Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 20/7/2017

Filled under:


ÁCH CỦA CHÚA GIÊ-SU
“Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,30)
Suy niệm: Cái “ách”, biểu tượng của khổ sai, nô dịch, của nặng nề, tủi nhục, thế mà Chúa Giê-su lại bảo “Hãy mang ách của Ngài” vì nó “êm ái, nhẹ nhàng”! Một điều thật khó nghe đối với ai không học trong trường của Chúa Giê-su. Thoát khỏi cái ách nặng nề của những quy định hết sức rối rắm, chi li trong đạo Do thái để rồi lại khoác lấy ách của Giê-su, phải chăng là rơi vào cái vòng luẩn quẩn? Trái tim Chúa Giê-su đang thổn thức vì đủ thứ “ách nặng nề” đang đè lên vai những con người bé mọn, nghèo đói, bị bỏ rơi… của tất cả mọi thời đại. Ngài mời chúng ta đến nghỉ ngơi bồi dưỡng trong trái tim đầy yêu thương của Ngài. Ngài đề nghị chúng ta vác lấy cái ách của Ngài bằng cách chỉ cần trút bỏ đi lối sống ích kỷ của chúng ta và mặc lấy tâm tình hiền hậu và khiêm nhường của Ngài thì lập những cái ách nặng nề sẽ trở nên nhẹ nhàng êm ái.
Mời Bạn: Những phút giây bạn đến cầu nguyện với Chúa Giê-su là một sự nghỉ ngơi trong Ngài hay đó là một gánh nặng nề, nhàm chán đối với bạn?
Chia sẻ: Bổn phận và luật buộc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật có trở thành “ách nặng nề” với bạn không? Làm thế nào để điều đó trở thành “êm ái, nhẹ nhàng” với bạn?
Sống Lời Chúa: Tìm một dịp để cảm thông và chia sẻ với những người đang có tâm sự buồn phiền. Một lần viếng thăm, một cuộc điện thoại... Tại sao không, ngay lúc này?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con phú dâng tất cả mọi gánh nặng của đời sống con cho Chúa. Xin ban cho con một con tim quảng đại để nâng đỡ những gánh nặng của anh em con. Và đừng để con trở nên gánh nặng cho người khác.


Thánh Kunigunde
(1224-1292)
Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về quê hương Ba Lan vào tháng Sáu năm 1999, ngài đã thể hiện giấc mơ phong thánh cho Kunigunde, một công chúa người Ba Lan mà việc phong thánh đã bị đình trệ trong nhiều năm vì điều kiện chính trị. Cùng cử mừng biến cố quan trọng này với đức giáo hoàng là nửa triệu người dân Ba Lan trong một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Stary Sacz

Kunigunde, hay còn gọi là Kinga, sinh trong thế kỷ 13 ở Hung Gia Lợi và thuộc về một hoàng tộc không những nổi tiếng về thế lực chính trị mà còn có nhiều phụ nữ thánh thiện. Những người dì của Kunigunde gồm Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi, Thánh Hedwig và Chân Phước Agnes ở Prague; cũng được kể trong vòng bà con là Thánh Margaret dòng Đa Minh và Chân Phước Yolande.

Khi mới 15 tuổi, Kunigunde đã hứa hôn với một thanh niên mà sau này là Vua Boleslaus của Ba Lan. Khi kết hôn, trước mặt vị giám mục, cả hai đều thề giữ mình đồng trinh và họ đã trung thành với lời thề ấy trong 40 năm hôn nhân.

Trong thời gian đó, Hoàng Hậu Kunigunde chăm sóc các cô em và dành nhiều thời giờ để đi thăm bệnh nhân. Với tư cách là Đệ Nhất Phu Nhân của Ba Lan, ngài lo lắng đến phúc lợi của người dân và các nhu cầu đặc biệt của họ. Ngài cho xây nhiều nhà thờ và bệnh viện cũng như chuộc người Công Giáo khỏi tay người Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi Vua Boleslaus từ trần năm 1279, dân chúng thúc giục Hoàng Hậu Kunigunde lên nắm quyền cai trị, nhưng ngài ao ước tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Do đó, trong 13 năm, ngài sống cuộc đời đơn sơ của một nữ tu dòng Thánh Clara Nghèo Hèn, sống trong tu viện mà chính tay ngài đã thiết lập ở Stary Sacz. Sau đó, ngài được chọn làm bề trên, và đã cai quản dòng với sự khôn ngoan và bác ái.

Ngài từ trần ngày 24 tháng Bảy 1292 khi 58 tuổi. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của ngài.
Vào năm 1715, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI đặt ngài làm quan thầy đặc biệt của người Ba Lan và người Lithuania.

Ai Cũng Có Lý

Cách đây không lâu, tại nhà của một quan tòa ở Milano, bên Italia, đã xảy ra một câu chuyện như sau: Có hai người tranh chấp với nhau lâu ngày, cuối cùng đã đưa nhau đến quan tòa của thành phố nhờ phân xử dùm. Người thứ nhất trình bày câu chuyện và tự biện hộ cho mình. Anh vừa dứt lời thì quan tòa dõng dạc tuyên bố: "Anh có lý". Ðến lượt người thứ hai phân trần, anh cũng đem ra mọi lý lẽ để làm nghiêng cán cân công lý về phía mình. Sau kho nghe anh trình bày dông dài, quan tòa cũng tuyên bố: "Anh có lý".
Cậu con trai nhỏ của quan tòa theo dõi câu chuyện từ đầu. Nó ngạc nhiên vô cùng: làm thế nào cả hai đều có lý cả? Quan tòa cũng đưa ra phán quyết về nhận xét của con mình như sau: con cũng có lý. Mỗi người chúng ta ai cũng có lý của mình, nhưng có lẽ chúng ta không muốn nhận ra phần có lý của người khác cũng như chính phần lỗi của mình. Và đó chính là đầu mối của mọi bất hòạ
Vô nhân thập toàn, nhưng cũng không có ai là người xấu hoàn toàn. Nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận giá trị của người khác, thì có lẽ chúng ta sẽ không bất mãn về người khác cũng như đối với chính mình. Cuộc sống chỉ có thể thở được nếu mỗi người chúng ta biết cư xử bằng sự cảm thông và tha thứ.