Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 7/2/2018

Filled under:

TỐT GỖ HƠN TỐT NƯỚC SƠN
“Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,20)
Suy niệm: Một trong những điều dân miền quê, miền núi lo ngại nhất đối với nơi ‘an cư’ của họ, đó chính là: mối. Không từ một súc gỗ nào, không ngại một ngóc ngách nào, hễ loại cây gì có thể ăn được thì chúng xơi tái. Ngặt một nỗi người trong nhà không ai hay biết gì, vì nhìn bên ngoài cây gỗ còn ngon lành và mới mẻ lắm. Thế nhưng chỉ cần một thời gian ngắn thôi cây gỗ tự dưng rớt xuống, bấy giờ gia chủ mới hay: mối đã đục ruỗng bên trong hết rồi. Nơi con người cũng vậy, nhìn bên ngoài ai biết tâm địa bên trong thế nào: “Sông sâu còn có kẻ dò; nào ai bẻ thước mà đo lòng người”. Lối sống hình thức hào nhoáng và tính tự ái sĩ diện làm người ta trau chuốt những cái bên ngoài mà quên rằng chính những đam mê dục vọng, những âm mưu và toan tính tội lỗi làm cho con người ra xấu xa, chúng như loài mối đục khoét từ bên trong, để rồi một ngày kia bừng con mắt dậy thấy mình đã lún sâu trong tội lỗi tự bao giờ. Thật là nguy hiểm!
Mời Bạn: Bạn có phát hiện thấy mình đang bị ‘mối tội lỗi’ làm hư hoại không, hay Bạn cũng như gia chủ trên kia: mình vẫn còn đạo đức và tốt lành? Cũng như loài mối, những tội lỗi bị che đậy phát triển rất nhanh chóng. Để khử trừ chúng, bạn có cách: - kiểm điểm đời sống cách nghiêm túc; - siêng năng đến với bí tích hoà giải.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải không đợi đến ngày lễ lớn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm trong sáng, để con có thể nhìn mọi sự trong vẻ đẹp thanh cao của chúng. (Epphata)

THÁNH VASTÔ GIÁM MỤC HIỂN TU
(+ 540)
Cho tới ngày nay, không một tài liệu nào dám quyết đoán đích xác về gia thế và sinh quán của Vastô. Người ta chỉ biết Vastô bấy giờ là một thanh niên tuấn tú, sống độc thân tại tỉnh Tun (Toul) thuộc miền Florencia. Sau chuỗi ngày sống hầu như ẩn dật, tiếng thơm nhân đức của chàng thanh niên đó đã lan vang khắp xứ. Vastô được Đức Giám mục vời vào cho nhập hàng giáo sĩ, và sau chịu chức linh mục.
Năm 496, sau khi chiến thắng người Alamăng (Alamans), vua Clovis muốn hoàn tất lời hứa trước khi ra trận, đến thành Tun tìm một người cắt nghĩa cho những chân lý và mầu nhiệm của đạo Thiên Chúa. Không ai bảo ai, mọi người đều giới thiệu cho vua linh mục Vastô, vị tông đồ hằng sẵn sàng hiến thân cho việc truyền bá chân lý, nêu cao tinh thần bác ái. Từ đó cha Vastô thành người bạn đường của vua Clovis. Vua học đạo và trở lại nhận đức tin trên đường hành trình như trường hợp của hoạn quan trong công vụ tông đồ xưa. Như để chứng nhận lời giảng dậy của đầy tớ Vastô và cũng để thêm chứng đức tin cho nhà vua, Chúa đã ban cho Vastô làm phép lạ chữa một người mù ăn xin tại thành Rêmi. Chứng kiến sự lạ ấy, mọi người đều nhận Phúc âm. Về tới Ranh, ngày 25-10-496, vua chính thức chịu phép thánh tẩy do thánh Rêmi chủ sựï. Đồng thời, vua ngỏ ý muốn cho cha Vastô được nhập hàng giáo sĩ giáo phận Rêmi.
Nhập giáo phận, cha là cánh tay phải của Đức Giám mục, trong những việc giúp ngài quản trị giáo phận, trùng tu hoặc xây thêm nhiều nhà thờ, nhà thương và cơ sở. Thấy gương nhân đức của cha Vastô, thánh Rêmi cử ngài làm Giám mục thành Arát (Arras). Vừa lên làm Giám mục, thánh nhân cho cất hai ngôi thánh đường đã bị giặc giã tàn phá. Hạnh phúc hơn cả là ngay buổi đầu khi làm Giám mục, thánh nhân đã được Chúa cho làm nhiều sự lạ: ngày kia trên đường vào thành Arát, ngài đã làm phép lạ chữa bệnh cho một người hành khất vừa mù lại bất toại. Toàn dân hân hoan đón ngài như một sứ giả tự trời sai xuống. Nhưng trước cảnh tưng bừng ấy. Đức Giám mục Vastô không thể cầm lòng nhìn thấy ánh sáng đức tin đã lu mờ và tinh thần bác ái của dân thành hầu như không còn nhựa sống, nhiều nơi trong giáo phận ngẫu tượng được đặt lên thay Thiên Chúa, bác ái nhường chỗ cho kiêu ngạo và hằn thù. Trên đường đi thăm những giáo đường bị tàn phá, Đức giám mục khám phá được một bàn thờ tôn kính Đức Mẹ. Với lòng tin tưởng vào Đức Mẹ, ngài nhất định xây một thánh đường dâng kính Nữ Vương và chính thức dâng giáo phận cho Mẹ.
Ngài phải kiên tâm và nhân ái lắm mới khuất phục được những yêu sách và gạt bỏ được những ảnh hưởng xấu của dân ngoại. Đó là những phong tục bại luân từ đế quốc Rôma du nhập dưới triều Clôtariô. Họ hiếu chiến và ưa tổ chức những buổi lễ xa hoa, những cuộc dạ hội dâm dật. Nhưng một phép lạ đã mở mắt họ. Số là ông Hogiút, một trong các lãnh chúa, vì lòng kính cẩn Đức Giám mục, ông đã dâng cho ngài hết cả số lương bổng. Ngày kia ông tổ chức yến tiệc thiết vua Clotariô để nhà vua có dịp gặp gỡ và hội kiến Đức giám mục Vastộ Được ơn soi sáng, Đức giám mục tưởng nên nhờ dịp đó để bài trừ tội lộng hành của nhà vua. Ngài đã nhận lời mời của lãnh chúa. Vào bàn tiệc, sau lời nói lộng ngôn của vua Clotariô, Đức giám mục giơ tay làm dấu thánh giá như thói quen. Bỗng nhiên tất cả những bình đựng rượu đều đổ vỡ tan tành. Hoảng hốt, vua Clotariô và các lãnh chúa dự tiệc nài xin Đức giám mục cắt nghĩa việc vừa xẩy ra. Với vẻ mặt nghiêm trang, đôi mắt hướng về trời, Đức giám mục thong thả trả lời: "Đó là những con quỷ, chúng mưu mô giấu mình trong bình rượu để lừa gạt con người ưa nói lộng ngôn, ăn uống chơi bời và hằn thù ghen ghét. Nhưng gặp tôi làm dấu thánh giá, chúng không chống lại nổi sức mạnh thiêng liêng, bèn xấu hổ tẩu thoát, làm đổ vỡ tung toé". Phép lạ xẩy ra trước mắt những nhân vật sang trọng, khiến họ phải nhìn nhận uy quyền của Thiên Chúa. Kết quả nhiều người đến xin trở lại và nhận đức tin.
Suốt 40 năm trường, Đức giám mục Vastô hằng tận tụy với công việc truyền giáo, không những trong giáo phận Arát mà cả giáo phận Camrai (Cambrai), theo sự uỷ thác của thánh Rêmi từ năm 510.
Trên mấy trang ngắn ngủi này, chúng ta không thể kể hết từng chi tiết đời hoạt động của thánh Giám mục, nhưng lịch sử đã làm chứng những hoạt động ấy rất đáng kể. Nhờ ảnh hưởng của thánh nhân Giáo hội miền Arát, Camrai dần thịnh vượng. Vì thế sau bao nhiêu vất vả cơ cực, thánh nhân đã nhắm mắt sung sướng kết thúc một đời truyền giáo trần thế. Ngài bị bệnh sốt rét và qua đời tại Arát trong một đêm đông giá lạnh. Chính trong đêm đó, ngay lúc thánh nhân tắt thở, nhiều người dân thành đã nhìn thấy một luồng sáng từ nóc phòng Đức Giám mục phát ra và vọt lên chiếu sáng cả một vùng. Sau bao năm tìm hiểu, người ta nhận thực đó là sự lạ Chúa làm để tán thưởng đầy tớ trung tín của Người! Hôm ấy là ngày 06-02 năm 540. Xác thánh nhân được mai táng trong nhà thờ Đức Bà ở thành Arát. Đến năm 667, dưới quyền chủ toạ của Thánh Ômê Têruan (Omer de Thérouane) Giám mục thành Ôbe (Aubert), người ta lại cải táng và mang xác thánh nhân về nhà nguyện thánh Phêrô. Từ đó nhà nguyện này đổi tên là nhà thờ thánh Vastô. Sau cùng người ta lại đưa hài cốt thánh nhân về nhà thờ chính toà thành Arát. Nơi đây mới là ngai toà của ngài khi còn sống và cũng là chốn an nghỉ muôn đời của vị thánh sau một cuộc đời hy sinh vì nghĩa vụ một chúa chiên.

Một Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi
Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây rạ Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.
Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới. 
Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình. 
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những ngưeời bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên. 
Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổị Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ. 
Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitôhay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảọ Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng tả". 
Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.