Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26/2/2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 6, 36-38

36
 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Suy niệm 1
Lòng nhân có chỗ đứng quan trọng trong Khổng giáo. 
Sách Luận Ngữ coi lòng nhân là nét đặc trưng của con người. 
Phật giáo cũng đề cao tinh thần từ bi hỷ xả. 
Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ 
Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c. 36). 
Như thế nhân từ là nét đặc biệt nơi Thiên Chúa. 
Nhân từ nằm ở nơi khuôn mặt và ngay nơi trái tim của Ngài. 
Như tín đồ của các tôn giáo khác, Kitô hữu phải sống lòng nhân. 
Nhưng hơn nữa, ở đây, Đức Giêsu mời gọi chúng ta 
bắt chước lòng nhân từ của chính Thiên Chúa, 
một lòng nhân từ không bị giới hạn bởi bất cứ ngăn cách nào.
Lòng nhân được diễn tả bằng bốn mệnh lệnh của Đức Giêsu, 
hai mệnh lệnh tiêu cực và hai mệnh lệnh tích cực. 
Các mệnh lệnh này đều ngắn gọn và nhịp nhàng. 
Phần sau của mỗi mệnh lệnh đều ở thể thụ động, 
nhằm nói lên hành động của Thiên Chúa. 
“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án,
hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại.”
Xét đoán ở đây không có ý nói đến hành động xét xử của vị quan tòa. 

Nó chỉ muốn nói đến khuynh hướng hay phê bình, chỉ trích người khác. 
Cần để ý đến tam giác giữa Thiên Chúa, tha nhân và chúng ta. 
Thái độ của ta đối với tha nhân thế nào, 
ta sẽ bị Thiên Chúa đối xử lại như vậy. 
Nói cách khác, ta muốn được Thiên Chúa đối xử với mình ra sao, 
ta hãy đối xử với tha nhân như vậy. 
Càng cho nhiều và tha thứ nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án, 
ta càng được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đong lại cho chúng ta bằng đấu của chúng ta, 
không phải vì Ngài thiếu quảng đại hay rộng lượng. 
Nhưng vì giống như người đi múc nước bằng một chiếc thùng nhỏ, 
người ấy sẽ chỉ lấy được ít nước thôi. 
Thiên Chúa muốn ban cho ta nhiều hết sức, 
nhưng điều đó còn tùy vào sức chứa của ta. 
Có khi chính ta lại tự giới hạn khả năng đón nhận của mình.
Mùa Chay là thời gian để ta sống lòng nhân của Thiên Chúa. 
Hãy thay đổi cái đấu ta thường dùng để đong cho người khác, 
chúng ta sẽ thấy mình giàu có hơn xưa.
Cầu nguyện:  
Lạy Chúa,xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM 2

Lời Chúa trong trang Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta về thái độ phải có đối với tha nhân: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. 

Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Đấng chậm giận, Đấng giàu lòng tình thương. Bởi vì nếu Chúa chấp tội thì ai có thể đứng vững trước nhan Chúa.

Người môn đệ Chúa Giêsu được kêu mời luôn thể hiện dung nhan hiền từ của Chúa cho tha nhân. Theo Chúa Giêsu, sống nhân từ không xét đoán anh em của mình, không kết án tha nhân của mình, biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, là hoa trái của một cuộc đời biết sống như Chúa. Đây là cách sống luôn có sức hấp dẫn lôi kéo người khác đến với mình. Cuộc sống đó sẽ không cô đơn nhưng bên cạnh luôn có những người bạn thân thiết. Nếu lỡ cuộc sống có những lầm lỗi yếu đuối thì họ sẽ được người khác dễ dàng thông cảm và tha thứ. 

Nhân từ còn là món quà trang sức tô điểm xinh tươi cho gia đình. Thử hỏi nếu vợ chồng sống nhân từ với nhau thì tình yêu của họ sẽ như thế nào? Cha mẹ sống nhân từ với con cái thì gia đình đó sẽ ra sao? Nhân từ còn là sức mạnh xây dựng một xã hội vững bền an vui. Thử hỏi nếu giữa người với người sống nhân từ với nhau, giữa tập thể sống nhân từ với một tập thể, giữa quốc gia sống nhân từ với một quốc gia, thì đất nước và thế giới sẽ hạnh phúc biết bao.

Như vậy, nhân từ còn là cơ hội để kiến tạo sự an bình trong gia đình, Giáo Hội và thế giới. Xin Chúa ban cho chúng con luôn biết sống như Chúa là Đấng nhân từ trong môi trường mình đang sống và hoạt động. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường