Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Thánh Lễ ấy khác hẳn mọi lần

Filled under:

Xin ca ngợi tình yêu của Thánh Tâm Chúa, ngay giữa những giây phút đen tối nhất của kiếp người, của nhân loại! Cha Aruppe Dòng Tên kể về một thánh lễ vô cùng đặc biệt, đầy khó khăn, và cũng chứa chan ơn phúc. Cha chia sẻ:
Đó là một thánh lễ được cử hành trong một hoàn cảnh khác hẳn mọi lần, nhưng trong thánh lễ ấy, Chúa đã dạy cho tôi biết, qua con đường huyền nhiệm của đau khổ, Chúa Giêsu đã chịu khổ hình và chịu chết để có thể thực hiện ý định cứu độ của Ngài.
Trái bom nguyên tử nổ ra vào lúc 8 giờ 10 phút, sáng ngày mồng 6 tháng 8 năm 1945 tại Nhật Bản. Nó biến cả thành phố Hi-rô-shi-ma thành tro bụi và giết chết 80.000 người cùng một lúc. Ngôi nhà của chúng tôi là một trong những ngôi nhà chưa bị sụp đổ, nhưng ở trong một điều kiện hết sức tồi tàn: không còn cửa ra vào, các cánh cửa đã bị cơn gió cực mạnh tạo ra do vụ nổ, cuốn đi hết. Chúng tôi chuyển sang ở bệnh viện, nơi tiếp đón, chăm sóc và giúp đỡ cho 200 nạn nhân.
Ngày hôm sau, mồng 7 tháng 8, vào lúc 5 giờ sáng, tôi đang dâng thánh lễ ở nhà, trước khi bắt đầu công việc cứu giúp những người bị thương và chôn cất những người chết. Trong những giây phút càng bi thảm, người ta càng gần Thiên Chúa hơn, người ta càng thấy cần thiết phải giúp đỡ nhau.
Khung cảnh thực sự không thích hợp cho việc sốt sắng thánh lễ. Một nửa nhà nguyện đã bị phá hủy, và chật ních những người bị thương nằm chen chúc nhau trên mặt đất. Họ đau khổ ghê gớm và quằn quại vì đau đớn. Tôi bắt đầu dâng lễ như tôi có thể, giữa đám người không có chút ý niệm về những gì diễn ra trên bàn thờ: họ là những người ngoại đạo chưa bao giờ tham dự thánh lễ.
Tôi không thể nào quên được cái cảm giác bàng hoàng khi quay lại phía họ để chúc lành: “Chúa ở cùng anh chị em” và tôi cảm thấy cảnh tượng này của bàn thờ. Không thể cử động được nữa, tôi đứng như người bất toại, hai tay dang ra, nhìn ngắm tấn thảm kịch này của nhân loại: kiến thức loài người, tiến bộ kỹ thuật đã được dùng để hủy diệt con người.
Và rồi, tất cả họ nhìn tôi, với cặp mắt đầy lo lắng thất vọng, như thể họ đang chờ đợi một sự an ủi nào đó đến từ bàn thờ. Cảnh tượng thật hãi hùng! Vài phút sau, Đấng mà thánh Gioan Tẩy Giả đã nói: “Ở giữa anh em có một Đấng mà anh em không biết”, Đấng ấy ngự xuống bàn thờ. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự cô độc của những người không biết Chúa Giêsu Kitô như lúc ấy. Cứu Chúa của họ đang hiện diện ở đó. Đấng đã hiến mạng sống cho họ… nhưng họ lại không biết. Họ “không biết Ngài ở giữa họ” (Ga 1, 26). Lúc đó, chỉ có tôi là biết Ngài.
Tự nhiên tôi thốt lên lời nguyện cầu cho những kẻ tàn ác dã man đã ném bom nguyên tử: “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”, và cho những người nằm xoài trước mặt con đây. Họ đang đang quằn quại đau đớn. “Lạy Chúa, xin ban cho họ niềm tin để họ thấy và xin ban sức mạnh để họ có thể chịu đựng đau khổ”.
Khi nâng tấm bánh lên trước mặt những thể xác đầy thương tích và rách nát này, tôi kêu lên tự đáy lòng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, xin thương xót đoàn chiên không chủ chăn này!” (Mt 9, 36; Mc 6, 34). “Lạy Chúa, để họ tin vào Chúa, xin hãy nhớ họ cũng là những người cần nhận biết Chúa” (1 Tm 2, 4). Những dòng thác ân sủng chắc chắn đã tuôn chảy từ tấm bánh và bàn thờ.
Trong số các nạn nhân ấy, chỉ có hai người đã chết ở đó. Những người còn lại được chữa lành. Sáu tháng sau, tất cả từ giã nhà dòng chúng tôi, nhiều người trong số họ đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Tất cả họ đều nhận ra đức ái Kitô giáo. Đức ái ấy là sự thông cảm, giúp đỡ, đem lại niềm an ủi vượt trên mọi nâng đỡ con người. Đức ái thông truyền bình an, giúp cho ta có thể tươi cười trong đau khổ, và tha thứ cho những người đã gây bao đau khổ cho ta.
Những Thánh Lễ như thế là những trực giác sống động về Thánh Thể, là kinh nghiệm ghi tâm khắc cốt, giúp chúng ta hiểu được giá trị của đau khổ, sự cao cả và vẻ đẹp của hy sinh vì đức ái, điều mà không có niềm tin chúng ta không thể hoặc khó có thể hiểu được.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin cho con ngày càng đi vào con đường tình yêu của Chúa, để con có thể để cho sức sống của Ngài lớn lên trong con, và nhờ đó, con có sức để sống giữa cuộc đời đau thương này và có sức nâng đỡ biết bao anh chị em đang chịu khổ đau. Amen.
Trích từ cuốn sách Thánh Thể trong Đời Tôi của Cha Phêrô Arrupe SJ