Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 27-02-2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 23, 1-12
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. 
Suy niệm 1 
Bài Tin Mừng hôm nay được đọc trong Mùa Chay 
không phải để chúng ta nghiền ngẫm thói hư của một số người Pharisêu, 
nhưng để chúng ta soi gương họ mà nhận ra mình. 
Chẳng có thói đạo đức giả nào của họ mà ta được miễn nhiễm.
Đạo đức giả đơn giản là một sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất nơi lòng người. 
Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng. 
Có một khoảng cách thật xa giữa ngôn và hành. 
Chất trên vai người khác gánh nặng của luật lệ với những đòi hỏi chi li, 
nhưng chính mình lại không muốn chia sẻ chút nào gánh nặng đó. 
Vẫn là khoảng cách giữa nói và làm, giữa mình với người khác. 
Đeo trên trán hay cánh tay những hộp kinh thật to, đính những tua áo thật dài : 
các cử chỉ này lẽ ra để bày tỏ tình yêu đối với Lời Chúa, qui hướng về Chúa, 
thì lại trở nên những cử chỉ qui về mình, 
nhằm làm cho người ta thấy mình, thấy sự đạo hạnh của mình, để tìm tiếng khen. 
Người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa. 
Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời. 
Háo danh là điều họ khó dứt bỏ trong cuộc sống : 
ưa ngồi chỗ nhất, ưa chiếm ghế đầu, thích được chào là rabbi…
Cộng đoàn Kitô hữu của Matthêu là một cộng đoàn huynh đệ. 
Trong cộng đoàn ấy hẳn có những vị thầy dạy. 
Có những bậc thầy cao niên được gọi một cách trân trọng là rabbi. 
Có những đấng sáng lập cộng đoàn được gọi một cách kính cẩn là cha. 
Nhưng bất chấp điều đó, Đức Giêsu khẳng định : 
Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8). 
Mọi thành viên trong cộng đoàn đều lệ thuộc như nhau 
vào một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô, 
vào một người Cha duy nhất là Cha trên trời. 
Các Kitô hữu gọi nhau là anh, là chị, là em, 
và đối xử với nhau như anh chị em, con một Cha, học trò một Thầy. 
Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha…” 
Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời.
Càng lớn mạnh theo thời gian, Giáo hội càng cần một cơ cấu tổ chức, 
bao gồm nhiều chức vụ lãnh đạo có uy quyền. 
Làm sao để tinh thần phục vụ khiêm hạ của Đức Kitô thấm vào mọi cơ cấu? 
Làm sao để mọi vị thầy của Giáo hội không che khuất Đấng là vị Thầy duy nhất? 
Làm sao để các người cha thiêng liêng múc được tình phụ tử dịu hiền 
từ Người Cha duy nhất là chính Thiên Chúa?
Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giêsu,khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2
 
Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ “Bên phải dành cho người Công giáo; bên trái dành cho kẻ ngoại”. Tôi đi theo hàng lang bên phải. 

Đi được một lúc tôi tới ngã rẽ khác, lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: “Bên phải dành cho người có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém”. Tôi lại đi theo bên phải. 

Đến một ngã rẽ khác, tôi loại thấy bảng chỉ dẫn “Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ”. Tôi lại chạy qua bên phải. 

Cuối cùng tôi gặp bảng chỉ dẫn “Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi”. Một lần nữa, tôi chọn bên phải. 

Tôi đang hân hoan rảo bước thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hoả ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức dậy. Sau một phút, tôi tự hỏi: “Phải chăng cuộc sống đạo của tôi toàn là giả hình như giấc mơ hãi hùng ấy?”  

Giả hình là cơn cám dỗ triền miên trong đời sống của Giáo Hội và ai ai cũng có thể rơi vào cơn cám dỗ này. Và khi đã trở thành giả hình rồi, thì tất cả những lời nói cũng như việc làm của chúng ta sẽ không có tác dụng tốt nữa, mà trái lại sẽ trở nên những phản chứng.

Mùa Chay là mùa của hoán cải. Mà hoán cải bao giờ cũng khởi đầu bằng ý thức về tình trạng tội lỗi, thiếu sót của mình. Khiêm nhường nhìn nhận và can đảm thay đổi đời sống nhờ ơn Chúa giúp, với sự nỗ lực của con người, là điều quan trọng và khẩn thiết của đời sống mỗi người chúng ta. 

Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu hôm nay luôn sống chân thành với Chúa, với chính mình và với tha nhân. Nhất là có đời sống cầu nguyện, có những việc làm cụ thể biểu lộ đức công bình và bác ái. Chỉ có như thế chúng ta mới hy vọng thoát được cơn cám dỗ giả hình, một cơn cám dỗ luôn bám sát chúng ta.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường