Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY THỨ TƯ 20/7/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 13: 1-9)
 
1 Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ.2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.9 Ai có tai thì nghe."

SUY NIỆM 1

Khi tôi đọc trang Tin mừng này, tôi bị cuốn theo nững câu chữ của nó. Tôi có nhiều thắc mắc như: Tại sao Chúa Giêsu lại không ở nhà mà phải đi ra bờ biển để ngồi?

- Giả thiết, đây không phải là nhà của Ngài, mà là nhà của một ai đó mà Ngài quen biết. Không khí trong nhà chắc là không thoải mái, nên Ngài tìm cho mình một nơi phù hợp để cầu nguyện và nghỉ ngơi.

- Với thói quen cầu nguyện đầu ngày sống, cũng thường cầu nguyện nơi vắng vẻ, nên Chúa Giêsu chọn bờ biển buổi bình minh là phù hợp nhất cho việc gặp gỡ Chúa Cha.

- Còn một giả thiết khác, trong hành trình rao giảng, đi nhiều nơi, đến nhiều vùng khác nhau, trong đó những vùng biển là nơi dân chúng tụ họp đông đảo vì kế mưu sinh, ngoài ra còn là nơi trao đổi hàng hoá, buôn bán đi lại của nhiều thành phần khác nhau. Vì thế, nơi đây thích hợp để thực hiện sứ vụ.

Thắc mắc kế tiếp là: Chúa Giêsu nổi tiếng đến mức nào? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm và có tính thời sự, cũng hiện sinh nữa. 

Chúa Giêsu nhanh chóng trở thành tâm điểm của sự chú ý ở bất cứ nơi nào Ngài đến. Chúa Giêsu là một ngôi sao. Nhưng không phải là một ngôi sao ca nhạc, hay minh tinh màn bạc, mà Ngài là một ngôi sao hùng biện, giảng thuyết, một bác sĩ nổi tiếng, một thầy lang kinh nghiệm lâu năm, một nhà tâm lý học, một nhà thiên văn học, một nhà tiên tri và nhất làNgười Con Đặc Biệt: Giêsu là Chúa của nhân loại, là Con Thiên Chúa. Đúng vậy ! Chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà mọi người muốn tìm kiếm. Ngài ở đâu dân chúng đi theo đó. Nổi tiếng cũng thích nhỉ? Chúng ta nghĩ sao về những người muốn nổi tiếng, muốn là ngôi sao? Mơ ước trở thành ngôi sao là mơ ước của các bạn trẻ, trong đó có con em chúng ta?

Xét về tính logic, Chúa Giêsu sẽ lấy những gì liên hệ đến quang cảnh đang hiện hữu để dẫn vào bài giảng, nhưng  Ngài lại nói đến người gieo giống thay vì người chài lưới?

Nghành nghề ở Do thái cũng là điều chúng ta nên biết, hai nghề chính ở đây hay được nhắc tới, đó là nghành thuỷ sản và nông nghiệp. Mang tính đặc thù và hiện sinh, vì những nghành nghề này nằm trong những trải nghiệm thực tế của dân chúng, phù hợp với mặt bằng chung về dân trí, ai cũng có thể cảm thụ được.

Bài giảng của Ngài tuy ngắn gọn nhưng lại hết sức tâm lý. Mỗi người một khả năng. Thiên Chúa không thiên vị ai. Dụ ngôn này là ví dụ điển hình.

Trong cánh đồng truyền giáo, người gieo giống cùng một cách thức đó, nhưng lại có những kết quả khác nhau. Khả năng bao nhiêu thì sẽ sinh hoa trái bấy nhiêu: Hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi.

Liên hệ, với những suy gẫm trên, chúng ta thấy: cử toạ lắng nghe gồm nhiêu thành phần, nên bài giảng cũng mang dụng ý cho bấy nhiêu thành phần. Có thể hiểu, Chúa Giêsu muốn nói đến tính hiệp nhất trong sự khác biệt của cử toạ. Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: Không có nghề nào xấu, chỉ có lòng người xấu mà thôi. Dù ở giai cấp nào, điều quý nhất của chúng ta là trở nên thánh hơn, trở nên hạnh phúc hơn, nhất là sinh hoa trái nhiều hơn. Chúa Giêsu kết: “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe” hay nói cách khác “Ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa thì có phúc hơn”.
 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Hạt giống Lời Chúa
(Mt 13, 1-9)
1. Dụ ngôn đầu tiên
Đức Giêsu kể nhiều dụ ngôn, nhưng dụ ngôn “Người Gieo Giống” là dụ ngôn đầu tiên. Vì thế, dụ ngôn này có tầm quan trọng đặc biệt; thực vậy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn” (Mc 4, 13). Có thể nói, đây là “dụ ngôn mẹ” nói cho chúng ta về “những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”; đó là:
  • Mầu nhiệm sáng tạo, bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi ra khỏi chính mình để sáng tạo và Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời (St 1 và Ga 1, 3).
  • Mầu nhiệm cứu độ, bởi vì dụ ngôn nói đến tội lỗi và Sự Dữ làm cản trở Lời Thiên Chúa sinh hoa kết quả.
  • Mầu nhiệm nhập thể, bởi vì Ngôi Lời Thiên Chúa ra khỏi cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa đích thân đến với thế giới loài người chúng ta để ban Lời hằng sống của Thiên Chúa.
  • Và về mầu nhiệm Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, bởi vì Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, gieo lời và gieo luôn chính mình, như tấm bánh trong bí tích Thánh Thể và như hạt lúa mì, trong cuộc Thương Khó.
Trong dụ ngôn, có một sự so sánh mang nhiều ý nghĩa, nhưng chúng ta thường không để ý vì đã quá quen thuộc, đó là Lời Chúa không được ví như điều gì to lớn hùng mạnh, nhưng như hạt giống nhỏ bé đơn sơ, như chính Đức Giê-su giải thích: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (c. 23) Theo lời kể của thánh sử Mác-cô, Đức Giê-su còn nói rõ hơn nữa: “Người gieo giống đây là người gieo lời” (Mc 4, 14). Như chính kinh nghiệm sống Lời Chúa của chúng ta cho thấy, Lời Chúa theo vẻ bề ngoài thật nhỏ bé, đơn sơ và kín ẩn, nhưng mang trong mình sức mạnh thần linh mạnh hơn sự chết và làm phát sinh sự sống dồi dào; như lời của một bài hát diễn tả: “Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la”
2. Dụ ngôn “Người Gieo Giống”
Có lẽ đa số chúng ta đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nghĩa là làm vườn hay làm ruộng; hoặc chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về nghề này; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông. Đối với chúng ta, “người gieo giống ra đi gieo giống” là sự kiện quá đỗi bình thường và lập đi lập lại. Nhưng lời này, vì xuất phát từ miệng Đức Giêsu, nên diễn tả một biến cố thật lớn lao: Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Thiên Chúa, đi gieo Lời của mình (trong sáng tạo, trong lịch sử loài người và lịch sử cứu độ. và nhất là nơi Đức Giêsu-Kitô); và Ngài không chỉ gieo Lời của mình, mà còn gieo chính mình, gieo sự sống của mình, vì lời nói của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Như chính Đức Giê-su nói về cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Trong dụ ngôn, có bốn trường hợp: trường hợp đầu là mất trắng, vì những con chim ăn mất hạt giống; trường hợp sau khá hơn một chút: hạt giống mọc lên ngay vì đất không sâu, nhưng vì nắng gắt và thiếu rễ sâu nên bị cháy và chết khô; trường hợp thứ ba khá hơn nữa: hạt giống nẩy mầm, mọc thành cây, nhưng vì sống ở giữa bụi gai, gai cũng lớn lên và mạnh hơn nên làm cây chết ghẹt. Chúng ta hãy nhìn vào bản thân mình, vào cuộc đời mình, và tự hỏi: đâu là số phận của hạt giống Lời Chúa? Và tuy hạt giống Lời Chúa vẫn chưa sinh hoa kết quả dồi dào, những chắc chắn, cũng có những tiến bộ nào đó. Và chúng ta cũng tự hỏi: Đâu là “những chim chóc, nắng gắt, vấn đề thiếu gốc rễ và gai góc” ở nơi bản thân chúng ta, đã làm cho hạt giống không sinh hoa kết quả?
Dụ ngôn Người Gieo Giống chất vấn chúng ta, nhưng cũng mang lại cho chúng ta bình an và hi vọng. Bởi vì, trái với kinh nghiệm sống, Người Gieo Giống trong dụ ngôn của Đức Giê-su, có thể nói, gieo hạt giống quí báu của mình “tùm lum”, gieo đại trà, gieo quảng đại, gieo không phân biệt, không xét đoán. Và Lời Chúa vẫn được gieo quảng đại vào lòng chúng ta như thế hàng ngày trong Thánh Lễ.
Lời Chúa được gieo cách quảng đại vào lòng chúng ta, bởi vì Chúa tin rằng, dù sao đi chăng nữa, trong lòng chúng ta chắc chắn có phần đất tốt, hơn nữa, tự bản chất chúng ta là đất tốt, vì chúng ta được dựng nên bởi Lời Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa; và Chúa hi vọng rằng, có một ngày đẹp trời nào đó, Lời của Ngài sẽ rơi vào phần đất tốt này, rồi mọc lên và lớn mạnh, và sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi, nghĩa là bội thu và nhiều đến độ có thể bù lại tất cả những hạt đã mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu! Và đó là điểm tới tất yếu của Nước Trời.
3. Lời ban sự sống
Lời Chúa được ví như hạt giống trong dụ ngôn “Người gieo giống”, nhưng với lời của ngôn sứ Isaia (x. Is 55, 10-11), Lời Chúa còn được ví như mưa, như tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống lớn lên. Ngoài ra, để nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái, hạt giống còn cần ánh sáng nữa. Và Chúa cũng là ánh sáng. Như vậy, Lời Chúa là tất cả: vừa hạt, vừa điều kiện thiết yếu làm cho hạt nầy mầm; bởi lẽ Lời Chúa là chính Sự Sống.
Ước ao của Thiên Chúa, điều mà Lời được sai đi thực hiện là gì? Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn. Thật là đẹp! Những hình ảnh thật sống động và rất gần gũi này diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống, hôm nay và mãi muôn đời.
Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống: hoa trái, và hoa trái bội thu tất yếu của Lời Chúa, bất chấp những trở ngại, thập chí bất chấp điều tưởng là thất bại. Thay vì chỉ hiểu dụ ngôn theo hướng luân lí.
Thật vậy, nơi mầu nhiệm Thập Giá, trở ngại lớn nhất là sự dữ, và sự dữ được để cho đi đến cùng: hủy diệt Hạt Giống, vốn cũng là Người Gieo Giống. Nhưng điều kì diệu đã xẩy ra: đó lại là con đường thần linh, nhưng cũng rất nhân linh và thiên nhiên, để cho Hạt Giống nảy mầm, lớn lên sinh hoa kết quả “gấp trăm” cho sự sống của con người, hôm nay và mãi mãi.
Đó chính là công trình của Thiên Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta.
* * *
Xin Chúa, bằng Lời của Người, vun xới, chăm sóc, thanh tẩy tâm hồn chúng ta, và nhất là loại bỏ những ngăn trở làm cho hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết quả, đó là quỉ dữ, sự nông nổi nhất thời, những lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quí (x. Mt 13, 18-23), để cho lòng chúng ta, gia đình, cộng đoàn của chúng ta, trở thành những mảnh đất tốt, đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả gấp một trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi cho sự sống hôm nay và mãi mãi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J