Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa 1. 04.2017

Filled under:


BÊNH VỰC CHÚA

Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy.” (Ga 7,45-46)
Suy niệm: Trong tác phẩm “Chuyện Tử Tế”, nhà văn Trần Văn Thủy đã có một nhận xét sâu sắc như sau: trong thời chiến tranh, cảnh sống, đi lại, suy nghĩ của người nghèo là đề tài phim ảnh, phóng sự. Nhưng khi đã bình ổn, người nghèo bị biến mất trên phim ảnh, không ai nhớ tới họ, chẳng ai bênh vực họ. Chúa Giê-su từng bị dân Do Thái lãng quên như thế; thậm chí họ còn tìm cách bắt giết Ngài. Thế nhưng, vẫn còn một số người yêu chuộng sự thật, bênh vực Chúa Giê-su. Những vệ binh và ông Ni-cô-đê-mô, mỗi người một cách, lên tiếng bênh vực Chúa trước đám đông quyền lực đang tìm cách hại Chúa. Các vệ binh làm chứng: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”; ông Ni-cô-đê-mô viện dẫn luật Mô-sê: không được kết án ai mà không có chứng cứ. Dù những lời bênh vực của họ không làm thay đổi lòng dạ độc dữ của những người có quyền, nhưng họ minh chứng lòng mến Chúa và sự thật.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn lên tiếng bênh vực Chúa và Giáo Hội chưa? Có bao giờ bạn bênh vực các linh mục, các tín hữu đang đảm trách công việc trong giáo xứ của bạn chưa? Thay vì trách móc, bạn hãy bênh vực Chúa, bênh vực Hội Thánh và anh chị em tín hữu.
Sống Lời Chúa: Nói những lời khích lệ với lòng biết ơn hoặc lên tiếng bênh vực Chúa và Hội Thánh.
Cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết tôn trọng sự thật, cam đảm bênh vực Chúa và Hội Thánh, nhất là biết bênh vực những người cô thế cô thân.
 THÁNH VALÊRY TU VIỆN TRƯỞNG
(+619)
Thánh Valêry xuất thân tự một gia đình bần cố nông thuộc tỉnh Auvergnia. Vì gia cảnh nghèo túng, nên buổi thiếu thời Valêry phải đi chăn chiên đỡ cha mẹ chứ không được theo học như các trẻ em cùng tuổi. Nhưng với chí ham học, Valêry lợi dụng những thời giờ nhàn rỗi để nhờ các bạn dạy đọc và viết hầu có thể đọc và hiểu Kinh Thánh, nhất là Thánh Vịnh.
Tới tuổi trưởng thành, Valêry theo cậu vào giúp việc trong một tu viện thuộc miền Issoiria. Vì quá mến bầu không khí đạo đức và cảnh sống nơi tu viện, Valêry năn nỉ xin cha bề trên cho nhập dòng. Nhận thấy Valêry có một ơn kêu gọi đặc biệt, cha bề trên liền đồng ý. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, Valêry được mặc áo dòng và đời sống tu trì của thầy đã đáng làm tấm gương sáng ngời cho các bạn dòng. Nhưng thầy Valêry hằng nuôi chí tiến thủ là tiến cao mãi trên đường trọn lành. Không bao lâu sau người ta đều biết thầy là người nhân đức, và ai nấy đều mong muốn được tiếp xúc để thầy truyền thông lửa mến Chúa cho. Lần kia một lãnh chúa quyền thế quý danh là Bobon đến xin đàm đạo với thầy Valêry. Sau cuộc đàm đạo thân mật, lãnh chúa nhất quyết từ giã trần tục để được sống theo gương mẫu của thầy Valêry. Hai thầy trò xin phép bề trên đến tu tại tu viện của Côlômbanô. Tại đây thầy Valêry được cử vào ban canh tác. Và đó cũng là lúc Thiên Chúa muốn biểu dương lòng khiêm tốn và tinh thần đức tin của người con hiếu thảo. Năm đó, đồng ruộng và vườn tược của tu viện bị sâu bọ cắn phá tàn rụi. Nhưng lạ thay chỉ riêng phần đất thầy Valêry canh tác vẫn giữ được vẻ tươi tốt khác thường và không thấy bóng một con sâu nào. Vì lòng khiêm tốn thầy Valêry chỉ nghĩ rằng đó là nhờ công đức của cả tu viện, chứ không phải do công lao của thầy. Nhưng cha bề trên lại nghĩ khác: ngài cho việc lạ lùng đó là do đức của thầy Valêry; thấy thế ngài liền cho Valêry khấn trọn đời.
Người ta không rõ thầy Valêry sống dưới quyền hướng dẫn khôn ngoan của tu viện trưởng Côlômbanô trong bao lâu; chỉ biết rằng thầy còn ở lại Luyxơi (Luxeuil) cho tới ngày vị tu viện trưởng khả kính của thầy phải đi lưu đầy ở một hoang đảo xa xôi. Người ta kể lại rằng khi cha con chia tay, thầy Valêry khóc lóc đòi đi theo tu viện trưởng Côlômbanô nhưng, vì lệnh vua không cho và vì vâng lời tu viện trưởng, thầy đành ngậm ngùi ở lại!
Cha Eustariô được chọn làm bề trên thay thế Côlômbanô. Ngài cử hai thầy Valêry và Vanđôlianô đi truyền giáo ở một miền hẻo lánh xa xôi. Nhưng chẳng may chiến tranh bùng nổ làm gián đoạn chương trình truyền giáo của hai người. Tu viện lúc đó cũng phải trải qua những ngày đen tối; giặc giã nổi lên cướp phá tứ bề, nhưng nhờ tài ngoại giao và lòng quả cảm của thầy Valêry, nhà dòng nhiều lần đã được thoát nạn.
Chiến tranh qua, cha tu viện trưởng Eustariô có việc phải đi công cán nơi xa, ngài đã giao quyền điều khiển tu viện cho thầy Valêry; lúc này thầy đã tỏ ra lành nghề trong việc dẫn dắt tu viện. Cho đến khi cha tu viện trưởng Eustariô trở về thầy mới lại có thể bắt đầu công cuộc truyền giáo đã dự tính. Hai thầy đi khắp nước, từ tỉnh này tới tỉnh khác để rao giảng lời Chúa và nhất là đem các chiên lạc về đàn. Được vua Clotaciô cho phép, hai thầy cư trú tại miền Nêutri (Neustrie) rồi tiến thẳng về Amien. Vừa đặt chân tới Gamarca hai chiến sĩ truyền giáo được tin vị lãnh chúa địa phương vừa lên án tử hình một phạm nhân, và người ta đang sửa soạn điệu hắn đi xử. Thầy Valêry vội chạy tới pháp trường, nhưng đã muộn vì phạm nhân vừa bị giết xong. Dầu vậy thầy vẫn điềm nhiên tiến đến đặt tay trên tử thi của người mệnh bạc. Lý hình tìm cách ngăn cản, nhưng thầy cứ bình tĩnh cắt giây thừng buộc cổ phạm nhân rồi ôm xác chết trong tay, thầy cầu nguyện sốt sắng. Mọi người chăm chú nhìn từng cử chỉ nhỏ nhặt của thầy. Và kìa lạ thay, tử thi dần dần cử động và đứng dậy đi lại như thường. Mọi người đều bỡ ngỡ kinh hoàng. Tuy nhiên lãnh chúa Sigôbarđô vẫn nhất quyết không trả lại tự do cho tên tử tù; ông còn truyền thắt cổ hắn lần thứ hai. Thầy Valêry phản đối vị lãnh chúa khát máu đó bằng những lời lẽ từ tốn: "Thưa ngài, chính ngài đã tuyên án tử hình phạm nhân và theo lệnh ngài hắn đã chết rồi. Vậy nếu như tên tử tù đây sống lại được là nhờ ở quyền phép và lòng từ bi vô bờ bến của Thiên Chúa. Thế nên ngài không thể giết hắn một lần nữa; nếu ngài định giết hắn thì xin hãy giết cả tôi nữa. Nếu ngài không nghe theo đề nghị của tôi, thì xin ngài nhớ cho rằng Thiên Chúa nhân từ không bao giờ từ chối những ai kêu cầu danh Người. Người sẽ hộ giúp chúng tôi vì chúng tôi chiến đấu cho luật pháp của Người". Lãnh chúa Sigôbarđô suy nghĩ một lát rồi truyền lệnh trả tự do cho tên tử tù.
Hai chiến sĩ Phúc âm còn tiếp tục lên đường truyền giáo. Đi đến đâu hai người cũng được dân chúng tiếp đón nồng hậu. Đặc biệt có bà Bertilla sẵn lòng giúp đỡ hai thầy trong mọi sự. Bà đã xin thầy Valêry cho bà được hân hạnh chôn xác thầy nếu như chẳng may thầy chết trước bà. Thầy Valêry chỉ trả lời: "Mọi sự đều tuỳ thuộc ở Thiên Chúa, tôi hoàn toàn phó thác nơi Người; tôi chỉ biết tuân theo thánh ý chúa và nguyện làm mọi sự vì vinh danh Người". Hai thầy Vanđôlianô và Valêry tìm nơi thanh vắng để dễ sống đời suy niệm. Đức Giám mục địa phận Amien đã cho hai thầy một khu đất tại Lêucônô để lập tu viện. Nhiều thanh niên trong vùng cảm mến nhân đức thầy đã tới xin thụ huấn. Thầy Valêry đã mở rộng cửa và niềm nở tiếp đón những tâm hồn đầy thiện chí ấy. Cộng đồng Leucônô dần dà biến thành một tu viện với những quy luật riêng.
Bề trên Valêry muốn biến tu viện của ngài thành một nơi tịch liêu hoàn toàn. Chính ngài đã sống trong một phòng riêng biệt để suy niệm.
Nhưng trong nơi thanh vắng đó, Chúa đã làm nhiều phép lạ để làm sáng tỏ đời sống thánh thiện của thánh nhân. Một lần kia có người bị bệnh tê liệt tới xin thánh Valêry cầu nguyện và ông đã được lành bệnh tức khắc. Để đền ơn thánh nhân, ông đã xin gia nhập dòng và đến sau được bầu làm phó giám đốc tu viện.
Lần khác, một bệnh nhân kia tới xin ngài chữa bệnh. Sau khi làm dấu thánh giá trên mình bệnh nhân, ngài nói với ông: "Ông cứ việc trở về nhà, nhưng đừng uống thuốc men chi cả, ngay đến chén thuốc mà vợ ông đang sắc cho ông cũng vậy. Nếu ông tuân theo lời tôi, ông sẽ được khỏi bệnh, nhưng ông sẽ phải mang một dấu hiệu khác để ghi nhớ phép lạ đó". Với một lòng tin tưởng mạnh mẽ, khi trở về nhà bệnh nhân đó nhất định không uống một hớp thuốc nào, ngay cả thang thuốc vợ ông đang sắc cho ông. Ông đã được khỏi bệnh thật. Nhưng để ghi nhớ phép lạ đặc biệt đó, ông đã bị chột mất một mắt!
Với lòng nhiệt thành khác thường thánh Valêry cố gắng tẩy trừ những mê tín và lầm lạc của quần chúng. Ngày kia thánh nhân đã chặt một cây sồi to lớn mà dân chúng tin rằng có thần thánh ngự trị ở đó, nên đã lập bàn thờ cúng vái. Đám lương dân dữ tợn túm lại định giết ngài. Nhưng khi nghe tiếng thánh nhân nói oai nghiêm như có sức thôi miên, bọn người hung dữ run lên sợ sệt. Thừa cơ hội đó thánh nhân khuyên họ trở lại. Cuối cùng tâm hồn họ đã mở ra để đón nhận Tin mừng Phúc âm.
Đôi lần thánh nhân phải đương đầu với bọn người cứng cỏi muốn phá rối công cuộc truyền giáo của ngài. Một chiều kia thánh nhân đi từ Caldisa về tu viện. Ngài phải rẽ vào một làng xin ngủ một đêm vì trời đã gần tối, thêm vào đó cảnh chiều đông lạnh lẽo, tuyết rơi đầy đường... Rủi thay! Thánh nhân chỉ nhận được những lời nguyền rủa chua cay.
Ngài quở trách họ nặng lời, nhưng vẫn không ai coi sao, họ lại còn chửi bới nhiều lời thậm tệ hơn nữa. Cuối cùng ngài phải nghiêm nghị nói với họ: "Các bạn thân mến, các bạn chửi mắng tôi quá, buộc lòng tôi không cần dến sự giúp đỡ của các bạn nữa". Nói rồi ngài giũ giầy và đi thẳng. Chúa công thẳng liền ra tay phạt nhãn tiền hai người đàn anh trong họ, một người bị mù, còn một người mắc phải chứng bệnh nan trị. Nhận thấy tay công thẳng Chúa đã tỏ ra trong công việc này, họ hối hận mời thánh nhân trở lại, nhưng ngài đã quay gót đi xa.
Trong suốt cuộc đời truyền giáo, thánh Valêry đã phải trải qua nhiều khó khăn như thế. Nhưng cũng chính trong những khó khăn ấy, ngài đã để lộ những đức tính cao quý của một bậc thánh. Ngài lăn lộn suốt ngày đêm để rao giảng tin mừng Phúc âm. Có những lúc nhọc nhằn khó chịu, nhưng trên khuôn mặt ngài lúc nào cũng lộ vẻ vui tươi hiền hòa.
Ngài tiếp đãi mọi người với tình âu yếm như cha với con. Những người nghèo khổ được cha thương yêu săn sóc cách riêng. Với những ai vì yếu đuối mà lỗi luật ngài cư xử khoan hồng khiến người có lỗi cảm động và sửa mình…
Sau sáu năm vất vả làm việc truyền giáo và trông coi tu viện, ngày kia thánh Valêry linh cảm thấy giờ phút chấm dứt cuộc đời chạy đua ở trần gian đã gần tới. Sáng chủ nhật hôm đó, ngài trở về tu viện và đi thẳng tới chỗ vẫn quen lui tới cầu nguyện. Nơi đó sau này người ta đã xây cất một nhà nguyện mệnh danh là nguyện đường thánh Valêry.
Sau giây phút cầu nguyện sốt sắng, thánh nhân nói với đoàn môn đệ đang đứng vây quanh: "Xin anh em hãy chôn xác tôi ở đây". Môn đệ hiểu ngay ngày từ biệt cõi trần của ngài đã gần tới. Quả thế, ít lâu sau thánh nhân đã êm ái tắt nghỉ ngày 01 tháng 04 năm 619. Các môn đệ đã trung thành với lời ngài xin và táng xác ngài tại chính nơi ngài đã chỉ. Để ghi nhớ công ơn và sự nghiệp của thánh nhân, sau này môn đệ và dân chúng địa phương lại khởi công xây cất một nguyện đường ngay trên chính nơi ngài đã an nghỉ.


Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà
Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.
Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: "Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật".
Dương Phủ hỏi vặn lại: "Phật ở đâủ". Vị lão tăng giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy".
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùạ
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình... Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn... Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giusẹ
Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ vàcách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.
Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài.... Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúạ