Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 14/7/2017

Filled under:


VÌ KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN!
“Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.” (Mt 10,16)
Suy niệm: Bị bách hại là chuyện thường tình của thân phận tông đồ. Ở giữa thế gian, nhưng các môn đệ Chúa lại “không thuộc về thế gian”, và họ sẽ bị thế gian thù ghét (x. Ga 15,18-20); chính vì thế, giữa thế gian luôn xảy ra cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác. Cuộc chiến đó ở ngay trong bản thân và gia đình ta, ngay trong môi trường ta đang sống và trên toàn thế giới. Sự ác chống lại sự thiện, bóng tối không chấp nhận ánh sáng, và lời Tin Mừng cũng trở thành các gai cho thế gian. Trong chính bối cảnh bị thế gian ghét bỏ, bắt bớ, bách hại vì Tin Mừng, người tông đồ lại càng xác tín Đạo Chúa là Đạo thật, và Tin Mừng quả thật là Tin Mừng cứu độ.
Mời Bạn: Được nhận biết Chúa, tin theo Chúa, và phục vụ Ngài là một diễm phúc. Nhưng vì là con người, cũng sợ hãi run rẩy trước bắt bớ, bách hại. Với niềm tín thác vào Chúa, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, người môn đệ Chúa vẫn một lòng trung kiên làm chứng cho Chúa, vì người tông đồ được sai đi là để làm chứng. Các thánh tử đạo là những người đã chịu đau khổ để làm chứng cho Chúa. Và cái chết anh dũng của các ngài đã là bằng chứng hùng hồn cho niềm tin vào Thiên Chúa. Các ngài xác tín: chỉ có Chúa - ngoài Ngài ra, không có ai và không có gì khác - là “nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo”. Đó là kho tàng của các ngài, và “kho tàng” ở đâu, thì “lòng trí” cũng ở đó. Bạn sẽ làm gì và sống thế nào để luôn làm chứng cho Chúa?
Sống Lời Chúa: Đọc Kinh Tin sốt sắng trong giờ kinh gia đình hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Amen. 

 

Thánh Kateri Tekakwitha
(1656-1680)
Máu các vị tử đạo là hạt giống nẩy sinh các thánh. Chín năm sau khi các linh mục dòng Tên là Cha Isaac Jogues và Jean de Brebeuf bị các thổ dân da đỏ Huron và Iroquois tra tấn cho đến chết, một bé gái đã chào đời gần nơi các vị tử đạo, ở Auriesville, Nữu Ước. Cô là thổ dân da đỏ đầu tiên thuộc vùng Bắc Mỹ được phong chân phước. Mẹ cô là một Kitô Hữu người Algonquin, bà đã bị người Iroquois bắt và buộc phải làm vợ của tù trưởng bộ lạc Mohawk, là bộ lạc dũng cảm và tàn bạo nhất trong Ngũ Quốc.

Khi lên bốn tuổi, Kateri mất cha mẹ và cả đứa em trai trong trận dịch đậu mùa mà chính cô cũng bị gần như mù và khuôn mặt bị méo mó. Cô được một người chú đem về nuôi sau khi ông lên kế vị cha cô làm tù trưởng. Ông không thích các tu sĩ A¨o Đen nhưng ông không thể làm gì được vì một thỏa ước ký kết với Pháp, buộc phải có sự hiện diện của tu sĩ trong các làng có người Kitô Giáo bị bắt giữ. Kateri rất thích nghe các vị tu sĩ A¨o Đen giảng thuyết, nhưng chú cô lại sợ rằng cô sẽ theo đạo Công Giáo. Thật vậy, khi lên 19 tuổi, sau khi từ chối lời cầu hôn của một thanh niên Mohawk, vào Chúa Nhật Phục Sinh, cô đã được rửa tội và lấy tên thánh là Kateri (Catarina).

Bây giờ cô bị đối xử như một người nô lệ. Vì cô không làm việc ngày Chúa Nhật nên cô không được lãnh thực phẩm trong ngày ấy. Đời sống ơn sủng của cô gia tăng mau chóng. Cô nói với một vị thừa sai rằng cô thường suy niệm về ơn cao trọng khi được rửa tội. Cô rất cảm kích bởi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người và cô nhìn thấy phẩm giá nơi mỗi một người dân. Cô luôn luôn trong tình trạng nguy hiểm, vì sự trở lại đạo và đời sống thánh thiện của cô đã tạo nên sự chống đối dữ dội. Theo lời khuyên của một linh mục, một đêm kia cô bỏ trốn và đi bộ 200 dặm đến một làng da đỏ Công Giáo ở Sault St. Louis, gần Montreal (Gia Nã Đại).

Trong ba năm, Kateri ngày càng thánh thiện dưới sự dẫn dắt của một linh mục và một bà người Iroquois. Cô hiến mình cho Thiên Chúa qua những giờ cầu nguyện, làm việc bác ái và tích cực ăn chay hãm mình. Từ sáng sớm cô đã đứng chờ nơi cửa nhà thờ để dự lễ lúc 4 giờ sáng và ở lại đó cho đến Thánh Lễ cuối cùng. Cô đặc biệt sùng kính Thánh Thể và Đức Giêsu trên Thánh Giá.

Vào năm 23 tuổi, Kateri thề giữ mình đồng trinh, đó là một hành động bất thường của một phụ nữ da đỏ, là người chỉ sống nhờ vào chồng. Cô lập một cái chòi trong rừng vắng để cầu nguyện hàng ngày và bị dèm pha là để gặp gỡ một người đàn ông! Việc cô thề giữ mình đồng trinh là một hành động theo bản năng, vì cô không biết trong Giáo Hội có đời sống tu trì dành cho nữ giới, mãi cho đến khi cô đến Montréal. Thấy vậy, cô phấn khởi cùng với hai người bạn định tâm thành lập một tu hội, nhưng vị linh mục địa phương đã ngăn cản cô. Rất khiêm tốn, cô chấp nhận một cuộc sống "bình thường" mà trong đó, cô ăn chay hãm mình một cách khắt khe như để đền tội cho dân tộc của cô.

Vào ngày 7 tháng Tư 1680, cô từ trần vào buổi tối trước Thứ Năm Tuần Thánh, mới hai mươi bốn tuổi. Các nhân chứng cho biết, lúc ấy khuôn mặt hốc hác của cô đổi màu và tươi tắn như một đứa trẻ khỏe mạnh. Các nếp nhăn, ngay cả các vết rỗ trên khuôn mặt cũng biến mất và một nụ cười hé nở trên môi cô.
Người da đỏ gọi cô là "Hoa huệ người Mohawk". Sự ngưỡng mộ Kateri đã giúp hình thành các trung tâm truyền giáo cho người da đỏ ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Kateri được phong chân phước năm 1980.

Lời Bàn
Chúng ta thường nghĩ đời sống thánh thiện bị cản trở bởi hoàn cảnh, và ước chi chúng ta có thêm thời giờ riêng tư, ít bị quấy rầy hay chống đối và được khoẻ mạnh hơn. Chân Phước Kateri đã chứng minh cho thấy, sự thánh thiện triển nở trên thập giá, ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, ngài đã có những gì mà mọi Kitô Hữu phải cần, đó là sự hỗ trợ của một cộng đoàn.

Ngài có một người mẹ tốt lành, có các linh mục tận tình giúp đỡ và các bạn Kitô Hữu. Những điều kiện này được gọi là tiên khởi, và chỉ sinh kết quả nếu quyết tâm thi hành ba nguyên tắc cổ xưa của Kitô Giáo là cầu nguyện, ăn chay và bố thí: kết hợp với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, tự khắc phục con người của mình để vượt qua những đau khổ, và sống bác ái đối với anh chị em.

Lời Trích
"Tôi không cô đơn vì tôi đã tận hiến cho Đức Giêsu. Ngài là tình yêu duy nhất của tôi. Tôi không sợ tình trạng bơ vơ nghèo nàn vì không lấy chồng. Tất cả những gì tôi cần là một chút thực phẩm và một vài quần áo. Với công việc tay tôi làm ra, tôi sẽ có những gì tôi cần, và những gì còn dư tôi sẽ cho người bà con và người nghèo. Nếu tôi bị bệnh và không thể làm việc được, tôi sẽ trở nên giống Chúa trên thập giá. Ngài sẽ thương xót tôi và giúp đỡ tôi. Tôi biết chắc như thế."

Tự Do Ðích Thực

Trong tập thơ mang tựa đề Gitanjali, thi hào Tagore đã có bài thơ về tù nhân như sau:
"Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã xiềng xích ngươi. Tù nhân đáp, thưa chính là chủ tôi. Tôi đã muốn thắng vượt mọi người, bằng của cải và quyền lực, cho nên tôi đã vơ vét vào kho tàng của tôi tất cả tiền bạc của chủ. Mệt mỏi vì cuộc chạy đua theo tiền của tôi, cuối cùng tôi đã thiếp ngủ ngay trên chính giường của chủ tôi. Khi thức dậy, tôi thấy mình đã bị giam hãm ngay trên kho tàng của tôị
Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã rèn chiếc xích sắt này cho ngươi. Tù nhân đáp: tôi đã muốn giam hãm tất cả thế giới, vì như thế tôi sẽ được tự do và không còn ai quấy rầy. Ngày đêm, tôi đã dùng lửa, búa và chiếc dũa để rèn sợi xích này. Khi nó được hoàn thành, và chiếc mốc cuối cùng được nối lại, tôi đã để cho sợi xích giam hãm cả cuộc đời của tôi, khiến không có gì bẻ gãy được".
Năm 1989, nước Pháp đã mừng kỷ niệm 200 năm cuộc cách mạng 1789. Cùng với việc lật đổ chế độ quân chủ, bản tuyên ngôn nhân quyền được công bố ngày 04 tháng 8 năm 1789 đã đánh dấu một bước dài của nhân loại tiến đến tự do, dân chủ.
Nhưng oái oăm thay, người ta đã nhân danh tự do để chống lại tự do và phạm không biết bao nhiêu tội ác đối với con người. Nhân danh tự do, Robespierre đã giết hại 25 ngàn người cũng như cấm chế nhiều quyền tự do trong đó cơ bản nhất là quyền tự do tôn giáọ
Lịch sử cũng đã được lập lại trong rất nhiều cuộc cách mạng sau này. Mới đây tại Trung Quốc, người ta đã nhân danh tự do dân chủ để đạp đổ Nữ Thần Tự Do và sát hại không biết bao nhiêu người đòi tự dọ
Nhân danh tự do để chối bỏ tự do của người khác, nhân danh quyền con người để chà đạp quyền sống của người khác: đó là thảm trạng của không biết bao nhiêu cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay. Chính khi con người chối bỏ tự do và chà đạp quyền sống của người khác là cũng chính lúc con người tự giam hãm mình trong nô lệ, nô lệ cho quyền lực, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho bất an... Lắm khi con người tự rèn lấy cho mình xích xiềng để tự chói lấy mình. Nhà tù ấy, sợi xích ấy chính là lòng tham lam nơi con người: tham lam tiền của, tham lam quyền lực, tham lam danh vọng.