Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Tĩnh tâm giáo triều, bài 8:

Filled under:

Lòng thương xót
là Tin mừng cần được khám phá

Tĩnh tâm giáo triều, bài 8: Lòng thương xót là Tin mừng cần được khám phá.
Roma (Vatican News 22-02-2018) - Một trong những nguy hiểm trong hành trình nội tâm coi mình là tâm điểm, "trong đó cái tôi là khởi đầu và kết thúc của mọi thứ ." Cha José Tolentino Mendonca, giảng thuyết viên của tuần tĩnh tâm của Ðức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Roma, đã tập trung bài suy niệm thứ 8 trên dụ ngôn đứa con hoang đàng - một câu chuyện phản ánh thực tại của các gia đình, trong đó mối liên hệ giữa anh em bị suy mòn bởi những thứ tình cảm như ghen tị; trong khi đó, người cha là hình ảnh của lòng thương xót. Hình ảnh của gia đình trong dụ ngôn cũng giống như các gia đình của chúng ta. Chúng ta nhận thấy ý nghĩa tinh tế của mối liên hệ con cái, của câu chuyện tinh tế và mong manh của tình cảm mà chúng ta tạo nên với nhau.
Khát vọng trôi dạt (không theo đường tốt)
Trong chúng ta, thực sự không chỉ có những điều tốt đẹp, hài hòa và được giải đáp. Trong chúng ta có cảm giác ngột ngạt, nhiều điều cần được làm rõ, các bệnh lý, vô số sợi dây cần kết nối. Có những vùng đau khổ, những khu vực cần được hòa giải, các ký ức và những ngắt quãng để cho Thiên Chúa chữa lành chúng ."
Thời đại chúng ta bị thống trị bởi "khao khát trôi dạt", nó thúc đẩy "trong chúng ta, những đứa con hoang đàng", ý muốn dễ dàng, không đàng hoàng , chủ nghĩa khoái lạc. Và tất cả điều này phát triển thành "vòng xoáy lừa đảo" bị điều khiển bởi một "xã hội tiêu thụ" hứa hẹn thỏa mãn mọi người và mọi thứ bằng cách đồng hóa "hạnh phúc với sự thõa mãn ." Như thế chúng ta rất "thõa mãn, đầy đủ, hài lòng, thuần hóa ." Nhưng sự thõa mãn do việc tiêu thụ mang lại thì chỉ là "nhà tù của các khao khát ."
Kỳ vọng bệnh hoạn (không tốt lành)
Thêm vào nhu cầu tự do của đứa con thứ, bị thúc đẩy bởi "những bước sai lầm" và "những tưởng tượng về sự toàn năng", là những "kỳ vọng bệnh hoạn" của người con cả:
"Ðiều tương tự rất dễ xâm nhập vào chúng ta: khó khăn trong việc sống tình huynh đệ, đòi hỏi ảnh hưởng quyết định của người cha, sự từ chối vui mừng với điều tốt của người khác# Tất cả điều này tạo ra trong anh ta một sự oán giận ngấm ngầm và không có khả năng nắm bắt luận lý của lòng thương xót".
Nguy hiểm của sự ganh tị
Thêm vào những bước sai lầm của đứa con thứ, xuất phát từ khao khát tự do của tuổi trẻ sinh động, là một nguy hiểm khác làm cho người con cả mệt mỏi kiệt quệ. Ðó là sự ghen tị. Ðiều này cũng là một bệnh lý của sự khao khát. Ðó là tình trạng thiếu tình yêu, một đòi hỏi vô lý và không hạnh phúc. Con trai cả, người không thể giải quyết được mối quan hệ với em trai, vẫn bị giằng xé bởi "sự háo chiến, những rào cản và bạo hành ." Tuy nhiên, ngược lại với sự ghen tị, là lòng biết ơn, nó "xây dựng và tái khám phá thế giới ."
Lòng thương xót là một Tin mừng cần khám phá
Bên cạnh hình ảnh các đứa con, mà cách thế của họ phản ánh hình ảnh của chúng ta, nổi lên hình ảnh người cha:
"Hình ảnh của lòng thương xót là người cha này. Ông có hai đứa con và ông hiểu rằng cần phải cư xử với mỗi đứa theo cách khác nhau, dành cho mỗi đứa một sự quan tâm duy nhất ."
Lòng thương xót, "không phải là dành cho người khác điều họ đáng được hưởng ." Lòng thương xót là cảm thông, là lòng tốt và tha thứ. Nó là "cho nhiều hơn, cho quá mức, đi xa hơn ." Ðó là một "tình yêu vượt mức", nó chữa lành vết thương. Lòng thương xót là một trong những thuộc tính của Thiên Chúa. Vì vậy, tin tưởng vào Thiên Chúa là tin vào lòng thương xót. Lòng thương xót là Tin mừng cần được khám phá. (Vatican News 22/02/2018)


Hồng Thủy





Tĩnh tâm giáo triều, bài 7:
Nhận ra cơn khát của mình
và để Chúa can thiệp

Tĩnh tâm giáo triều, bài 7: Nhận ra cơn khát của mình và để Chúa can thiệp.
Roma (Vatican News 21-02-2018) - Trong bài suy niệm thứ bảy của tuần tĩnh tâm vào chiều thứ tư, 21 tháng 02 năm 2018, cha giảng thuyết José Tolentino Mendonca nhắc cho mọi người rằng chính sự nghèo khổ của chúng ta là nơi mà Chúa Giêsu đi vào cuộc đời chúng ta và cản trở lớn nhất đối với sự sống của Chúa Kitô ở trong chúng ta không phải là sự mỏng dòn của chúng ta nhưng là sự cứng nhắc và tự cảm thấy đủ của chúng ta. Do đó cần học uống chính cơn khát của mình. Trong bài suy niệm, cha José tiếp tục suy tư về cơn khát bằng cách liên kết nó với cuộc Thương khó của Chúa Giêsu.
Con đường dạy chúng ta nhiều hơn quán trọ
Giáo hội không được cô lập mình trong một tháp ngà, bằng cách trở thành người giám hộ của ơn thánh, nhưng Giáo hội cũng là một môn đệ, và một cách nào đó, sống kinh nghiệm của dân du mục. Qua đó, ngay cả những người không tin cũng có thể quan sát đời sống đức tin của chúng ta với một sự tươi vui ngạc nhiên. Cũng có thứ nguy hiểm là muốn người khác phải bước đi, thậm chí là đòi hỏi khẩn cấp, trong khi chúng ta vẫn ngồi lì. Chúng ta phải cẩn thận để đời sống thiêng liêng của chúng ta không bị chứng ù lì, ít vận động không bị chứng teo cơ nội tâm.
Nhìn thấy trong cơn khát là một cách thức hành trình
Ðời sống tâm linh của chúng ta phải giống như một cuộc phiêu lưu cộng đồng, mà Gustavo Gutiérrez đã nhấn mạnh trong cuốn sách "Uống từ giếng của mình. Hành trình thiêng liêng của một dân tộc ." Giếng nước mà ta lấy nước để uống là đời sống thiêng liêng cụ thể, bị thương tổn bởi sự bất định và hạn hẹp:
Nhân loại mà chúng ta nỗ lực để ôm lấy, của chính chúng ta và của người khác, là nhân loại mà Chúa Giêsu thực sự ôm lấy, bởi vì Người cúi xuống, với tình yêu, trên thực tại của chúng ta, chứ không phải trên sự lý tưởng hoá của bản thân chúng ta mà chúng ta đang xây dựng. Nói tóm lại, mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa mang lại cho chúng ta một cái nhìn thực về cuộc sống.
Bỏ đi "tật" đòi một cuộc sống hoàn hảo
Khát khao, trong một nghĩa nào đó, nhân văn hóa chúng ta và tạo thành một con đường "trưởng thành thiêng liêng ." Cha José nhắc rằng phải mất rất nhiều thời gian để làm mất đi thói cầu toàn, đòi những điều hoàn hảo, để chiến thắng được thói quen che đậy thực tế bằng những hình ảnh giả dối. Như Thomas Merton viết, Chúa Kitô muốn đồng hóa mình với những điều mà chúng ta không yêu thích nơi mình, bởi vì Người đã nhận lấy nỗi khốn khổ và đau khổ của chúng ta trên chính mình. Chính Thánh Phaolô đã làm chứng rằng đức tin giống như một giả thuyết nghịch lý: "Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ ."
Trở ngại lớn nhất đối với cuộc sống của Thiên Chúa trong con người chúng ta không phải là sự mỏng dòn hoặc yếu đuối, mà là sự cứng nhắc và cứng cỏi. Ðó không phải là sự dễ bị tổn thương và nhục nhã, nhưng ngược lại, là sự kiêu ngạo, tự thấy đủ, tự cho mình là công chính, cô lập, bạo lực, mê muội quyền lực. Sức mạnh chúng ta thực sự cần, ân sủng mà chúng ta cần, không phải của chúng ta, mà là của Chúa Giêsu Kitô.
Ba cám dỗ trong sa mạc
Nói về ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc, cha Josè khẳng định: "Nếu chúng ta chuẩn bị để lắng nghe, khao khát có thể là một bậc thầy quý báu của đời sống nội tâm ." Cám dỗ đầu tiên là bánh. Chúa Giêsu biết nhu cầu vật chất của con người, nhưng Người nhắc rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh. Câu trả lời của Ngài không phải là làm cho chúng ta trốn thoát khỏi thực tại, nhưng làm cho chúng ta xem nó như một nơi phải được mặc lấy Chúa Thánh Thần.
Ðể hiểu được cám dỗ thứ hai, cha Josè nhắc lại khi dân Israel ở trong sa mạc, đòi ông Môsê phải cho họ nước uống: để tin, chúng ta muốn thấy khát vọng của chúng ta được thỏa mãn, nhưng Chúa Giêsu "dạy chúng ta dâng sự im lặng, từ bỏ và khao khát như một lời cầu nguyện ." Cuối cùng, cám dỗ cuối cùng về các thần tượng, Chúa Giêsu đã trả lời: "Ngươi sẽ thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi: chỉ thờ phượng một mình Người ." Trong đoạn Tin Mừng thánh Mátthêu, khi Chúa Giêsu phục sinh nhắc rằng mọi quyền phép trên trời và dưới đất đã được ban cho Người.
Quyền năng của Chúa Giêsu chính là sự dâng hiến chính mình đến cùng
Ma quỷ muốn được tôn thờ, nhưng sức mạnh của nó là vẻ bên ngoài, trong khi đó quyền năng của Ðấng Phục Sinh là một phần của mầu nhiệm thập giá, của sự dâng hiến chính mình. Ðây là một nguy cơ rất lớn, khi sự cám dỗ của quyền lực, trên quy mô lớn hay nhỏ, đưa chúng ta đi xa khỏi mầu nhiệm của Thánh Giá, khi nó đưa chúng ta ra khỏi sự phục vụ anh em chúng ta. Chúa Giêsu dạy rằng không để mình trở thành nô lệ bởi bất cứ ai và không bắt ai làm nô lệ, nhưng chỉ thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ: "Chúng ta không phải là những ông chủ, nhưng là các mục tử ." (Vatican News 21/02/2018)

Hồng Thủy
(Vatican News)