Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 27/2/2018

Filled under:

27/02/2018 THỨ BA 
Mt 23, 1-12  
1.Ghi nhớ: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).
2.Suy niệm: Ai trong chúng ta cũng ghét thói kiêu căng tự phụ, nhưng yêu thích kẻ khiêm nhường. Chúa Giêsu dựa vào những thói hư tật xấu của các biệt phái và luật sĩ “thích ngồi ở những chỗ nhất”, để cảnh giác chúng ta. Chúa cho ta biết khi được cất nhắc lên trong một chức vụ là nhằm để phục vụ người khác. Vì thế, ta phải biết ăn ở khiêm nhường, từ tốn và biết tôn trọng người khác. Mỗi người chúng ta đều được Chúa tín nhiệm trao cho một nhiệm vụ: người làm cha, kẻ làm mẹ; người làm thầy, kẻ làm trò; người làm chủ, kẻ làm người phục vụ… Chúng ta đã sống tinh thần Chúa dạy không?
3.Sống Lời Chúa: Tránh thói kiêu căng, tự phụ; nhưng sống khiêm tốn, chân thành phục vụ.
4.Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi nhìn ngắm mẫu gương của Chúa, con nhận thấy mình còn nhiều khuyết điểm. Xin Chúa thương ban cho con ơn canh tân và hoán cải. Amen.


THÁNH LÊANĐÊ GIÁM MỤC THÀNH SÊVILLA
(kh. 523-603)
Lêanđê (Léandre), sinh trưởng trong một gia đình quý tộc khoảng năm 523. Ngài là quý tử của ông Sêvêrinô, một nhân vật cao cấp trong thành Carthago. Anh ngài là Fulgenca, (Giám mục thành Eciga) và Isiđôrô. Em gái ngài là Florencia làm bề trên Dòng các chị tận hiến đời sống để thờ phượng Chúa. Thật là một gia đình tốt đẹp.
Ngay từ buổi niên thiếu, thánh Lêanđê đã tỏ ra là một thiếu niên xuất sắc linh hoạt, lợi khẩu, yêu chuộng nhân đức và rất giỏi khoa học. Sẵn có tài hùng biện và một căn bản tu đức chắc chắn, nên mặc dầu còn nhỏ tuổi, thánh nhân đã thuyết phục được nhiều người trở lại đạo công giáo.
Giữa lúc hoa đời chớm nở, tuổi xuân phơi phới đầy tràn hy vọng Lêanđê khước từ những thú vui trần gian, để hoàn toàn dâng mình phụng sự Chúa; không bịn rịn, ngài dứt áo lên đường ẩn mình trong tu viện Sêvilla. Thời gian vẫn đều đều trôi như giòng sông lững lờ, nhưng lòng người nam nhi đã thay đổi rất nhiều, cánh chim bàng đã tung mây vượt gió say sưa trong bầu không khí trầm mặc, suy niệm và thờ phượng Chúa. Khi Đức Giám mục thành Sêvilla qua đời, Lêanđê được Tòa Thánh cử lên làm Giám mục thành Sêvilla.
Bấy giờ vua Lêôvigiđô là người thuộc giáo phái Ariô cai trị nước Tây Ban Nha, rất ác cảm với đạo công giáo, ông thường hạ lệnh lăng nhục người công giáo và tịch thu tài sản của những quý chức trong họ đạo. Thánh Lêanđê rất đau lòng trước tình trạng bất công trong xã hội và nhất là Hoàng đế không tôn trọng tự do tín ngưỡng. Thánh nhân cầu nguyện và áp dụng nhiều phương pháp truyền giáo để củng cố đức tin giáo hữu và chận đứng sự lan tràn của giáo thuyết Ariô.
Nhờ ơn Chúa giúp đỡ, thánh nhân đã thuyết phục được hoàng tử Hêmênêgiđô. Hoàng tử đã bỏ giáo phái Ariô và tuyên thệ trước mặt thánh nhân quyết trung thành làm tôi Chúa, mặc dầu vua cha bất mãn và thịnh nộ. Sau cuộc ly giáo của hoàng tử Hêmêgêgiđô, nước Tây Ban Nha chia ra làm hai đảng xung đột nhau: một đảng của bạo vương Lêôvigiđô và một đảng của hoàng tử Hêmênêgiđô. Hoàng tử mang quân đi hùng cứ một nơi, nhưng vì thế yếu, nên hoàng tử nhờ thánh Lêanđê sang Côngtantinôpôli, xin vua Tibêriô viện trợ quân lực và khí giới. Nhưng vua Tibêriô chỉ phái một số quân tượng trưng đến giúp hoàng tử Hêmênêgiđô. Trong dịp này thánh Lêanđê đến bái kiến Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả.
Khi thánh nhân về nước, thì cuộc tranh đấu giữa Hoàng đế Lêôvigiđô và hoàng tử càng ngày càng gay go. Rồi trong một cuộc đột kích, hoàng tử Hêmênêgiđô đã bị nội công bắt giao cho Hoàng đế và bị tống giam. Ngày lễ phục sinh, Hoàng đế sai một linh mục thuộc giáo phái Ariô đến thăm hoàng tử và cho hoàng tử rước lễ, nhưng hoàng tử nhất định không rước lễ do tay một linh mục lạc giáo. Hoàng đế tức giận ra lệnh hạ sát Hêmênêgiđô ngày 14-04 dương lịch. Như vậy hoàng tử đã được phúc đội triều thiên tử đạo. Vua cha thỏa mãn và vui sướng vì đã giết được đứa con bất hiếu và hy vọng chấm dứt được tình trạng gay go trong nước. Nhưng ngờ đâu sau những giọt máu anh hùng tử đạo của hoàng tử Hêmênêgiđô đổ ra, đất nước càng ngày càng ở trong tình trạng bất an.
Điên khùng, Hoàng đế Lêôvigiđô phóng tay thanh trừng người công giáo, tịch thu tài sản của hàng giáo phẩm, trục xuất các Giám mục công giáo, trong đó có cả thánh Lêanđê và anh ngài là Phungêncê. Mặc dầu bị trục xuất khỏi quê hương thân yêu, thánh Lêanđê vẫn cương quyết chỉ huy mặt trận thiêng liêng tranh đấu với lạc giáo Ariô. Ngài hãm mình cầu nguyện, xin Chúa thương giúp Giáo hội Tây Ban Nha. Ngài viết hai tác phẩm minh giáo, trong đó ngài trình bày các lý do và phản đối lạc giáo Ariô. Dân chúng rất ham mê đọc hai tác phẩm minh giáo của ngài. Thánh nhân còn cho xuất bản một tác phẩm thứ ba để giải đáp những bác luận của lạc giáo Ariô. Khi xem những tác phẩm minh giáo của thánh nhân, nhiều người lạc giáo Ariô đã ăn năn trở lại đạo công giáo. Thánh Lêanđê cũng viết một thiên sách khảo luận, về đức thanh tịnh, trong đó ngài ca ngợi đức sạch sẽ và gửi cho em gái ngài là Plorentina.
Chúa không bao giờ quên Giáo hội ở dưới trần gian, máu anh hùng tử đạo của thánh Hêmênêgiđô và những giọt máu quý hoá của Giáo hội Tây Ban Nha đã thành liều thuốc cải tử hoàn sinh cho bạo vương Lêôvigiđô. Vua đã giác ngộ và đau đớn vì đã xúc phạm đến Giáo hội Chúa. Năm 586, trên giường bệnh trước khi từ trần, Lêôvigiđô công khai đoạn tuyệt với lạc giáo Ariô và chính thức xin ăn năn trở lại đạo công giáo. Hơn nữa vua còn uỷ cho người con kế nghiệp của mình là Rêcarêđô nhiệm vụ bênh vực hàng giáo sĩ, ủng hộ công tác truyền bá đức tin. Vua còn bảo cho Rêcarêđô phải coi thánh Lêanđê và Pulgencê như những người cha khả kính. Sau cùng trước khi trút hơi thở mãn đời, Lêovêgiđô xin thánh Lêanđê cố gắng luyện tập cho Rêcarêđô bắt chước gương anh hùng của Hêmênêgiđô, người anh cả đã đổ máu để tuyên xưng đức tin.
Đời sống và việc làm của thánh Lêanđê rất có ảnh hưởng đến Rêcarêđô. Do lời khuyên của thánh nhân, Rêcarêđô đã triệu tập một hội nghị các Giám mục toàn quốc. Ông rất sung sướng, vì được tiếp kiến và lĩnh nhận được nhiều điều chỉ giáo của các Giám Mục. Chính thánh Lêanđê chủ tọa cuộc hội nghị này và ngài đã đọc một bài diễn văn tạ ơn Chúa đã thương Giáo hội Tây Ban Nha, và đặt làm như trung tâm hoạt động công giáo dẫn dắt biết bao linh hồn tội lỗi trở lại đạo Chúa.
Lợi dụng tình thế quốc gia hùng thịnh và quốc vương nhiệt liệt ủng hộ giáo thuyết công giáo, thánh Lêanđê đem hết tài năng, tập trung tư tưởng vào công việc làm sáng danh Chúa và cứu các linh hồn. Chính vì thế mà ngay sau khi qua đời, người ta đã tặng cho ngài biệt hiệu vị tông đồ nước Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô cũng viết cho thánh nhân một bức thư ca ngợi công tác hoạt động tông đồ của thánh nhân. Ngài còn đặc biệt khích lệ thánh nhân đã có công cải tiến Hoàng đế Rêcarêđô, đồng thời Đức Giáo Hoàng cũng ngỏ cho thánh nhân biết kết quả mỹ mãn của các tác phẩm mà thánh nhân đã sáng tác.
Thánh Lêanđê rất nhiệt thành trong việc coi sóc giáo hữu. Mặc dầu nhiệm vụ giám mục đòi hỏi phải có một sức khoẻ sung mãn, thánh Lêanđê cũng thường ăn chay đền tội. Ngài thức khuya dậy sớm để làm việc và cầu nguyện; ngài rất ham mê đọc Kinh Thánh và các loại sách tu đức.
Sau những công việc khó nhọc trong nhiệm vụ tông đồ và những kết quả mỹ mãn đã thu lượm được, Chúa đã gọi thánh nhân về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Ngài qua đời ngày 27-02-603.
Xác ngài được mai táng trong nhà thờ kính hai trinh nữ Giuta và Ruphina.

Gregorio làng Narek người Armeni là Tiến sĩ Hội Thánh

(950 – 1010)

VATICAN. ĐTC sẽ tôn phong thánh Gregorio làng Narek người Armeni là Tiến sĩ Hội Thánh.
Hôm 21-2-2015, ĐTC đã tiếp kiến ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và đã phê chuẩn quyết định của các Hồng Y và GM thành viên của Bộ trong khóa họp toàn thể về việc tôn thánh Gregorio làng Narek làm Tiến Sĩ Hội Thánh. Đây là vị Tiến Sĩ thứ 36 của Giáo Hội.
Thánh nhân sinh năm 950 tại làng Narek thuộc cộng hòa Arméni trong một gia đình văn sĩ và mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Thân phụ của ngài là Cha Khosrov sau này trở thành Tổng Giám mục. Gregorio cùng với em là Gioan được thân phụ ủy thác cho một người họ hàng là bà Anania Narek cũng là người đã lập ra trường học và làng Narek, chăm sóc.
Lớn lên, Gregorio đi tu làm Đan sĩ, rồi thụ phong LM và trở thành Viện Phụ một Đan viện. Ngài sống rất khiêm tốn và bác ái, dấn thân làm việc và cầu nguyện, đầy lòng kính mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Cha Gregorio là một thần học gia nổi bật và là một trong những thi sĩ quan trọng nhất của nền văn chương Arméni. Trong số các tác phẩm của ngài có cuốn chú giải Sách Nhã Ca, nhiều bài tán tụng Chúa và Đức Mẹ, cùng với một bộ sưu tập 95 kinh nguyện dưới hình thức thơ phú gọi là ”Narek” cũng là tên Đan viện nơi ngài sinh sống. Ngài qua đời năm 1010, thọ 60 tuổi. Mộ của thánh nhân trở thành nơi thu hút các tín hữu đến hành hương cho đến năm 1915 là thời kỳ cuộc tàn sát của Thổ nhĩ kỳ chống dân Arméni.
Trung thành với truyền thống Giáo Hội thánh Gregorio có lòng sùng mộ sâu xa đối với Đức Mẹ và theo lưu truyền Ngài đã được Đức Mẹ hiện ra. Trong số các tác phẩm của ngài, đặc biệt có bài tụng ca Đức Trinh Nữ Maria và kinh nguyện số 80 mang tựa đề ”Từ thẳm sâu tâm hồn, chuyện vãn mới Mẹ Thiên Chúa”. Trong kinh nguyện này, ngài cũng đào sâu mầu nhiệm Nhập Thể, kín múc từ đó những điểm để chúc tụng vẻ đẹp của Đức Mẹ.
Giáo Hội Công Giáo la tinh đã nhìn nhận sự thánh thiện của thánh Gregorio và gọi ngài là vị trổi vượt về đạo lý, các tác phẩm và khoa học thần bí. Lễ kính thánh nhân vào ngày 27-2 hằng năm. Giáo Hội Arméni ghi tên ngài vào số các vị Tiến Sĩ (SD 23-2-2015).
G. Trần Đức Anh OP





Ðám Ðông Dưới Chân Thập Giá

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngàị Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta lkhông thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngàị Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.