Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Ở hiền gặp lành?

Filled under:

Vị giảng viên nọ nói trên giảng đường đại học cách thách thức rằng: có giỏi các bạn cứ sống lương thiện đi, nào là ở hiền gặp lành, nào là ai tát má này hãy đưa cả má kia nữa!
Có thể, triết thuyết mà vị giảng viên ấy nói thì “thực tế”, đến nỗi đi ngược lại châm ngôn của tổ tiên, và ngay cả chế giễu những người tin vào lời dạy tha thứ của Thầy Giêsu.
Ông bà ta xưa kia, có thể tuy “ít học” về con chữ, nhưng lại đầy “túi khôn” về ý nghĩa. Chẳng phải vì các cụ không biết đến sự ngang trái, bạc bẽo, rối ren của đời; vì mặt tiêu cực này, thời nào chẳng có, tuy nhiều ít khác nhau.
Nếu ngay lập tức cho rằng, ông bà ta xưa khi nói “ở hiền gặp lành” là thiếu quan sát thiếu thực tế, thì kẻ đánh giá như thế đã tự đi vào vòng ảo tưởng của đời này. Kẻ ấy ngây ngô cho là, “ở hiền” có nghĩa là sống tốt, thì ắt sẽ “gặp lành” có nghĩa là may mắn, thành công. Kẻ sống đạo đức mà chỉ vì cầu lợi, thì chưa phải là đạo đức, mà là ích kỷ.
Lời dạy bên ngoài mà không tương ứng với cái tâm bên trong, thì chỉ là sáo rỗng, chỉ là lừa gạt. Kiểu thầy dạy như thế thì đầy dẫy trong thiên hạ. Có thể nói, “ở hiền gặp lành” nếu nhìn trong lối nhìn của Khổng Tử, thì nghĩa là: vui với người (ở hiền) và vui với Trời (gặp lành). Người “ở hiền gặp lành” không phải là kẻ tầm thường sống theo thói đời, mà là bậc hiền nhân sống theo cái tâm và lẽ Trời.
Để khuyến khích người ta rèn luyện Từ Tâm, Đức Phật hướng dẫn: Từ Tâm phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của người mẹ đối với đứa con duy nhất; người mẹ sẵn sàng săn sóc bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tính mạng cũng vui lòng. Nếu hiểu được lời này của Đức Phật, có lẽ người thời nay, nếu còn tâm, sẽ lấy làm ngượng ngùng.
Không thể lấy thù oán để diệt hận thù, chỉ có Từ Tâm mới dập tắt được hận thù. Lần kia, có người mời Đức Phật tới nhà. Khi Ngài đến, chủ nhà dùng lời vô lễ thậm tệ mà đối xử. Đức Phật không giận mà ôn tồn hỏi: Nếu biết có khách đến nhà, ông sẽ làm gì? Ông ta đáp: Tôi sẽ dọn cơm đãi khách? – Nếu khách không đến, ông sẽ làm gì? – Tôi và vợ con sẽ chia nhau bữa cơm. Đức Phật nói: Tốt lắm, hôm nay ông mời tôi tới, ông dọn cho tôi những lời thô lỗ, tôi không nhận đâu, xin ông cứ giữ lấy. Thế là, thái độ của chủ nhà thay đổi.
Thầy Giêsu nói cách rõ ràng: đừng lấy ác báo ác, nhưng làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em. Trong ý nghĩa này, khi bị tát má này, mà tôi tát lại, thì thực ra, tôi đã rơi vào vòng luẩn quẩn của hận thù, của cái ác, của thói đời bạc nhược. Còn khi tôi đưa má kia, có nghĩa là tôi hành xử theo một cung cách khác.
Đó là cung cách công bằng của sự tha thứ, của tình yêu thương. Có người hiểu lầm “đưa má kia” là cung cách của kẻ yếu thế, nhưng họ quên mất, cứ thử nghĩ xem, kẻ nhu nhược có đủ sức mạnh để đưa má kia không. Trong cuộc khổ nạn, có tên lính tát Thầy Giêsu, Thầy hỏi lại: nếu tôi nói sai, hãy chỉ ra tôi sai chỗ nào; nếu tôi nói phải, tại sao anh tát tôi? Khi Thầy Giêsu trên thập giá, kẻ tử tù tìm thấy niềm tin vào Thầy, còn anh lính đứng dưới cũng phải thốt lên: Thầy là Con Thiên Chúa.
Thế là, “ở hiền gặp lành” không nhìn theo lối danh lợi chức quyền của thế gian, mà được nhìn trong tình người Tình Trời. Đúng là “gặp người hiền thì thật là lành”. Phúc cho ai hiền lành!

Vì tôi, vì chúng ta?

Có người yêu đời và yêu người như đời vốn thế và như người vốn thế. Có người yêu đời chỉ vì những thuận lợi mà đời mang đến hay yêu người chỉ vì những điều tốt đẹp mà người mang lại. Nói về tình yêu ấy, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã gửi gắm “bạn thân ơi cố gắng yêu thương người, dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài… Dù đời không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài”. Trong thế giới thực dụng này, tôi chọn yêu người và yêu đời bằng một tình yêu không so đo, tính toán hơn là thứ tình yêu vụ lợi.
Trước hết, nếu tôi yêu người chỉ vì những điều tốt đẹp họ mang đến, tình yêu ấy trở thành một thứ tình yêu mau tàn và vị kỷ. Mau tàn bởi nguyên do nối kết tình yêu là thứ chóng qua. Vị kỷ bởi tôi chỉ mong chờ, thậm chí là đòi hỏi những điều thuận lợi, tốt đẹp nơi tha nhân, nơi cuộc sống. Căn bệnh “chỉ biết có mình” sẽ biến tôi thành “cái rốn của vũ trụ”, chỉ muốn sống vui, hưởng thụ, lo cho bản thân và dần vô tâm với người, với đời. Quả thế, đã có biết bao gia đình tan vỡ, vợ chồng ly tán vì họ coi vật chất là nền tảng cuộc đời và tình yêu của mình. Tình yêu như thế có phải là tình yêu người yêu đời thật sự hay là lòng yêu mình?
Trái lại, yêu đời như đời là và yêu người như người vốn thế không phải là thứ tình yêu “vì” mà là thứ tình yêu “dầu”. Dầu người ra sao, có là gì và dầu tình yêu có được đáp đền hay không, tôi vẫn yêu người không so đo, tính toán. Như vàng thử lửa, tình yêu ấy hẳn không phải là thứ tình mau qua nhưng được hun đúc và trở nên tinh ròng theo thời gian với những khó khăn và thử thách. Một khi vượt qua được căn bệnh “duy thực”, tôi hiểu thành công hay thất bại, thuận lợi hay khó khăn đều là cái vốn có của kiếp người.
Tuy nhiên, việc đòi hỏi nơi cuộc sống những điều thuận lợi hay nơi tha nhân những điều thiện hảo liệu có quá đáng chăng? Yêu người và yêu đời, tôi mong cuộc sống của tôi và tha nhân tiến tới những điều tốt đẹp, song nó chẳng phải là thứ tình yêu mơ mộng. Không chú tâm vào cái tốt mà quên đi cái chưa thiện hảo, tôi yêu yêu người cách vô tư nhưng không vô cảm; yêu không tính toán nhưng không ấu trĩ ; tôi yêu đời và xây dựng đời. Tôi hướng tới điều tốt đẹp để cũng biết yêu những bất toàn của người và của đời. Và như thế, tôi cũng biết yêu chính bản thân mình như “cái tôi là” trong tính biện chứng của sự biết người và biết mình, yêu đời và yêu mình. Tôi vui sống, mở ra với đời, chia sẻ với người niềm vui cũng như nỗi buồn của đời dương thế này với tất cả thực tại của nó.
Đón nhận cuộc sống và con người như nó vốn thế được đặt nền trong một tình yêu hiến thân vô vị lợi. Tình yêu thực sự bắt nguồn từ những điều giản dị, nơi lòng yêu mình được thăng hoa thành bác ái và vị tha. Và một khi thấu suốt và dám sống cái nghịch lý của thập giá, điều thánh Phanxicô đã kinh nghiệm “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”, tôi sẽ không còn sống cho tôi, nhưng sống cho người và sống cho đời.