Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 19/7/2016

Filled under:

Mt 12, 46-50
Ghi nhớ: “ Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ Tôi ” (Mt 12,50).
Suy niệm: Chúa Giêsu luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho những người biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Những người này được Chúa coi những người ruột thịt trong gia đình thiêng liêng của Chúa. Và những ai thuộc về gia đình này thì chắc chắn sẽ được hưởng hạnh phúc và vinh quang với Ngài trong nước của Ngài. Đức Maria chính là mẫu gương tuyệt vời của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Mẹ đã đón nhận Lời Chúa với thái độ vâng phục và yêu mến cách trọn vẹn. Chúng ta hãy học với Mẹ để chúng ta cũng xứng đáng là những người anh em của Chúa.
Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp và sức mạnh cho chúng con để chúng con can đảm sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen. 

Suy niệm với Mẹ.

“Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói:
đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi” (Mt 12,49).
Như Mẹ: Chúa dạy ta một điều quan trọng: xây dựng một gia đình mới, không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chúa muốn chúng ta được nuôi sống bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, trong cầu nguyện, để chúng ta trở thành người thân đích thực của Chúa.
Với Mẹ: Chúa dạy chúng con mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình. Thực sự nếu chúng con biết sống yêu thương, thì chúng con sẽ được một tâm hồn bình an trước khi nhận được bất cứ phần thưởng nào khác. Xin giúp chúng con quyết thực thi ý Chúa.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ bầu chữa kẻ có tội, xin Mẹ luôn nhắc nhở chúng con luôn sống đời yêu thương như Mẹ, để chúng con được sống một đời hạnh phúc và bình an.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Tôi Tớ Thiên Chúa
Phanxicô Garcés và Các Bạn
(k. 1781)

Vì sự can thiệp của nhà cầm quyền trong các sứ vụ truyền giáo và vấn đề chiếm đất ở Tân Thế Giới đã khiến thổ dân da đỏ nổi dậy và Giáo Hội đã mất đi các nhà truyền giáo hăng say. Là người cùng thời với Chân Phước Junipero Serra và trong thời gian cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, Phanxicô Garcés sinh ở Tây Ban Nha năm 1738, và ngài gia nhập Dòng Phanxicô ở đây.

Sau khi thụ phong linh mục năm 1763, ngài được sai đến Mễ Tây Cơ. Năm năm sau ngài được bổ nhiệm về San Xavier del Bac gần Tucson, Hoa Kỳ, là một trong các trung tâm truyền giáo do các cha dòng Tên đã thành lập trước đây trong tiểu bang Arizona và New Mexico, mà sau đó, vào năm 1767, các cha dòng Tên đã bị trục xuất ra khỏi phần lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của vua Tây Ban Nha người Công Giáo.

Ở Arizona, Cha Phanxicô làm việc cho các thổ dân da đỏ người Papago, Yuma, Pima và Apache. Công cuộc truyền giáo đã đưa ngài vượt qua rặng Grand Canyon và đến tiểu bang California.

Cha Palou, người cùng thời với Cha Garcés, viết lại rằng Cha Garcés được người thổ dân rất quý mến, và ngài sống với họ trong một thời gian lâu mà không bị nguy hại gì. Họ thường đem thực phẩm cho ngài và mỗi khi gặp ngài, họ thường chào "Vạn Tuế Đức Giêsu," là câu tung hô mà ngài đã dạy cho họ.

Để bảo vệ các thổ dân tân tòng, các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dự định xây cất các trung tâm truyền giáo cách biệt với nơi trú đóng của binh lính và thực dân Tây Ban Nha. Nhưng quan chỉ huy ở Mễ Tây Cơ quyết định rằng hai trung tâm truyền giáo dọc theo sông Colorado, là Trung Tâm San Pedro y San Pablo và Trung Tâm La Purísima Concepcion, phải là nơi chung đụng giữa binh lính và thổ dân.

Một cuộc nổi dậy của người Yumas chống với binh lính Tây Ban Nha đã khiến các tu sĩ Juan Diaz và Matias Moreno từ trần ở Trung Tâm San Pedro y San Pablo. Các cha Phanxicô Garcés và Juan Barreneche bị giết ở Trung Tâm La Purísima Concepcion.

Lời Bàn
Trong thế kỷ 18, các thổ dân vùng Tây Nam Hoa Kỳ coi đạo Công Giáo và quyền lực Tây Ban Nha là một. Khi họ muốn loại bỏ quyền lực thì tôn giáo mới cũng phải ra đi. Chúng ta có dám chấp nhận những biến cải có thể chấp nhận được về đức tin Công Giáo của các dân tộc khác không? Chúng ta có bực mình về những phong tục của người Công Giáo trong các nền văn hóa khác không? Chúng ta có coi gương mẫu đời sống của chúng ta là một đóng góp cho công cuộc truyền giáo không?

Lời Trích
Trong chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với 22 người Uganda tân tòng rằng "trở nên một Kitô Hữu là điều tốt nhưng không luôn luôn dễ dàng."

Ðôi Cánh Thiên Thần

Một người Nga, sai khi mãn tù, đã kể lại tâm trạng mình như sau: Dáng vẻ bên ngoài của tôi xấu xí đến độ không có ai muốn gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo, thay vì làm trại chung với các trại viên khác, tôi đã tự giam mình dưới hầm... Tình cờ một tai nạn xảy ra, khiến tôi bị gù lưng.
Một ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: "Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?". Tôi nghĩ rằng cậu bé chế nhạo tôi, dù vậy tôi bình thản trảlời: "Cục bướu đấy cháu ạ".
Tôi chờ đợi cậu be tiếp tục trò chơi gian ác của nó... Nhưng không, nó nhìn tôi một cách trìu mến và nói: "Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có dấu đôi cánh của Thiên Thần... Rồi một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó". Ý nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.
Biết nhìn xa hơn đằng sau mặt nạ của mỗi người: đó là cái nhìn của thánh nhân. Thánh nhân là người biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh, là người biết nhìn thấy sự may mắn ngay cả trong những mất mát, thua thiệt và nhất là biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến... Nhưng để được cái nhìn ấy, người ta cần có cái nhìn thông suốt và tràn ngập ánh sáng của Thiên Chúạ