Chú Ý: Tập trung tâm trí vào những lời mình nói hay đọc, những điều mình cầu xin. Muốn được như thế, phải có chuẩn bị, có ưa thích và mong mỏi, phải tránh ồn ào.

            (3) Chúa Giêsu lại còn so sánh cha dưới đất và Cha trên trời, dường như để nói rõ việc cầu xin không được, vì thiếu điều kiện nơi người ta, chứ không bao giờ Thiên Chúa từ khước thứ gì ích lợi. Có thể hiểu thêm những điều kiện về thái độ và môi trường tổ chức: MỘT là Nghiêm Túc: Từ trong tâm trí đến ngoài thái độ, y phục, cử chỉ, phải giữ lễ phép khiêm cung, cẩn thận, chu đáo, không được cẩu thả, liều lĩnh. Thiên Chúa muốn cho người ta thân mật như con với cha, nhưng thân mật không phải là vô phép. HAI là Ngôn Ngữ: Phải dùng những lời lễ phép, khiêm tốn, giúp cho tâm trí hạ mình và nhiệt thành. Không cần phải đọc nhiều kinh hay nói nhiều lời. Ngôn ngữ phải do tự lòng mình. Vì phải hợp với người khác, hay vì mình không biết nói thế nào, mới phải đọc kinh. Lời kinh phải thích hợp với tâm lý và văn hóa của người cầu nguyện.BA là Cử Chỉ: Khi cầu nguyện riêng, nên có những cử chỉ tự nhiên, giúp cho mình thêm chú ý và thêm nhiệt thành. Lúc đọc kinh chung, phải có những cử chỉ theo Giáo Quyền ấn định, phù hợp với tâm lý và văn hóa của người cầu nguyện.BỐN là Không Gian: Khung cảnh có thể giúp đỡ hay trở ngại cho việc cầu nguyện. Vẫn hay phần thiết yếu là trong tâm trí, nhưng không thể bất chấp khung cảnh ngoại giới. Vì con người không phải là thiên thần hay thú vật. Những điều nghe thấy động chạm đều có thể ảnh hưởng đến việc cầu nguyện. NĂM là Thời Gian: Cũng cần phải biết lựa chọn thời giờ và sắp đặt kỳ hạn để giúp thêm chú ý và nhiệt thành. Người cầu nguyện riêng có quyền theo tính tình, khuynh hướng và công việc riêng của mình. Còn người phụ trách nên lưu ý chọn ngày giờ và định kỳ hạn thích hợp với đa số, không trở ngại đến những công việc cần thiết theo nhu cầu của người ta, dù là việc thế tục vật chất. Dĩ nhiên không nên quá vắn hay quá dài. Ngày xưa, tưởng càng dài càng thêm long trọng. Ngày nay, có người viện cớ Thiên Chúa không cần người ta nói nhiều, ít được chừng nào hay chừng ấy. Đó là những ý tưởng sai lầm, thái quá hay bất cập, cần phải biết trung dung thích hợp với tâm hồn./-
                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy