(Radio Vatican) Hãy canh chừng mỗi ngày để các con đừng xa lìa Thiên Chúa. Đó là lời mời gọi của ĐGH Phanxicô trong bài giảng vào thánh lễ sáng nay, thứ Năm, tại nhà nguyện Casa Santa Marta. ĐGH nói về nguy cơ mà tất cả chúng ta đều gặp phải đó là sự yếu lòng.

Vua David là một vị thánh cho dù ngài đã là một tội nhân; trái lại, vua Solomon khôn ngoan và vĩ đại thì lại bị Thiên Chúa chối từ bởi vì ông ta là một kẻ tham nhũng. ĐGH Phanxicô nhấn mạnh đến sự nghịch lý trong bài giảng của ngài. Bài đọc thứ nhất theo lịch phụng vụ hôm nay được trích từ sách các Vua quyển thứ Nhất, nói về vua Solomon và sự bất tuân của ông. ĐGH nói “những điều chúng ta nghe hôm nay có vẻ hơi lạ vì vua Solomon đã không toàn tâm toàn ý với Chúa, Thiên Chúa của ông như Vua cha David.”

Vấn đề của sự yếu lòng.

ĐGH nói rằng nó lạ thường vì chúng ta biết rằng vua Solomon đã phạm trọng tội trong lúc ông luôn có cuộc sống ổn định; trong khi chúng ta biết rằng David đã trải qua một cuộc sống khó khăn trong lúc ông là một tội nhân. Nhưng David là một vị thánh, trong khi Solomon, một người được Thiên Chúa khen ngợi, bởi ông chọn xin ơn khôn ngoan chứ không xin thêm giàu có, thì đã “quay lưng lại với Thiên Chúa.” ĐGH đặt câu hỏi là làm sao chúng ta giải thích điều này? Chính vì David biết mình là kẻ có tội, nên ông luôn xin ơn tha thứ, trong khi Solomon được bao người ca ngợi, đã tách mình ra khỏi Thiên Chúa để theo thần ngoại, nhưng lại không nhận ra sai phạm của mình.

Và đây là vấn đề của sự yếu lòng. Khi để cho lòng trí yếu dần thì nó không giống như trong tình trạng tội lỗi: Kẻ phạm tội thì liền nhận ra điều xấu xa ấy ngay. Rõ ràng là “Tôi đã phạm tội này.” Sự yếu lòng là một hành trình tiệm tiến, nó trượt nhẹ từng bước, từng bước… Và Solomon, cùng với vinh quang, tiếng tăm lẫy lừng, đã bắt đầu bước vào con đường này.

Solomon trở nên thanh thản trong sự tham nhũng của mình.

Quả là nghịch lý “rõ ràng tội lỗi thì tốt hơn sự yếu lòng. Một vị vua vĩ đại Solomon đã trở nên tham nhũng, thanh thản trong tham nhũng, bởi vì lòng trí ông ta yếu đuối.”

Và một người có trái tim yếu đuối, dù đó là đàn ông hay đàn bà, là người bị đánh bại. Đây là một quá trình của nhiều Kitô hữu, của nhiều người trong chúng ta. “Không, tôi không phạm tội trọng nào, nhưng lòng con thì sao? Con có vững lòng không? Con có trung thành với Thiên Chúa không, hay con đang từ từ trượt ra xa?

Hãy luôn canh chừng lòng trí con.

Bi kịch của sự yếu lòng có thể xảy ra trong đời sống của tất cả chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì đây? ĐGH khuyên là hãy tỉnh thức. “Hãy coi chừng, canh chừng lòng trí con. Hãy coi chừng. Mỗi ngày hãy cẩn thận xem xét những gì đang xảy ra trong lòng con. ĐGH kết luận:

Vua David là một vị thánh. Ông là một người tội lỗi. Một người tội lỗi trở thành một vị thánh. Vua Solomon bị chối từ bởi vì ông ta là người tham nhũng. Những ai tham nhũng thì không thể trở thành một vị thánh được. Và một người trở thành kẻ tham nhũng do đi theo con đường yếu mềm của lòng mình. Hãy tỉnh thức. Hãy luôn canh chừng lòng trí của con. Lòng trí con thế nào? Mối tương quan của con với Chúa ra sao? Và hãy thưởng thức sự đẹp và niềm vui của lòng trung thành.



Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên: Hãy nhớ rằng rồi bạn cũng phải chết.
Trong bài giảng vào thánh lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta vào hôm thứ Năm, ĐGH Phanxicô đã nói rằng dùng thời gian để suy nghĩ về cái chết của bản thân mình có thể là một kinh nghiệm giải thoát, và vì thế có thể giúp chúng ta trở nên con người tốt hơn.

Cái chết “là một thực tế ảnh hưởng đến mọi người.” Có người cái chết đến sớm hơn, có người muộn hơn nhưng dù thế nào thì “nó cũng sẽ đến.”

Vì chúng ta là những người đang đi trên một hành trình trong một khoảng thời gian hạn định, cho nên hãy cầu xin Chúa cho chúng ta ý thức về thời gian để chúng ta không bị “gian hãm” bởi giây phút hiện tại. ĐGH khuyên chúng ta hãy tự nhắc nhở chính mình rằng: “Tôi không phải là ông chủ của thời gian.”

Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta rồi ai cũng phải chết, như vậy “sẽ làm cho chúng ta đối xử với nhau tốt đẹp hơn.”

Bài giảng của ĐGH dựa vào bài đọc đầu tiên trong ngày, trích từ Sách Các Vua quyển thứ nhất nói về cái chết của Vua David.

Trong bài đọc, Vua David biết rằng giờ chết của mình đang đến gần và đã truyền dạy con trai của mình là Solomon, chuẩn bị kế vị ngôi vua.

Trước tiên David giải thích cho Solomon rằng ông “sắp bước vào đoạn đường mà mọi người trên đời phải đi qua; con hãy can đảm lên và sống cho xứng bậc nam nhi.”

Vua David nói với Solomon rằng “Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong Luật Mô-sê. Như thế con sẽ thành công trong mọi việc con làm và trong mọi hướng con đi.”

Cùng với ý này, ĐGH nói rằng một câu hỏi khác mà chúng ta nên đặt ra cho chính mình là “Tôi sẽ để lại gì cho đời nếu Chúa gọi tôi về hôm nay? Di sản gì tôi sẽ để lại như một chứng cớ của đời tôi?

“Đó là câu hỏi rất hay mà chúng ta nên tự hỏi mình. Và như thế, chúng ta có thể chuẩn bị cho mình, bởi vì không ai trong chúng ta… không một ai trong chúng ta sẽ tồn tại ‘như một thánh tích’. Tất cả chúng ta đều phải đi theo con đường này.”

Nhớ đến việc chúng ta chắc chắn sẽ chết có thể giúp cho chúng ta sống đời sống tốt hơn trong giây phút hiện tại và nó soi sáng cho những quyết định mà tôi phải chọn lựa mỗi ngày.”

Giuse Thẩm Nguyễn