Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 3/2/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 6: 14-29)
 
14 Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ."15 Kẻ khác nói: "Đó là ông Ê-li-a." Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ."16 Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: "Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy! "17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê,18 mà ông Gio-an lại bảo: "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! "19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được.20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con."23 Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được."24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì đây? " Mẹ cô nói: "Đầu Gio-an Tẩy Giả."25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm."26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô.27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục,28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

 

SUY NIỆM 1

 
Phần đầu đoạn tin mừng này (6,14-15), có công thức giống như đoạn tin mừng (Mc 8,27-30). Đoạn này nói về việc Herôđê nghe biết Chúa Giêsu và hỏi những người hầu cận về ông Giêsu là ai. Họ cũng trả lời: Gioan Tẩy Giả, Elia hay một tiên tri nào đó. Câu trả lời này cũng là câu trả lời mà các môn đệ trả lời Chúa khi Người chất vấn họ: “người ta bảo Thầy là ai?”. Cũng câu trả lời “người thì bảo…”. Nhưng không dừng lại, Chúa hỏi thêm: “còn anh em, anh em bảo thầy là ai”.

Herôđê làm vua, ở trong cung điện. Ông nghe người ta đồn thổi về Chúa. Lòng ông cũng bất an khi nghe nhắc đến Gioan Tẩy Giả, tiên tri được dân kính trọng nhưng lại bị ông cho chém đầu theo yêu cầu của một vũ nữ, người con gái của chị dâu ông, mà ông lấy làm vợ. Cận thần Herôđê so sánh Chúa với Gioan. Cộng thêm sự bất an trong lòng vì dày vò tội lỗi, ông nghi hoặc và càng thêm sợ sệt.

Gioan là người hiền lành, dân nể trọng và gọi ông là tiên tri. Cả đến Hêrođê cũng thấy phục cách sống của Gioan, thế rồi cũng không cưỡng lại được dục vọng, bất chấp tất cả, cả những can ngăn, ông cho chém đầu Gioan.

Những tình tiết này gợi lên cho chúng ta suy nghĩ, có khi nào chính ta cũng mù mờ thông tin hay bị lèo lái bởi thông tin người khá cung cấp cho chúng ta không? Ai trả lời Chúa là ai không quan trọng, bằng việc chính các môn đệ sống với Ngài cảm nhận và trả lời “Thầy là ai đối với anh em”. Dân chúng có thể biết một chút về Chúa Giêsu vì họ không ở với, không đi theo Người, không lặn lội với Người trong từng góc phố, ngõ hẻm, dong duỗi khắp miền Palestina. Còn môn đệ thì biết. Thế nên, hằng ngày chúng ta đừng để cho những thông tin đức tin của người khác làm chủ chúng ta, lèo lái và thậm chí làm cho suy nghĩ chúng ta lệch lạc về Chúa hay về anh em mình. Tập sống sâu sắc, cảm nghiệm và biết lắng nghe bằng con tim, bằng chính cảm nghiệm đức tin cá vị của chúng ta. Nghe mà không cảm nhận, không xác thực, có thể chúng ta cũng tù túng giống Herođê, rồi chúng ta sẽ chạy theo tin đồn hay những điều phù phiếm. Chúng ta là các môn đệ và phải trả lời với Người bằng chính cảm nhận của chúng ta: “Thầy là Chúa, là Vua, là Đấng con tôn thờ”.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày xin cho con biết đến với Ngài trong cầu nguyện thẳm sâu, trong cảm nghiệm sâu sắc của đức tin, để chúng con nhận ra Chúa thực sự là ai với con. Amen.   

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
 
 

SUY NIỆM 2

  1. Sự Dữ hủy diệt Sự Dữ
Nghe danh tiếng của Đức Giê-su, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hê-rô-đê cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy :
Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy !
(c. 16)
Đó là một sai lầm, nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi.
  • Vua Hê-rô-đê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một « Gioan Tẩy Giả » khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.
  • Vua Hê-rô-đê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ, là bạo lực và sức mạnh, chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo : « Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi» (Tv 141, 10).
  • Đức Giê-su không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ bị giết chết cách bất công như Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có thánh Gioan.

  1. Gioan, “Người đi trước mặt Chúa”
Ngoài ra, sai lầm của vua Hê-rô-đê còn làm cho chúng ta nhận ra rằng cả cuộc đời của thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, gắn bó biết bao với Đức Giê-su, với sự sinh ra, sự sống, sự chết và sự sống lại của Người. Thật vậy, thánh Gioan đã loan báo và chuẩn bị cho Đức Ki-tô ngự đến, trong cách mình được cưu mang và được sinh ra và bằng cả cuộc đời của mình, như chính ông Dacaria, cha của Gioan, đã tiên báo :
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người
,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
(Lc 1, 76-77)
Và trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc thương khó của Gioan. Như thế, Gioan đã loan báo Đức Ki-tô cho đến chết và bằng chính cái chết của mình. Thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giê-su một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.
Ơn gọi của thánh Gioan cũng chính là ơn gọi của chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu : đó là ơn gọi, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết cũng gắn liền với Đức Giê-su Ki-tô: lúc sinh ra, phép rửa làm chúng ta trở thành Ki-tô hữu, nghĩa là môn đệ của Đức Ki-tô; trong hành trình làm người, chúng ta đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi; và khi chết, chúng ta cũng sẽ cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Ngài, như chính phép rửa đã loan báo. Vấn đề là chúng ta có nhận ra và đón nhận như một ơn huệ, một mối phúc hay không.

  1. Gioan, người loan báo Đức Giê-su bằng cái chết
Như thế, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay rất mạnh mẽ, nhưng cũng thật kín đáo: thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giê-su một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết. Thật vậy, Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Thật vậy, chính vua Hê-rô-đê quyết định trảm quyết Gioan, nhưng có rất nhiều người tham gia vào quyết định này : Bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của vua, con gái bà Hê-rô-đi-a, và cả triều thần và quan khách có mặt trong bữa tiệc mừng sinh nhật. Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự…
Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải Sự Dữ triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, nhất là mặc khải vẻ bề ngoài hoàn toàn dối trá. Người tự nguyện để cho mình trở thành nạn nhân của Sự Dữ để phơi bày Sự Dữ, làm bật Sự Dữ ra khỏi chỗ ẩn nấp và lộ ra nguyên hình. Đó chính là cách Người chiến thắng Sự Dữ và chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ ngay hôm nay.

* * *
Tuy nhiên, khi nghe hay đọc trình thuật này, chúng ta có thể tự hỏi một cách tự phát: vậy đâu là phúc của Gioan, được loan báo khi mới sinh ra, khi mà ông đã cho đi tất cả, dâng hiến tất cả và phải chịu chết như thế?
Thánh Gioan loan báo Đức Kitô trong sự sinh ra, trong cuộc sống và trong cái chết, thì phúc của Gioan chính là trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô. Và bài Tin Mừng hôm nay đã kín đáo nói cho chúng ta điều này: sau khi thánh Gioan bị giết chết, có kẻ nói về Đức Giê-su:
Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy,
nên mới có quyền năng làm phép lạ
.
(c. 14)
Phúc của thánh Gio-an chi1nh là trở nên một với Đức Ki-tô, trong cuộc sống dẫn đến cái chết và trong niềm hi vọng sống lại nữa.
Nếu là như thế, phúc của Gioan, cũng là phúc của mọi người Kitô hữu chúng ta, những người sống đời sống hôn nhân, cũng như những người sống đời dâng hiến, đó là Đức Giêsu Kitô trở nên một với chúng ta, nơi mầu nhiệm Nhập Thể và nơi mầu nhiệm Thánh Thể hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua, để cho chúng ta có thể trở nên một với Ngài trong hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta hôm nay và mãi mãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc