Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 14. 04.2017

Filled under:


CHÚNG TA LÀ NHỮNG KẺ CÓ TỘI

Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất”.  Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.”(Ga 19,30)
Suy niệm: Chúa Giê-su đến trần gian trong thân phận con người là để làm theo Ý Chúa Cha: “Này Con xin đến để thực thi Ý Chúa.” Ngài đã vâng phục Thánh Ý đến cùng qua cái chết trên thập giá. Từ A-đam đến con người cuối cùng trong ngày tận thế, mọi người đã phạm tội, và vì thế sự chết thống trị. Nay nhờ cái chết của Con Thiên Chúa, món nợ sự chết đó được thanh toán trọn vẹn và mọi người nhờ tin vào Ngài mà được ơn sự sống: “Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta”(Rm 5,21).
Mời Bạn: Qua cái chết và phục sinh của Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta hồng ân cứu độ. Nhưng chỉ khi chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và cầu xin ơn tha thứ, chúng ta mới đón nhận được hồng ân đó. Trong phần sám hối của Thánh lễ, chúng ta đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi. Bạn có làm điều đó với nhận thức tội lỗi của mình và tâm tình ăn năn đích thực không?
Chia sẻ: Chúng ta nại đến “đức tin của Hội Thánh” để xin Chúa tha tội cho chúng ta như lời nguyện sau kinh Lạy Cha trong thánh lễ: “Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa….” Bạn hiểu thế nào về lời cầu xin này?
Sống Lời Chúa: Khi tham dự Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, tôi xin ơn nhận ra sự nặng nề và độc hại của tội lỗi để xin ơn tha thứ và hoán cải đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi. (đọc 3 lần)

THÁNH HÊMÊNÊGILĐÊ, TỬ ĐẠO
(+ 584)
Đọc Phúc âm, người ta thấy bỡ ngỡ vì câu nói nẩy lửa của Chúa: "Ta đến để đem gươm kiếm chia rẽ cha con, mẹ chồng nàng dâu; mẹ con…", và câu khác: "kẻ nào yêu gia đình hơn Ta, thì không đáng làm môn đệ Ta". Thực vậy, Chúa Kitô và lý thuyết của Người là đạo công giáo đã xuất hiện và gây mâu thuẫn giữa những người tin nhận và những người phế bỏ Chúa cũng như lý thuyết của Người. Sự mâu thuẫn và sự chia rẽ đến tàn sát, có thể xảy ra ngay ở trong gia đình, giữa cha và con, như ta sẽ thấy trong trường hợp thánh Hêmênêgilđê dưới đây. Nhưng phúc cho ai biết đặt tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự và trung thành với Người, vì phần thưởng Chúa dành cho người ấy sẽ rất bội hậụ  Hoàng đế Lêvigilđê nước Tây Ban Nha sinh hạ được hai hoàng tử: Hêmênêgilđêâ là trưởng nam và Têcaređê là em, người sau này sẽ thay anh lên kế nghiệp cha trên ngai vàng. Cả hai anh em đã sinh trưởng trong bầu không khí lạc giáo Ariô, vì vua cha là người theo lạc giáo đó.
Nhưng ơn Chúa tác động rất mãnh liệt đã biến Hêmênêgilđêâ từ con người lầm lạc trở thành con chiên hiền tư, và rồi thành một chiến sĩ can trường đã chết để tuyên xưng đức tin công giáo. Vừa tới tuổi trưởng thành, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và được sự chỉ dẫn khôn ngoan của Đức Tổng Giám mục thành Sêvilla, Hêmênêgilđêâ cương quyết từ bỏ lạc giáo Ariô để gia nhập Giáo hội công giáo, hết mọi người công giáo Tây Ban Nha đều hoan hỷ sung sướng. Họ hy vọng Giáo hội Tây Ban Nha thoát khỏi sự tàn bạo của lạc giáo Ariô và nhất là tránh khỏi cuộc bách hại ghê gớm mà vua Lêvigilđê đang lăm le đổ trên đầu những người công giáo.
Nhưng rồi niềm hy vọng ấy đã biến thành mây khói. Cuộc trở lại của Hoàng tử đã gặp phải một trở lực lớn lao. Trái với điều tiên đoán của mọi người, cuộc trở lại trên đây đã cắt đứt tình phụ tử và mối giây giao hòa giữa hai cha con. Thế là, một cuộc nội chiến bắt đầu khai diễn. Cuộc chiến đấu càng trở nên gắt gao dữ dội, một phần vì vua Lêvigilđê quá sùng mộ lạc giáo Ariô, một phần vì vua sợ Hêmênêgilđêâ sẽ lợi dụng cơ hội để truất phế mình chăng? Hoàng tử Hêmênêgilđêâ hoàn toàn tin cậy vào Chúa quan phòng, tin cậy ở sức mạnh chân lý công giáo, sẵn sàng bênh vực đức tin cho tới giọt máu cuối cùng. Hoàng tử đã gửi tối hậu thư cho vua cha với những lời lẽ từ tốn và tha thiết: "Thưa cha, có phải cha quá nóng giận vì con đã thay đổi tôn giáo một cách đột ngột mà không hỏi ý kiến cha? Nhưng con thành thực xin cha thứ tha cho con, vì con trộm nghĩ: con có quyền và có bổn phận tìm kiếm phần rỗi của con trước mọi sự mà không cần đến sự đồng ý của Cha. Con không yêu quý mạng sống mình hơn chân lý. Con sẵn sàng đổ máu và hiến cả mạng sống con vì chân lý. Lạy cha, con xin thú thật với cha, là con không thể tuân theo ý cha hơn tuân theo giới luật Thiên Chúa và chính lương tâm của con".
Thế rồi chiến tranh đã xảy ra gieo bao tang tóc cho toàn dân. Chiến tranh dữ dội, kéo dài mãi không phân thắng bại. Nhưng sau vì thương dân chúng quá khổ cực trước cảnh nồi da xáo thịt, Hoàng tử Hêmênêgilđêâ vui lòng đầu hàng vua cha. Ngài bị xiềng xích và bị dẫn về trại giam ở Sêvilla.
Bị giam cầm trong ngục thất tối tăm, nhưng Hêmênêgilđêâ vẫn vui vẻ sung sướng, luôn miệng ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Vị tử đạo tương lai không đếm xỉa chi đến vinh hoa phú quý của ngai vàng trần thế, ngài chỉ nuôi một ước vọng độc nhất là chiếm hữu được triều thiên vinh hiển nước trời. Bị gông cùm, tra tấn, bị giam trong ngục thất nhỏ hẹp, bẩn thỉu, tối tăm, chưa lấy làm đủ, ngài còn muốn chịu khổ cực hơn nữa, bằng cách mặc áo nhặm và đánh tội hãm xác rất quyết liệt. Ngài cầu nguyện liên miên để xin được ơn trung thành và ơn khinh chê của cải, vinh quang trần thế mau qua.
Trong thời gian Hêmênêgilđêâ sống trong ngục thất, vua cha tìm hết cách dụ dỗ, nhưng không sao làm lay chuyển nổi tấm lòng sắt đá của người con yêu quý. Hôm đó nhằm Lễ Phục sinh, vua cha hy vọng sẽ đánh lừa được con. Giữa đêm thinh lặng và tối như mực, vua cha sai một giám mục lạc giáo Ariô đưa Mình Thánh đến cho Hêmênêgilđêâ rước. Ngài từ chối không chịu Mình Thánh do tay giám mục lạc giáo, và còn mắng trách giám mục lạc giáo rất thậm tệ. Giám mục lạc giáo ra về tâu trình mọi sự với vua cha. Nghe biết sự thể, vua cha nổi cơn lôi đình, lập tức truyền lính gác vào ngục giết ngay người con quý yêu của ông, chỉ vì tội đã không vâng lời vua cha mà từ bỏ đức tin công giáo. Lý hình rầm rộ kéo vào ngục dùng búa đập vào đầu vị tử đạo cho tới chết, vì chính đầu đó đã từ khước không chịu nhận triều thiên vua trần thế. Nhưng Chúa đã tôn vinh tôi trung của Người bằng một triều thiên vinh hiển. Nhiều phép lạ xẩy ra để minh chứng vinh quang chính thật mà vị tử đạo đã nhận được trên thiên quốc. Ngay sau khi Hoàng tử bị hành hình, giữa đêm khuya im lặng, trổi lên một điệu nhạc du dương khôn tả của ca đoàn thiên quốc. Ánh sáng tưng bừng chói loà đã đánh tan bóng tối dầy đặc của ngục thất tối tăm chật hẹp. Vì quá xúc động trước những hiện tượng kỳ lạ kèm theo cái chết thê thảm của người con yêu quý, phụ vương sát nhân đã thành thực sám hối tội lỗi tầy đình. Nhưng vì còn sợ dư luận dân chúng, nhà vua đợi tới khi nằm hấp hối trên giường bệnh mới dám công khai tuyên xưng đức tin công giáo. Vua cho mời thánh Lêanđê, Tổng Giám mục thành Sêvilla tới và công khai giao người con thứ là Rêcarêđê cho ngài. Đồng thời nhà vua khẩn khoản xin đức Tổng Giám mục khuyên bảo Rêcarêđê từ bỏ lạc giáo để sớm được trở về với đức tin công giáo. Sau lời di chúc cuối cùng trên đây vua tắt thở.
Khi đọc truyện thánh nhân tới đây, thánh Grêgôriô bình luận thêm: "Nếu như không có cái chết anh hùng của vị thánh tử đạo Hêmênêgilđê, thì liệu có thể có cuộc trở lại của cha con vua Lêvigilđê và toàn dân Tây Ban Nha về với đức tin công giáo không? Thực thế, nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không mục thối, nó sẽ trơ trơ một mình, nhưng trái lại nếu có hư thối, nó mới sinh nhiều hoa trái. Hoàng tử Hêmênêgilđê đã chết để mang lại sự sống cho toàn dân, cũng như hạt lúa quý đã rơi xuống đất và do đó đã trổ sinh mùa màng dồi dào là các linh hồn."
Thánh Hêmênêgilđêâ được phúc tử đạo ngày 13-04-584. Qua mười thế kỷ sau, tức năm 1586, thể theo lời yêu cầu của vua Philipê II, Đức Giáo Hoàng ra một thông điệp, truyền mừng lễ thánh Hêmênêgilđêâ vào ngày 13-04 trên khắp thế giới và đặc biệt trong nước Tây Ban Nha. Xác thánh nhân được an táng tại đại giáo đường thánh Lôrensô (Saint Laurent).
Chúng ta hãy noi gương thánh Hêmênêgilđêâ mà thà chết còn hơn chối bỏ chân lý; và quyết đặt tình yêu Chúa trên mọi vinh quang trần thế, vì có lời Chúa phán: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì".



Chiếc Tàu Vĩ Ðại

10 giờ đêmngày 14 tháng 4 năm 1912, chiếc tàu du lịch mang tên Titanic của Anh Quốc đã đâm phải một tảng băng giữa khơi Ðại Tây Dương. Bốn giờ đồng hồ sau, cả chiếc tàu, thủy thủ đoàn và nhiều hành khách đã bị chôn vùi giữa lòng đại dương...
Cuộc đắm tàu thảm thương ấy đã là nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu tác phẩm văn chương. Những người sống sót đã thuật lại sự can đảm phi thường của viên thuyền trưởng, các sĩ quan và thủy thủ đoàn. Họ kể lại rằng nhiều người vợ đã khước từ sự cứu vớt để ở lại và cùng chết với chồng.
Giữa bao nhiêu gương hy sinh vĩ đại ấy, những người sống sót còn kể lại một câu chuyện vì xem ra người ta chỉ muốn biết vì óc tò mò hơn là vì thán phục. Ðó là câu chuyện của một người đàn bà sau khi đã được đưa lên boong tàu để chuẩn bị được cứu vớt, đã xin được trở lại phòng ngủ lần cuối cùng để thu nhặt một ít đồ vật quý giá. Người ta chỉ cho bà đúng ba phút để làm công việc đó.
Người đàn bà vội vã chạy về phòng ngủ của mình. Dọc theo hành lang, bà thấy ngổn ngang không biết bao nhiêu là nữ trang và đồ vật quý giá. Khi đến phòng ngủ của bà, người đàn bà đưa mắt nhìn các thứ nữ trang và báu vật, nhưng cuối cùng bà chỉ nhặt đúng ba quả cam và chạy lên boong tàụ
Trước đó vài tiếng đồng hồ, giữa các đồ vật trong phòng, có lẽ người đàn bà không bao giờ chú ý đến ba quả cam. Nhưng trong giây phút nguy ngập nhất của cuộc sống, thì giá trị của sự vật bỗng bị đảo lộn: ba quả cam trở thành quý giá hơn cả tấn vàng và kim cương, hột xoàn.
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để đánh giá sự vật và các biến cố trong tương quan với sự sống vĩnh cửu. Chúng ta được mời gọi để nhìn vào sự vật bằng chính ánh sáng vĩnh cửu. Ðó là cách thế duy nhất để chúng ta tìm ra được ý nghĩa và giá trị đích thực của sự vật.
Thánh Matthêô và Luca có ghi lại một mẩu chuyện nho nhỏ cho thấy cái nhìn của chính Thiên Chúa: Ngày nọ, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ. Người quan sát những người đến trước hòm tiền để bố thí. Ða số là những người giàu có. Chợt có một quả phụ nghèo nàn cũng tiến đến bên hòm tiền. Bà chỉ bỏ vỏn vẹn có vài xu nhỏ... Vậy mà Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng bà ta là người dâng cúng nhiều hơn cả, bởi vì đa số đều có của dư thừa, còn người đàn bà này cho chính những gì mình cần để nuôi sống.
Cái nhìn của Thiên Chúa không bỏ sót bất cứ một hành động nhỏ nhặt nào của con người. Và trong cái nhìn ấy, đôi khi chính những hành động nhỏ bé của cuộc sống ngày qua ngày, chính những nghĩa cử vô danh lại bừng sáng lên và mang một giá trị đặc biệt.
Cái nhìn của Thiên Chúa phải chăng không phải là một nguồn an ủi lớn lao cho chúng ta là những người đang âm thầm sống đức tin giữa không biết bao nhiêu thử thách và giới hạn? Ước gì cái nhìn ấy giúp chúng ta kiên trì trong những công việc vô danh mà chúng ta phải thi hành mỗi ngày và củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào những thực tại vĩnh cửụ