Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY LỄ THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 13: 16-17)

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe”.

SUY NIỆM

Chúng ta không biết được nhiều về tiểu sử của hai thánh Gioakim và Anna, nhưng chúng ta được thừa hưởng hoa quả của các ngài để lại là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.

Dẫu không biết nhiều về cuộc đời các ngài, nhưng theo suy luận tự nhiên của trí khôn con người, mà chính Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: “Xem quả thì biết cây”, chúng ta được thúc giục, kính phục, mến yêu và bắt chước gương lành của các ngài, để chúng ta biết để lại cho tha nhân những hoa thơm trái ngọt, nhờ đời sống tốt lành thánh thiện của chúng ta.

Chúa nói: “Mắt anh em thật có phúc, vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe”, chúng ta có cảm nhận được phúc mà Chúa Giêsu nói không? Thánh Gioakim và Anna dù không được chiêm ngắm công trình cứu độ, không được lắng nghe tiếng Đấng Cứu Thế, nhưng các ngài đã trung kiên trong niềm tin vào Chúa; đã cộng tác vào công trình cứu độ, khi sinh thành, dưỡng dục Mẹ Maria, để xứng đáng là Mẹ Đấng Cứu Thế.

Hôm nay, chúng ta đã được thấy và nghe Lời Chúa Giêsu, lời cứu độ, lời chân lý, chúng ta có sống tốt hơn các ngài, có trung kiên sống niềm tin vào Chúa, để cuộc sống ta mang lại hoa trái tốt lành cho môi trường sống không?

Mỗi người, mỗi gia đình chúng ta hãy kiểm điểm lại: chúng ta đã sinh ra được hoa trái nào cho lối xóm, cho cộng đoàn? Sách Huấn ca kêu mời chúng ta “hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những người đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng”. Người được Kinh Thánh ca ngợi, là những người “đạo hạnh” và để lại “công đức”, chứ không phải là những người quyền cao chức trọng ở thế gian, hoặc để lại những lăng tẩm, đền đài, cơ nghiệp sang giàu.

Lạy thánh Gioakim và thánh Anna, hai vị tràn đầy phúc lộc, xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con, đặc biệt những ai mang trọng trách làm cha, làm mẹ, được sống theo gương các ngài, biết lấy đời đạo hạnh mà giáo dục con cái; biết lấy lòng đạo đức mà xây dựng gia đình, để nhờ có những cha mẹ đạo đức mà xã hội và Giáo Hội có những người con tốt lành. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



Có tai thì nghe - 26.7.2017 – Thứ Tư Tuần 16 Thường niên

Hôm ấy, Ðức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”
Suy nim:
Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Ðức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm.
Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ.
Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Ðức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Ðấng được Thiên Chúa sai đến
để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt,
và đem lại kết quả gấp bội.
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay,
nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng.
Ðức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng.
Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.
Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi?
Ðâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường.
Tôi nghe mà không hiểu.
Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh,
bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình.
Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá.
Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay,
nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt.
Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi.
Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến,
tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai.
Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải.
Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt.
Tôi nghe và hiểu.
Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời.
Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.
Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa,
đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi.
Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên
thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt.
Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi,
cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn.
Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới,
để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.