Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 13/7/2016

Filled under:

Mt 11,25-27
Ghi nhớ: “Đức Giêsu cất tiếng nói: “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn ” ( Mt 11,25).
Suy niệm: Qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy những kẻ tự cao tự đại, tự cho mình là khôn ngoan thông thái, đã bị Chúa than trách; trái lại những ké bé mọn khiêm nhường lại được Chúa chúc lành. Vì thế chúng ta thấy những ai với tâm hồn đơn sơ, thành thật và khao khát Thiên Chúa thì sẽ đến với Đức Giêsu và được Ngài chỉ dạy cho đường lối dẫn tới sự sống đời đời. Còn những kẻ tự mãn tự cho mình là hiểu biết, không khiêm tốn, không cần học hỏi và chủ quan, tự cho mình là đúng, là đủ thường cố chấp tự mãn nên khó chấp nhận giáo huấn của Người.
Sống Lời Chúa : Khiêm tốn đón nhận Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có một tâm hồn đơn sơ và bé nhỏ trước mặt Chúa để được Ngài xót thương. Amen. 

Suy niệm với Mẹ. 

“Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
Như Mẹ: Con người không ngừng khám phá để hiểu biết về vũ trụ và con người. Khi khoa học đạt được những tiến bộ vượt bậc, con người cứ nghĩ là mình đã nắm được mọi sự. Vì thế, họ đã không còn cảm thấy cần đến Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nước Trời đã bị dấu kín đối với họ. Mầu nhiệm Nước Trời chỉ được tỏ bày cho những tâm hồn bé nhỏ và khiêm nhường thật sự.
Với Mẹ: Lạy Chúa, con hiểu biết thật nhiều về vũ trụ và con người, nhưng lại biết rất ít về Chúa. Xin cho con biết khám phá được sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa ở trong con.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như tháp ngà báu vậy, xin Mẹ giúp con luôn nhận biết sự hiện diện của Chúa nơi vũ trụ và con người.
Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Thánh Henry II
(972-1024)
Thánh Henry thuộc dòng dõi nhà vua mà cha là Công Tước xứ Bavaria, mẹ là công chúa xứ Burgundy. Ngay từ nhỏ, ngài được sự dạy bảo kỹ lưỡng của Thánh Wolfgang, là Giám Mục của Ratisbon. Năm 995, ngài kế vị cha làm Công Tước xứ Bavaria và năm 1002, sau khi người bác là Vua Otto III từ trần, ngài lên ngôi hoàng đế nước Đức.
Vua Henry rất để ý đến hạnh phúc của người dân. Để bảo vệ công chính, nhiều lần ngài phải dẫn quân đi chiến đấu với các kẻ thù ở trong cũng như ngoài nước. Các chiến thắng không làm ngài tự đắc trở nên vô tâm mà ngài rất độ lượng và khoan hồng với kẻ thù. Khoảng năm 998, ngài lập gia đình với một phụ nữ thánh thiện là Cunegundes. Sau này bà cũng được tuyên xưng là thánh. Vào năm 1014, cả hai người được ban thưởng cho danh hiệu hoàng đế và hoàng hậu của Thánh Đế Quốc Rôma. Đây là một vinh dự lớn lao vì chính Đức Giáo Hoàng Bênêđích VIII đã đội vương miện cho hai người.
Tuy thừa hưởng tất cả những giầu sang và quyền thế ở trong tay, Hoàng Đế Henry luôn nhớ đến các chân lý vĩnh cửu và suy niệm trong lòng. Thay vì đi tìm các vinh dự chóng qua của trần thế, ngài để ý đến những công việc làm vinh danh Thiên Chúa, trong đó sự thịnh vượng của Giáo Hội cũng như duy trì kỷ luật trong hàng giáo sĩ là điều ngài lưu tâm. Có lần ngài ao ước được từ chức để sống như một đan sĩ, nhưng theo lời khuyên bảo của đan viện trưởng ở Verdun, ngài đã ở lại ngôi vị.
Trong thời gian trị vì, ngài thành lập rất nhiều đoàn thể đạo đức, xây dựng nhiều cơ sở sinh hoạt tâm linh cũng như các đan viện và nhà thờ mới.
Ngài từ trần năm 1024, khi mới năm mươi hai tuổi và được phong thánh năm 1146.
Lời Bàn
Gương mẫu đời sống của Thánh Henry khiến chúng ta phải nhìn lại sự bận rộn của đời sống chúng ta. Có ai bận rộn bằng một ông vua, nhưng Hoàng Đế Henry vẫn dành thời giờ cho Thiên Chúa trong sự suy niệm và sinh hoạt đạo đức. Noi gương Thánh Henry, chúng ta nên sắp xếp thời giờ để hàng ngày trở về với nguồn sinh lực của chúng ta, là Thiên Chúa toàn năng.

Niềm Vui Và Kho Tàng

Theo một bảng thống kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xạ
Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây chết.
Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho hai câu hỏi: "Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui cho người khác không?". Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.
Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.
Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: "Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngòi bút của tôi". Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúạ
Trong quyển sách có tựa đề "Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần", Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Ðức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui".
Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh.
Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người "vui lòng", nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác "vui lòng" để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng tạ