Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 28/2/2018

Filled under:

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ ” (Mt20, 28)

2. Suy niệm: Con người sống trên dương gian dễ bị lôi kéo vào ba khuynh hướng: danh, lợi và thú. Các môn đệ ban đầu theo Chúa Giêsu ắt hẳn không khỏi những khuynh hướng này. Rõ hơn hết là khuynh hướng hám danh.
Đang khi nghe Chúa Giêsu tiên báo cuộc thương khó của Ngài đáng lý ra các ông phải đồng cảm với Thầy mình trong cuộc thương khó. Đàng này họ lại nghĩ khác, họ mong Thầy mình sớm chiến thắng theo như cách nghĩ của họ để họ được hưởng vinh quang, để được sung sướng có kẻ hầu người hạ. Chúa Giêsu đã sửa lại lối suy nghĩ của họ. Theo Chúa, được trao quyền chính là để dùng nó mà phục vụ chứ không phải dùng quyền đó đê thị uy, để phục vụ chính mình hay để người ta phục vụ mình. Chúa Giêsu đã sống cuộc đời phục vụ như Ngài đã dạy đó là Ngài phó dâng mạng sống để phục vụ cho sự sống nhân loại.
3. Sống Lời Chúa: Đặt sự khốn khó của ta với cuộc Thương Khó Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong những lúc Chúa mong muốn chúng con đồng cảm với Chúa thì chúng con chỉ lo cho riêng mình, cho danh lợi của mình. xin Chúa cho mỗi người chúng con được biết rằng sự vinh quang của con chính là đặt sự vinh quang trong sự thương khó Chúa. Amen.


LÊANĐÊ GIÁM MỤC THÀNH SÊVILLA
(+ 992)
Thánh Âuvanđôâ (Oswald) thuộc dòng dõi người Đan Mạch, cha ngài là cháu Đức Tổng Giám mục Ôđôn, thành Cantôbêri, và bà con với Đức Âukinh (Oskyll), Tổng Giám mục thành York. Được cậu chăm lo giáo dục, Âuvanđôâ sớm được nhận các chức thánh và trở thành linh mục ưu thế trong cộng đồng Winchester. Nhưng sau mấy năm chịu chức, ngài không muốn sống đời linh mục triều, bèn trình bày ước nguyện thầm kín với Đức Tổng Giám mục Ôđôn, xin phép xuất ngoại và tìm đến gõ cửa một tu viện theo luật thánh Biển đức. Được cậu chấp nhận, ngài đến xin nhập dòng miền Fleury sur Loire bên Pháp và sống một đời hoàn toàn khiêm tốn và theo quy luật nhà dòng.
Ít lâu sau, Đức Tổng Giám mục Ôđôn, vì biết giờ mệnh chung của mình đã gần điểm, liền biên thư vời cha Âuvanđôâ về giúp mình trong giờ sau hết. Nhưng khi tầu vừa ghé lại Đuvơ, cha dòng được tin ông cậu đã từ trần. Vì thế ngài đến York thăm Đức Tổng giám mục Âukinh. Đức Tổng giám mục đón tiếp ngài niềm nở, và còn cho ngài đi tháp tùng sang Rôma. Trong cuộc du lịch này, thánh nhân kết thân với một thanh niên trẻ tuổi tên Germanô, và khi trở về, chàng thanh niên này cũng xin nhập dòng với cha Âuvanđôâ. Tình bạn, nhờ đó, càng thêm khăng khít… Nhưng chẳng bao lâu, Đức Tổng giám mục Âukinh lại đòi cha Âuvanđôâ về giúp việc tại giáo phận. Vì thế hai người bạn bó buộc phải chia ly…
Năm sau Đức tân Tổng giám mục thành Cantôbêri tên là Đơntan (Dunstan), vì biết nhân đức và sự nghiệp truyền giáo của cha Âuvanđôâ, làm đơn đệ xin Toà thánh đặt ngài lên làm giám mục Worcester. Với nhiệm vụ mới, đức cha Âuvanđôâ càng cố sống đời nhân đức và nhiệt thành hơn với việc truyền giáo, tận tâm huấn dụ hàng giáo sĩ giáo phận, nỗ lực thể hiện nhiều công việc bác ái và xã hội…
Cộng tác với Đức Tổng giám mục Đơntan và Đức giám mục giáo phận Winchester, ngài soạn thảo một luật dòng, dành riêng cho những linh mục có đôi bạn sống thành các cộng đồng tu viện. Vì yêu thích luật dòng Biển đức, ngài đã đến Fơrixuya Loa xin ông bạn cố hữu, cha Germanô, về đảm nhiệm việc lập dòng. Thế là trong giáo phận nhiều nhà dòng được thiết lập, hoặc được cải tổ cho hợp với thời đại…
Theo ý kiến của Đức Tổng giám mục Đơntan, vua Ítga (Eadgar) đề cử Đức giám mục Âuvanđôâ làm Tổng giám mục thành York năm 972. cũng theo lời yêu cầu của vua, Đức giám mục Âuvanđôâ trẩy đi Rôma nhận quyền Tổng giám mục. Được Đức Giáo Hoàng ân cần tiếp nhận, Đức tân Tổng giám mục hân hoan trở về với phép lành Toà thánh. Nhằm ngày lễ hiện xuống năm 973, ngài cùng với Đức Tổng giám mục Đơntan cử hành lễ nghi đăng quang cho nhà vua tại Bát (Bath). Thể theo ý nguyện của Đức Tổng giám mục Đơntan, dù làm Tổng giám mục thành York, thánh nhân vẫn kiêm nhận giáo phận Vorceter với chủ đích trùng tu các nhà dòng. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, Đức Tổng giám mục đã đạt được nhiều kết quả. Một số đông các cha dòng Biển đức ở Flơri là những cánh tay phải giúp việc Đức giám mục… Ngài làm việc cho đến cuối đời. Chứng cớ là dù đã già cả và ốm yếu, vừa nghe tin tháp nhà thờ họ Ramxây bị sụp đổ, ngài đã thân hành đến tại chỗ xem xét và tìm phương thế kiến thiết lại. Xong việc, ngài mới trở về Vorceter.
Mùa đông năm ấy, ngài ngã bệnh… nhưng dù chịu bệnh, mùa chay năm 992, thánh Âuvanđôâ ngày ngày vẫn cố gắng rửa chân cho dân nghèo và các bệnh nhân. Cho tới ngày 29-02, đang khi cử hành lễ nghi, ngài đã êm ái lịm đi trong tình yêu Chúa… chứng tỏ một đời sống kết hợp hoàn hảo…
Xác ngài được mai táng tại nhà thờ chính toà Vơséttơ. Mười năm sau, Đức Giám mục Andulphô kế vị ngài, đã cải táng và đem hài cốt về York. Nhiều phép lạ xẩy ra trên mộ, chứng tỏ quyền thế của vị thánh, đồng thời bảo đảm việc Giáo hội đặt ngài lên bàn thờ, và ghi tên ngài vào sổ bộ các thánh.
Thánh Âuvanđôâ quả là một chúa chiên hiền từ, phản ảnh trung thành tinh thần Chúa Kitô. Nơi ngài, nổi bật nhiều đức tính cao quý: hoạt động, cương trực, dịu hiền, thông thái, và thạo tâm lý. Vì thế không lạ gì người ta, nhất là các cha dòng Biển đức, đã khen tặng ngài là "Sứ giả của Chúa Quan phòng"



Nụ Cười Của Bà Sarah

Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cườị Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cườị Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cườõ.
Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hàị Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân. 
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngàị Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát..."
Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một naõ.
Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.
Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.