Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 17/2/2018

Filled under:

ĐẠO LÀM NGƯỜI
 “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ.” (Mc 15,4)
Suy niệm: “Công cha như núi Thái Sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Kính nhớ ông bà tổ tiên là một “đạo làm người,” nhằm biết ơn các đấng sinh thành dưỡng dục. Đối với Ki-tô giáo, bổn phận này được Thiên Chúa thiết định cách rõ ràng trong Thập Giới và được đặt ngay sau các bổn phận đối với Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của mọi sinh thành và là nền tảng của mọi giáo dưỡng. Theo tác giả cuốn Giu-se, Ma-ri-a, Giê-su, Chúa Giê-su là gương mẫu của mọi người con, vì Ngài “ngày càng thêm khôn ngoan” nhận ra công ơn cha mẹ. Tác giả cho rằng, ngay cả những lời nguyện cầu dâng lên Chúa Cha, Chúa Giê-su nói bằng cung giọng của thánh Giu-se; nụ cười Ngài dành cho các trẻ nhỏ cũng lặp lại nụ cười của Mẹ Ma-ri-a. Vì thế, “khôn ngoan” là nhận ra công ơn và hiếu thảo với các đấng sinh thành. Nếu ông bà tổ tiên mà chúng ta không yêu thương kính nhớ, thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không trông thấy (x. 1 Ga 4,20)?
Mời Bạn: Điều đẹp lòng Thiên Chúa và vừa ý ông bà cha mẹ là thấy con cái hiếu thảo và sống yêu thương. Bạn làm gì để tỏ lòng hiếu thảo trong ngày này?
Chia sẻ: Trong môi trường sống hiện nay, điều gì khiến chúng ta dễ lỗi đạo “thờ cha kính mẹ”?
Sống Lời Chúa: Nhắc nhở nhau dành thì giờ sum vầy bên ông bà, cha mẹ, để tỏ lòng biết ơn và thắp nén hương cầu nguyện cho những vị đã khuất.

Cầu nguyện: Xin cảm tạ Chúa đã cho chúng con có ông bà cha mẹ. Xin cho chúng con sống với các ngài hết tình con thảo và hết lòng yêu thương nhau.

BẢY THÁNH LẬP DÒNG ĐẦY TỚ ĐỨC MẸ

Thế kỷ 13, một hội đạo đức nhỏ nhóm họp tại Florencia với mục đích "truyền bá nước Mẹ". Thành phần của hội là bảy thương gia tên tuổi. Tất cả đều là người xứ Florencia thuộc dòng tộc Tuscia bề thế. Theo một văn liệu cổ thời thì quý danh của các ngài là: Monanđi; Bonagiuntê Manêti; Manêtô Antenla; Amiđêô Amiđêi; Uguciô; Sôtinêô và Alêciô Phacônêri. Ngoài ra người ta không được biết chắc chắn về đời sống, nhất là về tuổi thiếu thời của các ngài, trừ những năm sau khi các ngài đã chính thức lập dòng theo ý Đức Mẹ. Sau đây là trang sử quý về công việc thiết lập dòng mới của các ngài:
Đồng tâm theo một chí hướng phụng sự Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, bảy anh em sống ràng buộc với nhau trong tình tri kỷ thắm thiết. Theo văn liệu của Maruli thì ngày 15-08-1233, ngày lễ Đức Mẹ lên trời, cả bảy anh em cùng được ơn kêu gọi bỏ thế gian tận hiến làm tôi Chúa và lo việc mở Nước Mẹ. Sau khi biết cả bảy người đều có thị kiến về thiên đàng như nhau, các vị đồng tâm quyết bán hết của cải đem tiền phân phát cho kẻ nghèo. Ngày 08-9 lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, các ngài khai mạc đời sống cộng đồng.
Nhưng trước khi khởi công truyền giáo, các ngài đến xin phép Đức Giám mục thành Florencia. Nghe trình bày về những việc đã xẩy ra và những dự định của các thánh, Đức Giám mục vô cùng hoan hỷ, người chuẩn nhận ngay, ban phép cho các đấng dựng nhà nguyện nhỏ và cử một linh mục đến làm lễ tại đó. Đức Giám mục còn chúc lành, hứa hết sức ủng hộ chương trình và bảo vệ sứ mệnh của các ngài. Rút về một làng quê nhỏ, các ngài đổi áo mầu tro, mang giây sắt, khép mình vào đời sống hoàn toàn khó khăn và quên mình vì Thiên Chúa. Thầy Monanđi thâm niên và đầy kinh nghiệm nên được chọn làm bề trên dòng trong những năm đầu.
Ít lâu sau, vì muốn làm vinh danh Chúa hơn bằng cách biểu dương cho mọi người biết đời sống hạnh phúc của mình, các thầy thường ra phố rao giảng và đi hành khất. Lần kia, trong khi các thầy đi hành khất ngoài phố, bỗng có mấy em bé còn ngậm vú mẹ, được ơn trên thôi thúc, đã cả tiếng kêu lên: "Kìa, kìa những đầy tớ trung kiên của Trinh Nữ!
Các người hãy làm phúc cho những vị thánh này!" Trong số đó có em bé Philippê Bêniti bấy giờ chưa đầy năm tháng. Sau này Philippê đã nhập dòng và làm nhiều việc sáng danh Chúa và ích lợi cho nhà dòng. Theo nhiều tài liệu, Philippê được kể như một trong những vị sáng lập và trùng tu nhà dòng.
Năm sau các thầy lại đến xin Đức Giám mục cho phép di nhà dòng xa thành Florencia hơn. Đức giám mục chuẩn nhận và còn cho cả một khu đất để tiện việc xây cất. Lễ Chúa Lên Trời năm 1234, các đấng nhất quyết tận hiến cho Chúa, buộc mình làm tôi trung của Đức Mẹ. Sau một năm cố gắng, dưới sự phù trợ của Đức Mẹ, các ngài đã hoàn thành một khu nhà rộng rãi đổi hẳn quang cảnh của mảnh đất hoang tàn khi xưa. Mùa xuân năm ấy, Đức Thánh Cha cử Đức Hồng Y Satiông (Chatillon) sang thăm viếng dòng. Sau những ngày quan sát, Đức Hồng Y phải sửng sốt trước cảnh sống đạo đức và hãm mình của các tu sĩ. Trước khi về, Đức Hồng Y dùng quyền bắt các ngài phải giảm bớt đời sống khắc khổ.
Chính Đức Mẹ cũng hiện ra truyền cho các ngài phải vận áo đen thay áo mầu xám để kính nhớ sự thương khó Chúa. Đồng thời Đức Trinh Nữ dậy các ngài phải sống theo quy luật thánh Augustino. Cho tới ngày nay, để kính nhớ lần Đức Mẹ hiện ra này (thứ sáu năm 1239) các tu sĩ thường cử hành lễ táng xác Chúa đêm thứ sáu và sáng thứ bảy, tổ chức trọng thể lễ đội triều thiên của Đức Mẹ. Cũng vì lần Đức Mẹ hiện ra này nhiều người đã muốn đổi tên dòng ra: "Dòng anh em kính sự thương khó Chúa Giêsu ".
Theo ý Đức Mẹ muốn, Đức Giám mục thành Florencia chủ tọa lễ mặc áo dòng mới của các thánh. Nhân dịp này nhiều thầy đổi tên, mang tên dòng, và được lãnh chức linh mục. Riêng thầy Alêciô Falcônêri vì lòng khiêm nhường, xin ở bậc các thầy trợ sĩ cho đến trọn đời. Đầu tiên vì không có ý mở thêm dòng, nên các ngài không nhận thêm một tu sĩ nào.
Cho tới khi Đức giám mục vì muốn dòng phát triển, nên ngài truyền lêïnh các ngài phải mở cửa dòng thu nhận những trẻ em thiện chí. Đức vâng lời của các ngài đã được Chúa chấp nhận bằng một sự kiện lạ lùng. Số là để theo gương các thánh tổ phụ ẩn tu, các ngài cố công làm việc xác bằng cách tăng gia khai khẩn thêm một khu đất hoang. Nhưng vì đất xấu lại có tuyết phủ quanh năm nên không thể trồng trọt gì được, trừ mấy gốc nho khô chồi trơ trụi. Thế mà chủ nhật thứ ba mùa chay năm 1239, mặc dầu trời còn lạnh, đất vườn phủ băng tuyết, người ta phải sửng sốt khi thấy một mầm nho trong đêm đã bò lan phủ khắp vườn, mỗi cành đều mang hoa thắm và những chùm quả chín mọng. Còn cách cắt nghĩa nào hơn là nhận ý Chúa muốn tỏ dấu thịnh vượng của dòng sau này! Điều đó đã nên thực!
Dầu vậy trong những năm đầu, dòng phát triển khó khăn và gặp phải nhiều cản trở, nhất là do sự phá rối của tà thuyết. Nhưng ai hiểu được việc Chúa quan phòng? Theo dòng thời gian, dòng dần dần phát triển nhờ sự khuyến khích, nâng đỡ và chuẩn nhận đặc biệt của các vị Giáo Hoàng và hàng Giáo phẩm địa phương… Dưới thời cha bề trên cả Philipphê, Đức Giáo Hoàng Biển đức ban phép chính thức nhận dòng, đánh dấu cho đà phát triển không ngừng của dòng.
Thế kỷ XIV, dòng đã có 100 nhà và nhận việc truyền giáo tại Ấn Độ. Sau thời gian bạo loạn, dòng được trùng tu và nhiều cơ sở mới được thiết lập tại Anh và Mỹ Châu…
Sau đây là mấy nét đại cương về đời sống mỗi vị thánh Dòng Đầy Tớ Đức Mẹ:
* Cha Monanđi sinh quán tại Florencia năm 1198, là người thâm niên nhất trong số anh em, và là bề trên tiên khởi của dòng trong 16 năm đầu. Sau những năm tận tụy với chức vụ và tu luyện nhân đức, thánh nhân đã được Chúa cất về ngày 01-04-1262. Hôm ấy chính Đức Mẹ đến đón ngài trong khi còn chủ tọa buổi kinh ban mai. Chính thánh nhân đã dầy công huấn luyện và ban áo dòng cho thầy Philippê Bênêti, vị bề trên lỗi lạc về sau.
* Cha Bonanđi Untêmati, chào đời năm 1206 tại Florencia. Ngài lớn lên với đức tính hiền hòa và nhiều thiên tài. Nhưng trổi vượt hơn cả là tâm hồn yêu tĩnh mịch; sống đời suy niệm sự thương khó Chúa và Thánh Mẫu. Khấn dòng chưa được mấy năm ngài đã được Chúa gọi về trời ngày 31-08-1257. Đời của ngài tuy vắn nhưng là cây cảnh Chúa chăm riêng với nhiều phép lạ và lời tiên tri nhất là sau khi ngài về trời.
* Cha Monêtô Antenlara, với trí óc thông minh hiếm có. Chăm chú trau dồi văn chương. Nhưng không quên khoa học trọn lành. Ngài yêu sống ẩn dật hầu tiện việc chiêm niệm và suy ngắm về thần học. Ngài được chọn làm bề trên sau cha Giacôbê Siênô. Và vị kế ngài là cha Philippê. Ngài qua đời ngày 20-08-1268 để lại cho nhà dòng một niềm mến thương trộn mùi hương nhân đức.
* Cha Amiđêô Amiđêi chào đời năm 1204 trong một gia đình bị ly tán vì cảnh tao loạn, nhưng ai nấy vẫn một niềm kính sợ Thiên Chúa. Dù sống trong cảnh đầy nước mắt, Amiđêi vẫn luôn bộc lộ tính tình vui vẻ, tươi trẻ, tinh thần quảng đại và tâm hồn trong trắng. Đời sống thánh thiện ấy càng phát triển hơn khi ngài đã khấn dòng. Nhờ lời cầu nguyện của ngài, một em bé chết đã được sống lại. Thánh nhân hai lần được cử làm bề trên nhà dòng. Ngài qua đời ngày 18-04-1266, với điềm lạ: từ giường ngài xuất hiện một luồng sáng bay về trời và xông ra một mùi hương thơm nức.
* Cha Sôtinêô và cha Uguciô sinh cùng một năm tại Florencia và cùng lớn lên trong một tình tâm giao chí thiết. Nhưng về chí hướng nên thánh lại mỗi người một khác, Sôtinêô yêu tĩnh mịch, chiêm niệm và ham đọc truyện các thánh; còn Uguciô lại yêu hoạt động, mở rộng tinh thần bác ái hầu giúp đỡ yên ủi kẻ bệnh tật và người nghèo khó.
Cả hai cùng tận tâm làm việc phát triển tinh thần dòng và cũng là những cánh tay phải của bề trên. Suốt thời cha bề trên Philippê cha Sôtinêô giữ chức đại diện ngài tại Pháp và cha Uguciô giúp ngài tại Đức. Sau hết, cả hai được Chúa gọi về cùng một đêm vừa khi cha bề trên Philippê được thị kiến thấy hai giường phủ đệm trắng và chất đầy hoa huệ từ từ bay về trời. Hôm ấy là ngày 03-05-1282.
* Thầy Alêxiô Facônêri xuất thân tại Florencia năm 1200, là người trẻ nhất trong dòng và cũng sống lâu năm hơn cả. Ngài hết sức trung thành với tinh thần dòng ngay trong những việc nhỏ mọn. Dù được Chúa cho trí khôn lỗi lạc, đã từng ngồi ghế giáo sư với bao sự thán phục của người đời, thánh nhân vẫn luôn sống khiêm tốn, chân thành, trọng đức khiết trinh và quyết tâm sống bậc quy sĩ. Ngài thọ 110 tuổi, được Chúa lấy hình trẻ nhỏ hiện ra, đặt triều thiên hoa trên đầu ngài làm dấu gọi về trời. Ngài tạ thế ngày 17-02-1310.
Riêng về di hài các thánh, theo một tài liệu chắc chắn, thì chỉ một mình thầy Alêxiô tạ thế và mai táng tại Caphuđiô còn 6 vị khác đều trút hơi thở tại Sênariô. Ngay khi các đấng vừa qua đời, người ta đã tôn kính như những vị thánh.
Đức Biển đức XIV làm chứng rằng: ngay thời ngài, di hài các đấng đã được mai táng trong nhà thờ núi Sênario. Trừ thánh Alêxiô, các vị khác được mừng lễ kính như những vị thánh linh mục. Đầu tiên Giáo hội định lễ các thánh vào ngày 11-02 nhưng sau vì trùng phải ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, nên lễ kính các thánh lại được dịch vào ngày 12-02 mỗi năm. Ngày đó, Giáo hội hoan hỷ chúc mừng cuộc chiến thắng và đức khôn ngoan của các ngài với lời khen ngợi; "Họ không phải những đứa con sinh ra để chịu huỷ diệt, vì họ là dòng giống được Chúa chúc phúc, và cả con cháu họ (Is. 65,23). Thân xác họ được mai táng nơi an lạc và danh họ được lưu truyền vạn đại" (Eccl. 44,14).


Người Buồn Cảnh Có Vui Ðâu Bao Giờ

Bỏ xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợị Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.
Một thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèọ Ra đi hồ hởi bấy nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêụ Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy...
Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.
Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.
Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.
Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng tạ Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng tạ Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng tạ Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.
Câu chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: :bình an cho các con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh. Mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.