Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Trung Quốc: Gần 50.000 người được rửa tội trong năm 2017

Filled under:

Trung Quốc: Gần 50.000 người được rửa tội trong năm 2017

WHĐ / Catholic Herald (25.02.2018) – Năm 2017, Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc có thêm 48.556 người nhập đạo, theo thống kê của Sổ Rửa tội; con số này phản ánh sức sống và sức mạnh truyền giáo của các cộng đoàn Công giáo ở Trung Quốc, theo tường thuật của Fides, cơ quan truyền thông của Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc.
Tuy nhiên, con số trên có thể không đầy đủ, do những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu từ các cộng đồng Công giáo ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.
Dù vậy, cơ quan tiến hành khảo sát hằng năm là Viện Nghiên cứu Văn hoá Faith – một tổ chức của Giáo hội có trụ sở tại Thạch Gia Trang –, cho biết con số thống kê vẫn “cho thấy sức sống và sự năng động truyền giáo của một cộng đoàn sống đức Tin hết mình”. Fides đã công bố lại các kết quả khảo sát của cơ quan này vào ngày 15 tháng Hai vừa qua.
Tỉnh Hà Bắc – nơi hằng năm vẫn luôn có số người được rửa tội cao nhất trong tất cả các tỉnh của Trung Quốc – đứng đầu danh sách với 11.899 người. Tổng giáo phận Bắc Kinh có 1.099 người, trong khi giáo phận Ninh Hạ có thêm 128 tín hữu Công giáo mới. Khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc, nơi mà phần lớn dân số là Hồi giáo, có 66 người. Tỉnh Thanh Hải có 54 người, và các cộng đồng biệt lập như đảo Hải Nam ở miền nam Trung Quốc có 38 người và Tây Tạng có 11 người.
Viện Nghiên cứu Văn hoá Faith nói thêm: “Mặc dù những con số trên đây thật khích lệ và nỗ lực truyền giáo trong các cộng đồng địa phương trên khắp Trung Quốc rất lớn, chúng ta phải luôn cảm thấy mình được kêu gọi canh tân nhiệt tình truyền giáo”.
“Phúc âm hóa ở Trung Quốc là một con đường dài và đầy khó khăn”. Viện Faith cũng chỉ ra rằng các con số thống kê “là một lời kêu mời và là một tiếng gọi vì chúng ta phải củng cố đức tin của mình và luôn tiến bước trong hành trình đến với Chúa Kitô”.
Viện Faith khuyến khích tất cả các cộng đoàn Công giáo tại Trung Quốc gìn giữ và không ngừng cải thiện văn khố và sổ sách của giáo xứ để có thể thu thập nhiều dữ liệu hơn trong tương lai. Cuối cùng, đi đến kết luận rằng các con số thống kê là một phương cách “để thấy được sự tăng triển của Giáo hội và công cuộc Phúc âm hoá được Chúa Kitô hoàn tất”.
(Nguồn: WHĐ)





&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Học hỏi Phúc âm
Chúa nhật 3 Mùa Chay - Năm B

(Ga 2,13-22)
Lời Chúa
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Ðức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Ðền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Ðền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nhà buôn bán". Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh:
Lòng nhiệt thành lo việc nhà Ngài sẽ nghiền nát tôi.
Người Dothái trả lời và nói với Ðức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ chúng tôi thấy là ông có quyền làm những điều ấy?" Ðức Giêsu trả lời và nói: "Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ nâng dậy". Người Dothái nói: "Ðền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông nâng dậy được sao?" Nhưng Ðền Thờ Ðức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người được nâng dậy từ cõi chết, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Ðức Giêsu đã nói.
Học hỏi
1. Trong Phúc âm thứ tư, Đức Giêsu có hay lên Giêrusalem vào các dịp lễ lớn không? Dịp lễ nào? Xem Gioan 2,13; 5,1; 7,14; 10,22-23; 11,55; 12,12.
2. Các Phúc âm nhất lãm đặt chuyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem vào khung cảnh những ngày cuối đời của Ngài (Mc 11,15-18; Mt 21,12-13; Lc 19,45-46). Còn Phúc âm thứ tư lại đặt ngay ở đầu sứ vụ của Đức Giêsu. Theo ý bạn, trong thực tế, chuyện này đã xảy ra ở đầu hay cuối ? Tại sao Phúc âm thứ tư lại đặt lên đầu?
3. Đọc kỹ bài Phúc âm này. Hãy cho thấy ở đây có sự căng thẳng, xung đột giữa Đức Giêsu với "người Do-thái". "Người Do-thái" để chỉ ai vậy?
4. "Nhà của Cha tôi" (câu 16) nghĩa là gì? "Nhà của Cha tôi" trong Gioan 14,2 nghĩa là gì ? Trong Phúc âm thứ tư, đây có phải là lần đầu tiên Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là "Cha tôi" không? Xem thêm Ga 5,18.
5. Đọc câu 17: "Lòng nhiệt thành đối với nhà Ngài sẽ ngấu nghiến (nghiền nát) tôi". Theo bạn, khi nào các môn đệ mới NHỚ câu Kinh Thánh (Tv 69,10) này vậy?
6. Trong câu 18, "người Do-thái" đòi một dấu chỉ. Đức Giê su có cho họ dấu chỉ nào không? Sau khi Đức Giê su phục sinh, các môn đệ đã hiểu câu 19 như thế nào?
7. Đọc câu 19. Câu này có dễ gây hiểu lầm không? Đức Giêsu có đòi phá Đền thờ Giêrusalem không? Đọc Mt 26,61 và Mc 14,58.
8. Tìm hai câu trong bài Phúc âm này ám chỉ đến cái chết của Đức Giêsu?
9. Trong bài Phúc âm này Đức Giêsu đã nói hai câu quan trọng, hãy cho biết đó là những câu nào?
10. Trong bài Phúc âm này, các môn đệ nhớ mấy lần? Khi nào họ mới nhớ?