(Rome - AsiaNews) “Một bản dịch Kinh Thánh mới được xây dựng trên một quy trình phiên dịch trung thực và nghiêm ngặt để diễn đạt Lời Chúa một cách rõ ràng, không chút mơ hồ, theo ngôn ngữ Việt đương đại sắp hoàn tất”, Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, linh mục dòng Phanxicô nói với thông tấn xã Asia-News.

Vị linh mục dòng Phanxicô này là lãnh đạo của nhóm các chuyên gia Việt Nam về Kinh Thánh, thần học, phụng vụ, mục vụ, thánh nhạc, văn học và thơ ca. Mặc dù có rất nhiều khó khăn ở một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, nhưng nhóm này, hoạt động tự nguyện từ năm 1971, đã hoàn thành bản dịch Kinh Thánh đầu tiên của nhóm năm 1998.

Vào thời điểm đó, đã có 5 bản dịch Kinh Thánh Công Giáo khác nhau được lưu hành tại Việt Nam. Bản dịch đầu tiên, xuất bản năm 1916, là tác phẩm của Cố Chính Linh của Hội Truyền giáo Hải Ngoại Paris. Sau đó lần lượt ra đời các bản dịch của Cha Gérard Gagnon, Cha Trần Đức Huân, Cha Nguyễn Thế Thuấn; và Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn.

Tuy nhiên, bản dịch Thánh Kinh của nhóm có thể là bản được chào đón nhiệt tình nhất. Đây là bản dịch đầu tiên được hình thành không phải bởi một học giả duy nhất nhưng bởi một nhóm gồm 17 linh mục và nữ tu. Đồng thời, mục đích của nhóm là trình bày Lời Chúa bằng ngôn ngữ hiện đại, rõ ràng, trực tiếp, phong phú về văn học và văn hoá Việt Nam, và nhất là thật đơn giản, bản dịch rất lý tưởng cho cả nghiên cứu cá nhân lẫn việc đọc nơi công chúng. Trong một thời gian ngắn hơn 3 triệu bản Kinh Thánh đã được bán hết.

Bất kể những trở ngại và khó khăn khác do nhà cầm quyền cộng sản gây ra, nhóm cũng đã hoàn thành các bản dịch tiếng Việt khác bao gồm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, và Sách Lễ Rôma. 370.000 bản Phụng vụ Các Giờ Kinh, và 66.000 bản Sách Lễ Rôma đã được phân phối ở Việt Nam và trong các cộng đồng người Việt hải ngoại.

Sản phẩm của nhóm cũng có sẵn trực tuyến tại http://www.ktcgkpv.org/

Ngay sau khi hoàn thành phiên bản đầu tiên, vào năm 1999, nhóm háo hức bắt đầu làm việc với một phiên bản khác dựa trên nguyên lý dịch thuật tương đương gần với tự nhiên nhất để phản ánh thêm những đặc điểm văn hoá của tiếng Hebrew và tiếng Hy Lạp.

“Phiên bản mới dịch sát với đầy đủ các lời bình luận tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu Kinh Thánh”, Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh nói.

“Công việc đang được tiến hành tốt, và với lời cầu nguyện của anh chị em, nó sẽ được hoàn thành chậm nhất là năm 2021, khi chúng tôi tổ chức kỷ niệm sinh nhật thứ 50 của nhóm. Xin cầu nguyện cho chúng tôi”, ngài nói thêm.




Xin ơn biết xấu hổ và không đi xét đoán người khác

Chúng ta hãy xin ơn biết hổ thẹn và không đi xét đoán người khác. Xin ơn biết tha thứ! Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Xu hướng chung là dễ xét đoán người khác
Đúng là chúng ta có xu hướng rất dễ xét đoán và lên án người khác. Đừng làm như thế! Tốt hơn là hãy tha thứ! Chúng ta có thể tự nhủ lòng rằng, tôi đâu có xét đoán lên án ai. Nhưng kỳ thực, cứ thử nghĩ lại thái độ của bản thân mà xem. Biết bao lần trong các cuộc nói chuyện, chúng ta đi xét đoán phán xử người khác! Chú ý rằng, chỉ có Chúa mới có quyền phán xét xem ai là xấu, điều gì là xấu. Nhưng chúng ta biết rồi đó, xu hướng của con người là dễ xét đoán người khác.
Trong những lần hội họp, bữa ăn trưa chẳng hạn, hoặc một dịp nào đó, trong suốt thời gian nói chuyện qua lại, ví dụ kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Trong thời gian 2 tiếng ấy, chúng ta dành bao nhiêu phút để xét đoán đánh giá người khác? Có điều đồng ý, có điều thì không. Nhưng chúng ta hãy có lòng nhân từ, lòng thương xót. Chúng ta hãy có lòng thương xót, như Cha chúng ta là Đấng hay xót thương. Hãy sống quảng đại! Hãy cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại. Nhưng chúng ta sẽ nhận lại cái gì đây? Đó là đấu đầy tràn. Đó là lòng quảng đại của Chúa. Khi chúng ta đầy tràn lòng quảng đại, đầy tràn lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ không còn xét đoán nữa. Chúng ta cần thương xót người khác, bởi vì Chúa đã xót thương chúng ta trước.
Cần khiêm tốn nhận biết thân phận tội lỗi của mình
Hội Thánh mời gọi chúng ta có thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa. Khiêm tốn có nghĩa là nhận biết thân phận tội lỗi của chính bản thân.
Chúng ta biết rằng, sự công bằng của Thiên Chúa chính là lòng thương xót. Cần thân thưa thế này: Ôi lạy Chúa, Ngài thật công chính, còn con đáng xấu hổ! Khi chúng ta thực thi đức công bằng của Chúa, chúng ta đồng thời phải xấu hổ, nhưng ở đó chúng ta gặp được ơn tha thứ. Tôi có tin rằng, tôi đã phạm tội đã xúc phạm Chúa hay không? Tôi có tin rằng Chúa là Đấng công chính? Tôi có tin rằng Ngài là Đấng xót thương? Tôi có biết hổ thẹn trước mặt Chúa vì mình đã phạm tội không? Nếu thế, hãy đơn sơ thân thưa với Chúa: Lạy Chúa là Đấng công chính, xin cho con biết xấu hổ vì tội con đã phạm.
Xin ơn biết hổ thẹn
Chúng ta cần biết xấu hổ, cần biết giữ liêm sỉ, cần xin ơn biết xấu hổ khi đứng trước mặt Chúa.
Ơn biết xấu hổ, ơn biết hổ thẹn, ơn biết thẹn thùng, đó là một ơn rất lớn. Vì thế, chúng ta hãy nhớ lại thái độ mà chúng ta đối xử với những người thân cận, với làng xóm láng giềng. Hãy nhớ lại những kiểu cách mà ta đánh giá người khác. Nếu ta xét đoán và lên án người khác, thì đến lượt mình, chính chúng ta cũng sẽ bị xét đoán và bị lên án. Như thế, hãy đối xử rộng lượng với mọi người, đừng xét đoán. Hãy sống hãy hành xử với tình yêu thương. Còn trước mặt Chúa, hãy đơn sơ chân thành thân thưa rằng: Lạy Chúa, Ngài là Đấng công chính, còn con thật đáng xấu hổ vì những gì con đã làm!