Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29/4/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 6: 16-21)

Chiều đến, các môn đệ của Chúa Giêsu xuống bờ biển, rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong nổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hoặc ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: “Chính thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.

SUY NIỆM 1

Khi Thánh sử Gioan tường thuật việc các tông đồ phải vất vả chống chọi với cơn bão bất ngờ trên biển hồ Galilê, ngài mô tả hoàn cảnh lúc bấy giờ là “đêm tối.” Bóng tối ở đây không chỉ là không gian của buổi chiều giông bão, mà còn là bóng đêm của tâm hồn mù tối. Mặc dù các môn đệ là những ngư phủ đầy kinh nghiệm, nhưng các ông đã hoảng sợ, thậm chí còn không thể nhận ra được Thầy của mình. Sự hiện diện và lời của Chúa Giêsu đã thật sự trấn an các môn đệ: “Thầy đây mà, đừng sợ!”

Thiên Chúa luôn quan phòng và dõi theo cuộc đời mỗi người chúng ta, đặc biệt khi chúng ta đối diện với những khó khăn, thử thách. Giữa đêm đen giông tố của cuộc đời, chúng ta hãy nhớ lại lời cam kết của Chúa Giêsu: đừng sợ những hãy vững tin vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Câu hỏi được đặt ra là: khi những gian truân, hiểm hoạ ập đến, liệu chúng ta có còn giữ vững niềm tin và trọn niềm trông cậy vào quyền năng và tình yêu của Chúa hay không?

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống chúng con không ít lần bị nhấn chìm bởi nỗi lo sợ và tuyệt vọng trước những gian truân, thử thách của cuộc đời. Xin gia tăng niềm tin và củng cố lòng trông cậy để chúng con luôn nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong mọi biến cố trên đường đời. Amen

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường



SUY NIỆM 2
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm kể lại biến cố Đức Giê-su vượt qua Biển Hồ đầy sóng gió, không phải bằng một phương tiện, chẳng hạn như chiếc thuyền, chiếc ghe, hoặc bằng cái phao hay miếng ván cứu nạn, nhưng bằng chính đôi chân của mình, bằng chính sức mạnh của mình, bằng chính ngôi vị của mình.
Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Đức Giê-su đi trên mặt biển động trong tương quan với phép lạ bánh hóa nhiều (x. Ga 6, 1-15 ; bài Tin Mừng hôm qua) và mặc khải của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống (x. Ga 6, 22-58 ; bài những bài Tin Mừng của tuần tới). Bởi vì, biến cố này được thánh sử Gio-an kể lại thật ngắn gọn, nhưng lại đụng chạm đến thân phận của loài người và lòng ước ao của loài người chúng ta.
* * *
Trình thuật bánh hóa nhiều, nói về sự sống của chúng ta, về cuộc đời của chúng ta, một sự sống và một cuộc đời, dù có như thế nào, vẫn được nuôi dưỡng bằng ơn huệ Thiên Chúa ban dư tràn, bởi ơn huệ « bánh hằng ngày », ngang qua rất nhiều trung gian, ngang qua rất nhiều người. Chúng ta được mời gọi nghiệm ra được điều này và để cho mình được đánh động và để có lòng ước ao sống tâm tình biết ơn, đó là chúng ta không thể tự ban cho mình sự sống, sự sống dù ở mức độ căn bản nhất là lương thực, luôn luôn là ơn huệ ; như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả :
Chúa ban bánh cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
(Tv 136, 25)
Nhưng sự sống này, cuộc đời này không thể kéo dài mãi ; vào một ngày nào đó, buổi chiều của cuộc đời sẽ đến và chúng ta sẽ phải băng qua điều ngược hẳn với sự sống, đó là sự chết, nơi đó mọi sự đều tan biến, nơi đó chúng ta đánh mất tất cả trong chốc lát, giống như trường hợp của các môn đệ, được bài Tin Mừng hôm nay kể lại :
Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ… Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông… Biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số !
(c. 16-19)
Chiều rồi tối, bóng đêm ập xuống, không thấy Chúa đâu, con thuyền nhỏ bé của từng người hay của cả nhóm lạc lõng giữa lòng biển khơi hung dữ sẵn sàng nuốt trửng và chắc chắn sẽ nuốt trửng. Vì Đức Giê-su sẽ để cho con thuyền của các môn đệ, của chúng ta đi rất xa, rất xa đến tận cùng ; và chỉ sau đó, Ngài mới đến. Giống như trong cuộc Thương Khó, Ngài để cho Sự Dữ và Sự Chết đi đến cùng, để chúng ta trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh tận cùng, chúng ta nghe được lời nói sống động của Ngài ngay trong bóng đêm, ngay trong sự chết.
Thầy đây mà, đừng sợ !
Có lẽ chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm tương tự như thế : phải ở tận cùng của khó khăn và thử thách, Chúa mới đến và đến cách lạ lùng để cứu giúp và mở đường cho chúng ta đi ; và sau này, Chúa sẽ cứ để chúng ta chết đi, nghĩa là chúng ta phải đi vào trong bóng đêm của biển cả sự chết ; và chỉ sau đó, Chúa Phục Sinh, là Đấng chiến thắng sự chết, mới đến đón chúng ta ở bờ bên kia của sự chết, như bài Tin Mừng thuật lại và mời gọi chúng ta hiểu ở mức độ tận căn :
Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.
(c. 21)
* * *
Ở giữa lòng thử thách, Đức Giê-su đến cứu giúp, nhưng các môn đệ lại hốt hoảng ; và theo thánh Mác-cô, lí do là vì : « các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều, lòng trí các ông còn ngu muội » (Mc 6, 52). Lý do được nêu ra ở đây thật là lạ : phép lạ bánh hóa nhiều, vừa được Đức Giê-su thực hiện có liên quan gì đến thử thách các môn đệ vừa trải qua ?
Câu hỏi này thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Thực vậy, nếu các môn đệ và cả chúng ta hôm nay nữa, hiểu và tin vào quyền năng của Chúa, Đấng có thể làm cho chúng ta no đầy trong cơn đói khát, Đấng đã đưa chúng ta từ hư vô vào trong sự sống, Đấng hi sinh chính sự sống của mình vì chúng ta, Đấng vẫn nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày bằng Lời và Mình của Ngài, thì sẽ không hốt hoảng sợ hãi và dễ dàng nhận ra Chúa vượt qua tất cả để đến gặp gỡ chúng ta ngay trong bóng tối của thử thách, của Sự Dữ, của tội lỗi và của chính sự chết.
Và để cho chúng ta không sợ hãi và hoàn toàn tín thác, ngay hôm nay, Ngài đã ban cho chúng ta Bánh Hằng Sống rồi, trong Thánh Lễ chúng ta đang cửa hành :
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây,
để cho thế gian được sống.
(Ga 6, 51)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc