Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 19/12/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 25, 31-46
31 “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.33Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? “40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.”44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? “45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”
Suy niệm 1
Thi hào Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50, 
có kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe. 
Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua bước xuống. 
Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh. 
Người hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu. 
Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một hạt vàng rất nhỏ. 
Anh khóc vì tiếc mình đã không cho ngài tất cả những gì mình có.
Có khi nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không ? 
Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn xin không ? 
Trên chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946, 
Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto. 
“Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cả 
và theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất.” 
Chị đã viết như thế, và chị còn giải thích thêm : 
“Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsu 
bằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.” 
Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở khu ổ chuột. 
Chị đã cho Ngài tất cả và chị không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.
Bài Tin Mừng hôm nay hẳn đã chi phối đời của chân phước Têrêsa Calcutta. 
Bài này cũng hợp với Mùa Chay, mùa chia sẻ, mùa làm việc bác ái. 
Hơn nữa bài này vén mở cho ta thấy một lối hiện diện khác của Đức Giêsu. 
Ngài không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội, 
mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù. 
Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng, 
nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn. 
Đức Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng, 
mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ.
“Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,
là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
 (c. 40). 

Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài. 
Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài. 
Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu. 
Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tỵ nạn, 
nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng. 
Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng 
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, 
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, 
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, 
có bao điều con lãng phí 
bên cạnh những Ladarô túng quẫn, 
có bao điều con hưởng lợi 
dựa trên nỗi đau của người khác, 
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công 
chẳng ở đâu xa. 
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. 
Con phải chịu trách nhiệm 
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân, 
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó 
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, 
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. 
Thế giới còn nhiều người đói nghèo 
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, 
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2

Thường thì người ta hay miêu tả viễn tượng ngày tận thế rất chi là khủng khiếp, rùng rợn với những cảnh tượng hủy diệt. Thế nhưng hôm nay, thánh sử Mátthêu lại trình bày cho chúng ta cảnh ngày tận thế không mấy ngoạn mục: không có động đất, không có mặt trời tối tăm, không có những vì sao tắt sáng hay nắng lửa mưa dầu. Duy chỉ có mình Chúa Giêsu Kitô trong vinh quang đến ngự trên ngai, dấu chỉ uy quyền phán xét của Người.

Uy quyền của Đức Kitô bao trùm khắp muôn phương: các thiên thần hầu cận, các dân thiên hạ tập hợp trước tôn nhan Người. Hành động đầu tiên của Con Người là phân tách khối người ra hai bên: bên phải là kẻ lành, bên trái là kẻ dữ, ở giữa là khoảng trống. Hành động phân chia này thiết lập nên sự phán xét. Sau đó là những lời giải thích về việc phán xét. Việc phán xét không theo chủng tộc như quan niệm người Do Thái, cũng chẳng theo bất cứ tiêu chí định tính hay định lượng nào của thế gian, nhưng theo đời sống luân lý mà mỗi người đã sống.

Phần thưởng cho những người bên phải, Chúa Giêsu phán rằng: “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc hãy đến hưởng Nước Trời…”. Còn hình phạt cho những người bên trái, Người phán: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời”. Theo đó, Nước Trời trước hết là sự ở gần Thiên Chúa. Còn lửa đời đời là sự xa lìa Thiên Chúa. Hai nơi đối nghịch nhau đều là đích cuối cùng sau một hành trình sống lâu dài mà Thiên Chúa hằng kiên nhẫn chờ đợi. Con người chỉ đến phán xét và chấm dứt lịch sử thế giới sau một thời gian Thiên Chúa đã kiên trì thi ân giáng phúc và tìm kiếm cứu độ loài người.

Tùy thuộc vào thái độ sống mà mỗi người định đoạt cho mình chỗ đứng bên Đức Kitô trong ngày phán xét. Chúng ta được hưởng Nước Trời hay bị vào lửa đời đời chính là tiếp đón hay từ chối giúp đỡ Đức Kitô hiện diện trong kẻ khốn cực, chính là làm hay không làm giúp người thân cận của mình.

Mùa Chay thúc bách chúng ta sống Tin Mừng hẳn hoi, nghiêm túc. Sống lời Chúa triệt để giúp chúng ta liên đới với mọi người tốt đẹp ở đời này, nhất là sự liên đới với Chúa Giêsu đồng hóa nơi con người thấp kém, bất hạnh. Đó là cửa vào Nước Trời đời đời trong ngày phán xét.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường