Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Suy Niệm Tin Mừng 17 Tn C - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Vào tháng 5 năm 1998, tại Houston, Texas, một cuộc hội thảo lớn về Y học và Đức Tin với sự tham dự của hơn 700 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩnha sĩ.
Những báo cáo cho thấy là những người có Đức Tin và được cầu nguyện cho thì mau lành bệnh gấp 12 lần so những người không có Đức Tin sau khi được giải phẫu tim.  
Một cuộc khảo cứu kéo dài 28 năm trên một số người lớn tuổi cho thấy là  những người chăm đi lễ nhà thờ để cầu nguyện thì ít bệnh tật hơn từ 25% đến 35% so với những người không có tôn giáo. Những người đi lễ nhà thờ thường xuyên có một hệ thống miễn dịch, dễ đề kháng bệnh tật mạnh hơn mức bình thường.[1]    
Từ xa xưa, con người đã thấy sự cần thiết và hữu ích của cầu nguyện, chính vì vậy, Gioan đã làm như thế cho môn đệ của ông và bây giờ các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đến xin thầy mình dạy cầu nguyện. Đây là lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy, được Luca và Matthêu ghi lại.
Một số điểm chúng ta cần lưu ý:
1. Abba, lạy Cha
Danh xưng “cha” đã có nơi các tôn giáo rất khác nhau, từ dạng thô sơ nhất đến dạng phát triển nhất, của người Hy-lạp, Rô-ma và Sê-mít. Nhưng điều lạ là việc sử dụng một danh xưng thân mật để thưa với Thiên Chúa. Theo các nghiên cứu của Jeremias và Marchel, ’abbâ’ là một danh xưng thân mật, nên không bao giờ được người Do Thái dùng mà thưa với Thiên Chúa. Đôi khi, cũng rất hiếm, từ này được dùng để nói về Thiên Chúa, chứ không bao giờ để thưa với Thiên Chúa. Và ngay cả nói về Thiên Chúa, các bản Targumim (Bản dịch và diễn giải) cũng rất dè dặt khi áp dụng danh hiệu “Cha” cho Ngài. Ngược lại, theo chứng từ của Mc 14,36, được củng cố gián tiếp bởi Gl 4,6, Đức Giêsu là người đầu tiên thưa với Thiên Chúa bằng tiếng gọi thân mật Abba, và như thế Người tỏ cho thấy một tương quan thân tình như là người con với Thiên Chúa, một thứ tương quan mới mẻ, duy nhất vô song.[2] 
2. Nội dung kinh cầu nguyện của Chúa Giêsu:
Phần đầu: Lời cầu cho Nước Chúa được hiển trị.
Phần hai: Xin những điều cần thiết cho chúng ta.
Thiên Chúa là một người Cha luôn quan tâm đến nhu cầu của chúng ta. Đây là một lời cầu nguyện bao quát cả cuộc đời.
- Nó bao trùm các nhu cầu hiện tại. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin lương thực cho chúng ta mỗi ngày. Nên nhớ bánh đủ ăn từng ngày là điều chúng ta cầu xin. Điều này nhắc lại câu chuyện xưa về manna trong hoang địa (Xh 16,11-21). Dân Chúa chỉ được lượm manna đủ ăn trong một ngày mà thôi. Chúng ta đừng lo một tương lai không rõ, nhưng ngày nào lo cho ngày ấy.
- Lời cầu nguyện này cũng bao trùm tội lỗi đã qua.
Khi cầu nguyện, chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân đến trước Thiên Chúa vô cùng thánh thiện.
- Lời cầu nguyện này cũng bao trùm các thử thách trong tương lai.
Từ “cám dỗ” trong Tân Ước có nghĩa là bất cứ hoàn cảnh thử thách nào. Nó không chỉ có nghĩa là quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, liêm chính và lòng tín trung. Chúng ta chỉ có thể thắng được nó nhờ ơn Chúa ban.[3]
Trở lại phần một của kinh Lạy Cha:
Cầu nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là khi đặt tất cả chú ý về Cha như trung tâm, Chúa Giêsu không nói một tiếng về bản thân mình. Không nói gì về mình ở đây là một trong những điều thật ý nghĩa: tránh bỏ hết mọi quan tâm đến bản thân, Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha.
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha hiển trị.
Để thể hiện được điều này đòi chúng ta phải cầu cho ý Thiên Chúa, chớ không phải ý của chúng ta. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.
Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu là thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha, nên lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải rập theo lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, tức là cầu nguyện để ý của Thiên Chúa Cha được thể hiện. Ý của Thiên Chúa được thể hiện, đó chính là làm cho danh Cha được cả sáng và Nước Cha được hiển trị.
Cầu nguyện cho ý của Thiên Chúa, đó mới là điều quan trọng. Chính vì vậy nhiều khi chúng ta tưởng rằng chúng ta xin một đường mà Chúa lại cho một nẻo như khi
- Chúng ta xin Người vứt bỏ nỗi đau khổ, thì Người lại nói khổ đau sẽ đưa chúng ta ra khỏi những lo toan trần thế và đưa chúng ta lại gần Thiên Chúa hơn.
- Khi chúng ta xin Chúa cho sức khoẻ để có thể làm được những việc lớn lao – Người lại ban cho chúng ta sự yếu đuối để chúng ta làm mọi việc cách tốt hơn.
- Khi chúng ta xin Chúa cho giàu sang để có thể sống hạnh phúc – Người lại ban cho chúng ta sự nghèo nàn để chúng ta biết cậy dựa vào Chúa hơn.
- Khi chúng ta xin Chúa ban cho quyền lực để được người đời xưng tụng – Người lại ban cho chúng ta sự mọn hèn để chúng ta biết cần đến Ngài hơn.
- Khi chúng ta xin Chúa ban cho mọi sự, nhờ đó chúng ta có thể tận hưởng thú vui cuộc đời – Người lại ban cho chúng ta cuộc sống để nhờ đó chúng ta tận hưởng mọi sự.
Như thế xem ra chúng ta chẳng được những điều chúng ta xin, nhưng lại nhận được mọi thứ chúng ta cần.[4]
Hiểu được như vậy, khi chúng ta lặp lại lời “cầu nguyện của Đức Giêsu, đến lượt chúng ta, chúng ta mới dám tin rằng “Chúa Cha yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Người yêu mến Con Một của Người” (Gioan 20,17).
Đây chính là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta khi cầu nguyện và nhất là tâm tình của Chúa Giêsu khi dạy chúng ta thân thưa với Thiên Chúa Cha: ABBA, Lạy Cha. Amen.




[1] Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, năm C, trg. 261
[2] Jeremias, Abba, 58-67

[3] William Barclay, CN 17C TN
[4] Anon